Báo động tình trạng kháng kháng sinh thế hệ mới

Chủ Nhật, 22/11/2009, 17:06
Theo một kết quả khảo sát của Bệnh viện Bạch Mai, trong số các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn hô hấp đã được khám và kê đơn có kháng sinh tại cơ sở y tế, chỉ có khoảng 1/3 số bệnh nhân thực sự cần dùng kháng sinh, còn lại khoảng 2/3 là không cần thiết.

Kháng sinh thế hệ mới được xem là thứ vũ khí cuối cùng cho người bệnh trong rất nhiều tình huống nguy cấp. Thế nhưng hiện nay, nhiều người bệnh đang bị đe dọa tính mạng, sức khỏe và đe dọa tới cả … túi tiền do tình trạng kháng kháng sinh thế hệ mới.

Tự tước đi vũ khí cuối cùng

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Có không ít trường hợp, bác sỹ đành bó tay nhìn bệnh nhân qua đời, vì tất cả các loại kháng sinh mới nhất, mạnh nhất, đắt nhất đều đã bị vô hiệu hóa. Đương nhiên, dùng kháng sinh mới, hiệu quả điều trị bệnh thường mạnh hơn, nhanh hơn, vì chúng nhạy cảm với nhiều loại vi khuẩn hơn kháng sinh cũ. Tuy nhiên, hậu quả từ việc kháng thuốc, tác dụng phụ đối với cơ thể khi lạm dụng hoặc dùng sai kháng sinh mới sẽ nặng nề hơn nhiều so với những kết quả tức thì đó.

Có thể hiểu nôm na, ngay khi cơ thể chúng ta chớm nhiễm khuẩn, chỉ cần dùng vài vũ khí thô sơ - kháng sinh thông thường, đã có thể tiêu diệt được kẻ thù; nếu chưa diệt được thì chúng ta sẽ dùng đến các vũ khí tân tiến hơn - kháng sinh liều cao hơn hoặc kháng sinh mới. Nhưng nếu ngay từ đầu, chúng ta đã dùng thứ vũ khí hiện đại nhất, thì khi kẻ thù đủ sức chống lại, chúng ta chẳng còn vũ khí nào để chống lại. Theo một khảo sát mới đây ở nước ta, có tới 13/30 loại kháng sinh thế hệ mới đã bị kháng.

Đặc biệt, trong số những nạn nhân của tình trạng kháng lại kháng sinh, trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Trẻ em không thể tự quyết định việc điều trị cho bản thân, nên người lớn cứ tùy ý cho trẻ dùng thuốc. Trong khi đó, việc lạm dụng kháng sinh ở trẻ, ngoài nguy cơ dễ xảy đến nhất là kháng thuốc, trẻ còn có thể bị suy tủy, rối loạn chuyển hóa, vàng răng, chậm phát triển xương, chức năng gan, thận cũng bị ảnh hưởng. Nguy kịch hơn, trẻ còn bị thay đổi công thức máu, gây suy yếu hệ thống miễn dịch...

Tỷ lệ trẻ em bị kháng kháng sinh ở nước ta rất cao. (Ảnh minh họa).

Nguyên nhân sâu sa dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh thế hệ mới có lẽ là bởi ở nước ta, việc dùng kháng sinh vô cùng đơn giản. Dù nằm trong danh mục thuốc bắt buộc phải dùng theo chỉ định của bác sỹ, nhưng trên thực tế, việc mua kháng sinh không cần kê đơn vẫn xảy ra ở khắp nơi. Nếu tình trạng này cứ kéo dài, thì mối lo không còn thuốc vũ khí diệt vi khuẩn là hoàn toàn có cơ sở.

Đổ lỗi cho nhau

Khi xảy ra tình trạng kháng kháng sinh, các bác sỹ thường chỉ ra lỗi tùy tiện sử dụng thuốc của người bệnh. Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ.

Theo một kết quả khảo sát của Bệnh viện Bạch Mai, trong số các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn hô hấp đã được khám và kê đơn có kháng sinh tại cơ sở y tế, chỉ có khoảng 1/3 số bệnh nhân thực sự cần dùng kháng sinh, còn lại khoảng 2/3 là không cần thiết.

Đối với trẻ dưới 3 tuổi, có tới 90% nhiễm trùng hô hấp trên là do virus và không điều trị được bằng kháng sinh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, đa số đơn kê điều trị bệnh hô hấp trên cho trẻ nhỏ đều có kháng sinh, (nhiều đơn kê kháng sinh mới và liều cao).

Một nghịch lý dễ nhận ra là bệnh nhân đi khám theo thẻ BHYT khám tại trung tâm y tế tuyến cơ sở, bệnh viện công có thể được kê nhiều loại kháng sinh thông thường, kháng sinh cũ với giá rẻ. Nhưng bệnh nhân đi khám ở nhiều cơ sở tư nhân, hiện đại, thì khá nhiều người được kê kháng sinh mới, đắt.

Để bán được nhiều sản phẩm, các hãng sản xuất kháng sinh thế hệ mới có nhiều biện pháp tiếp thị, thậm chí chi "hoa hồng" cao cho bác sỹ kê đơn. Nếu bác sỹ nhận "hoa hồng" và tùy ý kê đơn kháng sinh thế hệ mới, thì người bệnh cũng rất khó có đủ hiểu biết để thắc mắc, vai trò thẩm định của dược sỹ lại không được chính thức hóa.

