ChatGPT có trở thành mối đe dọa đối với giáo dục?

Thứ Bảy, 04/02/2023, 07:45

Kể từ sau khi xuất hiện vào cuối tháng 11/2022, ChatGPT nhanh chóng “gây bão” cho người dùng trên toàn thế giới. ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ lớn được đào tạo để tạo ra văn bản giống như con người tạo ra, dựa trên dữ liệu đầu vào mà nó nhận được. Nó có thể được sử dụng để tạo gợi ý cho các bài viết mang tính sáng tạo, những cuộc trò chuyện thú vị hoặc giải một bài toán đơn giản gần như hoàn chỉnh chỉ trong một vài phút.

Sự phát triển của ChatGPT khiến nhiều người lo lắng rằng đây sẽ là “con dao hai lưỡi”, là thách thức đối với giáo dục khi người học có thể sẽ sử dụng nó như một công cụ để gian lận và giáo viên sẽ gặp khó khăn trong việc đánh giá học sinh.

6-1.jpg -0
ChatGPT được dự đoán sẽ tạo ra cơ hội lẫn thách thức cho nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực. Ảnh minh hoạ.

“Cơn sốt” trên toàn cầu

ChatGPT có tên đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer (hay còn gọi tắt là chatbot) là công cụ hỏi đáp tự động được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) do Công ty Công nghệ OpenAI phát triển. Ứng dụng này sử dụng kỹ thuật học máy có tên gọi Học tăng cường từ Phản hồi con người (RLHF). Chỉ sau một thời gian ngắn kể từ khi ra mắt, ChatGPT nhanh chóng “gây sốt” trên toàn cầu với hơn một triệu người đăng ký sau một tuần, và hiện tại đã cán mốc hơn 100 triệu người dùng.

Tại Việt Nam, ChatGPT đang được nhiều người thử nghiệm với những ý kiến khen, chê trái chiều. Một số giáo viên đã “test” khả năng của AI này bằng nhiều câu hỏi ở các lĩnh vực khác nhau, từ đời sống đến xây dựng nội dung liên quan đến các môn học, dịch thuật song ngữ Anh-Việt. Từ những thử nghiệm ban đầu cho thấy, dù còn nhiều lỗi nhưng khả năng bắt chước và cải thiện của công cụ này thực sự đáng nể. Trong đó, một trong những điểm khiến ChatGPT được đánh giá cao là khả năng xử lý và lọc thông tin.

Anh Nguyễn Hữu Tuyên, một kỹ sư công nghệ cho rằng, ứng dụng này có thể được xem là một “trợ lý đắc lực”. Theo anh Tuyên, nếu như chúng ta giao đề bài cho nhân viên viết, nhiều khi chúng ta phải yêu cầu chỉnh sửa mấy lần thì mới cho ra bản báo cáo đầy đủ. Vấn đề khác nhau ở đây là nếu giao cho nhân viên mất vài giờ, vài ngày thì AI làm trong vài phút. Tuy vậy, anh Tuyên cũng lưu ý, có rất nhiều trường hợp cho thấy phản hồi của ChatGPT chưa thực sự chuẩn xác do chatbot AI chỉ xử lý và trình bày ngôn ngữ cũng như dữ kiện mà nó đã được cung cấp sẵn. Do vậy, cũng như các công nghệ AI khác, con người vẫn cần phải xem xét và chỉnh sửa lại các văn bản do AI tạo ra. Việc chỉnh sửa đó thường phức tạp và đòi hỏi phải có những kiến thức chuyên sâu trong từng lĩnh vực cụ thể.

Bên cạnh những lời khen, cũng có rất nhiều ý kiến “chê” ChatGPT “quá tự tin”, nhiều cái không biết cũng cứ “phán bừa”. Dẫn chứng cho điều này, một số người dùng đã chia sẻ hàng loạt câu trả lời “gây cười” của ChatGPT như “Thị Nở thì da trắng, dáng đẹp; Chí Phèo với Bá Kiến là bạn. Còn Xuân Tóc đỏ thì yêu… Bạch Hổ, một vị thần cổ đại”; “Nếu bạn muốn đi Mỹ Đình đến Mỹ bạn có thể sử dụng nhiều phương tiện giao thông khác nhau như xe bus, taxi hoặc xe đạp”…

Theo đánh giá của một số người dùng, có vẻ như ChatGPT được lập trình "nhất quyết phải đưa ra câu trả lời cho mọi câu hỏi", đúng ra nó cần thêm một tùy chọn "hiện tại tôi chưa có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này" thì sẽ hoàn thiện, chính xác hơn, hạn chế được việc rất nhiều câu hỏi được “phán bừa” như hiện nay. Bên cạnh đó, hiện ChatGPT mới chỉ được cập nhật tri thức đến hết năm 2021, vì vậy những thông tin, vấn đề thời sự hiện tại ChatGPT sẽ chưa trả lời được. Nhiều người dùng hy vọng trong tương lai, các phiên bản mới của ChatGPT sẽ cập nhật tri thức theo thời gian thực.

