Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thích ứng trạng thái “bình thường mới”
Từ cuối tháng 10/2021 đến nay, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thừa Thiên-Huế diễn biến phức tạp, số ca mắc cộng đồng gia tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN).
Trước tình hình đó, nhiều DN đã chủ động thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số, và đây được xem là giải pháp để thích nghi trong giai đoạn mới, tạo bước đột phá trong phát triển.
Tại hội nghị về thực trạng, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh Thừa Thiên-Huế trong điều kiện “bình thường mới” gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 vừa được tổ chức, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, DN trong nền kinh tế là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, góp phần quyết định vào tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm và tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội khác.
Gần đây, dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Các ngành hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN đều bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, cụ thể: Chuỗi cung ứng bị gián đoạn; một số đơn hàng giảm mạnh; chi phí sản xuất tăng cao; đặc biệt chịu ảnh hưởng trực tiếp là các DN hoạt động trong ngành du lịch; ngành dịch vụ giao thông vận tải, xây dựng; các DN FDI và DN có hoạt động xuất nhập khẩu…; hàng ngàn lao động bị thất nghiệp, không có thu nhập, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, mất khả năng thanh toán và đứng trước bờ vực phá sản...
Để thích ứng kịp thời trong trạng thái “bình thường mới”, tỉnh Thừa Thiên-Huế tập trung đẩy mạnh triển khai chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, tổ chức Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2021 với nhiều hoạt động chuyển đổi số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, DN, thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao…
Đặc biệt, nhiều DN cũng chủ động trong tiếp cận các sàn giao dịch điện tử, vận dụng nền tảng chuyển đổi số để tăng doanh thu, đổi mới phương thức sản xuất phù hợp và đã tìm thấy cơ hội và duy trì tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế.
Bà Hồ Sương Lan, CEO Công ty TNHH Maries cho biết: “Tiền thân là một DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch và thường xuyên giao tiếp với khách hàng qua các dịch vụ online, chúng tôi từ lâu đã xem hạ tầng công nghệ thông tin là yếu tố then chốt của quá trình hoạt động và vận hành DN.
Đặc biệt, trong quá trình chuyển hướng DN để sản xuất và thương mại hàng thủ công mỹ nghệ, chúng tôi vẫn tiếp tục trang bị và hoàn thiện các trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp, kết nối và tương tác với khách hàng, cũng như cập nhật các ứng dụng mới và các sàn giao dịch thương mại điện tử đang là xu thế cho việc đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế”.
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình “100 DN chuyển đổi số trong 100 ngày”, nhằm hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, các hợp tác xã (HTX) tiếp cận và triển khai hiệu quả việc ứng dụng các công cụ hỗ trợ chuyển đổi số trong quá trình sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh cho biết, hiện đơn vị lựa chọn các DN, HTX hoạt động trong 5 lĩnh vực: Du lịch, nông nghiệp, sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống và sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, công nghệ thông tin để hỗ trợ triển khai chương trình này.
DN, HTX sẽ được hỗ trợ chuyển đổi số trong quản trị nội bộ. Tỉnh sẽ vận động các DN kinh doanh các nền tảng chuyển đổi số tham gia hỗ trợ miễn phí hoặc giảm giá một phần cho các DN, HTX tham gia chương trình chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, quản trị nội bộ của DN như: Tài chính, kế toán, quản lý công việc, nhân sự, đánh giá chất lượng, hiệu quả làm việc của người lao động...
Ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở TT&TT thông tin thêm, đồng hành cùng chủ trương chung của Chính phủ, Bộ TT&TT và sự chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc triển khai chuyển đổi số ở địa phương, thời gian qua, Sở đã triển khai một số hoạt động nhằm hỗ trợ chuyển đổi số trong DN. Sở đã tham mưu xây dựng ứng dụng hỗ trợ chuyển đổi số cho các DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế trong năm 2021.
Ứng dụng này nhằm cung cấp hệ thống thông tin DN để quảng bá được thông tin, hình ảnh, hoạt động và dịch vụ của DN có mặt trên thị trường Internet; cung cấp hệ thống văn phòng điện tử trên nền tảng web, thực hiện số hóa cơ bản một số quy trình hoạt động của DN trên một nền tảng duy nhất, đảm bảo việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ trên giấy tờ truyền thống trở thành trải nghiệm số.
Nghiên cứu và xây dựng các giải pháp kết nối, chia sẻ thông tin và hình ảnh DN trên các trang thông tin mạng xã hội. Qua thời gian thí điểm, đến nay, cùng với sự ra đời của thẻ kiểm soát dịch bệnh được triển khai mã QR theo chuẩn quốc gia, hệ thống thông tin “tổ chức số” đã được triển khai rộng khắp cho các tổ chức DN, một phần hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch và hệ thống này cũng được định hướng phát triển các chức năng hỗ trợ chuyển đổi số cho DN.
Tại hội nghị cấp cao “Thành phố thông minh Việt Nam” năm 2021 được tổ chức trực tuyến vào đầu tháng 11/2021, với sự tham dự của lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam và các quốc gia, quốc tế; ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định, tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định con đường phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm của tỉnh.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cuối tháng 10/2021, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Chuyển đổi số chính là cơ hội giúp DN phát triển bền vững, đặc biệt trong giai đoạn thích ứng với tình trạng bình thường mới, giúp DN có khả năng phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng. Đồng thời giúp cho quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong DN cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho DN; thúc đẩy hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp; tối ưu năng suất làm việc của nhân viên; gia tăng chất lượng sản phẩm; nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN.