Khó khăn nhất là đào tạo nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân

Chủ Nhật, 15/05/2011, 14:13
Chuyên gia hạt nhân quốc tế cao cấp, TS Trần Đại Phúc cho biết: Ở Pháp, một kĩ sư mới ra trường đã có mức lương 2.000-2.500 Euro, một chuyên gia trung bình ở mức 8.000-10.000 Euro. Trong khi ở Việt Nam, lương thì thấp mà đào tạo thì lạc hậu. “Phải mất ít nhất 12 năm, Việt Nam mới đào tạo hoàn tất được một chuyên gia về hạt nhân”.

Phải hẹn tới mấy lần, tôi mới gặp được ông, ngay sau khi ông vừa trở về từ Thái Lan. Ở tuổi 73, mái tóc đã ngả trắng, cách nói chuyện của ông vẫn hóm hỉnh, thu hút. Hơn 40 năm xa xứ, trở thành chuyên gia hạt nhân cao cấp của Bỉ, Pháp, đã từng đảm nhiệm vai trò kiểm soát viên hạt nhân quốc tế, đi gần khắp thế giới, cuối cùng bàn chân ông đã trở về Việt Nam - mảnh đất quê hương ông rời xa khi mới 20 tuổi, để giúp đất nước đào tạo chuyên gia phục vụ việc vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên - Ninh Thuận 1.

Khoa học hạt nhân: Như là duyên phận…

Ông sinh ra trong một gia đình trí thức, với bố là bác sĩ, ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Lớn lên ở Sài Gòn, ông có điều kiện được tiếp xúc với văn hóa Âu châu từ rất sớm. Từ nhỏ, ông đã được giáo dục trong những ngôi trường của người Pháp. Năm 1958, cùng với 5 học sinh ưu tú khác của Trường Chasseloup Lanbat (Trường THPT Lê Quý Đôn ngày nay) nhận học bổng của Pháp, ông bắt đầu chặng đường hơn 40 năm xa xứ. Khác với bạn bè cùng lứa, ông chọn khoa học hạt nhân làm tương lai cho cuộc đời mình.

Thời điểm đó, khoa học hạt nhân còn là lĩnh vực rất mới mẻ với thế giới. Người tác động nhiều tới quyết định của ông là thầy Louis Néel - người giành giải Nobel Vật lý năm 1970. Tới giờ, ông vẫn nói, đó là người thầy vĩ đại nhất trong cuộc đời mình và ông không hề hối hận vì sự lựa chọn đó.

TS Trần Đại Phúc.

Sau khi tốt nghiệp Trường Kỹ thuật công nghệ hạt nhân (Pháp), với thành tích lọt vào top 5 người xuất sắc nhất, ông nhận được học bổng Tiến sĩ của Viện Năng lượng nguyên tử Pháp. Công trình bảo vệ luận án Tiến sĩ mang tên "Sự phá hủy của tia notron trong thùng thép đựng vùng hoạt" được nghiên cứu trong 5 năm đã được đánh giá rất cao, khiến cái tên Trần Đại Phúc được chú ý nhiều hơn trong giới nghiên cứu khoa học hạt nhân. Ông được mời sang làm việc cho Tập đoàn Belgo Nucléaire - tập đoàn lớn nhất của Hoàng gia Bỉ, chuyên sản xuất nhiên liệu hạt nhân. Tại đây, ông đã đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến phương thức sản xuất hỗn hợp nhiên liệu MOX (Mixte Oxyde), tức hợp chất UO2-PuO2 - là nhiên liệu tái tạo tự nhiên từ UO2 đã cháy, giúp tiết kiệm được 1/3 giá thành nhiên liệu dùng trong tâm lò phản ứng hạt nhân.

Sau 5 năm làm việc tại Bỉ, ông trở lại Pháp, làm việc cho Tập đoàn AREVA - chuyên thiết kế các lò phản ứng hạt nhân, rồi tới làm việc cho IRSN (Institute of Radioprotection & Nuclear Safety) - cơ quan hỗ trợ kỹ thuật cho Cục An toàn bức xạ hạt nhân Pháp (ASN - Nuclear Safety Authority) với tư cách chuyên gia cao cấp, kiểm soát viên quốc tế các nhà máy điện hạt nhân và các công xưởng sản xuất nhiên liệu hạt nhân.

Đã từng đi kiểm soát rất nhiều lò phản ứng ở các quốc gia hàng đầu thế giới về điện hạt nhân (Nga, Nhật, Đức, Mỹ...), ông rút ra nhận xét: Xét về công nghệ thì không có sự khác biệt, hầu hết các nước đều đang sử dụng thế hệ lò phản ứng thứ 2, 2+, 3 hoặc 3+. Tuy nhiên, nếu xét về độ an toàn trong việc vận hành nhà máy thì nước Pháp có thể tốt hơn các nước khác. Ở Pháp, Cơ quan An toàn hạt nhân (ASN) hoạt động dựa trên Cơ quan Hỗ trợ kỹ thuật (IRSN) với khoảng 3.000 người. Hai cơ quan trên hoàn toàn độc lập đối với nhà thiết kế và vận hành, nên bất cứ sự cố nào, dù là ở cấp độ rất nhỏ cũng được các chuyên gia kĩ thuật phân tích một cách kỹ lưỡng, đầy đủ.

