Chuyển đổi số hướng đến lợi ích người dân và xã hội
Lấy người dân làm trung tâm
Báo cáo Vietnam ICT Index 2020 cho thấy, ở khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng - Thừa Thiên-Huế - Quảng Ninh là 3 địa phương dẫn đầu về chỉ số ICT Index. Đây là lần thứ hai liên tiếp trong những năm gần đây Thừa Thiên- Huế duy trì vị trí top 2, khẳng định sự nỗ lực trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên tất cả lĩnh vực của tỉnh nhằm hướng đến lộ trình xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử tiến đến chính quyền số trong tương lai.
Giám sát đô thị TP Huế thông qua cảm biến camera. |
Để thúc đẩy triển khai xây dựng chính quyền số, hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số; tỉnh Thừa Thiên-Huế đã hoàn thiện các thể chế về chuyển đổi số và nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; đồng thời từng bước hoàn thiện và tích hợp, liên thông các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tiến hành số hóa các dữ liệu tại các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh và hạ tầng kết nối, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an ninh mạng…
Trong đợt lũ lịch sử cuối năm 2020, gia đình ông Nguyễn Đình Sang (trú tại phường An Tây, TP Huế) bị cô lập trong dòng nước lũ. Nhận được tin báo, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên-Huế (HueIOC) đã kịp thời xử lý, giúp gia đình ông Sang được cứu hộ và sơ tán đến nơi an toàn để trú ẩn. Đây là trường hợp điển hình trong số hơn 20.000 phản ánh của người dân được HueIOC tiếp nhận, xử lý trong 2 năm qua, góp phần đẩy mạnh quá trình xây dựng đô thị thông minh tại Thừa Thiên-Huế.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đến nay 100% các TTHC của tỉnh được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên; trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với 1.296 dịch vụ; 976 số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giúp người dân, doanh nghiệp có thể tìm hiểu quy trình, thủ tục, thành phần hồ sơ... liên quan TTHC cần giao dịch. Tất cả hồ sơ của người dân, doanh nghiệp nộp được nhập vào hệ thống một cửa điện tử, do vậy người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ trực tuyến qua mạng Internet, SMS, Zalo…
Khi người dân nộp hồ sơ liên quan đất đai có cung cấp số di động sử dụng Zalo, trạng thái hồ sơ được thông báo cho người dân. Điều này giảm giấy tờ, thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận cao trong giải quyết TTHC. Ngoài xây dựng, phát triển hạ tầng mạng, hiện tỉnh đang thí điểm Đề án chính quyền số với nhiều nội dung hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm như: Cung cấp tốt hơn các dịch vụ số sử dụng các công nghệ và công cụ hiện đại; nâng cao chất lượng các dịch vụ di động cho người dân, doanh nghiệp; đánh giá hiệu năng, chất lượng của dịch vụ và sự hài lòng của người dân để cung cấp dịch vụ một cách tốt nhất.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho rằng, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước góp phần quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính (CCHC), hiện thực hóa lộ trình giảm giấy tờ, giảm thời gian, giảm chi phí trong quá trình giải quyết TTHC.
Chuyển đổi số trong hệ thống CCHC, Nhà nước cần phải đi đầu, là điều kiện quan trọng thúc đẩy và phát huy hiệu quả sự đồng bộ chuyển đổi số các lĩnh vực kinh tế, phục vụ tiến trình “làm việc không giấy tờ, họp không tập trung, giải quyết thủ tục không gặp, thanh toán không dùng tiền mặt” và tạo lập gắn với khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Từ năm 2020 đến nay, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế, chính quyền địa phương Thừa Thiên-Huế đã đẩy mạnh hoạt động làm việc, hội họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến xã. Những lúc cao điểm, mỗi cuộc họp có khi lên đến hơn cả 100 điểm cầu… Tại Tuần lễ chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức cuối tháng 4/2021, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khẳng định, mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số vẫn là hướng đến phục vụ người dân và xã hội.
Ưu tiên chuyển đổi số ngành du lịch
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tich UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong năm 2021, tỉnh tập trung chuyển đổi số đối với 4 ngành, trong đó ưu tiên ngành du lịch (DL). Hiện nay, trên địa bàn đã hình thành nhiều mô hình, sản phẩm du lịch thông minh như: Mô hình thực tế ảo, thuyết minh tự động tại các điểm di tích, số hóa các di sản văn hóa, thẻ du lịch thông minh…
“Tỉnh xác định phát triển DL theo hướng thông minh, bền vững nên ưu tiên tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành này. Chính vì thế, thời gian tới cần tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng như: Đầu tư đảm bảo hệ thống hạ tầng, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành DL, phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý từ Trung ương đến cơ sở; phát triển các ứng dụng thông minh phục vụ khách du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tập huấn đội ngũ nhân lực DL tại các doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số”, ông Nguyễn Thanh Bình cho hay.
Thời gian gần đây, một số đơn vị lữ hành cũng đã xây dựng nhiều sản phẩm DL số tại Huế như: Xây dựng bản thuyết minh tự động (với 12 thứ tiếng) và trợ lý DL ảo tại các điểm tham quan thuộc hệ thống di sản Huế; xây dựng bản đồ 3D về tài nguyên văn hóa di sản và DL; dự án xe đạp thông minh và chia sẻ; đồng thời đang nghiên cứu dịch vụ trải nghiệm về đêm trên nền tảng ứng dụng kỹ thuật công nghệ 4.0 tại di tích Hổ Quyền, Đại Nội Huế và sông Hương; thực hiện thí điểm số hóa 3D và hệ thống du lịch tổng thể thông minh tại làng cổ Phước Tích; số hóa và xây dựng bản đồ số du lịch tương tác 3D tại 40 điểm tham quan tiêu biểu tại Huế; số hóa VR360 về Áo dài Huế… Các sản phẩm này bước đầu đã tạo được nhiều tín hiệu tích cực trong tiếp cận và trải nghiệm DL của cộng đồng.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DL, để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ngành DL, trước hết, tỉnh Thừa Thiên-Huế cần từng bước số hóa tài nguyên DL, từ các điểm di tích, di sản, các cảnh quan, các hệ thống bảo tàng và tiến tới số hóa các dịch vụ DL; số hóa các yếu tố liên quan đến hoạt động DL của các ngành liên quan. Phát triển hệ thống công cụ, nền tảng số các ứng dụng thông minh để khai thác các dữ liệu số chung của tỉnh; kết nối hệ thống DL số của Thừa Thiên-Huế vào hệ thống chung của quốc gia…