Chuyển đổi số để tăng tốc sau đại dịch

Thứ Ba, 08/02/2022, 06:54

Trong những năm gần đây, hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp (DN) đã diễn ra mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và những thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng.

Để phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn sau đại dịch COVID-19, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thông qua thúc đẩy chuyển đổi số sẽ là xu hướng quan trọng và cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, đồng thời, chuyển đổi số là giải pháp then chốt giúp các DN vừa và nhỏ có thể sống sót vượt qua dịch COVID-19 đến tăng tốc bứt phá hậu đại dịch.

Giải pháp tất yếu

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư- KH&ĐT) cho biết, chuyển đổi số là giải pháp mà các DN không thể không triển khai. Chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN.

1_14.jpeg -0
Việc chuyển đổi số sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các DN đặc biệt là DN vừa và nhỏ còn gặp nhiều rào cản, khó khăn trong chuyển đổi số, như: Chi phí đầu tư vào chuyển đổi số cao; hạ tầng công nghệ thông tin kém phát triển; các giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận. Đồng thời, nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế; các DN còn thiếu tiếp cận, kiến thức/thông tin về công nghệ số.

Theo kết quả khảo sát trong năm 2021 của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), tới 69% DN khó khăn khi lựa chọn đối tác triển khai chuyển đổi số; 72% không biết bắt đầu từ đâu và 92% không biết chuyển đổi số như thế nào. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi số sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các DN.

Cụ thể là những cơ hội về sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng; sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động của đại dịch sẽ khiến giao dịch số/online tăng mạnh. Nắm bắt được cơ hội này, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt cho biết, từ ngày Luật Đấu giá có hiệu lực, Lạc Việt đã vận dụng thành công chuyển đổi số của ngành đấu giá Việt Nam. Theo đó, trong năm 2021, Lạc Việt đã bán đấu giá tổng giá trị khởi điểm trên 2000 tỷ và bán thành công trên 4000 tỷ. Đây là một bứt phá vượt trội để chuyển đổi số.

Theo bà Hạnh, trên thế giới đã có đấu giá tác phẩm trên nền tảng số, cùng xu hướng đó, Lạc Việt NFT (Non-fungible token - một token (mã) không thể thay thế) được hiểu như một loại tài sản ảo hình thành nên chuỗi mã định danh phiên bản số của tác phẩm nghệ thuật như một bức tranh, bài hát, bản nhạc… trên nền tảng công nghệ blockchain. Tác phẩm nghệ thuật dưới dạng NFT luôn là bản gốc, không thể sao nhái.

Chính vì vậy, người mua có thể truy nguyên tác giả sở hữu mà không cần đơn vị trung gian hay nhà đấu giá nào đứng ra xác tín. Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành đấu giá, tác phẩm của các nghệ sĩ sẽ được đội ngũ của Lạc Việt chọn lọc và NFT hóa, đảm bảo những tác phẩm, sản phẩm có chất lượng, chính gốc đi kèm chữ ký số đảm bảo của chính tác giả, người sở hữu và chính Lạc Việt.

Thông qua không gian số, các sản phẩm, tác phẩm trong nước đã qua thẩm định được Lạc Việt giới thiệu ra thế giới, đồng thời các sản phẩm của nước ngoài được Lạc Việt đưa vào Việt Nam. Trong năm 2022, Lạc Việt sẽ giới thiệu sàn giao dịch xuyên biên giới, cho phép đấu giá các tác phẩm NFT và vật lý. Hiện, Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt đã xây dựng chuỗi cafe đấu giá và nay là quán đầu tiên được khai trương đánh dấu 1 mốc mới để Lạc Việt tiến chân trở lại đấu giá các tác phẩm nghệ thuật danh tiếng trên nền tảng số.

Linh hoạt thích ứng

Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty Hưng Thịnh Phát (Đồng Nai) cho rằng, chuyển đổi số trong DN trong thời gian tới là việc phải thực hiện và ứng dụng trong sản xuất, điều hành DN. Trên thực tế, mỗi một DN tuỳ theo quy mô và loại hình sản xuất, kinh doanh có thể lựa chọn đầu tư ở mức độ phù hợp.

Tuy nhiên, cần phải thúc đẩy chuyển đổi số gắn với quản trị DN trong 3 trụ cột chính là tài chính, nguồn nhân lực và maketting. Theo đó, những tài liệu hướng dẫn và các tổ chức điều phối mạng lưới để DN xây dựng chuyển đổi số là rất quan trọng trong việc hỗ trợ và giúp DN vận dụng và chuyển đổi số thành công nhanh hơn.

“Quan trọng nhất vẫn là tư duy của người đứng đầu và xây dựng được một hệ thống đào tạo cơ bản cho các cấp trong hệ thống DN. Khi tư duy thay đổi thì việc ứng dụng sẽ được vận hành tốt hơn rất nhiều”, ông Hưng chia sẻ.

Phó Tổng Giám đốc Traphaco Đào Thúy Hà chia sẻ, trong những năm gần đây, Traphaco đã từng bước thành công trong chuyển đổi “tư duy 4.0”, chuyển đổi số, đầu tư nhân sự, cơ sở hạ tầng, xây dựng quy trình phù hợp, bắt nhịp xu hướng mua hàng online.

Nắm bắt xu hướng, Traphaco đã chủ động đầu tư công nghệ dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng rô bốt trong sản xuất tạo lợi thế dẫn đầu về Pharma 4.0 tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bán hàng (DMS); áp dụng ERP trong quản lý DN; phân tích và khai thác dữ liệu khách hàng thông qua hệ thống BI (Business intelligence), đánh giá năng lực từng đại lý, nhà thuốc để tối ưu hóa các chính sách bán hàng.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Chiến lược Công ty Công nghệ Thông tin VNPT (VNPT-IT) cho rằng, những giải pháp ưu tiên cao trong DN hiện nay là làm việc từ xa ở quy mô lớn, an ninh mạng, thương mại và tiếp thị điện tử, cũng như tự động hóa quy trình. 3 yếu tố quyết định chuyển đổi số thành công là con người, thể chế, công nghệ; thay đổi thói quen là khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số; nhận thức và nhận thức đúng là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số.

Do đó, mỗi DN cần đánh giá phân tích rủi ro của riêng mình, trong đó có thể bao gồm những rủi ro như an toàn, an ninh mạng, quản trị dữ liệu, tính riêng tư, chất lượng giảm, giảm việc làm...

Để hỗ trợ DN chuyển đổi số, bà Bùi Thu Thủy cho biết, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã phê duyệt Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong DN thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN.

Theo đó, Bộ KH&ĐT đã xây dựng công cụ, nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyển đổi số Cổng thông tin Chương trình tại địa chỉ http://digital.business.gov.vn; xây dựng Công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng public trên Cổng thông tin, qua đó, DN có thể tự đánh giá để xác định DN mình đang ở mức độ nào so với các DN trong ngành…“Các giải pháp được triển khai thực hiện sẽ giúp các DN Việt Nam chuyển đổi số dễ dàng và thuận lợi hơn”, bà Bùi Thu Thủy nhấn mạnh.

Lưu Hiệp
.
.
.