Ở Pháp, các cơ quan và tập đoàn có liên quan đến hạt nhân đều coi trọng văn hóa đảm bảo chất lượng, văn hóa nhận trách nhiệm, văn hóa thông tin minh bạch cho dân chúng trong mọi tình huống. Cả IRSN và ASN đều được hỗ trợ tài chính từ Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), Tập đoàn AREVA, thế nhưng khi các đơn vị này làm sai đều vẫn bị chỉ trích công khai hoặc trừng phạt một cách rất nghiêm khắc, tùy theo phân cấp của sự cố, có thể dẫn đến việc cấm vận hành nhà máy. Bởi thế mà, kể từ khi vận hành lò áp suất đầu tiên Fessenheim (1976) tới nay, 58 nhà máy điện hạt nhân của Pháp chưa xảy ra tai nạn nào nghiêm trọng.

Làm thầy giáo "không thù lao" ở Việt Nam

"Lí do tôi trở về Việt Nam đơn giản lắm. Tôi nghĩ mình bôn ba đã đủ dài, đã gần hết đời người rồi. Tôi là một chuyên gia về công nghệ hạt nhân, và tôi nghĩ, những kinh nghiệm mà tôi thu thập được trong suốt hơn 40 năm làm việc ở nước ngoài có thể đóng góp chút ích nào đó cho Việt Nam trong bước đầu phát triển công nghệ điện hạt nhân. Tháng 9/2009, nhận lời mời của Chính phủ Việt Nam, tôi chính thức về làm việc tại Cục An toàn bức xạ hạt nhân (ATBXHN) - TS Trần Đại Phúc chia sẻ.

Mỗi năm, ông về nước từ 6-7 tháng để tham gia đào tạo các chuyên gia của Cục ATBXHN dưới sự hỗ trợ một phần của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), giúp Việt Nam từng bước phát triển nguồn nhân lực phục vụ nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2014 và đưa vào vận hành thương mại vào năm 2020. Không nhận bất cứ khoản thù lao nào từ phía Chính phủ Việt Nam, dù vất vả vì phải thường xuyên di chuyển giữa Pháp - Việt Nam, nhưng với một người con xa quê hương lâu năm như ông, đó như một sự trả nghĩa xứng đáng.

"Vợ và 3 đứa con của tôi vẫn đang sống tại Pháp. Thực tình mà nói, ở tuổi này, tôi không muốn sống xa gia đình. Vợ và các con tôi thì không thể về Việt Nam vì còn vướng mắc mối quan hệ họ hàng, công việc. Tôi đã nói với vợ và con rằng, lúc này tôi có thể đóng góp chút hữu ích cho Việt Nam. Rất may, vợ và các con tôi đã đồng tình để tôi quay về" - TS Phúc tâm sự thẳng thắn.

Nói về dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, TS Phúc cho rằng: "So với thế giới, Việt Nam đi sau, đi chậm. Nhưng người đi sau, đi chậm cũng có nhiều lợi thế so với người đi sớm, đi trước. Việt Nam có thể sàng lọc để chọn ra công nghệ tốt nhất, an toàn nhất, sau quá trình thực tế ở các nước tiên tiến. Công nghệ mà Nga hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhà máy Ninh Thuận 1 thuộc thế hệ lò phản ứng thứ 3 - công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Tuổi thọ của thế hệ lò phản ứng thứ 3 có thể kéo dài từ 60-70 năm. Tuy nhiên, ngoài công nghệ, yếu tố vận hành cũng chi phối 50% độ an toàn của nhà máy. Nhà máy vận hành không phải chỉ có đội ngũ nhân lực đủ về số lượng, mạnh về kĩ thuật mà còn phải mạnh về tài chính, đặc biệt phải có văn hóa nhận trách nhiệm chuyên môn. Muốn cho lò hoạt động hiệu quả, an toàn, phải tiến hành bảo dưỡng định kì. Công nghệ lò phản ứng thứ 3 rất an toàn nhưng sự an toàn cũng chỉ có giới hạn. Xác suất rủi ro vẫn có. Sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukusshima 1 là ví dụ điển hình, cũng là bài học quan trọng cho Việt Nam".

Chi phí để đào tạo nhân lực rất lớn. Nếu muốn cử một chuyên gia sang châu Âu học tập trong 6 tháng, khoản phí lên tới 80.000 Euro. Nếu muốn mời chuyên gia quốc tế sang Việt Nam dạy, chi phí cũng lên tới 1.000 Euro/ngày. Hiện tại Việt Nam mới có được khoảng 300-500 chuyên gia, nhưng chủ yếu là trong lĩnh vực vật lí hạt nhân chứ không phải công nghệ hạt nhân.

