Người xây cầu nối đưa nhiều nhà khoa học Nobel đến Việt Nam

Chủ Nhật, 20/08/2017, 20:28
Giáo sư (GS) Trần Thanh Vân, Tiến sỹ Vật lý người Pháp gốc Việt, là một trong ba người châu Á được tặng Huy chương Tate của Hội Vật lý Mỹ vào năm 2012, là Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam ông đã tổ chức nhiều cuộc Gặp gỡ Việt Nam, hội tụ được nhiều nhà khoa học từng đoạt giải Nobel đến Việt Nam.

Câu chuyện về những trí thức lớn, những nhà khoa học người Việt ở nước ngoài luôn đau đáu nhớ về quê hương, mong muốn được dâng hiến cho quê hương tất cả tâm, trí lực, ý tưởng và khát vọng khoa học luôn làm chúng ta xúc động. 

Giáo sư (GS) Trần Thanh Vân, Tiến sỹ Vật lý người Pháp gốc Việt là một người như thế. Ông là một trong ba người châu Á được tặng Huy chương Tate của Hội Vật lý Mỹ vào năm 2012. 

Đặc biệt, ông là Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, đã tổ chức nhiều cuộc Gặp gỡ Việt Nam, hội tụ được nhiều nhà khoa học từng đoạt giải Nobel đến Việt Nam. Mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu hơn nhưng Giáo sư (GS) Trần Thanh Vân còn biết bao dự định và khát vọng lớn lao về khoa học, mở thêm cánh cửa cho các nhà khoa học Việt Nam hội nhập với thế giới.

Gói ghém yêu thương vào những phần học bổng nhỏ bé

“Năm 1968, chiến tranh ở Việt Nam hết sức ác liệt khiến hàng trăm ngàn trẻ em bị mồ côi. Chúng tôi không thể nào sống yên ổn bên này mà nghĩ mình phải làm cái gì đó. Và việc xây một ngôi làng cho trẻ em mồ côi thời điểm đó được xem là ý tưởng điên rồ nhất!” - GS Trần Thanh Vân nhớ lại. 

Paris những năm 1970, trong cái lạnh -10, -15 độ C, GS Trần Thanh Vân và người bạn đời là GS Lê Kim Ngọc, lúc ấy đã là những nhà khoa học rất nổi tiếng ở Pháp, hàng đêm xuống đường bán thiệp, gom những đồng tiền lẻ để xây dựng làng SOS. Tình nguyện xuống đường cùng ông bà là đông đảo bạn bè, sinh viên, tạo thành một “phong trào rầm rộ” ở Pháp, về sau lan sang cả Mỹ. 

Thành công ban đầu từ việc bán thiệp thôi thúc ông bà thành lập Hội Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam (Aide à l’Enfance du Vietnam, viết tắt là AEVN) thu hút khoảng 400 hội viên, phần lớn là người Pháp. Cứ 10 tấm thiệp có giá 2 USD họ thu về tiền lãi là 1 USD. 1 triệu USD – số tiền gom được trong gần 3 năm ròng rã bán tranh đã giúp ông bà dựng nên ngôi làng mơ ước và vận hành nó trong nhiều năm với nguồn kinh phí không nhỏ. 

Sau làng SOS Đà Lạt, AEVN còn xây dựng thêm Trung tâm bảo trợ trẻ em Thủy Xuân ở ngoại thành Huế, và làng trẻ em SOS Đồng Hới ở tỉnh Quảng Bình. Nhiều năm qua, biết bao cuộc đời thơ trẻ bất hạnh đã lớn lên, trưởng thành và có không ít em đã thành danh từ những ngôi làng được xây dựng bằng tình yêu thương của vợ chồng GS Trần.

