Lương y Võ Hoàng Yên với cuộc thực nghiệm và cuộc hội thảo đáng nhớ

Chủ Nhật, 20/11/2011, 11:08
Do bám sát "hành tung" của lương y Võ Hoàng Yên, tôi đã xin đưa một số bệnh nhân đến để cậy nhờ ông chữa chạy và trực tiếp dự buổi hội thảo, nghe ông và một số Giáo sư, bác sỹ có uy tín ngành Y phát biểu ý kiến hết sức thẳng thắn. Càng trực tiếp chứng kiến ông bấm huyệt cho bệnh nhân, chúng tôi và nhiều người đã đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác!
>> Tôi đón lương y Võ Hoàng Yên đi chữa bệnh

Đầu tháng 11, lương y Võ Hoàng Yên từ Bình Phước, nơi ông đang nghiên cứu đề tài khoa học bấm huyệt chữa bệnh theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ra Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc để tổ chức chữa bệnh thực nghiệm và báo cáo một số cơ sở lý thuyết, kiến thức với các nhà khoa học y tế. Tuy thời gian ở Hà Nội quá ngắn, nhưng không thể từ chối một số bệnh nhân câm điếc và tai biến di chứng cột sống đến cậy nhờ, lương y Võ Hoàng Yên đã tranh thủ từng phút bấm huyệt cho một số bệnh nhân do người quen biết, thân thiện giới thiệu với số lượng hết sức hạn chế.

Bấm huyệt cho nhà văn Lê Lựu

Như bạn đọc đã biết, gần 3 năm nay nhà văn Lê Lựu (đang được đề nghị Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm tác phẩm văn học), bị xuất huyết não. Ông bị khá nặng, nằm viện đến mức thân thiết với nhiều y, bác sỹ Bệnh viện 108, từng lên Thái Nguyên nhờ "thầy Phú" giẫm, đạp vài lần, tuy có đỡ nhưng đi lại rất chậm chạp, luôn phải có người dìu từng bước. Đi một trăm mét quanh nhà, có khi phải mất cả tiếng. Nếu không có nhân viên dìu đỡ, ông mà đi một mình thì "ngã oạch" ra ngay. Khi được tôi thông báo "thầy" Võ Hoàng Yên đồng ý bấm huyệt cho ông vào sáng 3/11, nhà văn Lê Lựu mừng hú lên. Ông nhờ nhân viên đưa đến khách sạn, nơi ở của thầy Yên từ rất sớm.

Nhưng cũng phải ngồi đợi đến hơn 2 tiếng đồng hồ mới đến lượt. Khi nghe tôi và chị giúp việc nói trước: "Xin thầy sau ca này là đến lượt nhà văn Lê Lựu", lương y Võ Hoàng Yên dừng tay, trố mắt ngạc nhiên hỏi: "Lê Lựu đâu", rồi ông tiến nhanh tới ôm lấy nhà văn lớn "Trời! Bác đến lúc nào mà không báo trước cho con?. (Lê Lựu sinh năm 1942, lương y Võ Hoàng Yên sinh năm 1975). Con đọc nhiều tác phẩm của bác, thế mà nay mới gặp mặt. Vinh dự cho con quá…". Nhiều người nhà bệnh nhân nghe tiếng cũng ùa đến "xem mặt" nhà văn Lê Lựu, trầm trồ. Qua phút ồn ào ấy, cuộc chữa bệnh cho nhà văn bắt đầu.

Lê Lựu được ông Yên dìu đến chiếc ghế băng dài, được ngồi ở thế kẹp hai chân vào chiếc ghế rộng khoảng 40cm - vật dụng mà đi đâu các "đồ đệ" của thầy Yên cũng mang theo. Ông Yên hướng dẫn nhà văn duỗi thẳng hai chân ra, nhưng Lê Lựu không tài nào mà duỗi thẳng được. Ông Yên dùng tay trái và đầu gối chân mình giữ chặt đầu gối chân trái của Lê Lựu, tay phải ông Yên vừa xoay, vừa kéo mạnh chân cho thẳng ra. Nhà văn Lê Lựu kêu toáng lên, không cần giữ ý tứ gì nữa.

Đoán triệu chứng nhà văn Lê Lựu có thể "bất hợp tác", ông Yên phải sai cả hai "sư tăng" giúp đỡ mình giữ gối nhà văn cố định, giữ chiếc ghế để không bị "tùng bê" rồi bất ngờ xoay chân phải Lê Lựu. Cảm giác như ông Yên xoay và kéo cả hai chân nhà văn cho thẳng ra khiến Lê Lựu không thể kìm lại tiếng kêu đau đớn. Ông Yên dùng tay bấm huyệt nhiều lần vào bắp đùi và vùng mông, sau đó dùng đuôi một lọ dầu nhỏ ấn vào vùng cổ rất nhiều lần. Mồ hôi ông Yên nhễ nhại, còn Lê Lựu thì chỉ một mực kêu đau, kêu rất to: "Ối trời ơi! Đau quá thầy Yên ơi".

