Khám sớm để phòng cong vẹo cột sống
Triệu chứng cong vẹo cột sống cũng như các khuyết tật về chân hoặc tay ở trẻ nhỏ nước ta ngày càng phổ biến. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Lý, Viện trưởng Viện Chỉnh hình phục hồi chức năng cho biết, bình quân mỗi năm, Viện tiếp nhận từ 500 - 600 ca phẫu thuật và dùng vật lý trị liệu chỉnh hình đối với các triệu chứng này. Nhưng nếu tính trong phạm vi toàn quốc thì số liệu của Viện còn khá khiêm tốn.
Chúng tôi tới Viện Chỉnh hình phục hồi chức năng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tại đây, chúng tôi thấy khá đông bệnh nhân là trẻ em ở các tỉnh xa và gần Hà Nội đang điều trị dài ngày.
Nhìn bác sĩ điều trị đang vỗ về các bệnh nhân nhỏ tuổi xinh xắn đang nhăn nhó trên giường bệnh vì mắc chứng cong vẹo cột sống và các biến chứng về tứ chi, chúng tôi thật sự cảm thương.
Ở ngoài hành lang, người thân của các cháu đều có chung tâm trạng buồn bã và hết sức lo lắng cho bệnh tật của các cháu. Họ lo rằng, năm học mới sắp tới rồi, không biết các cháu có kịp về nhập trường để không bị hụt hẫng kiến thức.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Lý, Viện trưởng Viện Chỉnh hình phục hồi chức năng cho biết, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, nước ta có khoảng 6,5% người tàn tật, trong số này có tới 30% là tàn tật của cơ quan vận động. Bình quân mỗi năm, Viện tiếp nhận điều trị từ 500 - 600 ca ở diện phẫu thuật và dùng vật lý trị liệu, dụng cụ chỉnh hình. Tuy nhiên, nếu tính trong phạm vi toàn quốc thì số liệu của Viện còn khá khiêm tốn.
Ngoài ra, hằng năm Viện cũng nhiều lần phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội một số tỉnh khu vực phía Bắc để khám bệnh và điều trị bệnh cho các bệnh nhân bị cong vẹo cột sống và các triệu chứng về tứ chi cho trẻ em.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Lý, triệu chứng cong vẹo cột sống diễn biến từ từ nên chỉ đến khi nhìn thấy thì mới phát hiện ra. Và khi đó bệnh đã ở vào giai đoạn nặng. Nếu không được điều trị kịp thời, người mắc bệnh sẽ có khả năng thay đổi về hình thể, hạn chế sự hoạt động của đường hô hấp, hoạt động của các tạng trong lồng ngực, ảnh hưởng đến khả năng lao động, khả năng tâm sinh lý và nhiều chức năng khác trong cơ thể. Đến lúc đó, những trường hợp mà cột sống bị biến dạng lớn thì khả năng can thiệp mang lại hiệu quả rất thấp.
Cong vẹo cột sống là triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Vì vậy các gia đình nên kiểm tra định kỳ cho các cháu để phát hiện sớm và điều trị cho đúng. Khi bệnh nhẹ thì có thể điều trị bằng phương pháp chỉnh hình, cho đến một thời điểm thích hợp thì cần phải phẫu thuật chỉnh hình mới có thể chữa khỏi bệnh