"Tôi rất lo về khả năng Việt Nam sẽ không đủ nhân lực cho việc phát triển điện hạt nhân. Mỗi năm, tôi trở về Việt Nam hai lần để mở các lớp đào tạo cho sinh viên, kỹ sư ngành Hạt nhân. Lần 1 từ tháng 3 tới tháng 6. Lần 2 từ tháng 9 tới tháng 12. Tôi nhận thấy giáo trình dạy hạt nhân trong các trường đại học của Việt Nam chưa thực sự hữu hiệu, có phần lạc hậu so với thế giới. Nếu cứ đào tạo theo giáo trình đó thì phải mất ít nhất 12 năm, Việt Nam mới đào tạo hoàn tất được một chuyên gia. Riêng về lĩnh vực công nghệ hạt nhân, Việt Nam phải cập nhật một giáo trình đặc biệt được xây dựng bởi các chuyên gia quốc tế ở các nước có nền công nghệ hạt nhân tiên tiến" - TS Phúc nhấn mạnh.

Không tham vọng để không tuyệt vọng

"Tôi tự cho rằng, đời mình chưa thất bại. Cái quan niệm về thất bại, mỗi người nghĩ một khác. Nhiều người không lên được chức thì họ nghĩ mình thất bại, vì họ coi trọng danh phận. Có người thấy mình nghèo hơn người khác cũng nghĩ mình thất bại, vì họ coi trọng tiền bạc. Người ta chỉ cảm thấy thất bại khi không đạt được những thứ mà mình muốn. Tôi không quá tham vọng, chỉ cố gắng làm hết khả năng của mình và nhận lại sự trả công xứng đáng. Tôi luôn nghĩ rằng, nếu người nào giỏi, họ chỉ cần học 1 giờ. Mình không giỏi thì mình phải học 10 giờ rồi mình cũng làm được việc như người ta. Tôi sợ những kẻ ưa bon chen, thích giành giật. Tham vọng quá sẽ đẩy người ta tới bi kịch. Tôi đã dạy những kỹ sư trẻ, đã từng thẩm vấn họ trong quá trình họ xin việc và rồi, bằng tài năng, họ trở thành giám đốc. Tôi vui vẻ làm việc với họ, không ghen tị hay khó chịu. Tôi không tuyệt vọng. Sự tuyệt vọng sẽ chỉ chứng tỏ mình yếu đuối" - TS Phúc tâm sự.

Về chuyện riêng tư có thể nói, đời ông bôn ba, như cánh chim trời rong ruổi nay đây mai đó. Nhưng rồi, mối tình duyên với cô gái xinh đẹp người Bỉ đã khiến bàn chân ông dừng bước.

"Ngày còn là sinh viên ở Bỉ, tối thứ 6 hàng tuần, tôi thường cùng bạn bè tới các phòng trà uống rượu, nghe nhạc, khiêu vũ. Tôi gặp cô ấy ở đó, và thực sự bị thu hút. Sau đó, chúng tôi gặp gỡ, nói chuyện và rồi yêu nhau. Cô ấy là người giản dị, lại ham đọc sách về văn hóa phương Đông, đặc biệt rất thích Việt Nam, nên giữa chúng tôi không có sự cản trở nhiều về văn hóa. Sau này, khi tôi rời Bỉ sang Mĩ làm việc, cô ấy cũng theo sang. Và chúng tôi tổ chức đám cưới ở Mĩ. Khi trở về Pháp, mỗi năm tôi phải đi theo đoàn kiểm soát viên quốc tế tới các nhà máy hạt nhân ở khắp thế giới ròng rã trong suốt 6-7 tháng. Một mình vợ tôi chăm sóc 3 đứa con trưởng thành. Tôi luôn cảm thấy mình mang ơn cô ấy" - ông kể lại.

Trong suốt buổi trò chuyện thân mật, ông luôn bày tỏ sự cảm kích đối với các nhà khoa học Việt Nam: "Tôi tiếp xúc, làm việc với họ và thấy, trí tuệ của nhà khoa học Việt Nam không thua kém gì quốc tế. Thế nhưng, chế độ đãi ngộ chưa thực sự phù hợp nên không khuyến khích được họ nghiên cứu sáng tạo. Làm khoa học mà vẫn phải lo mưu sinh cho cả gia đình thì không thể có sự cống hiến 100%. Ở Pháp, một kĩ sư mới ra trường đã có mức lương 2.000-2.500 Euro, một chuyên gia trung bình ở mức 8.000-10.000 Euro. Việt Nam cần phải xây dựng chế độ đặc thù cho các nhà khoa học và chuyên gia, bởi khoa học và chuyên gia cũng là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi chất xám cao"

Lâm Khánh Vy
.
.
.