Giáo sư Susan Solomon và kết luận khoa học gây sốc cả thế giới

Thứ Năm, 21/12/2023, 16:20

Ngày 21/12, bên lề buổi giao lưu các nhà khoa học đạt giải VinFuture 2023,  Giáo sư Susan Solomon (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ)- Chủ nhân Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học nữ đã có cuộc trao đổi nhanh cùng phóng viên Báo CAND.

Bà là nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực hóa học khí quyển, với những đóng góp đột phá giúp mở rộng hiểu biết của nhân loại về hiện tượng suy giảm tầng ozone và vai trò của chất chlorofluorocarbons (CFC). Tại cuộc trò chuyện, bà có những chia sẻ về hành trình tìm ra lỗ thủng tầng ozone và bày tỏ hy vọng mình còn đủ sức khỏe để chứng kiến lỗ thủng này dự kiến biến mất vào khoảng năm 2050. Đồng thời đưa ra những lời khuyên hữu ích cho các nhà khoa học nữ trên con đường nghiên cứu khoa học.

Giáo sư Susan Solomon: “Là nhà khoa học thì không bao giờ được giới hạn suy nghĩ của mình” -0
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Giải Đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ cho Giáo sư Susan Solomon. 

 PV: Xin chào Giáo sư. Một lần nữa xin được gửi lời chúc mừng tới Giáo sư, chủ nhân giải thưởng đặc biệt VinFuture 2023. Thưa Giáo sư, đây có phải lần đầu tiên  bà đến Việt Nam?

Giáo sư Susan Solomon: Vâng. Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và chuyến đi rất tuyệt vời. 

 PV: Bà cảm thấy như thế nào sau khi nhận được giải thưởng đặc biệt VinFuture 2023?

Giáo sư Susan Solomon: Đầu tiên là tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và tuyệt vời khi được nhận giải thưởng danh giá này. Tôi cũng cảm thấy rất biết ơn và rất ấn tượng. Những người sáng lập đã tạo ra một giải thưởng đặc biệt dành cho phụ nữ và nhà khoa học nữ. Tôi nghĩ rằng việc thành lập giải thưởng này sẽ tạo ra một hình mẫu để các nhà khoa học nữ khác có thể noi theo và được truyền cảm hứng để họ có thể theo đuổi giấc mơ của mình và trở thành nhà khoa học thành công mà không có bất kì rào cản nào. Tôi nghĩ rằng giải thưởng này giống như một tấm hộ chiếu để trong tương lai, chúng ta sẽ có thể có nhiều nhà khoa học nữ hơn nữa.

Giáo sư Susan Solomon: “Là nhà khoa học thì không bao giờ được giới hạn suy nghĩ của mình” -0
Giáo sư Susan Solomon trao đổi bên bề buổi giao lưu.

PV: Được biết, năm 1987, bà đã lãnh đạo một nhóm các nhà khoa học thuộc NOAA đến Nam Cực 2 lần để nghiên cứu cơ chế hình thành lỗ thủng tầng ozone. Điều gì bà ghi nhận được từ chuyến đi lịch sử đó?

Giáo sư Susan Solomon: Chúng tôi đã đo đạc kích thước lỗ thủng và truy ra nguyên nhân vì sao lỗ thủng ấy lớn thế. Cụ thể là do hoạt động con người, do sản xuất hóa chất tên CFC. Ngày xưa CFC sử dụng nhiều trong tủ lạnh, điều hòa thậm chí bình xịt tóc, kem chống nắng. Khi có kết luận đó, cả thế giới sốc và thấy tồi tệ.

Từ đó các nước đã chung tay quyết định dừng sản xuất hóa chất CFC. Thực tế trước khi có quyết định đó thì người dân Mỹ cũng đã tình nguyện sẽ không sử dụng các bình xịt tóc và kem chống nắng có sử dụng CFC.

Tôi tự hào nói chuyến công tác là thành tựu lớn nhất trong lịch sử văn minh loài người về môi trường vì con người gây ra hậu quả và chính ta tìm ra giải pháp khắc phục.

PV: Thưa Giáo sư, khi mà lĩnh vực nghiên cứu khoa học cần dồn toàn tâm, toàn ý, song vẫn không tránh khỏi vướng mắc. Vậy những khó khăn mà Giáo sư đã gặp phải trong quá trình nghiên cứu là gì? Thậm chí cả  khó khăn trong việc đảm trách vai trò làm mẹ, làm vợ trong gia đình?

Giáo sư Susan Solomon: Phát hiện đầu tiên của tôi là giải thích cơ chế tại sao lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực lại xảy ra. Và nó liên quan đến lĩnh vực Hóa học. Đây là một cú sốc trong cộng đồng khoa học. Bởi vì người ta luôn cho rằng không có phản ứng bề mặt ở tầng bình lưu. Vì vậy, khi tôi đưa ra điều này lần đầu tiên, một số đồng nghiệp đã bỏ đi và tôi không bận tâm, vì tôi thực sự biết rằng mình đúng. Và theo thời gian, mọi người đều biết đây là một hành trình thú vị.

