10 sự kiện công nghệ tiêu biểu trên thế giới năm 2007

Thứ Sáu, 21/12/2007, 18:08
Năm 2007 sắp trôi qua, đối với làng công nghệ thì đây là một trong những năm mà lĩnh vực này đã đạt được những thành tựu quan trọng đáng ghi nhận. Đó là các sản phẩm mới ra đời, những vụ thâu tóm doanh nghiệp lớn nhỏ trị giá hàng tỉ USD, hay các khoản chi cho những sự cố bảo mật....

Sau đây là một số sự kiện tiêu biểu trong bức tranh công nghệ thế giới năm 2007.

1. Phát hành Windows Vista

Sau 5 năm thống lĩnh của Windows XP, vào ngày 30/01/2007, hãng phần mềm khổng lồ Microsoft đã cho ra mắt hệ điều hành Vista. Mở ra kỷ nguyên mới cho các cửa sổ ứng dụng giao diện đồ họa 3D, đồng thời đơn giản hóa mọi thao tác từ kết nối cho đến sắp xếp dữ liệu lưu trữ trên máy tính.

Hệ điều hành Windows Vista.

Theo con số thống kê mới nhất, hệ điều hành này đã đến tay hơn 88 triệu người sử dụng và doanh số bán ra của Vista ngày càng tăng khi được nhiều người biết tới.

Microsoft rất lạc quan về tốc độ ứng dụng Vista trong tương lai, đặc biệt là từ cuối tháng 2 năm tới, hệ điều hành này được nâng cấp lên bản Service Pack 1, ghi cột mốc quan trọng trong lộ trình phổ cập hóa thế hệ thứ 7 của hệ điều hành Windows.

2. Ứng dụng công nghệ nano vào bộ vi xử lý Core 2

Sau hơn một năm xuất xưởng đến nay, bộ vi xử lý thế hệ thứ 8 mang tính bước ngoặt Core 2 đã được đưa vào các laptop đời mới. Bên cạnh đó, Intel còn kết hợp công nghệ siêu phân tử với kỹ thuật chế tạo bộ vi xử lý để phát triển dòng Core 2 Duo 45-nanometer.

Bộ vi xử lý Core 2 Duo-nanometer.

Kỹ thuật này tạo ra được bóng bán dẫn nhỏ bằng 1/3 so với sản phẩm hiện nay, nhờ đó số bóng bán dẫn được tăng lên giúp tăng cường quy trình xử lý.

Dự kiến bộ vi xử lý sẽ được hoàn thiện vào đầu năm sau với tên gọi Penryn. Tốc độ của máy tính khi sử dụng bộ vi xử lý này có thể đạt tới 3,16Ghz trong khi mức tiêu thụ năng lượng chỉ hết 65 watts. Nhãn hiệu Pentium do Intel đưa ra từ năm 1993 cũng vì thế mà lu mờ dần.

Hãng bán dẫn AMD cũng bám sát ngành công nghệ bộ vi xử lý với các sản phẩm Athlon cho thị trường cao cấp và Duron cho thị trường cấp thấp. Nhà chế tạo bộ vi xử lý thứ đứng thứ nhì này cũng đang tập trung vào kế hoạch tung ra sản phẩm chip 4 lõi mang tên Barcelona dành riêng cho máy chủ.

3. iPhone đến tay người sử dụng

Ngày 29/6/2007, hãng Apple chinh phục những ai yêu thích công nghệ cao bằng sản phẩm đa phương tiện thứ hai. Đó là chiếc điện thoại di động kết tinh giữa máy nghe nhạc iPod nổi tiếng với thiết bị duyệt web và kỹ thuật điều khiển cảm ứng điện từ dùng cho laptop. Vì vậy, máy điện thoại thông minh này hoàn toàn loại bỏ được bàn phím thực để thay vào đó là màn hình đa nhiệm, có giao diện người dùng độc đáo.

iPhone của Apple.

Ngoài ra, chính sách phân phối mỗi khách một máy cùng hình ảnh giám đốc điều hành Apple là Steve Jobs giới thiệu về iPhone cũng được coi như là một trong những hình mẫu trong lĩnh vực tiếp thị, tạo nên thành công cho quảng bá sản phẩm.

4. Làn sóng sáp nhập của các tập đoàn công nghệ

Ngành công nghiệp phần mềm đã có sự thay đổi mang tính cơ bản. Các hãng lớn mua lại những công ty nhỏ với giá trị hợp đồng lên tới mức kỷ lục.

IBM bỏ ra 5 tỉ USD để sở hữu Tập đoàn Cognos.

Tiêu biểu là thương vụ Oracle chi 6,7 tỉ USD để thâu tóm BEA, hay IBM bỏ ra 5 tỉ USD để sở hữu Tập đoàn Cognos. Đổi lại, các tập đoàn dễ thích ứng được với sự điều chỉnh của nền kinh tế toàn cầu, mở rộng quy mô và củng cố năng lực cạnh tranh theo hướng thông minh sáng tạo.

Theo nhận định của những chuyên gia trong ngành, làn sóng sáp nhập của các tập đoàn công nghệ sẽ còn gia tăng trong năm 2008.

5. Số thuê bao di động đạt 2,7 tỉ máy

Đến tháng 11/2007, đã có thêm 950 triệu ĐTDĐ được bán ra, nâng tổng số thuê bao trên toàn thế giới lên 2,7 tỷ. Số người dùng ĐTDĐ cao gấp 3 lần người có máy tính hay ôtô. Hình thành một thị trường đa dạng của các dịch vụ gia tăng từ làm đẹp vỏ máy cho đến tải nhạc tải chuông. Trung bình 18 tháng một lần, chủ nhân điệu thoại lại thay đổi máy mới.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực viễn thông còn được chứng kiến sự bứt phá của điện thoại VoIP trước dịch vụ điện thoại cố định. Đặc biệt là những doanh nghiệp đã quen dần với loại điện thoại này và thay thế tổng đài nội bộ bằng tổng đài VoIP. Doanh số bán ra trung bình của điện thoại IP đạt 10 triệu một năm.