Thậm chí có lúc Lê Lựu nhụt chí kêu to khiến chúng tôi không nhịn được cười: "Thầy ơi! Đau quá! Thầy tha cho "em"”! Ông Yên vừa thở, vừa cười chọc quê nhà văn: "Ối trời ơi! Ông trẻ đánh ông già" khiến mọi người bất ngờ cười ran lên. Lê Lựu cũng cười, nhưng điệu cười nhăn nhở giữa tua tủa là râu ria, trông thương quá! Nghỉ tay một lúc, ông Yên để nhà văn Lê Lựu ngồi dậy và tự đi. Lê Lựu nhăn nhó, nhọc nhằn dò từng bước, dáng đi xiêu vẹo. Mấy nhân viên Trung tâm Văn hóa doanh nhân lao đến, giơ tay đỡ, nhưng ông Yên gạt, "Có tôi ở đây, cứ để nhà văn đi một mình. Ngã tôi chịu…".

Nhưng Lê Lựu vẫn dò dẫm từng tý một, khó nhọc lắm. Lương y Võ Hoàng Yên nhìn dáng đi ấy bảo: "Như vậy là nhà văn của chúng ta bị vẹo cột sống, để tôi sửa cột sống cho ông". Ông lại dìu Lê Lựu nằm úp sấp vào chiếc ghế dài, vén áo lên. Ông chỉ cho chúng tôi thấy "đường đi" của cột sống nhà văn Lê Lựu lượn như một hình sin, hèn chi nhà văn cứ phải đi lom khom như một tiều phu đốn củi. Đoạn ông bảo: "Tôi sẽ bấm nắn lại cho cột sống này thẳng, sẽ đi được". Tôi giơ máy chụp lưng của nhà văn.

Nói rồi ông Yên cầm lấy đuôi một lọ dầu dùng tay phải ấn rất mạnh vào dãy cột sống của Lê Lựu từ cổ xuống sát mông. Mỗi lần bấm là mỗi lần kêu oai oái, có lúc Lê Lựu kêu rống lên chứng tỏ một nhà văn từng gan lỳ sống chết để viết tiểu thuyết "Mở rừng" ở Trường Sơn đau đến mức nào! Khoảng 10 phút sau, đợi cho Lê Lựu hết kêu rên, ông Yên đỡ nhà văn dậy rời khỏi ghế, bắt tập đi như trẻ nhỏ. Nhà văn của chúng ta tập tễnh từng bước một, có lúc đi như chao đảo sắp ngã, có người sợ quá lao đến đỡ, ông Yên gạt tay: "Cứ để cho bác ấy tự đi". Lê Lựu không có ai tựa vịn, nhưng rồi bắt đầu bước đi một mình trong tiếng vỗ tay râm ran của hàng chục bạn đọc… Lúc này mới thấy nhà văn nhăn nhó cười, nhưng là nụ cười rất tươi!

Tiễn Lê Lựu ra hành lang, bắt ông tiếp tục tập đi, ông Yên lại quay vào với những bệnh nhân mới đang la liệt ngồi chờ. (Cùng ngày đó, nhà văn Lê Lựu đã "trả công" thầy Yên bằng cách sai nhân viên mang bộ sách in ba cuốn tiểu thuyết của ông tặng ông Võ Hoàng Yên. Lương y Võ Hoàng Yên mời bác Lê Phùng Cửu, 59 tuổi, dân tộc Nùng bị tai biến điếc một năm nay vừa từ thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn xuống để ông bấm huyệt. Bác Cửu từng sang Trung Quốc chữa chạy, nhưng tai vẫn điếc, chân không đi lại được. Nay chỉ qua 3 lần được ông Yên bấm huyệt, bác Cửu đã nói được cả tiếng Nùng, cả tiếng Kinh, đi lại khá bình thường.

Cháu Nguyễn Kim O. đã có thể nghe, nói sau khi được lương y bấm huyệt.

Cũng từ Ngã Ba giác, Đồng Đăng, Lạng Sơn xuống có chị em ruột của một gia đình nghèo, cô chị Lê Thị Thơm 10 tuổi và cậu em Lê Anh Tuấn 8 tuổi. Theo lời mẹ cháu, Tuấn là con sinh đôi, nhưng chỉ mình cháu là sống, thế nhưng thật tội nghiệp, hai chân cháu bị dính vào nhau, đi không được, chữa chạy khắp bệnh viện, nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Xem tin trên mạng, biết thầy Yên, gia đình tìm mọi cách liên hệ được thầy Yên nhận lời giúp. Đây là lần thứ 6, cháu Tuấn được thầy Yên bấm huyệt, cháu đã được tách dính, hai chân đi lại được, tuy vẫn còn lòng khòng. Mẹ cháu nói không nên lời: "Thầy đã sinh cháu lần thứ 2. Không biết lấy gì để cảm ơn thầy!".

