Chuyện lạ lùng về lão công nhân chế tạo mô hình tàu ngầm Hoàng Sa
Con nhà nông, nhưng ngay từ nhỏ, ông Ngà đã có niềm đam mê rất lớn với khoa học. Lúc còn học cấp 2, ông đã tìm hiểu các loại mô hình của xe ôtô, máy bay vốn là đồ chơi của trẻ em và tiến hành lắp ráp.
Sau này, vì gánh nặng mưu sinh “cơm áo gạo tiền” và chăm lo việc học hành cho 3 người con nên ông Ngà đành gác lại đam mê của mình.
“Cách đây 10 năm, tui tham gia vào CLB máy bay mô hình ở TP Huế và thường xuyên biểu diễn máy bay dọc bờ sông Hương. Lúc ấy tui nghĩ, tại sao mình lại không thử chế tạo mô hình tàu ngầm được điều khiển bằng thiết bị từ xa như máy bay mô hình. Ý tưởng là vậy nhưng phải đến năm 2013, tui mới có cơ hội bắt tay vào nghiên cứu để chế tạo mô hình tàu ngầm này”, vừa điều chỉnh các thiết bị được lắp trên thân tàu ngầm được đặt giữa căn nhà nhỏ số 38B Thánh Gióng (phường Tây Lộc, TP Huế), ông Ngà vừa chia sẻ.
Ông Lê Ngà bên chiếc tàu ngầm mini Hoàng Sa. |
Thế nhưng, để một thiết bị mô hình nặng trên 100kg có thể lặn dưới mặt nước mà không bị chìm ông Ngà gặp khá nhiều khó khăn. Bằng kinh nghiệm vốn có, ông tự học hỏi thêm ở sách, báo, và các tài liệu về kỹ thuật chế tạo tàu ngầm trên mạng Internet.
Sau 2 năm mày mò với hàng trăm lần thử nghiệm ở hồ bơi và trên sông, đến cuối năm 2014, chiếc tàu ngầm được ông Ngà chế tạo từ các vật liệu tự có, thân tàu làm từ vỏ bình gas công nghiệp đã có thể chạy được trên sông Hương và điều khiển theo ý muốn. Chiếc tàu ngầm có chiều dài 2,7m; đường kính thân tàu 0,4m; cao 1m và trọng lượng tàu nặng 120kg.
Đứng bên chiếc tàu ngầm mô hình mang tên Hoàng Sa được khắc bằng dòng chữ màu trắng trên thân tàu, ông Ngà không giấu được niềm vui: “Tàu ngầm được điều khiển bằng thiết bị từ xa, có thể chạy 1 giờ đồng hồ dưới nước bằng năng lượng lấy từ pin ắc quy với vận tốc bằng vận tốc của người đi bộ đấy!”.
Nguyên tắc hoạt động của mô hình tàu ngầm, ông Ngà chế tạo theo nguyên lý thực, tức là khi tàu lặn sẽ bơm nước vào 2 khoang riêng biệt của thân tàu, còn khi nổi, mô tơ được gắn trong tàu sẽ hoạt động để phun nước trở lại ra bên ngoài. Phần đuôi có hệ thống chân vịt với tốc độ quay 10.000 vòng/phút tạo lực đẩy cho tàu.
Đặc biệt, tàu ngầm có thể lặn sâu tối đa khoảng 10m so với mặt nước và ông Ngà còn gắn một thiết bị đèn pha cùng camera ở dưới mũi tàu giúp tàu ngầm có thể tìm kiếm các vật lạ dưới đáy sông.
Tâm sự với chúng tôi, ông Ngà bày tỏ nhiều băn khoăn, trăn trở về mô hình tàu ngầm mang tên Hoàng Sa của mình: “Điểm khác biệt của tàu ngầm Hoàng Sa so với một số tàu ngầm được chế tạo ở các địa phương khác là tàu được điều khiển bằng thiết bị từ xa, không cần người lái. Tuy nhiên, hiện tàu ngầm này chỉ mới được thiết kế ở mức mô hình nên còn rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng thì mới hy vọng có thể được ứng dụng vào thực tiễn. Vì thế mà niềm mong muốn lớn nhất của tui và gia đình là được các nhà khoa học giúp đỡ thêm để góp phần hoàn chỉnh mô hình tàu ngầm này trong tương lai!”.
Nói về mô hình tàu ngầm của ông Ngà, ông Trần Ngọc Nam, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Sở đã có nghe thông tin ông Ngà chế tạo mô hình tàu ngầm và thử thành công trên sông Hương.
Tuy nhiên, do ông Ngà chưa làm đơn đề xuất nên đến nay Sở vẫn chưa lập hội đồng để thẩm định và đánh giá về mô hình tàu ngầm này. Tới đây, chúng tôi sẽ liên hệ với các đơn vị liên quan để có sự thẩm định chính xác về mô hình tàu ngầm do ông Ngà nghiên cứu và chế tạo”.