Bên cạnh đó, bác sỹ tuyến trên cũng thường đổ lỗi cho bác sỹ tuyến dưới đã kê ngay kháng sinh liều cao, kháng sinh mới cho bệnh nhân, nên khi bệnh tình nặng hơn, phải chuyển lên tuyến trên, bác sỹ buộc phải dùng kháng sinh mạnh hơn nữa. Bệnh nhân vô tình bị đẩy vào cuộc chạy đua kháng sinh.

Theo một nghiên cứu tại Mỹ năm 2005, nhiều kháng sinh cũ còn cho hiệu quả điều trị tốt hơn loại kháng sinh mới, đắt tiền hơn gấp nhiều lần. Theo một nghiên cứu khác về điều trị viêm xoang từ năm 1970 đến 1998, 69% bệnh nhân tự khỏi chứ không hẳn do thuốc, đồng thời hiệu quả của kháng sinh mới như azithromycin, clarithromycin hay cefixin vẫn chỉ ngang bằng thuốc cũ amoxicillin.

Hệ lụy cho cả cộng đồng

Theo phân tích của TS Nguyễn Tiến Dũng, khi đưa kháng sinh mới vào cơ thể, các vi khuẩn sẽ "tìm cách" chống lại, nếu có vi khuẩn kháng được thuốc thì chúng sẽ tự chọn lọc và truyền gen kháng thuốc cho nhau. Vi khuẩn có khả năng kháng thuốc sẽ sinh sôi và có thể lây truyền từ người này sang người khác. Nhất là với tình trạng nhiều người bệnh không tuân thủ đủ liều, đủ thời gian khi dùng kháng sinh mới, tự ý thay đổi nếu bệnh không đỡ hoặc dừng khi thấy hết triệu chứng bệnh, thì khả năng vi khuẩn kháng thuốc sinh sôi càng dễ xảy ra hơn. Đó là chưa kể, trong cơ thể chúng ta luôn tồn tại một lượng nhất định vi khuẩn có hại nhưng vẫn "ngủ yên" và không gây bệnh.

Nếu chúng ta đưa kháng sinh không hợp lý vào cơ thể, nhất là kháng sinh mới, thì ngoài loại vi khuẩn đang cần điều trị, vô tình chúng ta lại "động chạm" và "thách thức các loại vi khuẩn khác, khiến chúng "vùng lên" chống lại chúng ta. Từ đó, lượng vi khuẩn kháng các kháng sinh mới càng sinh sôi, tích trữ nhiều trong cộng đồng và làm tình trạng kháng thuốc trở nên phức tạp hơn.

Những sai lầm thường gặp khi dùng kháng sinh

Hiểu lầm tác dụng

Kháng sinh diệt vi khuẩn chứ không diệt được virus. Do đó, nếu xác định được nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn thì mới dùng kháng sinh, chứ không phải có triệu chứng ho, sốt, đau họng, tiêu chảy… là dùng ngay. Nếu dùng kháng sinh không đúng bệnh thì không những không tác dụng mà còn kéo theo nhiều hậu quả khác.

Càng nhiều loại càng nhanh khỏi

Dùng nhiều loại kháng sinh đồng thời hay kháng sinh mới, kháng sinh liều cao sẽ có tác dụng nhanh khỏi bệnh hơn. Nhưng cần nhớ kháng sinh giống như con dao hai lưỡi. Dùng nhiều loại, liều cao sẽ tỷ lệ thuận với nguy cơ gặp tác dụng phụ, biến chứng do kháng sinh, trong đó kháng thuốc là nguy cơ dễ xảy ra và rất nguy hiểm. Do đó, chỉ nên dùng một loại kháng sinh thay vì nhiều loại khi điều trị bệnh. Nếu người bệnh tự ý kết hợp các kháng sinh với nhau thì sẽ càng nguy hiểm hơn.

Không đỡ thì đổi loại mới

Kháng sinh cũng như nhiều loại thuốc khác, cần có thời gian nhất định để phát huy hiệu quả, chứ không phải uống vào là bệnh khỏi ngay. Nếu chưa thấy tác dụng sau khi uống kháng sinh, cần xem xét tới việc đã tuân thủ đủ, đúng liều hay chưa, việc chẩn đoán, kê đơn có chính xác không hoặc khả năng đáp ứng của từng người… chứ không phải vội vã đổi ngay loại khác. Cứ một hành động bỏ dở liệu trình dùng kháng sinh là chúng ta cho vi khuẩn một cơ hội biến đổi gen và kháng lại kháng sinh.

Đỡ bệnh là dừng ngay

Khi chúng ta cảm thấy khỏe lên, triệu chứng bệnh biến mất hoặc giảm hẳn mà chưa dùng hết liều kháng sinh, thì vi khuẩn đang ở trạng thái bị tiêu diệt một phần, bị làm yếu đi, chứ chưa bị loại trừ. Nếu ngừng thuốc, chúng sẽ có cơ hội phục hồi, sinh sôi và tiếp tục chống lại cơ thể người.

Đắt mới tốt

Kháng sinh mới, liều cao, đắt tiền chỉ được khuyên dùng khi người bệnh ở tình trạng viêm nhiễm nặng, đã bị kháng các kháng sinh thế hệ trước. Giá trị của các loại kháng sinh đắt tiền được phát huy trong những tình huống nguy cơ, chứ không hẳn phù hợp với tất cả các trường hợp. Nếu mới nhiễm bệnh đã mua ngay kháng sinh đắt tiền, liều cao để dùng, chúng ta có thể tự làm "hư" cơ thể mình và gặp bất lợi cho những lần điều trị sau.

Thanh Loan
.
.
.