Đã có vacxin phòng ung thư cổ tử cung
Các nhà chuyên môn thống nhất rằng, virút “human papilloma virus” (viết tắt là HPV), là nguyên nhân của nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư cổ tử cung (70%) và sùi mào gà (chiếm 90%).
Ung thư cổ tử cung ở nước ta là loại ung thư đang chiếm vị trí số một ở lứa tuổi 15 – 44 tuổi. Đặc biệt, tại TP. Hồ Chí Minh và miền Nam nói chung, tỉ lệ phát sinh ung thư hàng năm cao gấp 4 lần so với ở Hà Nội và phụ nữ phương Tây.
Tại các nước có đông người Việt, ung thư cổ tử cung ở phụ nữ Việt cũng thuộc vào hàng cao nhất thế giới, tạo gánh nặng cho xã hội và giảm chất lượng cuộc sống của phụ nữ.
Ths. Lê Thị Kiều Dung (Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh) cho biết, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 6.000 người mắc mới ung thư cổ tử cung và khoảng 2.500 ca tử vong vì căn bệnh này. Ngoài ra, còn có khoảng 50 ngàn người bị mụn cóc, mồng gà sinh dục do HPV. Đáng lưu ý là tỷ lệ HPV cao nhất ở phụ nữ lứa tuổi 25 -50 tuổi, ở nông thôn cao hơn thành thị.
Các chuyên gia cũng đưa ra kết quả nghiên cứu đủ khiến lo ngại khi có tới 80% người ở độ tuổi sinh hoạt tình dục có nguy cơ bị nhiễm chủng HPV gây ung thư. Việc lây nhiễm HPV chủ yếu là do quan hệ tình dục và không “kiêng” nể cả phụ nữ lẫn nam giới, nên cánh “mày râu” nếu bị nhiễm HPV cũng sẽ mắc ung thư hậu môn, hay “cậu nhỏ”. Trong khi đó, không có bất kỳ triệu chứng nào của việc nhiễm HPV, nên việc lây truyền càng dễ xảy ra.
Tuy nhiên, thông tin mà Ths. Huỳnh Xuân Nghiêm (BV Hùng Vương) đưa ra tại hội thảo về việc “loại trừ được các bệnh có thể dự phòng được bằng vũ khí vacxin, không phải là giấc mơ”, đã mang lại hy vọng cho phụ nữ: Việc tầm soát ung thư sẽ giúp phát hiện sớm để phòng ngừa và điều trị các tổn thương tiền ung thư, sẽ làm giảm đáng kể căn bệnh này.
Với kết quả nghiên cứu đã được kiểm soát trên 20 ngàn người, thông tin của Ths. Trần Đặng Ngọc Linh (Bệnh viện Ung bướu Hồ Chí Minh) thực sự gây được sự chú ý: Hiện ở Việt Nam mới chỉ khuyến cáo tiêm phòng cho nữ giới từ 9 tuổi đến 26 tuổi, nhưng ở khoảng 50 nước đã khuyến cáo tiêm phòng cho cả phụ nữ lớn tuổi. Nếu người tiêm tuân thủ đúng lịch của nhà sản xuất, sẽ đảm bảo 100%, nếu tiêm không đúng lịch, tỉ lệ này có giảm. Riêng vacxin “tứ giá” cho thấy hiệu quả cao và kéo dài để ngăn ngừa các tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, kể cả “cậu nhỏ”, và có thể giảm tái phát. Tuy nhiên, hiệu quả tiêm phòng tốt nhất là khi chưa quan hệ tình dục và vacxin HPV chỉ ngăn ngừa ung thư cổ tử cung chứ không ngăn ngừa ung thư hoàn toàn.
Hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà chuyên môn trong nước cùng nhiều cơ quan báo chí. |
PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định: Vacxin HPV là một phần trong chiến lược phòng, chống ung thư, vì là biện pháp dự phòng tốt nhất. Hiệu quả của vacxin có tác dụng phòng ung thư CTC và các ung thư so HPV gây ra khá tốt, từ 9 tuổi, có thể đến 46 tuổi, tùy thuộc vào các kháng nguyên có trong vacxin. Tuy nhiên, dù có tiêm phòng, thì việc đến bệnh viện để tầm soát ung thư cổ tử cung 6 tháng một lần vẫn là cần thiết, nhằm phát hiện sớm và điều trị các tổn thương cũng như giảm số mắc, số tử vong. Xét nghiệm PAP tầm soát đơn giản, rẻ tiền, không gây tác động trên người được làm, dễ áp dụng đại trà.
PGS. Hiển cũng nhấn mạnh: Biện pháp dự phòng HPV thụ động sẽ tốn kém và là gánh nặng tài chính, chưa kể có thể thất bại do điều trị. Vì thế, nên dùng biện pháp chủ động là vacxin, vì giảm được thất bại trong điều trị.
Nghiên cứu của các nhà chuyên gia cho thấy, sau khi được tiêm phòng, tỉ lệ bệnh sùi mào gà giảm được 73%. Hiện chưa có vacxin riêng cho nam giới, nhưng các nhà chuyên môn “bật mí”: Nếu chị em tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch, thì nam giới liên quan cũng được “hưởng lợi” vì không bị lây nhiễm. Được biết, giá một liều vacxin phòng HPV ở Việt Nam hiện là 3,7 triệu, chỉ bằng 50% so với các nước