Bitcoin “làm mưa, làm gió”, nhà đầu tư có nên tham gia?
Xuất hiện và chính thức được chấp nhận là phương tiện thanh toán từ năm 2010, đồng tiền ảo Bitcoin đã vài phen gây sóng gió trên thị trường tài chính. Tháng 12/2017, cơn cuồng Bitcoin bùng lên đến đỉnh điểm khi giá đồng tiền ảo này vọt lên tới gần 20.000 USD/đồng. Tuy nhiên, bước sang năm 2018, bong bóng Bitcoin xì hơi sau quãng thời gian phình quá căng, giá Bitcoin tụt dốc tới 75%.
“Ngắc ngoải” tới gần 3 năm trời, Bitcoin đã quay trở lại và vô cùng “lợi hại”. Liên tục tự mình phá đỉnh cũ, giá Bitcoin ngày 21/12 đã vượt mốc 24.000 USD, tương đương 550 triệu đồng. Như vậy, so với thời điểm đầu tiên cách đây 10 năm khi được chấp nhận thanh toán ở mức 25 USD, thì đến thời điểm hiện tại, giá trị Bitcoin đã tăng lên tới gần 1.000 lần.
Cụ thể, trong vòng 24h, theo dữ liệu từ coindesk, giá Bitcoin giao dịch cao nhất tại mức giá 24.273 USD và thấp nhất tại 23.101 USD. Ở thời điểm hiện tại, Bitcoin ghi nhận mức tăng hơn 24% sau 7 ngày. Với trị giá tăng khủng khiếp, nhiều nhận định trái chiều xung quanh đồng tiền kỹ thuật số này được đưa ra. Nhiều tỷ phú lớn trên thế giới đã bày tỏ quan điểm ủng hộ Bitcoin. Tuy nhiên, cũng không ít cảnh báo rủi ro chực chờ những nhà đầu tư nhảy vào “lướt sóng” vì áp lực bán cũng tăng cao.
"Thị trường tiền ảo đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên điều đó không có nghĩa đầu tư vào tiền điện tử sẽ không có rủi ro. Hãy nhớ, tiền điện tử vẫn có thể là loại tài sản dễ bốc hơi hơn nhiều so với các loại tài sản truyền thống quen thuộc khác"- Brian Armstrong, Giám đốc điều hành sàn giao dịch điện tử Coinbase cảnh báo.
Thế nhưng thực tế, theo quan sát từ giới chuyên gia phân tích, sự bùng nổ về giá của Bitcoin đã và đang thu hút số lượng lớn các nhà đầu tư mới cũng như dòng tiền đổ vào thị trường tiền ảo. “Với tính thanh khoản cao và khả năng sinh lời như vũ bão, Bitcoin là kênh đầu tư đáng được để mắt. Tuy nhiên, bài học vỡ bong bóng từ năm 2018 vẫn sẽ còn nguyên giá trị, đấy là chưa kể việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Từ phía cơ quan quản lý, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cũng khẳng định việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. “NHNN khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo”, ông Sơn khẳng định.
Cũng theo đại diện NHNN, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao Bộ Tư pháp xây dựng đề án và tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện khung khổ pháp lý trong vấn đề tiền ảo, tiền mã hóa. Sau đó, Bộ Tư pháp đã hoàn thành đề án, trình Chính phủ. Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính làm đầu mối triển khai nghiên cứu và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Trong số đó, bổ sung quy định về phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam (không bao gồm bitcoin và các loại tiền ảo) và bổ sung quy định cấm phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp (như bitcoin và các loại tiền ảo tương tự).