Báo động về bệnh liên cầu khuẩn lợn

Thứ Bảy, 14/05/2011, 10:41
Những năm qua, số bệnh nhân bị liên cầu lợn có xu hướng tăng cao. Hầu hết bệnh nhân đều ở độ tuổi trung niên, trong đó, 80% là nam giới. Lo ngại hơn khi tỉ lệ tử vong của bệnh này chiếm khá cao trong loại bệnh có tính lây truyền.

Đến ngày 13/5, sự sống của anh Trần Quang L., (37 tuổi, ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn phải nhờ sự trợ giúp của máy móc, dẫu đã được các bác sĩ của Bệnh viện Các bệnh nhiệt đới Trung ương tận tình cứu chữa.

Anh L., làm nghề bán lòng lợn tiết canh, nhưng theo gia đình anh thì anh không ăn tiết canh, mà chỉ ăn tai, mũi lợn rồi bị sốt cao, hôn mê sâu. BS. Nguyễn Trung Cấp - Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện cho biết: Anh L. bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, dẫn đến suy đa phủ tạng, hoại tử khắp trên da.

Chưa thể nói đã qua cơn nguy kịch, mà ít nhất phải 3-4 tuần nữa mới có câu trả lời chính xác. Và dù sức khỏe có tiến triển, cũng vẫn phải cắt bỏ những phần cơ thể đã hoại tử… Như vậy, không loại trừ khả năng anh L. sẽ bị cắt bỏ một phần chân do hoại tử quá nhiều nếu có qua khỏi. Nhưng anh L. vẫn còn được coi là may mắn so với 2 bệnh nhân đã tử vong trước đó. Chắc khi ăn món thịt lợn bệnh, chẳng bao giờ anh L. cũng như những người mắc liên cầu lợn lại hình dung được hậu quả đau lòng thế này.

Ngày 13/5, bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn chưa qua khỏi cơn nguy kịch.

Các bác sĩ lo ngại, khi trước đây, rất ít người mắc, thì những năm qua, số bệnh nhân bị liên cầu lợn có xu hướng tăng cao. Hầu hết bệnh nhân đều ở độ tuổi trung niên, trong đó, 80% là nam giới. Lo ngại hơn khi tỉ lệ tử vong của bệnh này chiếm khá cao trong loại bệnh có tính lây truyền. Riêng năm 2010, đã có khoảng 50 người mắc với 7 người chết. Đây là bệnh nhiễm khuẩn, lây từ súc vật sang người, không lây từ người sang người, nhưng loại vi khuẩn này có sẵn trong đường tiêu hóa, đường hô hấp của lợn (tỷ lệ lợn lành mang bệnh 50-60%).

Khi lợn mắc bệnh, là lúc vi khuẩn phát triển mạnh nhất và dễ dàng lây cho người qua các vết thương hở. Thực tế cho thấy, 70% trường hợp mắc bệnh là do tiếp xúc trực tiếp với lợn mang mầm bệnh, hoặc ăn lòng lợn, tiết canh. Do đó, những người thường chăn nuôi, giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn có nguy cơ lây nhiễm cao, ngay cả những người nội trợ cũng có thể bị nhiễm trong khi chế biến thực phẩm từ thịt lợn.

Đây là lời cảnh báo chung cho những người tiếp xúc với lợn mang mầm bệnh. Thế nhưng, người dân hình như vẫn không cảm thấy sự nguy hiểm của bệnh này, khiến cho năm nào cũng có người tử vong và số mắc bệnh thì cũng không ít. Điều này cũng đặt ra trách nhiệm của đội ngũ y tế dự phòng ở các địa phương trong việc tuyên truyền, giáo dục người dân ý thức phòng chống dịch bệnh.

Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh liên cầu khuẩn lợn, là khi tiếp xúc với lợn, nhất là lợn bệnh, phải có trang bị bảo hộ lao động và rửa tay chân sạch sẽ sau khi tiếp xúc. Với người tiêu dùng, chỉ mua thịt lợn sạch đã được cơ quan thú y kiểm dịch xác nhận, không nên mua loại thịt lợn có dấu hiệu xuất huyết dưới da, thịt và nội tạng có màu đỏ hơn bình thường và tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt lợn còn sống, nem chua và phủ tạng của lợn.

Những thức ăn liên quan đến sản phẩm của lợn đều phải nấu chín. Nhưng nếu sau khi ăn xong thức ăn có thịt lợn hoặc các sản phẩm của lợn, mà thấy đau bụng, nôn mửa, đi ngoài nhiều lần kèm theo sốt, thì phải khẩn trương đưa lên bệnh viện. Vì nếu để chậm, hoặc điều trị không đúng phác đồ, bệnh nhân sẽ bị chuyển sang giai đoạn nặng, khiến suy tim mạch, ngũ tạng, nhiễm trùng máu, nổi ban hoại tử, hôn mê v.v… sẽ dẫn đến viêm màng não, nhiễm trùng huyết, có thể gây tử vong hoặc ít nhất cũng để lại nhiều di chứng: 60% bị giảm thính lực và 20% điếc hoàn toàn

Thanh Hằng
.
.
.