Lại giải mã Da Vinci!

Thứ Tư, 05/12/2007, 16:52
Từ cuối tháng 10 vừa qua, những người yêu mỹ thuật có thể chiêm ngưỡng tác phẩm Bữa tiệc ly (The last supper) của thiên tài Leonardo Da Vinci qua mạng với độ phân giải 16 tỉ pixel! Bức ảnh có độ phân giải cao nhất thế giới hiện nay đã bộc lộ thêm nhiều điều mới lạ về tài hoa của Da Vinci.

Phiên bản kỹ thuật số này được tạo ra bằng những kỹ thuật đặc biệt để bảo vệ bức tranh mong manh khỏi bị hư hại vì phơi bày ra ánh sáng.

Sau một thời gian đóng cửa không phục vụ du khách đến chiêm ngưỡng kiệt tác của Da Vinci, những tu sĩ áo trắng dòng Dominican lại mở cửa tu viện Santa Maria delle Grazie để công bố bức ảnh chụp 16 tỉ pixel trên một màn hình khổng lồ chỉ cách bức tranh thật có vài bước.

Bức tranh Bữa tiệc ly của Leonardo Da Vinci vẽ từ thế kỷ 15 đã bị hư hỏng nặng.

Bữa tiệc của Chúa

Bữa tiệc ly (tên gốc tiếng Ý là Il Cenacolo or L'Ultima Cena) là bức tranh vẽ trên tường từ thế kỷ 15 của danh hoạ Leonardo Da Vinci cho nhà bảo trợ là công tước Ludovico Sforza cùng phu nhân Beatrice d'Este. Bức tranh tái hiện lại cảnh bữa tiệc trong những ngày cuối cùng của Jesus theo những tường thuật trong sách Phúc âm của Thánh John.

Trong bữa tiệc, Jesus tuyên bố rằng một trong số 12 môn đệ của ông sẽ phản bội ông. Đây là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất và quý giá nhất thế giới. Tuy vậy, khác với nhiều danh tác mỹ thuật khác, bức tranh này chưa bao giờ trở thành của tư hữu vì nó được vẽ luôn trên tường nhà thờ, bất di bất dịch.

Bức tranh có kích thước 460 x 880cm nằm ở sau dãy nhà ăn của tu viện Santa Maria delle Grazie ở Milan (Ý). Đây là một chủ đề truyền thống cho những bức tranh treo trong phòng ăn của các tu viện nhưng cách thể hiện của Da Vinci đã mang lại cho Bữa tiệc ly chiều sâu và tính hiện thực cao hơn hẳn.

Những chiếc ly trong suốt thấy chi tiết bên trong và phía sau, những chiếc đĩa thiếc bóng loáng phản chiếu màu sắc và vật thể cận kề... cho thấy công phu của Da Vinci.

Những ô bán nguyệt bên trên bức tranh chính, hình thành nhờ trần nhà hình vòm cong của nhà ăn, được Da Vinci vẽ bằng màu tempera hình gia huy của nhà họ Sforza cùng những nhân vật trong dòng họ này. Những hình vẽ này cũng bị thời gian huỷ hoại như chính bức tranh Bữa tiệc ly.

Da Vinci bắt đầu vẽ bức tranh này vào năm 1495 và hoàn thành năm 1498. Do thời gian thực hiện kéo dài và không liên tục, Da Vinci quyết định vẽ trên một bức tường khô hơn là vẽ trên vữa còn ướt vì vẽ trên vữa ướt không thể sửa chữa, thêm bớt về sau. Da Vinci phủ kín bức tường đá bằng những lớp hắc ín, thạch cao và mastic rồi dùng màu tempera vẽ lên trên cùng. Chính vì thế mà bức tranh không chịu được sự tàn phá của thời gian.

Tài hoa của Da Vinci

Các chuyên gia kỹ thuật của công ty HAL9000 chuyên về chụp ảnh bảo tàng - đã đối diện nhiều thử thách khi chụp lại bức Bữa tiệc ly. Bức tranh sau hơn 5 thế kỷ đã bạc màu và nứt nẻ đến mức không thể chịu được ánh sáng mạnh chiếu trực tiếp vào.

Để bảo vệ bức tranh, HAL9000 hợp tác với các chuyên gia phục chế ở Viện phục chế trung ương (Istituto Centrale per il Restauro) của Rome để chế tạo ra một hệ thống chiếu sáng không phát ra tia cực tím và không toả nhiệt cao - những tác nhân luôn gây hại cho các tác phẩm mỹ thuật.