Đối với người sử dụng máy tính, loại hình điện thoại này hoàn toàn không còn xa lạ với những thương hiệu dịch vụ miễn phí như Skype. Theo dự báo, năm 2008 sẽ là thời điểm bước ngoặt đối với thị trường điện thoại Internet.

6. Sự nở rộ các mạng máy tính “ma”

Hoạt động theo cơ chế không ngừng sinh sôi, hệ thống botnet được cấu thành từ hàng nghìn máy tính nhiễm virus mang những kỹ thuật tấn công mới, phương thức phức tạp. Trong đó, Trojan Storm là malware có khả năng cộng tác, thích nghi và cơ chế hoạt động rất thông minh. Ẩn mình trong các dịch vụ phổ biến như e-card, email hay blog cá nhân. Những biến thể mới của các malware ngày càng có vòng đời ngắn và phát tán theo cấp số mũ, càng khiến chúng trở nên khó bị phát hiện hơn.

Theo hãng bảo mật IronPort, con số thống kê những khoản chi phí để khắc phục sự cố máy tính trên toàn thế giới trong năm 2007 lần đầu tiên đã đạt 20 tỉ USD. Mỗi ngày trên mạng có thêm 120 tỉ thư rác phát tán.

7. Bắt đầu kỷ nguyên máy tính giá rẻ

Ra đời từ ý tưởng của giáo sư Nick Negroponte, tại MIT Media Lab cách đây 5 năm, đến nay chương trình máy tính giá rẻ cho học sinh nghèo mang tên  “Mỗi trẻ em một máy tính xách tay” (OLPC) đã bắt đầu bước sang giai đoạn sản xuất đại trà. Chương trình đã trải qua nhiều lần trì hoãn do chính phủ Mỹ và các nhà chế tạo thiếu tiếng nói chung trong kế hoạch hỗ trợ.

Giai đoạn thứ nhất của dự án sẽ cung cấp 300.000 máy tính XO với giá phân phối xấp xỉ 200 USD/chiếc. Mục tiêu tiếp theo của chương trình đến năm 2009 sẽ cung cấp đủ máy tính cho 150 triệu trẻ em nghèo với giá chỉ còn 100 USD/chiếc. Mang lại công cụ công nghệ và cơ hội học tập mới cho nhiều học sinh các nước nghèo.

8. Chế tạo thành công ổ đĩa đặc SSD

Một trong những bước tiến lớn trong công nghệ chế tạo thiết bị lưu trữ đã được hãng bán dẫn Texas Instruments (TI) đưa ra trong năm 2007. Đó là loại ổ đĩa đặc SSD (Solid State Driver) có quy trình đọc và ghi thông tin bằng con chip flash. Nhờ vậy mà loại ổ đĩa này cho phép phần mềm chạy nhanh và tiêu thụ ít điện năng hơn.

Ổ đĩa đặc SSD được những chuyên gia IT đánh giá là rất thích hợp dùng cho laptop, giúp nâng cao tuổi thọ pin, và có trọng lượng nhẹ hơn 25% so với máy dùng ổ cứng thông thường.

9. Đưa vào ứng dụng những loại màn hình kỹ thuật LED đầu tiên

TV LCD F9 của Samsung sử dụng công nghệ LED.

Được xem như bước đột phá đầy triển vọng về một loại màn hình có khả năng thay thế cho những màn hình phổ biến hiện nay, công nghệ LED (viết tắt của Light Emitting Diode) đã tạo cơ sở cho các loại màn hình lớn nhỏ ra đời trong năm 2007.

Nhờ cơ chế tự phát và khuyếch tán ánh sáng cùng cấu tạo bằng vật liệu dẻo mà bề dầy của màn hình có thể giảm xuống tới mức của tờ giấy.

Hơn nữa, những chiếc TV ứng dụng kỹ thuật này còn cho kích thước mở rộng, và có khả năng hiển thị những mảng màu sống động và hình ảnh sắc nét hơn.

10. Du lịch thiên hà qua mạng

Sau khi Google cung cấp công cụ Google Earth - một chương trình mang đến các hình ảnh 3 chiều của bề mặt trái đất, năm 2007 công ty này lại đưa ra Google Sky, cho phép người dùng quan sát bầu trời từ máy tính cá nhân của họ.

Google Sky, cho phép quan sát vũ trụ từ máy tính cá nhân.

Đây là công cụ miễn phí của Google, cho phép mọi người - kể cả các nhà thiên văn - cơ hội có thể trở thành một nhà du hành vũ trụ ảo chỉ qua vài cú click, và có thể lướt qua những bức ảnh được chụp bởi kính thiên văn Hubble về quang cảnh của 100 triệu vì sao và 200 triệu thiên hà hà khác nhau.

Với Google Sky, những hình ảnh kỳ vĩ trong vũ trụ giờ đây chỉ cách bạn mấy bước... click chuột. Người dùng Google Sky có thể phóng to khu vực bất kỳ trên bầu trời mà bạn muốn xem. Đó có thể là một chòm sao bạn nghe quen từ lâu, hoặc một thiên hà nổi tiếng - những thứ mà bình thường bạn chỉ có thể thấy bằng các kính thiên văn cực lớn

Theo VTC News
.
.
.