Bài học mà tôi rút ra được đó là mình có thể lắng nghe những quan điểm của người khác, nhưng không phải lúc nào cũng nên dựa vào quan điểm của họ, đôi lúc mình cũng phải lắng nghe chính mình, phải kiên định với chính bản thân mình. Một lời khuyên nữa đó là nếu chúng ta trao đổi lĩnh vực khoa học, nếu chúng ta là nhà khoa học thì chúng ta không bao giờ được giới hạn suy nghĩ của mình ở trong một ranh giới hạn hữu mà luôn phải vượt qua ranh giới đó, luôn luôn phải suy nghĩ một cách cởi mở và thoáng hơn.

Nhưng tôi hiểu tại sao mọi người lại cảm thấy như vậy. Tôi còn rất trẻ khi lỗ thủng tầng ozone được phát hiện. Và tôi nghĩ thật tốt khi hiểu rằng đây là một cơ hội tuyệt vời khi bạn còn trẻ, bạn biết đấy, đầu óc bạn chưa có nhiều ý tưởng. Vì vậy, bạn có thể nghĩ về những ý tưởng mới và đó là điều đã xảy ra với tôi. Vì vậy, tôi có thể nói rằng đó là hành trình lớn nhất của tôi hướng tới mục tiêu khoa học.

Bạn cũng hỏi về gia đình và những thứ khác. Điều quan trọng là có một người bạn đời luôn hỗ trợ bạn, giúp đỡ cho bạn và tôi thật may mắn khi tìm được một người bạn đời tuyệt vời. Chúng tôi đã ở bên nhau 35 năm và mối quan hệ vẫn thật tuyệt vời. Thế nên một điều nữa mà tôi muốn khuyên các nhà khoa học nữ đó là nếu chúng ta muốn theo đuổi con đường này thì hãy đảm bảo rằng là người bạn đời mà chúng ta chọn phải là người luôn luôn ủng hộ và hỗ trợ chúng ta theo đuổi hành trình của mình.

Giáo sư Susan Solomon: “Là nhà khoa học thì không bao giờ được giới hạn suy nghĩ của mình” -0
Bức ảnh chụp Giáo sư Susan Solomon trong lần đến Nam Cực nghiên cứu khoa học được trình chiếu tại buổi giao lưu ngày 21/12.

PV: Với những nguy cơ về biến đổi khí hậu đang diễn ra, hàng ngày mỗi chúng ta cần hành động gì để bảo vệ tầng ozone?

Giáo sư Susan Solomon: Theo tôi nghĩ, đầu tiên là chúng ta nhận diện được mức độ nguy cấp của tầng ozone, đặc biệt là trong thế kỷ 21, đó đã là một thành công rất lớn rồi. Chúng ta cần phải cố gắng đưa ra những cơ chế cũng như những giải pháp mang tính tổ chức hơn để giải quyết vấn đề này. Ví dụ, chúng ta sử dụng, áp dụng những kiến thức của chúng ta về tầng ozone để chúng ta xử lý những vấn đề ở Việt Nam, chẳng hạn vấn đề ô nhiễm hay vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Một điều nữa là, chúng ta cần phải quan tâm đến việc làm thế nào để chúng ta vận động mọi người tạo ra sự thay đổi. Để sự thay đổi này không dừng lại những hành động đơn thuần của từng cá nhân, ví dụ như yêu cầu từng cá nhân tái chế. Chúng ta cần phải tạo ra sự thay đổi mang tính cộng đồng, tức là cần phải huy động được sự tham gia của nhiều người và giúp cho mọi người hiểu được. Tôi nghĩ rằng đây là một bài học để giúp cho chúng ta có thể biến phát minh này thành một điều phụng sự cho nhân loại.

Tôi nghĩ rằng khoa học đóng vai trò rất quan trọng trong việc chúng ta giảm thiểu các vấn đề môi trường, tăng cường sự bảo vệ môi trường. Khi khoa học chưa được chứng minh, chưa có những cơ chế, những cơ sở chắc chắn để chứng minh thì chúng ta cũng không có cơ sở để xây dựng những chính sách hỗ trợ bảo vệ môi trường. 

Nhưng nếu chỉ có một mình khoa học, những bằng chứng khoa học hay là những cơ sở nghiên cứu khoa học là không đủ mà chúng ta phải tìm cách hỗ trợ cho các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra những chính sách tốt hơn và huy động mọi người tham gia vào việc bảo vệ môi trường tốt hơn.

PV: Vâng xin cám ơn Giáo sư!

Phạm Huyền
.
.
.