Ấn tượng với công cuộc chuyển đổi số quyết liệt ở xứ Dừa
Bốn năm trước, ngày 20/10/2020, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo tinh thần nghị quyết này, tỉnh quyết liệt thực hiện CĐS hướng tới mục tiêu xây dựng 3 trụ cột chính (gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số) phù hợp với tình hình, khả năng thực hiện của địa phương.
Ngay trước Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm nay (10/10), lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chia sẻ với PV Báo CAND những con số thể hiện tín hiệu tích cực, đáng ghi nhận…
Chính quyền số
Theo thống kê mới nhất, tổng số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Bến Tre là 1.542/1.823 DVCTT, đạt 100% đối với những thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện cung cấp thành DVCTT toàn trình và một phần, đạt 84,59% so với tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Đến nay, tỉnh đã tích hợp công khai 1.483/1.542 DVCTT lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 80,2%.
Được ủy quyền của UBND tỉnh, Sở TT&TT tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Ban cơ yếu Chính phủ cấp chứng thư số chuyên dùng cho 493 tổ chức, 2.241 cá nhân và cấp phôi SIM PKI có tích hợp chữ ký số cho 225 cá nhân để thực hiện ký số trên thiết bị di động đáp ứng nhu cầu ký số văn bản điện tử và công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Đến nay, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh được đầu tư nâng cấp và đưa vào sử dụng. 100% cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến huyện có kết nối mạng nội bộ và Internet băng thông rộng để phục vụ công việc. Mạng truyền số liệu chuyên dùng các cơ quan Đảng, Nhà nước được triển khai kết nối, sử dụng tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố và triển khai đến tập cấp xã.
Bến Tre cũng đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo trên cả 2 phương tiện web và thiết bị di động, tích hợp 10 lĩnh vực (trong đó có thông tin kết quả thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh; về công tác giám sát, điều hành các chỉ tiêu KT-XH) với hơn 1.000 chỉ tiêu giám sát. Các Trung tâm IOC cấp huyện được quan tâm đầu tư xây dựng…
Kinh tế số
100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện đã có Bưu điện khu vực hoặc Bưu điện Văn hoá xã và có thư báo đến trong ngày.
Trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp viễn thông đang hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông. Hiện tổng số thuê bao di động là 1.482.176 thuê bao, mật độ sử dụng là 114,01 thuê bao/100 dân; tổng số thuê bao Internet hiện có là 1.261.515 thuê bao; tỷ lệ dân số được phủ sóng 3G, 4G đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang đạt 72,81%; tỷ lệ thuê bao sử dụng Smartphone đạt 87%.
Tỉnh đã triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc; phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với mã số vùng trồng, gắn với công nghiệp chế biến sâu, mã số cơ sở chế biến; mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, nhiều sản phẩm đặc trưng của xứ Dừa được người tiêu dùng khắp nơi biết đến qua các sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh sử dụng ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, Bến Tre đã triển khai xây dựng mô hình “Chợ 4.0”, “Ngày không tiền mặt 16/6”, “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt”, lắp đặt và đưa vào sử dụng máy CDM (ATM đa chức năng).
Toàn tỉnh hiện có 55 doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động; 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; 100% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử và chữ ký số; số lượng doanh nghiệp có website sử dụng tên miền .vn là 2.550 (đạt 69%).
Xã hội số
Để thúc đẩy phát triển công dân số, văn hóa số, Bến Tre đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người dân, đáng chú ý là hỗ trợ giảm giá máy Smartphone; hỗ trợ chữ ký số miễn phí; hỗ trợ tạo tài khoản giao dịch điện tử miễn phí.
Tỉnh cũng đã triển khai mô hình “Camera an ninh” giám sát ANTT – ATGT trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là triển khai hệ thống truyền thanh thông minh, hệ thống y tế từ xa (Telehealth), hệ thống K12 Online phục vụ họp trực tuyến; lắp đặt mạng không dây (Wifi) tại các điểm công cộng phục vụ người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số.
Sở TT&TT cho biết, đến hết tháng 7/2024, các doanh nghiệp viễn thông tại Bến Tre đã hỗ trợ chuyển đổi máy điện thoại cho thuê bao 2G lên điện thoại thông minh sử dụng 4G là 11.633 máy. Tỉnh đã triển khai Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh hiện trường để tiếp nhận, xử lý và trả lời kịp thời những phản ánh của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng (qua các kênh Cổng thông tin, ứng dụng di động, Zalo, Facebook;…)
Toàn tỉnh có 9 Tổ CĐS cộng đồng cấp huyện, 157 Tổ cấp xã và 675 Tổ cấp khu phố/ấp với tổng số 7.183 thành viên tham gia. Thành viên Tổ CĐS cộng đồng tích cực tổ chức hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến.
Dồn lực thực hiện thắng lợi chuyển đổi số
Theo Ban chỉ đạo CĐS tỉnh Bến Tre, từ nay đến hết năm 2024, bên cạnh khắc phục những khó khăn đặt ra, tỉnh tập trung đẩy mạnh CĐS theo hướng hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực, tạo bức phá phát triển KT-XH, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2024 và giai đoạn 2021-2025. Đi cùng đó là hàng loạt nhiệm vụ quan trọng khác.
Riêng hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển CĐS quốc gia 2024, trao đổi thêm với PV Báo CAND sáng nay (8/10), ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Sở TT&TT, Thành viên Thường trực Ban chỉ đạo CĐS tỉnh Bến Tre cho biết, theo chủ trương, kế hoạch chung của Bộ TT&TT, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch cụ thể, với mục tiêu đẩy mạnh thực hiện CĐS toàn diện trên các lĩnh vực KT-XH với phương châm “Tăng tốc, tăng tốc hơn nữa - sáng tạo, sáng tạo hơn nữa”.
“Để thực hiện thắng lợi các nội dung CĐS theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh uỷ, trong thời gian tới, Sở TT&TT sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư và huy động các nguồn lực cũng như ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ CĐS. Chúng ta cần xác định CĐS vừa là nhiệm vụ quan trọng, vừa là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển, vừa là nhiệm vụ cấp bách. Đặc biệt, phải nâng cao nhận thức CĐS cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan quản lý để làm nòng cốt lan tỏa đến tất cả các gia đình, người dân và xã hội”, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bến Tre chia sẻ thêm.
Cùng với các ngành, lĩnh vực Giáo dục, Y tế, Du lịch, Nông nghiệp,… được ưu tiên thực hiện quyết liệt các mục tiêu CĐS, với lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT), ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre cho biết bên cạnh việc tiếp tục duy trì, vận hành Hệ thống thông tin đất đai; cổng thông tin điện tử tra cứu thông tin quy hoạch; hoàn thành xây dựng, tích hợp, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai (cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ sở dữ liệu giá đất), ngành đã nỗ lực thực hiện tích hợp, kết nối liên thông phần mềm quản lý dữ liệu đất đai (VBDLIS) và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; hoàn thành việc kết nối, tích hợp dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỉnh cũng đang thực hiện điều chỉnh nhiệm vụ Lắp đặt camera và xây dựng phần mềm giám sát khai thác cát trên địa bàn tỉnh trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ.