Trò chuyện Chủ nhật

ChatGPT liệu có “tranh mất” việc làm của con người?

Chủ Nhật, 19/02/2023, 07:53

Chỉ trong một thời gian ngắn ra mắt, ChatGPT đã tạo “cơn sốt” trên toàn cầu và gây “chia rẽ” trong nhận thức của người dùng như là một món quà công nghệ hấp dẫn nhưng tiềm ẩn nguy cơ. ChatGPT sẽ tác động, ảnh hưởng như thế nào đến các lĩnh vực, các ngành nghề trong xã hội, đặc biệt là giáo dục? Cần sử dụng công cụ này như thế nào, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý ra sao để phát huy tốt các lợi thế và hạn chế thấp nhất những rủi ro mà nó có thể mang lại?

PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội xung quanh câu chuyện này.

ChatGPT liệu có “tranh mất” việc làm của con người? -0
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội.

PV: Từ những trải nghiệm ban đầu của bản thân, ông cảm nhận như thế nào về ChatGPT?

PGS.TS Trần Thành Nam: ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ lớn được đào tạo để tạo ra văn bản giống như con người tạo ra, dựa trên dữ liệu đầu vào mà nó nhận được. Nó có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức với nhiều nền tảng ngôn ngữ một cách nuột nà như con người chỉ sau một vài giây. Điều thú vị là ChatGPT sẽ nói chuyện với những đứa trẻ về chủ đề vật lý, hóa học, thiên văn cũng như mọi câu hỏi khác trong cuộc sống; chúng có thể giúp làm bài tập về nhà, viết một đơn xin việc, làm một bài thơ để lấy lòng bạn gái nếu được yêu cầu. Từ trải nghiệm của bản thân, có thể nói ChatGPT cực kỳ ấn tượng nhờ khả năng tương tác với người dùng về nhiều chủ đề dường như là vô tận.

PV: Với những tính năng vượt trội, ChatGPT liệu có thay thế hay làm suy giảm vai trò của người thầy không, thưa ông?

PGS.TS Trần Thành Nam: Với những gì mà ChatGPT có thể làm, nhiều người đang lo lắng rằng chúng sẽ làm cho vai trò của thầy cô trở nên thừa thãi. Tuy nhiên, chính ChatGPT cũng đã trả lời câu hỏi này bằng cách nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo (AI) chỉ là một công cụ giúp thầy cô và học sinh hoạt động hiệu quả hơn. Chúng ta cũng thấy rằng, ChatGPT hiện tại chưa thể làm được một số việc như nó không thể viết bài luận tự phản ánh về thay đổi trong nhận thức của một cá nhân. Nó cũng không có khả năng tổng hợp những thông điệp cốt lõi từ một bài báo hay kết nối thông tin từ nội dung giảng dạy trên lớp với hình ảnh trực quan như giáo viên đứng lớp. Trong khi đó, bản thân thầy cô giáo dục thế hệ học trò bằng chính nhân cách của mình. Nếu xét ở khía cạnh này, không thể có một AI nào làm được và thay thế được.

Tuy vậy, nếu hoạt động dạy học chỉ chú trọng “dạy chữ” mà bỏ qua “dạy người”, nếu giáo viên vẫn tiếp cận dạy học theo kiểu truyền thống, dạy theo tiếp cận nội dung, giáo viên lên lớp chủ yếu dành thời gian để kể về các sự kiện, cung cấp thông tin đơn thuần; các tiêu chí đánh giá học sinh chủ yếu dựa trên trí nhớ, liệt kê sự kiện, phân biệt đáp án đúng sai để tính điểm thì ChatGPT rồi sẽ thay thế những giáo viên này. Nhưng ChatGPT sẽ không thay thế được giáo viên hiện đại, những giáo viên dạy học theo cách tiếp dựa trên năng lực; dạy học bằng cách đưa ra những câu hỏi kích thích tư duy sáng tạo; coi trọng tư duy phản biện trong quá trình kiểm tra, đánh giá hơn là trí nhớ.

PV: Vậy với những nghề nghiệp khác thì sao, ChatGPT liệu có trở thành mối đe dọa đối với các ngành nghề trong xã hội như kế toán, nhà báo, luật sư, kĩ sư không, thưa ông?

