Loài rái cá quý hiếm nhất châu Á được tìm thấy ở Việt Nam
Đây là lần đầu tiên sự hiện diện của loài rái cá lông mũi được xác nhận tại Việt Nam kể từ năm 2000 đến nay, do các chuyên gia thuộc Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê thực hiện.
Tháng 3 vừa qua, trong khi tiến hành điều tra động vật bằng cách soi đèn đêm, nhóm chuyên gia đã phát hiện hai cá thể rái cá lông mũi dọc một bờ kênh.
“Chúng tôi bắt gặp hai cá thể này khi đứng cách chúng chỉ chừng hơn 2 m. Đây thực sự là một cơ hội hiếm có khi bắt gặp một loài quý hiếm như vậy trong tự nhiên”, anh Nguyễn Văn Nhuận, thuộc Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê cho biết.
Con rái cá lông mũi được các chuyên gia Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê chụp ảnh được. Ảnh do Chương trình cung cấp. |
Vào những năm 1990, rái cá lông mũi được coi là đã tuyệt chủng trên thế giới. Tuy nhiên, sau đó, nó được tái phát hiện tại Campuchia, Thái Lan, Sumatra. Tại Việt Nam, ghi nhận gần đây nhất về chúng là do Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật tiến hành vào năm 2000, tại Vườn Quốc Gia U Minh Thượng.
Có rất ít thông tin về loài này vì vậy chúng hiện được liệt vào dạng thiếu số liệu trong Sách đỏ của IUCN. Tuy nhiên, Nhóm Kế hoạch hành động Bảo tồn Rái cá thuộc IUCN đã xác định rái cá lông mũi là loài có tầm quan trọng bảo tồn quốc tế. Trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, loài này cũng được liệt vào dạng nguy cấp.
Rái cá lông mũi rất khó bắt gặp trực tiếp và hầu hết chúng hoạt động vào ban đêm. Chúng ăn cá, ếch nhái, các loài bò sát, và côn trùng.
Ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Vườn Quốc Gia U Minh Hạ cho biết: “Việc rái cá lông mũi được tìm thấy tại đây là một thông tin tuyệt vời và chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê để tiếp tục tiến hành nghiên cứu quan trọng này".
Việt Nam là nơi sinh sống của bốn loài rái cá, bao gồm rái cá lông mũi (Lutra sumatrana), rái cá lông mượt (Lutra perspicillata), rái cá thường (Lutra lutra), và rái cá vuốt bé (Aonyx cinerea). Cả 4 loài đều đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi sự tác động đến sinh cảnh sống của chúng và nạn săn bắt để lấy da, làm thuốc và lấy thịt.
Nhóm điều tra đang lập kế hoạch tiếp tục công việc khảo sát thực địa tại các khu rừng đất than bùn U Minh, đặc biệt là vùng nằm giữa Vườn Quốc Gia U Minh Hạ và U Minh Thượng vì đây có thể là hành lang cho các loài động vật hoang dã di chuyển qua lại giữa hai khu bảo tồn