Tạo hình bộ phận “hạnh phúc” cho người lưỡng giới
Ở Việt Nam, số người bị mơ hồ giới tính không hiếm, bởi ngoại hình và hình thái bộ phận sinh dục ngoài của họ dễ làm chính họ, lẫn gia đình và thầy thuốc đều nhầm giới thật của họ.
Trên thế giới hiện cứ 1/20.000 – 1/64.000 trên tỷ lệ sinh bị mắc. Dị tật này ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần, cuộc sống, tương lai người bệnh và gây tâm lý nặng nề cho gia đình. Vì thế, “tìm lại chính mình” là khát vọng của bao người lưỡng giới.
Giờ đây, ở Việt Nam, ước mơ ấy đã trở thành sự thật, khi các thầy thuốc ở Bệnh viện (BV) Việt - Đức đã thực hiện thành công đề tài tạo hình bộ phận sinh dục đúng giới tính cho người lưỡng giới, giúp họ được sống với con người thực của mình. Đây là một trong những đề tài thu hút sự chú ý tại Hội nghị Ngoại khoa toàn quốc vừa diễn ra ở Hà Nội.
Không biết mình là… ai?
Theo PGS.TS. Trần Ngọc Bích - Trưởng khoa Phẫu thuật nhi (BV Việt - Đức): Người bệnh bị Lưỡng giới thật hay giả đều có bộ phận sinh dục ngoài ở trạng thái nửa nam nửa nữ hay bộ phận sinh dục ngoài ở giới tính ngược hẳn với giới tính thật của mình. Ví dụ như người bệnh là nam : nhiễm sắc thể giới tính là 46 XY, có 2 tuyến sinh dục là tinh hoàn trong ổ bụng nhưng bộ phận sinh dục ngoài hoàn toàn như nữ giới, có âm đạo nhưng không có tử cung, hoặc người bệnh là nữ: nhiễm sắc thể là 46 XX, có hai buồng trứng, có âm đạo và tử cung nhưng âm vật lại to dài như dương vật và hai môi sinh dục trông như hai túi bìu. Yếu tố quyết định giới tính chính là tuyến sinh dục. Lưỡng giới hang ngo thanh: Lưỡng giới còn có tên gọi là mơ hồ giới tính hay giới tính chưa phân định. Đây là dị tật khó chẩn đoán và điều trị. Việc chẩn đoán sớm và đúng rất quan trọng để có hướng điều trị cụ thể về giới tính sẽ tạo mổ, thời gian mổ và giáo dục giới tính.
Chị Nguyễn Thị T., ở huyện Đ., tỉnh Thái Nguyên, là một trong những người như thế. Gia đình cho biết, sinh ra chị là nữ, nhưng từ năm 8 tuổi, chị bỗng “mọc” thêm dương vật và phát triển theo tuổi tác. Thế là vẻ ngoài con gái, nhưng chị lại có cả 2 bộ phận sinh dục nam và nữ. Mặc cảm, chị không dám nhận lời yêu ai, không dám nghĩ tới chuyện lập gia đình, khi nhiều người trong làng coi như “dị nhân”. Gia đình chị rất đau khổ vì chuyện này.
Mãi năm ngoài 30 tuổi, một người đàn ông nông dân hơn chị tới 30 tuổi mới chịu lấy chị, nhưng cũng chỉ làm vợ ba. Đến lúc chị sinh con thì chính các bác sĩ ở bệnh viện cũng tá hỏa khi thấy người phụ nữ này có cả bộ phận… sinh dục nam.
Từ nhỏ đến lớn, anh Trần Văn G., ở Nghĩa Hưng, Nam Định, cũng luôn phải sống trong mặc cảm, đến mức, anh không dám vào phòng vệ sinh cùng bạn bè, vì thấy “cái ấy” không giống những đứa con trai khác. Hơn thế, anh lại còn có cả… ngực như con gái.