Lo ngại việc lạm dụng ChatGPT để gian lận

Với cơn sốt ChatGPT trên toàn cầu, hiện có nhiều ý kiến lo ngại, việc lạm dụng ChatGPT sẽ dễ làm cho học sinh, sinh viên lười suy nghĩ và phụ thuộc hoàn toàn vào ứng dụng này, dẫn đến thụ động trong việc học bởi trong nhiều tình huống ChatGPT đang trở thành “chuyên gia viết hộ” hoàn toàn miễn phí cho người dùng. Mối lo này hoàn toàn có cơ sở khi hiện nhiều trường học ở Mỹ, Úc… đã cấm học sinh sử dụng ChatGPT và một số chatbot AI khác có khả năng tạo lập văn bản như bài luận, bài kiểm tra. 

Theo TS, chuyên gia giáo dục Phạm Hiệp, nếu biết cách khai thác ChatGPT, đây sẽ trở thành công cụ hỗ trợ rất tốt trong đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Ngược lại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo này có thể khiến các giáo viên khó kiểm soát người học, còn học sinh, sinh viên sẽ rơi vào tình trạng ngại tư duy do phụ thuộc vào ChatGPT. Để hạn chế những tác động tiêu cực từ ChatGPT, vị chuyên gia này khuyên các giáo viên thay vì kiểm tra theo từng thời điểm như trước đây thì nên đánh giá các học sinh của mình theo từng quá trình. Việc đánh giá theo từng giai đoạn sẽ giúp người học không còn quá áp lực về điểm thi giữa kì hay cuối kì, từ đó cũng giảm thiểu được những gian lận trong thi cử.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cũng cho rằng, mối lo lớn nhất không phải là sợ sinh viên gian lận bằng cách nhờ ChatGPT viết bài luận hộ bởi hiện nay trên mạng vẫn tràn lan quảng cáo viết hộ luận văn, luận án. Nguy hiểm hơn là với việc lạm dụng ChatGPT, học sinh có thể sẽ chẳng còn có động lực học tập tích cực nữa. Họ không còn hứng thú với học cách viết, cách làm toán. Rồi ChatGPT cũng có thể dịch được ra bất cứ ngôn ngữ nào khiến người học không còn động lực học ngoại ngữ hay viết báo bằng tiếng Anh nữa. Do vậy, điều cốt yếu là trước khi dùng ChatGPT, học sinh, sinh viên cần xác định rằng mục đích sử dụng của mình là gì, để từ đó không bị lệ thuộc vào AI này, làm mất dần khả năng tư duy khoa học và phản biện cũng như động lực học tập.

Nhìn nhận ở góc độ tích cực mà ChatGPT có thể mang lại cho giáo dục, nhất là trong việc dạy và học, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, ChatGPT có thể sẽ thay thế những giáo viên truyền thống, dạy theo tiếp cận nội dung, lên lớp chủ yếu dành thời gian để kể về các sự kiện, cung cấp thông tin đơn thuần; những giáo viên vẫn tiến hành kiểm tra với các tiêu chí đánh giá dựa trên trí nhớ, liệt kê sự kiện, phân biệt đáp án đúng sai để tính điểm hơn là những tri thức được chuyển hóa vào cuộc sống thực tiễn.

Trong khi đó, ChatGPT sẽ không thay thế được những giáo viên dạy học theo cách tiếp cận dựa trên năng lực, dạy học bằng cách đưa ra những câu hỏi kích thích sự tư duy sáng tạo, coi trọng tư duy phản biện trong quá trình kiểm tra đánh giá hơn là trí nhớ. Còn với người học, nếu biết sử dụng đúng cách, ChatGPT có thể là một công cụ tuyệt vời cho học sinh. Đơn cử như các em có thể sử dụng GPT để tạo ra các bản nháp đầu tiên. Dựa trên dàn ý đầu tiên này, bộ óc tư duy sáng tạo và phản biện của từng cá nhân sẽ viết tiếp để tạo nên những bài luận chất lượng nhất.

H.Thanh
.
.
.