Google, Facebook phải trả phí bản quyền cho báo chí

Thứ Ba, 09/03/2021, 18:47
Theo báo cáo xu hướng tiếp thị kỷ thuật số Việt Nam, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam trung bình mỗi năm ước tính đạt khoảng 820-955 triệu USD. Tuy nhiên, khoảng 70% doanh thu từ thị trường này rơi vào tay hai nền tảng xuyên biên giới là Google và Facebook.


Điều đáng nói là dù đạt doanh thu, lợi nhuận lớn, trong đó có việc sử dụng các nội dung do các cơ quan báo chí sản xuất, sáng tạo song cả Google và Facebook đều chủ yếu“dùng chùa”, không chia sẻ lợi nhuận cho các cơ quan báo chí.

Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có số lượng người sử dụng Facebook nhiều nhất và Facebook cũng là kênh có thị phần quảng cáo trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam. Trong bối cảnh doanh thu của báo chí, đặc biệt từ nguồn quảng cáo sụt giảm mạnh thì doanh thu của Google và Facebook tại Việt Nam luôn chiếm phần lớn tổng doanh thu trên thị trường quảng cáo trực tuyến. 

Đơn cử như năm 2019, tổng giá trị thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam khoảng 648 triệu USD thì Facebook đã chiếm tới 275 triệu USD và Google là 174,9 triệu USD.

Đáng nói hơn, mặc dù nguồn thu quảng cáo của Google và Facebook tại Việt Nam có sự đóng góp lớn từ mảng tin tức sử dụng lại nguồn từ các báo và trang tin, qua đó giúp mang lại lượng views và giữ chân người dùng. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm qua, các đường link tin tức báo chí được dẫn lại trên Facebook hay những bài viết được Google lấy lại sử dụng cho dịch vụ Google News đều là “dùng chùa” mà không hề có sự chia sẻ lại nguồn doanh thu quảng cáo thu được nhờ mảng tin tức này.

Tại diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, đại diện các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khẳng định,  việc vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới đã ảnh hưởng tới các cơ quan báo chí Việt Nam. Cụ thể, các cơ quan báo chí sẽ bị chiếm đoạt sức lao động và giá trị sáng tạo, tự cạnh tranh không bình đẳng với các trang tin vi phạm bản quyền báo chí. Doanh thu quảng cáo suy giảm, chưa được chia sẻ lợi ích thỏa đáng từ việc cung cấp nội dung cho các nền tảng xuyên biên giới.

Trước thực tế trên, đại diện Cục Báo chí đề xuất giải pháp bảo vệ bản quyền cho các cơ quan báo chí Việt Nam trên nền tảng số theo hướng các cơ quan truyền thông cần công khai các biểu hiện vi phạm pháp luật Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới, buộc các nền tảng này phải tuân thủ luật pháp Việt Nam về quản lý nội dung, quản lý quảng cáo. Các cơ quan báo chí cần chung tay hình thành các liên minh bảo vệ bản quyền nội dung của báo chí trên nền tảng số.

Ảnh minh họa: Facebook đang là kênh chiếm thị phần quảng cáo trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, việc “đòi quyền lợi” về mặt bản quyền cho báo chí từ nguồn thu quảng cáo của các ông lớn công nghệ như Google và Facebook là không hề đơn giản song cơ quan báo chí cũng không nên thụ động ngồi chờ mà hãy chủ động hợp tác, liên minh lại để tìm giải pháp ứng phó, đưa ra lộ trình, cách thức phù hợp.

Đại diện Cục Phát Thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử cũng nhấn mạnh: Hiện nay Facebook đang nhượng bộ một số nước như Úc và 1 số quốc gia khác cũng đang quyết liệt yêu cầu “ông lớn” công nghệ này phải chia sẻ nguồn thu cho cơ quan báo chí. Đây là điều kiện khách quan thuận lợi cho Việt Nam trong việc đàm phán, đấu tranh. Về điều kiện chủ quan, ngoài sự hỗ trợ, hậu thuẫn của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này thì các cơ quan báo chí cũng phải chủ động vào cuộc, cùng liên minh hợp tác chặt chẽ với nhau để gây sức ép, buộc các nền tảng xuyên biên giới phải ngồi vào bàn đàm phán.

 

Hùng Quân
.
.
.