Việt Nam chế tạo thành công bộ KIT phát hiện SARS-COV-2

Thứ Sáu, 06/03/2020, 11:05
Với thành công của Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) khi đã thử nghiệm bộ Kit phát hiện SARS-CoV-2 thành công và đạt tiêu chuẩn của WHO, Việt Nam đã có thể chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Việc nghiên cứu thành công bộ KIT chẩn đoán nhanh virus SARS-CoV-2 được PGS.TS. Đồng Văn Quyền – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định tại buổi công bố kết quả nghiên cứu diễn ra vào ngày 3/3.

Theo ông Quyền, với bộ KIT chẩn đoán nhanh virus SARS-CoV-2, quy trình chẩn đoán sẽ rút ngắn chỉ còn 80 phút, kể từ khi nhận được mẫu ARN của bệnh nhân. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc phát hiện, chẩn đoán để điều trị và khống chế dịch COVID-19 đang lan rất nhanh tại hơn 80 nước cùng gần 100.000 người mắc và số tử vong tăng lên từng giờ.

Các nhà khoa học của Viện Công nghệ sinh học chạy đua với thời gian để chế tạo ra bộ KIT, góp phần khống chế dịch COVID-19

PGS. TS. Chu Hoàng Hà - Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – chia sẻ về việc chủ động phát triển sinh phẩm để phòng bệnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng.

Trước tình hình dịch COVID-19 có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, ngay từ khi dịch khởi phát, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đề nghị các nhà khoa học tập trung nghiên cứu về dịch bệnh này. Đề xuất của các nhà khoa học của Viện Hàn lâm tập trung vào 4 hướng chính:

Thứ nhất là giải trình tự hệ gen của virus COVID-19, tìm hiểu về cấu trúc và đặc điểm hệ gen của chủng virus lây nhiễm trên các bệnh nhân người Việt Nam;

Thứ hai là xây dựng và chế tạo bộ KIT để phát hiện người nhiễm virus COVID-19.

Thứ ba là nghiên cứu sản xuất vaccine phòng chống virus COVID-19;

Thứ 4 là tìm kiếm, sàng lọc các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính chống virus để điều trị người đã mắc bệnh.

Trong điều kiện cụ thể, thực tế và cấp thiết trước mắt, Viện Hàn lâm đã quyết định ưu tiên 2 nhiệm vụ khẩn cấp gồm: Giải trình tự hệ gen của virus COVID-19 gây bệnh trên các bệnh nhân người Việt Nam và xây dựng và chế tạo bộ KIT phát hiện virus COVID-19; Hai nhiệm vụ còn lại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam sẽ triển khai trong thời gian tới.

Sau một thời gian tích cực thực hiện, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Đồng Văn Quyền và PGS.TS. Đinh Duy Kháng đã chế tạo thành công bộ KIT phát hiện Virus COVID-19. Bộ Kit phát hiện COVID-19 được phát triển dựa trên công nghệ Realtime RT-PCR trên cơ sở các bộ mồi và mẫu dò được thiết kế và chỉnh lý dựa trên các gen và vùng gen quan trọng của COVID-19 được phân lập tại Việt Nam mà nhóm nghiên cứu đã giải trình tự.

Vật liệu được sử dụng để phát triển bộ Kit phát hiện là mẫu RNA đã được tách chiết từ virus COVID-19 gây bệnh cho bệnh nhân Việt Nam do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cung cấp, các gen cũng như các vùng gen được nhân dòng từ RNA của virus COVID-19 để làm mẫu chuẩn cho việc nghiên cứu và cung cấp các trình tự cho việc thiết kế các bộ mồi và mẫu dò; các mẫu RNA của một virus gây bệnh đường hô hấp ở người do bệnh viện Trung ương quân đội 108 và Viện Y học dự phòng Quân đội cung cấp.

Bộ Kit phát hiện virus COVID-19 đã được thử nghiệm tại Viện Công nghệ sinh học. Sau thời gian kiểm tra, kiểm định chiều ngày 2/3/2020 Bộ KIT được công nhận kết quả ngoại kiểm bởi Viện Y học dự phòng quân đội, Bộ Quốc phòng.

Kết quả kiểm định cho thấy Bộ Kit phát hiện virus COVID-19 của Viện Công nghệ sinh học có độ nhạy và độ đặc hiệu tương đương với Bộ Kit REALTIME RT-PCR của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo đó, độ đặc hiệu đạt 100% và độ nhạy là 5 copies/phản ứng. Thời gian của quy trình phát hiện là 80 phút từ khi nhận mẫu RNA của bệnh nhân.

Đặc biệt, bộ KIT được PGS. TS. Đồng Văn Quyền nhấn mạnh là không gây dương tính giả khi xét nghiệm các virus gây bệnh đường hô hấp. Bộ KIT chẩn đoán nhanh virus SARS-CoV-2 được phát triển trên công nghệ REALTIME RT-PCR  chuẩn của WHO và thế giới, kết hợp giải trình tự gene của virus SARS-CoV-2 gây bệnh ở Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã dựa vào đặc điểm này để thiết kế mồi đặc hiệu cho bộ KIT. 

Đại diện Viện Y học dự phòng Quân đội, ông Triệu Phi Long, cho biết Viện đã có 1 nhóm nghiên cứu phát triển kỹ thuật chẩn đoán virus SARS-CoV-2 và 1 bộ mẫu chuẩn thừa kế về đề tài cấp quốc tế chuyên nghiên cứu, đánh giá về các bệnh đường hô hấp nặng.

Bộ KIT đã được thử nghiệm với 20 nhóm virus gây bệnh đường hô hấp của người lấy nguồn từ Bệnh viện 108 và Viện Y học dự phòng quân đội cho ra kết quả hoàn toàn cho kết quả âm tính - tức là không gây dương tính giả khi xét nghiệm các virus gây bệnh đường hô hấp.

Kết quả nghiên cứu đã khẳng định Viện Công nghệ sinh học,Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

đã làm chủ công nghệ hiện đại và hoàn toàn chủ động trong việc tạo Bộ Kit realtime RT-PCR dùng để phát hiện virus COVID-19 tại Việt Nam, không phụ thuộc vào việc nhập ngoại các bộ Kit.

Trong thời gian tới, Viện sẽ phối hợp với Viện Y học dự phòng quân đội sản xuất số lượng nhiều phục vụ yêu cầu xét nghiệm quy mô lớn.

Viện Công nghệ sinh học đã sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng khác để triển khai ứng dụng Kit phát hiện Virus COVID-19 góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam sẽ báo cáo Bộ Y tế về kết quả này và chỉ đạo Viện Công nghệ sinh học trong việc sản xuất số lượng lớn các Kit phát hiện, quy trình sử dụng KIT hoặc tham gia xét nghiệm khi có yêu cầu.

Minh Thùy
.
.
.