Kiên quyết khoá thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin sau 31/3

Thứ Năm, 30/03/2023, 10:36

Ngày 31/3 là hạn cuối cùng để khách hàng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, nếu sau thời điểm này, khách hàng chưa chuẩn hóa sẽ bị khóa điện thoại chiều gọi đi. Tuy vậy, tính đến thời điểm này, vẫn còn hơn 2 triệu thuê bao chưa chuẩn hoá thông tin. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khẳng định, các cơ quan chức năng sẽ không lùi thời hạn chuẩn hóa thuê bao nên khách hàng có thông tin chưa chuẩn xác cần sớm chuẩn hoá để đảm bảo quyền lợi của mình.

Nhiều khách hàng “nước đến chân mới nhảy”

Ngày 29/3, ghi nhận tại nhiều điểm giao dịch của các nhà mạng trên địa bàn Hà Nội cho thấy, rất đông khách hàng đến để làm thủ tục chuẩn hóa thông tin thuê bao trước thời hạn chót là ngày 31/3.

55aa24ff-d5ac-414d-bc6c-99def3322fda.jpeg -0
Người dân cần sớm thực hiện việc chuẩn hóa thông tin thuê bao trước ngày 31/3.

Nhân viên tại cửa hàng của VinaPhone trên phố Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai cho biết: Số lượng khách hàng đến chuẩn hoá thông tin thuê bao tăng mạnh vào những ngày cuối tháng 3, đặc biệt là vào khoảng 3 ngày gần đây. Điều này xuất phát từ việc nhiều người dân vẫn có tâm lý “nước đến chân mới nhảy” nên có hiện tượng tập trung nhiều vào những ngày cuối, sát với hạn chót là 31/3. Tương tự, theo nhân viên tại một cửa hàng giao dịch của nhà mạng Viettel trên đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, số người dân đến thực hiện việc chuẩn hoá thông tin thuê bao vào những ngày cuối tháng 3 cũng tăng mạnh, gấp 3-4 lần so với trước đó.

Chị Nguyễn Thuỳ Dung ở Giáp Bát (Hoàng Mai) chia sẻ: “Dù không nhận được thông báo của nhà mạng VinaPhone về việc phải chuẩn hoá thông tin thuê bao nhưng sau khi chủ động nhắn tin đến Tổng đài 1414 để kiểm tra, thấy thuê bao của mình mang tên và thông tin của chồng tôi nên tôi liền ra cửa hàng để đăng ký lại thông tin thuê bao.

Đồng thời, tôi cũng nhắn chồng tôi ra điểm giao dịch của nhà mạng Viettel để chuẩn hoá thông tin. Chuyện là cách đây vài năm, hai vợ chồng tôi có hoán đổi thông tin cho nhau. Tức SIM của chồng tôi mang tên tôi, còn SIM của tôi lại mang tên chồng tôi. Tuy nhiên, do yêu cầu hiện nay đòi hỏi thông tin thuê bao phải chính chủ nên cả 2 vợ chồng tôi đều phải ra đăng ký lại để đảm bảo quyền lợi”.

Cũng giống như chị Dung, anh Lê Hải Hà ở Tân Mai (Hoàng Mai) cũng được nhân viên của nhà mạng hướng dẫn các thủ tục để đăng ký chính chủ thuê bao số điện thoại vì trước đây anh mua SIM đã đăng ký sẵn thông tin thuê bao mà không để ý. Tương tự, một số người dân có CMND gắn chip mới cũng đến cập nhật thông tin, điều chỉnh từ CMND 9 số sang 12 số để đảm bảo tương thích khi rà soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để tránh tình trạng quá tải và người dân phải chờ đợi lâu khi trực tiếp đến cửa hàng chuẩn hoá thông tin thuê bao, đại diện các nhà mạng VinaPhone, MibiFone và Viettel đều cho biết, không chỉ đến trực tiếp tại các phòng giao dịch, các khách hàng hoàn toàn có thể tiếp cận việc chuẩn hoá thông tin bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ thông qua ứng dụng điện thoại thông minh hay các trang web của các nhà mạng hay gọi tổng đài tư vấn để có được phương án tối ưu nhất.

Sẽ đình chỉ phát triển thuê bao mới đối với doanh nghiệp vi phạm

Theo số liệu từ Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, tính đến hết ngày 28/3, đã có hơn 1,8 triệu thuê bao thực hiện chuẩn hóa lại thông tin cá nhân. Như vậy, đã có 46,89% số thuê bao thuộc diện phải chuẩn hóa thông tin cá nhân đã thực hiện việc chuẩn hóa. Điều này đồng nghĩa với việc vẫn còn khoảng hơn 2 triệu thuê bao chưa thực hiện chuẩn hoá thông tin theo quy định. Và số thuê bao này nằm trong diện có nguy cơ bị khóa thuê bao nếu không đăng ký lại thông tin cá nhân.

Bởi theo quy định của Bộ TT&TT, sau 31/3, các nhà mạng sẽ bắt đầu khóa chiều gọi đi đối với những thuê bao có thông tin không trùng khớp với thông tin đối soát Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Và sau 60 ngày, nếu thuê bao không tiếp tục thực hiện việc chuẩn hóa thông tin theo quy định sẽ bị khóa 2 chiều và thu hồi SIM.

Trước tình trạng vẫn còn một số lượng lớn thuê bao chưa chuẩn hóa, một số nhà mạng mong muốn lùi thời hạn khóa thuê bao theo quy định là ngày 31/3 để người dân có thêm thời gian thực hiện. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long khẳng định: Bộ TT&TT kiên quyết thực hiện nghiêm túc thời gian khóa thuê bao theo kế hoạch đã đề ra. Sau ngày 31/3, các nhà mạng tiếp tục chuẩn hóa thông tin cho các thuê bao đã bị khóa chiều gọi đi. “Nếu lùi thời hạn thực hiện sẽ làm cho nhiều thuê bao trì hoãn trong việc thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao”, ông Long nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cũng cho biết: Cục Viễn thông sẽ phối hợp với các Sở TT&TT tổ chức giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các doanh nghiệp. Đặc biệt với việc phát triển thuê bao mới, sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT xử lý nghiêm, bao gồm việc đề nghị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới đối với các doanh nghiệp vi phạm, nhất là các hành vi cung cấp dịch vụ cho thuê bao phát triển mới có thông tin thuê bao không đầy đủ hoặc không chính xác; bán và lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho SIM thuê bao.                      

Hùng Quân
.
.
.