Ghép tạng – cuộc đua giữa thầy thuốc và tử thần

Thứ Năm, 16/08/2012, 10:10
“… Không còn nghi ngờ gì nữa, cái đầu vẫn còn sống một cuộc sống độc lập và có ý thức sau khi bị cắt rời khỏi thân mình. Dù đang bị choáng váng, Laurence vẫn kịp nhận thấy cái đầu này thật giống với cái đầu của một nhà khoa học, một phẫu thuật gia nổi tiếng vừa qua đời: Giáo sư Dowel, người đã giành được những vinh quang nhờ các thí nghiệm làm sống lại những bộ phận cắt ra từ xác ướp còn tươi”.

Đây là một trích đoạn trong tiểu thuyết viễn tưởng nổi tiếng “Đầu Giáo sư Dowel”. Sang đầu thế kỉ XXI, các bác sĩ Việt Nam, với những thành tựu to lớn trong ghép tạng như gan, thận, tim… đang viết tiếp một trang mới đầy hiện thực của câu chuyện viễn tưởng nổi tiếng nêu trên. Cũng không quá, nếu ví von các bác sĩ Việt Nam đã có bước tiến dài trong cuộc đua với tử thần để giành giật lại sự sống cho người bệnh.

Bài 1: Kỳ tích y học

Năm 1992, ca ghép tạng đầu tiên của Việt Nam được thực hiện tại Bệnh viện (BV) 103. Sau 2 thập kỷ, ngành ghép tạng của Việt Nam đã phát triển vượt bậc, có 12 BV ghép tạng thành công với hơn 620 trường hợp ghép thận và một số BV đã tiến hành ghép tim, ghép gan với kỹ thuật ngang tầm các nước tiên tiến. Đặc biệt, BV Việt Đức, BV Quân y 103, BV Trung ương Huế… trở thành các cơ sở đi đầu trong ghép đa tạng thành công, khi từ một người chết não, các BV đã triển khai ghép đồng thời tim, gan, thận, giác mạc... cho 4 - 5 bệnh nhân. Kỳ tích y học này có ý nghĩa nhân văn to lớn với cả cộng đồng.

Tầm nhìn chiến lược của “ông tổ” ngành ghép tạng Việt Nam

Ghép tạng là kỹ thuật cuối cùng để cứu chữa những bệnh nhân bị suy gan, suy tim, suy thận, suy các tạng. Thế giới bắt đầu nghiên cứu ghép tạng từ đầu thế kỷ XX, nhưng đến năm 1954 bắt đầu ghép thận thành công; năm 1963 ca ghép gan đầu tiên mới được tiến hành. Một năm sau, việc ghép tim được thực hiện.

Thời gian đó, Y học Việt Nam còn sơ khai, điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất, thuốc men và nhân lực còn thiếu thốn, nhưng Giáo sư Viện sĩ Tôn Thất Tùng, Giám đốc BV Việt Đức, đã nghiên cứu ghép tạng và đã ghép thành công ở động vật từ năm 1965-1966. Mong muốn của Giáo sư Tôn Thất Tùng là sẽ thực hiện ghép gan, thận cho người vào những năm 1970. Nhưng khi đó, cả nước phải tập trung nhân lực, vật lực cho kháng chiến, nên ý nguyện của ông đã không thực hiện được. Mặc dù vậy, với trí tuệ thiên tài và tầm nhìn chiến lược, Giáo sư Tôn Thất Tùng đã gửi các kíp mổ đi học ở nước ngoài, chuẩn bị sẵn lực lượng cho ngành ghép tạng: gây mê hồi sức có GS Nguyễn Thụ; ghép gan, ghép thận có GS.TS Nguyễn Đình Hối, GS Nguyễn Bửu Triều, GS.TS Đỗ Kim Sơn… Sau này, các bác sĩ ở BV Việt Đức đi học ở nước ngoài về gan, tim, thận, cũng đều trải qua các khóa đào tạo về ghép gan, tim, thận.