Suốt 9 giờ liền, từng xentimét vuông của bức tranh được chụp bằng chiếc máy ảnh kỹ thuật số Nikon D2X. Toàn bộ quá trình chụp ảnh số này chỉ được tác động của vài phút chiếu sáng yếu ớt như cường độ chiếu sáng thông thường ở đây. Trở lại công ty, giám sát viên Mauro Gavinelli cùng nhóm của ông đã nối 1.677 bức ảnh chụp thành bức tranh kích thước 460 × 880cm đúng như tranh thật bằng hai máy tính AMD Opteron quad-core có bộ nhớ 16GB và đĩa cứng 2 terabyte.

Đằng xa ngoài khung cửa sổ còn có một tháp chuông và những cành cây, tinh vi đến từng chi tiết.

Bức ảnh cuối cùng với độ phân giải 16 tỉ pixel đã được công ty HAL9000 đưa lên mạng ở www.haltadefinizione.com/en/cenacolo/look.asp cho phép ta zoom vào từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Cả những chi tiết chưa từng biết!

Ống tay áo của nhân vật Judas trong tranh có những đường thêu bằng chỉ vàng. Da Vinci đã trộn luôn bụi vàng vào màu tempera để vẽ những đường thêu này! Sau lưng nhân vật Jesus trong tranh là một ô cửa sổ, nhưng chỉ nhờ bức ảnh chụp kỹ thuật số của công ty HAL9000 thì người đời nay mới sửng sốt nhận ra: đằng xa ngoài khung cửa sổ còn có một tháp chuông và những cành cây, tinh vi đến từng chi tiết.

Rồi những hoa văn trên tấm khăn trải bàn và những nếp nhăn gấp, những chiếc ly trong suốt thấy chi tiết bên trong và phía sau, những chiếc đĩa thiếc bóng loáng phản chiếu màu sắc và vật thể cận kề...

Da Vinci đã dày công thể hiện từng chi tiết tinh vi nhất trong 3 năm thực hiện kiệt tác này.

Ống tay áo của nhân vật Judas trong tranh có những đường thêu bằng chỉ vàng lấp lánh.

Di sản của nhân loại

Cha Stefano Rabacchi, hiện thời là cha bề trên của tu viện Santa Maria delle Grazie, cho biết rằng mặc dù bức tranh Bữa tiệc ly được vẽ riêng cho tu viện, tu viện thấy có bổn phận chia sẻ với thế giới.

Tài hoa của Leonardo Da Vinci vẫn còn nhiều bí mật chờ giải mã.

Mỗi năm có khoảng 320.000 đoàn du khách ghé đến đây thưởng ngoạn Bữa tiệc ly. Vé tham quan phải đặt trước nhiều tháng tuy rằng mỗi lần tham quan chỉ được 15 phút. Du khách phải đi qua một phòng khử trùng, mỗi đợt 25 người, để những bụi khói thành phố bám trên quần áo được hút sạch đi.

Ngay trong nhà ăn có Bữa tiệc ly một hệ thống lọc khí hút hết khoảng 70% những chất ô nhiễm có trong không khí trong phòng. Mặc dù báo chí Ý gần đây đã cảnh báo về nồng độ ô nhiễm trong phòng Bữa tiệc ly đã tăng lên, và lo ngại kiệt tác của Da Vinci sẽ bị hư hỏng thêm, tu viện Santa Maria delle Grazie vẫn chưa có ý định đóng cửa.

Bây giờ, một phiên bản kỹ thuật số chính là giải pháp! Ít ra là giải pháp dành cho những ai không có điều kiện đặt chân đến Milan. Nhưng xem phiên bản kỹ thuật số có mang lại cảm giác giống như xem bức tranh thật không? Hãy nghe lời nhận định của ông Vincenzo Mirarchi - tổng giám đốc HAL9000:

"Thật hấp dẫn khi thấy công nghệ có thể cho ta thấy những gì thường không nhìn thấy được. Nhưng điều này hoàn toàn không thể thay thế cho vật thể thực. Nhìn trên màn hình máy tính không bao giờ giống như đứng trước tác phẩm của Da Vinci"

Theo Đăng Thư (Sài Gòn Tiếp thị)
.
.
.