Những ý kiến tâm huyết, trung thực từ cuộc hội thảo và thực nghiệm

Trước đó, vào ngày 2/11, lương y Võ Hoàng Yên chữa thực nghiệm và báo cáo lý thuyết theo đề nghị của Viện Phát triển sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) thuộc Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam. Ông đã chữa bệnh ngay tại chỗ cho 7 trẻ em và người lớn bị bệnh câm điếc trước sự chứng kiến của các nhà khoa học.

Ông Yên bảo "gọi cả 7 bệnh nhân câm điếc vào để tôi chữa một thể. Bệnh này chữa tập thể càng có tác dụng nhanh, kiểu con gà tranh nhau tiếng gáy". Sau khoảng một tiếng đồng hồ xoay vần, bấm huyệt, dạy tiếng… dường như cả 7 bệnh nhân đều nghe và nói được trong sự trầm trồ của mọi người. Một điều rất thuyết phục là, ông Yên vừa chữa bệnh, vừa nói về những động tác của ông: bấm huyệt, day huyệt vào đâu? Tại sao phải vỗ vào tai người điếc to đến thế, nhưng vỗ bằng khí, chứ nếu vỗ trực tiếp vào tai thì chỉ làm bệnh nhân "điếc" thêm.

Tôi chú ý trường hợp ông Yên chữa câm điếc cho cháu gái 16 tuổi. Nhìn cháu, nếu không được giới thiệu, chẳng ai nghĩ cháu Nguyễn Kim O (Hà Nội) có khuôn mặt xinh, thánh thiện dường kia lại bị câm điếc bẩm sinh. 16 năm qua, cháu sống trong vùng trũng không có âm thanh. Nay qua mấy lần ông Yên bấm huyệt, vỗ "pôm pốp" vào tai, cháu O giật mình nói được câu "Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm". Khi ông Yên hỏi tên bố mẹ là gì, quê ở đâu, cả số điện thoại nữa, cháu O đều nói được, tất nhiên chưa thể tròn vành rõ chữ.

Bước vào hội thảo, ông Yên chỉ nói ngắn gọn: "Thưa các Giáo sư, thưa các thầy! Sau 6 năm nhen nhóm chữa bệnh, con mới được nghe ý kiến ủng hộ vào ngày 29/7 ở Bình Phước. Nay con chỉ muốn nghe ý kiến của các Giáo sư, kiến thức của các thầy vô cùng phong phú, con muốn lắng nghe chỉ giáo của các Giáo sư đầu ngành để tiếp tục hoàn thiện mình…".

Lương y Võ Hoàng Yên tuy chữa chạy cho hàng ngàn bệnh nhân khỏi bệnh, hiệu quả rõ rệt, nhưng đến nay ông vẫn chưa được phép hành nghề. Nếu có cơ quan nào, cá nhân có cương vị cao nào… mời ông đến chữa bấm huyệt cho bệnh nhân thì cũng chỉ là sự thân tình, rồi làm "tiện thể", nếu không muốn nói là "làm chui". Nhìn ông dồn sức mà lo. Dăm ba năm nữa, nếu ông Yên được phép chữa bệnh, không biết lúc ấy, ông có còn sức mà "dồn lực" cứu hàng ngàn người bệnh đang xếp hàng chờ ở toàn quốc hay không?

Thầy thuốc Nhân dân Trần Trọng Hải, nguyên Vụ trưởng Vụ HTQT, Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam: Anh Yên quả là một tài năng hiếm có

 “Xem và nghe anh Yên làm thực tế, tôi thấy cực kỳ tuyệt diệu. Thực ra đây đúng là chuyên môn quá giỏi về phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Tôi xin mời anh Yên đến hội thảo, biểu diễn với Hội Phục hồi chức năng Việt Nam. Anh Yên quả là một tài năng hiếm có. Tôi sẽ đề nghị Ban thường vụ Hội Phục hồi chức năng cấp đặc cách chứng chỉ hành nghề cho anh Yên. Càng sớm càng tốt".

Bác sỹ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Xô, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam: Đề nghị Bộ trưởng Y tế nên cấp đặc cách chứng chỉ hành nghề cho anh Yên

“Tôi rất phấn khởi khi thấy anh Yên đã truyền nghề cho một số "đệ tử". Mong anh Yên đúc rút kinh nghiệm từ bản thân để ghi chép lại và viết thành sách. Tôi từng học về đông y 7 năm ở Trung Quốc, có đúc kết thành một số quyển sách để truyền bá kinh nghiệm. Tôi từng được chứng kiến và gặp gỡ 15 cụ ở nhiều tỉnh, tuy chỉ học hết lớp 2 nhưng bốc thuốc chữa bệnh theo trường phái đông y thì rất giỏi. Trước đây, chúng tôi đã đề nghị Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cấp đặc cách chứng chỉ cho 15 cụ này để được chữa bệnh, đã được anh Triệu đồng ý trình văn bản. Nay nếu thêm được anh Yên nữa thì tốt quá. Bộ Y tế rất nên cấp chứng chỉ hành nghề cho anh Yên, trước mắt, chí ít là Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam nên cấp chứng chỉ cho anh Yên”.

Hồng Thái
.
.
.