Là một nhà khoa học nên điều GS Trần Thanh Vân trăn trở nhất là làm thế nào để tạo dựng môi trường, điều kiện học tập để nuôi dưỡng và phát triển tình yêu khoa học cho thế hệ trẻ. Trong những nỗ lực cho giáo dục Việt Nam như chương trình bàn tay nặn bột, các chương trình học bổng Pháp – Việt thì không thể không nói đến Học bổng Odon Vallet, học bổng mà GS Trần Thanh Vân là người nối nhịp cầu. 

Xin được nói thêm về GS Odon Vallet, ông là một vị tiến sĩ khoa học trong ngành luật học, một GS lịch sử tôn giáo của Đại học Sorbonne nổi tiếng thế giới. Được thừa kế một gia tài lớn, trị giá 100 triệu Euro, nhưng ông không tiêu xài cho riêng mình, mà đem tất cả số tiền ấy gửi ngân hàng, hằng năm lấy lãi để tặng học bổng cho các bạn trẻ học giỏi ở Pháp, Bénin và Việt Nam.

Tính đến nay đã có 16 mùa học bổng Vallet được trao ở Việt Nam với với tổng số tiền hơn 220 tỷ đồng. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp chuẩn bị bước vào năm học mới, 2 vị GS già lại rong ruổi trên nhiều cung đường của đất nước để tận tay trao những tấm học bổng có giá trị cả về tài chính và tinh thần cho những HS, SV xuất sắc của Việt Nam. 

“Tôi luôn trân trọng những hoạt động phát triển khoa học giáo dục của GS Trần Thanh Vân dành cho quê hương. Tôi rất hạnh phúc khi được trao tận tay chút quà của tôi cho những tài năng của Việt Nam. Chính các em là người mang lại cho tôi niềm vinh hạnh này” - GS Odon Vallet chia sẻ. 

Cuối tháng 8 này, học bổng Vallet lại được tổ chức trang trọng, ấm cúng tại 7 tỉnh, thành phố. Và mỗi vùng đất mà 2 vị GS già đi qua, mỗi một phần quà được trao tặng như gói ghém rất nhiều yêu thương, hy vọng vào giới trẻ.

Giáo sư Trần Thanh Vân nhận bằng Tiến sĩ danh dự từ Viện Nghiên cứu nguyên tử JINR DUBNA.

Ngôi nhà chung của những tâm hồn đồng điệu

“Bất cứ ai dù đi đâu cũng luôn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Phần lớn cuộc đời của chúng tôi sống và làm việc ở nước ngoài. Khi về già, không bị bó buộc về thời gian thì chúng tôi cố gắng làm được chút nào hay chút đó cho Việt Nam” – GS Trần Thanh Vân tâm niệm.

Năm 1993, sau rất nhiều khó khăn, vợ chồng GS đã tổ chức thành công hội nghị Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất. Sự thành công ngoài sức tưởng tượng này mở màn cho một chuỗi các cuộc Gặp gỡ Việt Nam, đồng thời là cơ sở nhen nhóm trong ông ý tưởng xây dựng một Trung tâm Khoa học và Giáo dục liên ngành đầu tiên của Việt Nam đặt tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Tại Gặp gỡ Việt Nam, đã có hàng nghìn nhà khoa học lĩnh vực Vật lý, Thiên văn học nổi tiếng trên thế giới tham dự, trong đó có nhiều GS đoạt giải Nobel. Đây là điều hiếm thấy tại các hội nghị khoa học tại Việt Nam. Họ đến Việt Nam vì tình bằng hữu và cũng vì khâm phục, trân trọng lý tưởng và khát vọng một đời hiến dâng cho khoa học của vợ chồng GS Trần Thanh Vân.

GS Nobel Glashow (người Mỹ) khi đến Việt Nam đã xúc động chia sẻ: “Vợ chồng GS Trần Thanh Vân là những người bạn thân thiết của tôi suốt nhiều thập niên qua. Tôi đánh giá cao những đóng góp của vợ chồng ông cho ngành vật lý thế giới. Chính vì vậy khi có lời mời của GS Vân là tôi đồng ý ngay. Việc xây dựng trung tâm quốc tế về khoa học và giáo dục liên ngành này trong tương lai sẽ là cầu nối, là nơi mà các hội nghị quốc tế diễn ra, đây là cơ hội cho giáo dục, là nơi truyền cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ sinh viên và các nhà khoa học trẻ Việt Nam, các nước láng giếng châu Á...