ChatGPT liệu có “tranh mất” việc làm của con người? -0
Sự xuất hiện của ChatGPT được xem là một bước tiến của sản phẩm trí tuệ nhân tạo. Ảnh minh họa.

PGS.TS Trần Thành Nam:  Không thể phủ nhận sự xuất hiện của ChatGPT đã và đang tạo “cơn sốt” trên toàn cầu. Nhưng chúng ta phải thấy rằng AI cũng có những điểm không thể nào bằng con người. Tất cả các câu trả lời của ChatGPT và cách ứng xử của nó có thể nuột nà với ngôn ngữ như con người song đó chỉ là tổng hợp từ các thông tin mà chúng ta “dạy” cho nó. Chúng ta đưa cho nguồn nào thì nó tổng hợp từ nguồn thông tin đó một cách nhanh chóng để đưa ra câu trả lời. Vì thế, nó thiên biến về mặt thông tin và có thể không hoàn toàn cập nhật được thông tin đến thời điểm thực tế và không có tính sáng tạo và độc đáo. Đó chính là hạn chế thứ nhất của AI.

Bên cạnh đó, vì là máy tính nên có thể thông minh nhưng lại không có lập trường. Thậm chí, còn nguy hại hơn nếu thông tin mà AI tập hợp từ nguồn không chính thống, bên lề, xuyên tạc thì nó có nguy cơ không khác gì một “nguồn cung cấp tin giả” cả. Trong khi đó, con người có trí thông minh, có sáng tạo, có tính phân tích và tính dự báo, đó là cái AI không làm được. Tuy vậy, ChatGPT bùng nổ trong giai đoạn vừa qua là “cú hích” để chúng ta ý thức lại một cách rõ ràng hơn rằng, với sự ra đời của AI thì tất cả các lao động lặp đi lặp lại bậc thấp, kiến thức cũ, sáo mòn đã được nhân loại sáng tạo ra mà vận dụng giữ nguyên, không có sáng tạo thì sẽ bị AI thay thế. Còn con người muốn sử dụng AI, muốn chiến thắng để giữ vị trí công việc của mình trong tương lai đòi hỏi phải cập nhật các công nghệ mới; phải hiểu điểm mạnh để tận dụng sức mạnh của AI và hiểu cả những điểm nào AI không làm được để có thể đầu tư vào trong lĩnh vực đó.

PV: Theo ông, nếu biết sử dụng đúng cách, ChatGPT có thể đem lại những lợi ích gì cho giáo viên, sinh viên?

PGS.TS Trần Thành Nam: Giáo viên hiện đại hoàn toàn có thể tận dụng sức mạnh của AI để giảm tải các hoạt động giấy tờ mang tính thủ tục hành chính gây áp lực như soạn về các quy định và chính sách môn học; có thể lên bản phác thảo về kế hoạch dạy học; thậm chí yêu cầu AI thiết kế một loạt các câu hỏi ngắn để kiểm tra kiến thức bài trước. Điều này giúp giáo viên có thể tiết kiệm thời gian để đầu tư vào những hoạt động tạo cảm hứng, thúc đẩy tư duy chiều sâu và sáng tạo cho người học. ChatGPT cũng có thể hỗ trợ các thầy cô trong công tác giáo viên chủ nhiệm bằng cách khởi thảo những bản nháp email cá nhân hóa về từng học trò, tư vấn chung về chiến lược học tập hay vấn đề tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, hay hướng dẫn sức khỏe tinh thần.

Còn đối với người sử dụng là sinh viên, ChatGPT là cơ hội để trải nghiệm học tập cá nhân hóa, học tập theo nhịp của chính mình. ChatGPT sẽ trở thành những “gia sư bỏ túi” dạy kèm thông minh cho những học sinh tài năng. Điều này cũng có thể giúp cho người học rút ngắn thời gian học tập. Những sinh viên xuất sắc có thể chỉ cần 3 năm để tốt nghiệp thay vì 4 năm nhờ sự hỗ trợ của AI. Chính vì vậy nên bản thân người học cũng cần được học cách sử dụng những công nghệ AI để tăng hiệu suất của việc học tập; nhận ra những điều mà công cụ AI như ChatGPT không thể làm được hoặc làm không tốt.