GS Lê Thế Trung và các GS, BS vui mừng sau ca ghép tạng (thận) đầu tiên của Việt Nam.

Thế nhưng, mãi gần 3 thập kỷ sau, năm 1992, các nhà khoa học Việt Nam mới chính thức ghép tạng trên người, bằng cuộc tập trung những tên tuổi lớn về lĩnh vực phẫu thuật như GS Nguyễn Bửu Triều, GS.TS Đỗ Kim Sơn. GS Tôn Thất Bách, GS Lê Thế Trung cùng về Học viện Quân y, để thực hiện ca ghép thận đầu tiên và đã thành công với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài. Năm 2004, với sự giúp đỡ của GS Makuchi (Nhật Bản), ca ghép gan đầu tiên (ở trẻ em) cũng được thực hiện ở BV 103. Đó là bệnh nhân Nguyễn Thị Diệp, hiện giờ em vẫn khỏe mạnh và phát triển bình thường.

Ở Việt Đức, năm 2000 đã chính thức ghép thận thành công 2 ca, nhưng sau đó, vì thiếu kinh phí, nên việc ghép tạng đành để lại. Ca ghép tim đầu tiên ở Việt Nam, do BV 103 thực hiện ngày 17/6/2010 và đến nay, cả nước đã có 6 bệnh nhân được ghép tim, trong đó BV Việt Đức 4 ca và BV Trung ương Huế 1 ca.

Những bàn tay vàng tái tạo sự sống

Tính từ ca ghép tạng đầu tiên (ghép thận) của Việt Nam năm 1992, do BV 103 thực hiện, đến nay cả nước đã có trên 620 ca được ghép thận tại 12 cơ sở y tế; 24 ca ghép gan và 6 ca ghép tim. Hầu hết số người được ghép tạng đều có cuộc sống bình thường, vẫn tiếp tục học tập, lao động, sinh con… Là cơ sở y tế lớn, với đội ngũ giáo sư, bác sĩ có trình độ kĩ thuật cao, BV 103 đã “lãnh ấn tiên phong” trong việc tiến hành ghép tạng; là BV đầu tiên thực hiện ghép thận, gan và tim. BV 103 đã được trao “Kỷ lục Việt Nam” nhờ thành tích 3 lần đi đầu ghép tạng. “Song điều có ý nghĩa lớn nhất với chúng tôi là, sức khoẻ của hầu hết bệnh nhân ghép tạng đều ổn định, có cuộc sống bình thường. Lâu nhất, là bệnh nhân Lê Thanh Nghiêm, được ghép thận năm 1993, đến nay vẫn khoẻ mạnh, có cuộc sống hạnh phúc” - GS.TS, Đại tá Lê Trung Hải, Phó Giám đốc BV 103 vui vẻ cho biết.

Tuy nhiên, GS Hải cũng chân thành nhận xét: Hiện nay BV Việt Đức đang nổi lên là một trung tâm ghép tạng, đặc biệt là ghép tạng từ người cho chết não. Năm 2011, đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép gan, thận, tim lấy từ người cho chết não” của BV Việt Đức đã được trao Giải thưởng Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực Y Dược.

Đem theo sự khen ngợi của GS.TS Lê Trung Hải, chúng tôi đến gặp PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức. Người thầy thuốc có đôi tay vàng này chia sẻ: Khoảng đầu 2006, nhận thấy việc ghép tạng là vấn đề rất cấp bách, vì có hàng nghìn người bị suy thận, hàng trăm người suy tim, gan khắc khoải chờ đợi cứu sống, BV Việt Đức đã quyết định huy động tổng lực cho việc ghép tạng. Với đội ngũ bác sĩ đã được đào tạo, chuẩn bị từ nhiều năm trước, BV tập trung kinh phí để đầu tư cho trang thiết bị, máy móc hiện đại, phục vụ công tác ghép tạng.

