Học sinh lớp 11 chế tạo ‘mạch điện tự động’
Ba mẹ làm nghề nông, nhưng em Đức lại có niềm đam mê đặc biệt với kĩ thuật điện, điện tử.
Ngoài kiến thức môn Vật lý được học ở trường thì Đức thường hay lên mạng Internet tìm hiểu thêm. Mỗi khi đồ dùng trong nhà, như nồi cơm điện, quạt bàn, tivi… bị hỏng là Đức tự tay sửa chữa mà không cần đem ra tiệm. Năm 2014, được thầy cô động viên, Đức tham dự cuộc thi sáng tạo khoa học thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Nam, với mô hình “Máy báo chống trộm” đạt giải nhất toàn tỉnh.
Em Ung Tấn Đức. |
Năm nay, Đức tiếp tục tham gia sân chơi khoa học công nghệ này với mô hình “Mạch điện tự động”. Nói về ý tưởng chọn mô hình “Mạch điện tự động”, Đức chia sẻ: “Ở khu phố em hay xảy ra tình trạng cúp điện. Đặc biệt, mỗi khi trời tối, các công nhân hay phải đi từng trụ để bật công tắc. Vậy nên, em muốn sáng tạo mô hình mạch điện tự động để có thể tự bật điện mỗi khi trời tối và tắt điện mỗi khi trời sáng. Mô hình này có thể giảm bớt chi phí thuê nhân công làm việc và tiền để mua sắm thiết bị”.
Sau khi đã có ý tưởng, Đức tự mình phác thảo mô hình ra giấy rồi tìm đến các cửa hàng bán đồ dùng điện – điện tử để mua thiết bị như: quang trở, biến trở, đi-ốt, biến áp...
Bằng sự kiên trì, Đức đã hoàn thành tốt mô hình “Mạch điện tự động” trong hai ngày. Khi đưa cho thầy giáo hướng dẫn xem, mô hình được đánh giá cao khiến Đức rất vui và tự hào. Đức giải thích: “Về nguyên lý hoạt động, khi có ánh sáng là nguồn cấp điện vào quang trở thì cường độ dòng điện trong mạch điện tự động sẽ tăng làm bóng đèn bật. Ngược lại, khi không có ánh sáng điện vào quang trở thì cường độ dòng điện trong mạch điện tự động sẽ giảm làm bóng đèn tắt”…
Khi đi tham dự cuộc thi, mô hình “Mạch điện tự động” của Đức đã vượt qua nhiều ứng dụng khác đạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Nam năm 2015 với giải thưởng là 3 triệu đồng cùng giấy khen của Ban tổ chức. “Em rất vui vì mô hình của mình làm đã giành giải cao, được gửi ra Hà Nội để dự thi cấp Quốc gia trong tháng 9-2015 tới. Em hy vọng sẽ có nhiều sân chơi khoa học bổ ích như vậy để em cùng các bạn có thể tham gia, trao đổi, hun đúc cho mình niềm đam mê sáng tạo”, Đức chia sẻ.