Trong kỷ nguyên công nghệ với sự ra đời ồ ạt của các công cụ hỗ trợ AI, người học cần xác định, học không vì mục đích điểm số và đối phó với các bài kiểm tra của giáo viên mà chúng ta phải học để trở thành “con người hạng nhất, chứ không phải robot hạng hai”.

PV: Nhiều ý kiến lo ngại sự xuất hiện của ChatGPT có thể trở thành công cụ để sinh viên gian lận, đạo văn, lười suy nghĩ và dễ mất đi động lực học tập. Theo ông, việc kiểm tra, đánh giá của giáo viên cần thay đổi như thế nào khi ChatGPT được sử dụng trong nhà trường?

PGS.TS Trần Thành Nam: Với nỗi lo sợ gian lận trong thi cử, tôi cho rằng cái gốc không phải là ChatGPT. Trước đây, khi có Google chúng ta cũng đã từng lo lắng như thế. Cái chính là làm thế nào để học sinh không còn động cơ gian lận. Động cơ gian lận bắt nguồn từ chủ nghĩa thành tích, là phong trào học vì điểm số. Nếu chúng ta giải quyết được bài toán này thì cũng không cần quá lo lắng về việc học sinh gian lận. Có lẽ cách tiếp cận thông minh không phải là tuyệt giao với công nghệ, trở lại với các bài luận viết tay và kiểm tra vấn đáp mà hãy tận dụng sức mạnh của AI cũng như cách mà vài chục năm trước đây chúng ta cho phép học sinh sử dụng máy tính cầm tay vào phòng thi toán hoặc sử dụng Google để tìm thông tin cho các bài luận của họ. Và giáo viên có thể cân nhắc điều chỉnh các chính sách điều khoản của học phần mình phụ trách, cho phép học sinh được sử dụng AI trong trợ giúp quá trình học tập; tuân thủ liêm chính học thuật bằng cách phải trung thực và trích dẫn đầy đủ nếu sử dụng; yêu cầu học sinh chỉ được phép sử dụng AI để tạo ra một bản nháp đầu tiên nhưng chỉ bấy nhiêu đó thì sẽ không thể qua môn.

Giáo viên cũng có thể thiết kế lại các hoạt động đánh giá của mình và các tiêu chí tập trung hơn vào những hoạt động tư duy bậc cao, cách giải quyết vấn đề sáng tạo, các dự án học tập, bài thu hoạch phản ánh sự thay đổi nhận thức cá nhân và các nhiệm vụ mà ChatGPT hay các công cụ AI khác không thể hoàn thành.

Giáo viên cũng phải giúp cho học sinh hiểu rằng, việc thành công và hạnh phúc trong tương lai có thể chỉ phụ thuộc vào khoảng 30% những kiến thức chúng ta có được và khoảng 70% là trí tuệ cảm xúc; là tư duy phản biện sáng tạo và tinh thần đổi mới. Vì vậy, các em vẫn cần phải học viết, làm toán, học ngoại ngữ và tận dụng công nghệ để quá trình học của chúng ta nhanh hơn, hiệu quả hơn và trở nên sáng tạo hơn AI.

PV: Ông có lời khuyên gì với người sử dụng khi hầu hết câu trả lời hiện nay của ChatGPT đều không dẫn nguồn, thông tin có thể sai lệch và người dùng có nguy cơ bị thu thập dữ liệu?

PGS.TS Trần Thành Nam: Với những gì ta hiểu về cách học của ChatGPT, kiến thức được đưa ra chưa chắc đã có độ tin cậy như người thầy thực sự. Những kiến thức về lịch sử, địa lý có thể bị tam sao thất bản. Những kiến thức về văn học có thể bị thiên lệch vì thuật toán phải tạo ra câu trả lời của AI. Do đó, vẫn sẽ cần sự xác nhận của người thầy. Đặc biệt, nhiều người nghĩ rằng ChatGPT như bạn bè nên chia sẻ, tâm sự hết tất cả thông tin cá nhân của mình, công việc của mình với ChatGPT. Và nếu những thông tin này được thu thập, và không có tính bảo mật thì có thể sẽ bị lợi dụng. Có lẽ bản thân chính OpenAI cũng ý thức được những nguy cơ này nên trong Điều khoản sử dụng đã nêu rõ người phải từ 18 tuổi trở lên mới có thể xác nhận các điều khoản hợp đồng với OpenAI để sử dụng dịch vụ ChatGPT.