Sau 8 ngày được ghép gan (ngày 30/7/2012) từ người cho chết não tại BV Việt Đức, người đàn ông này đã trở về với cuộc sống bình thường.

Sau 6 năm, BV Việt Đức có quyền tự hào khi đã trở thành địa chỉ ghép tạng phát triển nhất Việt Nam. Ngày 30/7/2012, BV tiếp tục ghép tạng thành công 3 trường hợp từ người chết não (2 ca ghép thận, một ca ghép gan) và chỉ sau 8 ngày, các bệnh nhân đều được ra viện. Với thành công này, BV Việt Đức tiếp tục ghi tên mình vào lịch sử ngành ghép tạng Việt Nam cũng như thế giới vì bước tiến vượt bậc trong khoảng thời gian không dài. “Ông tổ” ngành ghép tạng Việt Nam – Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Tùng - hoàn toàn có thể mỉm cười mãn nguyện vì các học trò đã thực hiện xuất sắc khát vọng của ông lúc sinh thời.

BV Việt Đức là BV đầu tiên trong nước tiến hành ghép gan cho người lớn (cả nước có 24 ca ghép gan, trong đó, 12 ca là trẻ em, được ghép ở BV Nhi TW và BV Nhi đồng 2, do các chuyên gia nước ngoài giúp). Đến nay, BV Việt Đức đã ghép gan được 9 ca (6 ca ghép từ người chết não, 3 ca từ người cho sống), trong đó, 8 ca vẫn khỏe mạnh, lao động bình thường, chỉ 1 ca bị tử vong do ghép cấp cứu, lượng virus nhân lên quá cao, thuốc khống chế không có tác dụng. Cả nước cũng mới có 6 ca ghép tim, riêng BV Việt Đức đã thực hiện 4 ca và hoàn toàn do các bác sĩ của BV này ghép. Với tốc độ phát triển nhanh, sau 6 năm, BV Việt Đức đã ghép thận cho 112 ca (18 ca lấy từ người cho chết não, còn lại từ người cho sống) và 100% đều sống khỏe mạnh, lao động bình thường.

Là cái đích tổng hợp cuối cùng của nội khoa, ngoại khoa, gây mê hồi sức, thải ghép… nên các ca ghép tạng đều phức tạp. Thế nhưng, thời gian tiến hành ghép gan của các bác sĩ ở BV Việt Đức hiện đã nhanh hơn các nước: Trên thế giới, một ca ghép mất 7 tiếng; còn ở BV Việt Đức, ca ghép gan mới nhất ngày 30/8/2012 chỉ hết 5 tiếng rưỡi, nếu lấy gan từ người sống cũng chỉ mất 8-9 tiếng. Thời gian ghép tim nhanh hơn, chừng 3-4 tiếng. Ghép thận trên người cho sống, tính từ lúc lấy đến ghép xong chỉ hơn 2 tiếng.

Thành công về ghép tạng của BV Việt Đức và BV 103 nói riêng và ngành Y Việt Nam nói chung có ý nghĩa đặc biệt, khi tạo cơ hội cho nhiều người được cứu sống, nhất là khi chi phí ghép tạng ở Việt Nam rẻ hơn nhiều so với thế giới. Ở các nước, chi phí 1 ca ghép tim, gan tốn khoảng 5-6 tỷ đồng, ghép thận cũng 1 tỷ; thì ở Việt Nam, một ca ghép tim, gan là 1 - 1,5 tỷ đồng và ghép thận khoảng 200 - 300 triệu đồng. Điều đáng mừng là hiện nay người bệnh đã được BHYT chi trả phần lớn thuốc chống thải ghép. Thực tế này đã mở ra nhiều cơ hội cho những người không may bị suy các tạng: Họ hoàn toàn có thể được trở lại cuộc sống bình thường.

Duy Hiển – Thanh Hằng
.
.
.