Chuyện như của chị T. và anh G. không phải là duy nhất và hiếm gặp. Có điều, nhiều người gặp hoàn cảnh đó đều giấu kín thân phận khi thấy mình “không giống ai” vì mặc cảm và vì không hiểu biết.
Sống với giới tính thật của mình
Hiểu được những bất hạnh khó sẻ chia của những người “không biết mình là ai”, các thầy thuốc ở BV Việt - Đức, do PGS.TS. Trần Ngọc Bích chủ trì, đã tiến hành nghiên cứu kỹ thuật mổ tạo hình bộ phận sinh dục nữ ở lưỡng giới. Sau gần 20 năm nghiên cứu, bằng kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và tạo hình, 31 người đã được phẫu thuật thành công. Các bệnh nhân đều được theo dõi từ 6 tháng đến 3 năm.
PGS.TS. Trần Ngọc Bích cho biết: Trước hết các bác sĩ phải làm các xét nghiệm xác định đúng giới tính của họ, đồng thời, xem xét khả năng có con của giới định chuyển, khả năng sinh hoạt tình dục với sự hòa nhập cộng đồng của giới định chuyển, ý muốn của chính bệnh nhân và cha mẹ họ.
Người thân chờ đợi khám cho trẻ bị dị tật bộ phận sinh dục bẩm sinh. |
Nếu tạo nữ mà có con được thì chúng tôi sẽ mổ tạo nữ. Nếu tạo nam mà có khả năng có con thì mổ tạo nam. Nếu không có con ở cả 2 giới tính, thì chọn giới tính sẽ mổ tạo được bộ phận sinh dục gần giống nhất với bộ phận sinh dục của giới định chuyển, để bệnh nhân có cuộc sống tình dục bình thường.
Ý kiến về việc chọn giới tính của chính bệnh nhân ở tuổi trưởng thành cũng được tôn trọng. Tuy nhiên, cũng cần xem cá tính, hình dáng của người đó thiên về giới nào, để quyết định mổ tạo giới cho họ. Để không làm đảo lộn cuộc sống đã ổn định của bệnh nhân, nên có những người dù thật sự là đàn ông, nhưng lại bị coi là nữ từ lúc sinh ra, nên vẫn phải tạo thành nữ cho họ.
Các thầy thuốc không chỉ tạo hình bộ phận sinh dục đảm bảo các “thiên chức”, mà còn đảm bảo cả yếu tố thẩm mỹ vì điều này rất quan trọng với cuộc sống tương lai của bệnh nhân. Thành công của nghiên cứu khoa học này là cánh cửa tương lai cho những người bị lưỡng giới.
PGS.TS. Trần Ngọc Bích cũng khuyến cáo: Việc mổ tạo hình vào thời điểm nào rất quan trọng. Nếu để đến tuổi trưởng thành, để chính bệnh nhân tự quyết định giới tính của mình cũng là một điều tốt. Nhưng trong khoảng thời gian chờ đợi đến 18 tuổi, bệnh nhân sẽ sống với giới tính nào? Thời gian này là quá dài, chắc chắn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần bệnh nhân và gia đình. Trong khi đó, nếu mổ chuyển giới tính ở tuổi nhỏ, nhất là hoàn thiện ở tuổi trước khi đến trường, sẽ giúp bệnh nhân sớm hòa nhập với cộng đồng, tránh được sang chấn tinh thần cho bệnh nhân và gia đình họ.
Theo PGS.TS. Trần Ngọc Bích, càng lớn, trẻ càng ngại ngùng, mặc cảm về sự “bất thường” của mình. Vì thế, việc khám, chẩn đoán và phẫu thuật cho trẻ bị dị tật tốt nhất là từ 1 - 2 tuổi. Để tránh những hậu quả xấu, khi phát hiện bộ phận sinh dục của con mình có dấu hiệu bất thường, các bậc cha mẹ cần sớm đưa trẻ đi khám để được bác sĩ phát hiện, tư vấn và điều trị kịp thời. Việc giấu giếm chỉ khiến các cháu khó có một cuộc sống hạnh phúc như ý trong tương lai