Thông qua đó giúp Việt Nam có sự định hướng của riêng mình trong khoa học và khẳng định với thế giới rằng, Việt Nam quan tâm và muốn phát triển khoa học cơ bản”.

Còn GS Vật lý hạt hàng đầu tại Pháp, ông Pierre Fayet – Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp, khi nhắc đến GS Trần Thanh Vân và người bạn đời, ông vô cùng xúc động: “Tôi đã quen GS Vân hơn 40 năm. Ông bà là người Việt Nam nên luôn quan tâm, day dứt với quê hương, họ luôn cố gắng mang cái gì đó trở về Việt Nam, trong đó có mong muốn lớn lao phát triển mối quan hệ khoa học Pháp-Việt. Tôi đã rất háo hức tham gia cuộc “Gặp gỡ Việt Nam” đầu tiên năm 1993 tại Hà Nội và 2 năm sau đó tại TP Hồ Chí Minh. Đó thực sự là những trải nghiệm không thể nào quên. Tôi rất yêu quý những kỉ niệm đó và đất nước của GS Trần”.

GS Jean Audouze, nguyên cố vấn cấp cao về khoa học của nguyên Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, âu yếm gọi GS Trần Thanh Vân là “nhà lãnh đạo tài hoa”.

Hơn 80 tuổi, đi về không mệt mỏi giữa Việt Nam và Pháp, vợ chồng GS Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc vẫn đang mải miết vun đắp cây cầu khoa học, nối thế hệ trẻ Việt Nam với các nhà khoa học từng giảnh giải Nobel, các chuyên gia hàng đầu đến từ các tổ chức nghiên cứu lớn nhất trên thế giới.

Và Trung tâm Khoa học Giáo dục liên ngành (ICISE) do ông bà và nhiều tổ chức bỏ tiền túi xây dựng tại TP biển Quy Nhơn xinh đẹp đã trở thành ngôi nhà chung của những tâm hồn đồng điệu tình yêu khoa học của Việt Nam và thế giới. 

Từ nỗ lực thành lập Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ICISE, GS Trần Thanh Vân đã có ý tưởng thành lập nhà Mô hình vũ trụ và bảo tàng khoa học bên cạnh Trung tâm ICISE, nhằm mang lại ý thức ham mê khoa học, hiểu biết về tầm quan trọng của khoa học căn bản trong đời sống hằng ngày đối với sự phát triển của một quốc gia.

Ý tưởng thành lập nhà Mô hình vũ trụ và bảo tàng khoa học tại Quy Nhơn, Bình Định đã được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Bình Định, của Bộ Khoa học và Công nghệ và của Chính phủ thông qua dự án được mang tên: Tổ hợp không gian khoa học.

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Bình Định thì “đây là một sự đầu tư khôn ngoan”. Còn GS Ngô Bảo Châu từng nhận định, đây sẽ là tổ hợp không gian khoa học "độc nhất vô nhị" của Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế…

16 tuổi, Trần Thanh Vân rời quê hương Quảng Bình đi Pháp du học. Ông bảo vệ tiến sĩ vật lý năm 1963 tại Paris với bản luận án xuất sắc khi mới 27 tuổi. Ông được xem là một bậc thầy trong lĩnh vực lý thuyết vật lý nguyên tử, đồng thời là tác giả của hơn 300 công trình khảo luận, 115 đầu sách khoa học vật lý đã xuất bản, phát hành ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Với những đóng góp cho nền khoa học thế giới cũng như 2 quốc gia Pháp – Việt Nam, ông đã được tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp, Huân chương hữu nghị của Nhà nước Việt Nam…

Thu Phương – Hằng Lê
.
.
.