Tràn lan quảng cáo thuốc lá điện tử: Ai kiểm tra, ai xử lý?

Chủ Nhật, 26/08/2012, 18:58
Báo CAND có bài phản ánh hiện tượng mua bán thuốc lá điện tử diễn ra sôi động trên thị trường. Thời gian gần đây, Đường dây nóng Báo CAND tiếp tục nhận được nhiều điện thoại của bạn đọc hỏi về loại thuốc lá này. Còn trên các trang web, thuốc lá điện tử đang được quảng cáo như một phương thuốc nhiệm mầu để cai nghiện thuốc lá. Hiện tượng quảng cáo này là vi phạm pháp luật cần được xử lý.
>> Cai nghiện thuốc lá: Sử dụng thuốc lá điện tử là có hại

Vào mạng Internet, ông Nguyễn Văn Hòa ở thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc bị cuốn hút ngay vào những dòng quảng cáo thuốc lá điện tử vô cùng hấp hẫn. Ông là người nghiện thuốc lâu năm, nay đã cao tuổi, biết thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe nên ông tìm cách bỏ thuốc. Nhưng đã vài lần thử tự bỏ thuốc mà không được, ông Hòa đi tìm các sản phẩm trợ giúp. Nghe người quen giới thiệu về loại sản phẩm mới này, ông lên mạng tìm và tin ngay quảng cáo giới thiệu thuốc lá điện tử rằng: “Không chứa chất gây hại, không ung thư, hiệu quả cai nghiện cao…”.

Ông Hòa gọi điện cho con gái làm việc tại Hà Nội, yêu cầu con mua cho thuốc lá điện tử để thay thế thuốc lá. Con gái ông Hòa nghe vậy đã thận trọng tìm hiểu và không thể tìm được một doanh nghiệp nào được cấp phép nhập khẩu loại thuốc lá đặc biệt này. Đồng thời, qua tìm hiểu, chị cũng được biết trong loại thuốc lá này vẫn có hàm lượng nicotin. Chị suy luận, vẫn phải bỏ tiền mua thuốc, vẫn sử dụng nicotin, vậy thì làm sao cai nghiện được? Đó cũng chính là thắc mắc của nhiều người nghiện thuốc lá hoặc có người thân nghiện thuốc lá.

Quảng cáo thuốc lá điện tử tràn lan trên nhiều trang web.

Sản phẩm thuốc lá điện tử xuất hiện tại Việt Nam từ khoảng năm 2007, 2008. Ban đầu, việc quảng cáo cho loại sản phẩm được cho là để cai thuốc lá còn rụt rè. Nhưng đến nay, cùng với nhu cầu thực tế, mặt hàng này đang được quảng cáo khá rầm rộ. Hàng loạt trang web quảng cáo thuốc lá điện tử được “trình làng” mang tên “caithuochieuqua”, “caithuoc”, “caithuocla”, “thuocla” “dangcap9X”, “shopdangcap”, “thuocladientu”… Không có một mức giá chung nào dành cho thuốc lá điện tử. Trên mỗi trang web đều có nhiều loại thuốc lá điện tử với nhiều loại giá. Mỗi trang web lại giới thiệu giá bán khác nhau, chênh nhau tới 2 triệu đồng/1 hoặc 2 điếu thuốc lá. Giá bán có mức từ 300.000đ – hơn 2,2 triệu đồng/hộp có 1 hoặc 2 điếu.

Mặc dù thuốc lá điện tử được quảng cáo rầm rộ nhưng gần như không có một cửa hàng nào bán thuốc lá điện tử trực tiếp. Nếu muốn mua hàng, người mua chỉ cần gọi điện thoại sẽ có người mang thuốc lá điện tử tới giao và nhận tiền tại nhà hoặc địa điểm hẹn trước. Nguồn gốc của các sản phẩm này cũng không rõ ràng.

Điều 9, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có cấm hành vi: “Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu”.

Như vậy, việc đưa thuốc lá điện tử (giống hệt thuốc lá) đưa từ nước ngoài về Việt Nam không rõ nguồn gốc là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ quan nào xử lý hoạt động mua bán loại thuốc lá này. Thậm chí, người dân cũng không phân biệt được thực hư tác dụng của thuốc lá điện tử để định hướng sử dụng. Thế nên, nhiều người mua thuốc lá điện tử mà thiếu thông tin, hiệu quả không đúng như quảng cáo và mong muốn gây lãng phí tiền bạc và thời gian. Trước các thông tin quảng cáo rầm rộ về thuốc lá điện tử, các cơ quan chức năng như Bộ Công thương, Bộ Y tế cần vào cuộc kiểm tra, xử lý có kết luận rõ ràng về loại thuốc lá điện tử đang lưu thông trên thị trường

Minh Phương
.
.
.