Hé mở "tân thế giới" vi sinh vật trong đại dương
Trong khuôn khổ nghiên cứu Thống kê Toàn cầu về vi sinh vật biển (ICoMM) với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trên thế giới, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện nhiều thực thể sống hiếm có, gồm các vi sinh vật, động vật phù du và ấu trùng trong đại dương.
Bằng các phương pháp nghiên cứu truyền thống, các chuyên gia đã phân loại được khoảng 20.000 loài vi sinh vật biển. Tuy nhiên, các dữ liệu mới cho thấy con số thực tế sẽ cao hơn rất nhiều.
Ông John Baross, Chủ tịch Hội đồng cố vấn khoa học của ICoMM, cho biết tổng số các loài vi sinh vật biển bao gồm cả vi khuẩn và các loại vi sinh vật tiền sử - vi sinh vật đơn bào, nếu được phân loại theo đặc điểm phân tử có thể lên tới con số gần một tỷ loài và tương đương với trọng lượng của 240 tỷ chú voi châu Phi.
Ảnh minh họa. |
Các nhà khoa học cho biết việc xác định được số lượng, tính đa dạng và vai trò của các cấu trúc vi sinh vật biển khác nhau là chìa khóa giúp con người nghiên cứu sâu hơn về kích cỡ, sự năng động và tính ổn định của chuỗi thức ăn, vòng carbon và các yếu tố cơ bản trên Trái đất. Các loài vi sinh vật thực hiện tới 95% quá trình hô hấp trong đại dương, qua đó giúp đảm bảo các điều kiện sống cơ bản của con người của Trái Đất. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, vi sinh vật biển đóng vai trò tái xử lý, hấp thụ CO2 và chuyển thành carbon.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một số loài vi sinh vật và vi khuẩn có mối quan hệ cộng sinh với nhiều loài động vật biển khác bằng cách sống trên da và ruột của vật chủ. Điều này đồng nghĩa với việc có thể còn hàng triệu loài vi khuẩn sẽ được khám phá trong nhiều thập kỷ tới. ICoMM là một trong những chương trình hợp tác nghiên cứu lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Nghiên cứu được tiến hành trong khoảng một thập kỷ, bằng việc khảo sát các loài sinh vật biển với sự tham gia của hơn 2.000 nhà khoa học trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nghiên cứu được tiến hành tại 1.200 khu vực trên thế giới, qua đó các nhà khoa học đã thu thập được 18 triệu mẫu DNA của nhiều loài vi sinh vật