Não thông minh phát triển khác biệt

Chủ Nhật, 10/09/2006, 08:23
Các nhà khoa học nhận thấy những đứa trẻ nào thông minh hơn thường có vỏ não mỏng hơn khi chúng được 7 tuổi, nhưng rồi chính vỏ não đó lại dày lên rất nhanh ở tuổi 12.

Những người thông minh kiệt xuất và có năng lực vượt trội người cùng lứa tuổi không hẳn là nhờ họ có nhiều chất xám hơn, mà một phần là do não bộ của họ phát triển khác người, theo một nghiên cứu mới đăng tải trên tờ Nature.

Viện Sức khỏe tinh thần quốc gia Mỹ đã sử dụng các phim chụp cắt lớp để nghiên cứu sự phát triển của võ não, nơi có liên quan đến hoạt động suy nghĩ  của não, trên 307 đứa trẻ. Họ nhận thấy những đứa trẻ nào thông minh hơn thường có vỏ não mỏng hơn khi chúng được 7 tuổi, nhưng rồi chính vỏ não đó lại dày lên rất nhanh ở tuổi 12.

Những trẻ trung bình ban đầu thường có vỏ não dày, mà dày nhất là lúc 8 tuổi. Trong cả 2 trường hợp, vỏ não mỏng đi sau khi đạt độ dày đến cực đỉnh, nhưng tiến trình này diễn ra dần dần ở trẻ có chỉ số thông minh (IQ) trung bình, bởi vì vỏ não chúng đạt độ dày cực đỉnh sớm hơn nhiều năm so với trẻ thông minh. Các nhà nghiên cứu tin rằng tiến trình dày lên của vỏ não, với thời gian kéo dài hơn, sẽ giúp cho não bộ có nhiều thời gian hơn để phát triển những mạch điện suy nghĩ cấp độ cao.

Nhà nghiên cứu Elias Zerhouni cho biết: “Nhiều nghiên cứu về não đã dạy cho chúng tôi biết rằng những người có chỉ số IQ cao hơn không hề có bộ não vĩ đại hay nhiều chất xám gì cả. Nhờ công nghệ chụp ảnh cắt lớp não bộ, giờ đây chúng ta có thể khẳng định rằng khác biệt chủ yếu giữa người thông minh và người bình thường nằm trong phương thức não phát triển”

Minh Nhựt (theo BBC News)
.
.
.