Để có thể sử dụng ChatGPT hiệu quả, người sử dụng cần ý thức được rằng ChatGPT là người máy chứ không phải con người nên phải có ý thức để ứng xử và bảo vệ thông tin cá nhân của mình trước việc bị thu thập một cách thụ động mà mình không biết. Bên cạnh đó, do các câu trả lời của ChatGPT đều không dẫn nguồn nên người dùng luôn phải xác minh lại nguồn thông tin vì điểm rất mạnh của các AI là được lập trình để tạo, sinh ra câu trả lời. Nếu không biết kiến thức đó thì nó cũng sẽ “tạo ra” một câu trả lời để nghe có vẻ hợp lý, cho nên cần phải xác minh lại thông tin mà nó đưa ra.

PV: Vậy chúng ta có cần phải xây dựng khung khổ pháp lý để ứng phó phù hợp với ChatGPT nói riêng và các sản phẩm trí tuệ nhân tạo nói chung không, thưa ông?

PGS.TS Trần Thành Nam: Việc xây dựng, ban hành một số chính sách để bảo vệ cộng đồng, bảo vệ các cá nhân và tổ chức trước sự lớn mạnh của AI là cần thiết. Theo tôi được biết, hiện một số quốc gia ký ràng buộc với các "ông lớn” công nghệ ẩn đằng sau công nghệ AI để đảm bảo rằng các câu chuyện liên quan đến vi phạm, thuần phong mỹ tục của từng quốc gia, vi phạm quy chuẩn văn hoá quốc gia phải được nhận diện qua những “key word” hoặc đội ngũ kiểm soát để đảm bảo cho những kết quả tìm kiếm của AI không gây hại cho cộng đồng.

Trước lo ngại về mức độ tin cậy trong các câu trả lời của ChatGPT có thể trở thành nguồn phát tán tin giả hợp pháp, Liên minh châu Âu (EU) mới đây tuyên bố sẽ áp đặt các quy định mới liên quan đến AI nhằm giải quyết những lo ngại về rủi ro của công cụ này. Trong tương lai, chúng ta có thể phải nghĩ đến phương án cung cấp các dữ liệu đầu vào chuẩn để huấn luyện trước cho Chatbot AI nếu muốn sử dụng chúng để hỗ trợ học sinh. Ví dụ, để ChatGPT có thể trở thành “gia sư số” cho học sinh thì cần cung cấp tất cả tài liệu chính thống, hệ thống các bộ sách giáo khoa đang được sử dụng để làm nguồn tài liệu huấn luyện cho AI. Nếu không thì “đầu vào đã là rác thì đầu ra cũng sẽ chỉ là rác mà thôi”.

Điểm tích cực không thể phủ nhận của AI là nhờ nó, con người ngày càng được giải phóng sức lao động giản đơn, lặp đi lặp lại. Nhưng nếu chúng ta không muốn trở thành “nô lệ cho AI” do chính chúng ta sáng tạo ra thì chúng ta phải thay đổi triệt để từ cách học, cách làm việc và cách đánh giá. Năng lực sống an toàn trên “thế giới số” chưa bao giờ quan trọng như bây giờ. Cho nên tôi cho rằng, vấn đề này cần phải được đưa vào trong chương trình giáo dục, thậm chí ngay từ cấp 1 đã phải tiếp cận.

Đặc biệt, đối với những người lớn, những người không phải là công dân số, vốn “ngô nghê” với công nghệ và coi như ChatGPT là “người bạn tâm giao” chia sẻ hết mọi thứ thì cũng cần phải được “nâng cao” về năng lực số. Nếu không an sinh xã hội của họ, an toàn về mặt thông tin, an toàn về mặt nhận diện số của họ ở trên không gian mạng sẽ gặp rất nhiều nguy cơ trước sự lớn mạnh rất nhanh của các AI.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.