Thổ Nhĩ Kỳ - cường quốc xuất khẩu vũ khí mới

Thứ Năm, 27/01/2022, 12:45

Từ nhiều năm trở lại đây, vũ khí - thiết bị quân sự giá rẻ từ Trung Quốc đã xâm nhập vào các chiến trường ở Trung Á, Trung Đông và Bắc Phi. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với một đối thủ cạnh tranh mới là Thổ Nhĩ Kỳ.

“Nhà máy vũ khí” của thế giới

Trước khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lên nắm quyền vào năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã có ý thức phát triển ngành sản xuất quân sự theo hướng xuất khẩu. Công sức họ bỏ ra đã bước đầu đem lại kết quả khả quan. Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2021 Thổ Nhĩ Kỳ đã thu về 950 triệu USD tiền xuất khẩu vũ khí - trang thiết bị quân sự, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba trung tâm sản xuất lớn của Thổ Nhĩ Kỳ là Istanbul, Ankara và Konya lần lượt đóng góp 387,5, 204,5 và 131,7 triệu USD vào con số nói trên.

Thổ Nhĩ Kỳ - cường quốc xuất khẩu vũ khí mới -0
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ký tên lên một chiếc máy bay không người lái

950 triệu USD tuy không phải là con số lớn khi so với Mỹ (386 triệu), Azerbaijan (117,3 triệu) hay Arập Xêút (90,3 triệu), nó vẫn là một dấu hiệu đáng mừng đối với ngành sản xuất quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối cảnh nhiều lực lượng vũ trang đang gặp khó khăn tài chính và ngần ngại mua sắm trang thiết bị mới, việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng được lợi nhuận xuất khẩu cho thấy chiến lược phát triển của họ đang đi đúng hướng.

Nhiều năm sau khi nhà nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập (1918), họ vẫn dựa nhiều vào vũ khí, khí tài nhập từ các nước đồng minh NATO. Đến đầu thập niên 1980, NATO có chính sách hiện đại hóa trang thiết bị quân sự, từ đó đặt viên gạch đầu tiên cho ngành công nghiệp vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ. Ban đầu họ mua giấy phép sản xuất vũ khí phương Tây đem về nước mình chế tạo vừa nhằm mục đích kiếm lời, vừa để học hỏi kỹ thuật. Ngày nay họ đã đủ khả năng để chế tạo những loại vũ khí đạt chuẩn bộ binh, từ súng bộ binh đến các loại thiết giáp như xe tăng, pháo tự hành, xe đổ bộ mặt nước, v.v…

Nhà phân tích Tom Lancaster của viện nghiên cứu RAND (Mỹ) giải thích: “Anakara luôn giữ vai trò kiểm soát các công ty quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có Tổng cục Công nghiệp quân sự (gọi tắt là SSB). Còn bộ Quốc phòng của họ có Quỹ Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (còn gọi là TAFF). Hai cơ quan này giữ chức cổ đông đa số tại các công ty quốc phòng quan trọng nhất như: Aselsan (vũ khí thông minh), Roketsan (tên lửa và các loại pháo), Havelsan (phần mềm), Turkish Aerospace (máy bay), Aspilsan (giải pháp năng lượng), và Mkek (súng và đạn dược)”.

Thổ Nhĩ Kỳ - cường quốc xuất khẩu vũ khí mới -0
Một chiếc máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đang được kiểm tra lần cuối trước khi xuất ra nước ngoài cho khách hàng

Những khách hàng lớn của vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là Kazakhstan, Arập Xêút, Malaysia, Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất, Azerbaijan và Indonesia. Nhà báo người Anh Patrick Cockburn viết cho tờ CounterPunch như sau: “Tổng thống Erdogan nuôi tham vọng đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành “tiếng nói” của thế giới Hồi giáo toàn cầu. Ông tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sau này sẽ vừa giữ vai trò lãnh đạo cộng đồng các nước Hồi giáo, vừa là cầu nối giữa họ với Mỹ và khối NATO. Vũ khí đối với Erdogan là một công cụ để đạt được tham vọng này. Ông ta thúc đẩy xuất khẩu vũ khí sang các nước Hồi giáo như Arập Xêút hay Malaysia nhằm thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia này”.

Rẻ mà tốt

Ngày nay không hiếm để thấy những loại súng ống Thổ Nhĩ Kỳ trong tay các nhóm vũ trang ở Trung Đông. Thay vì sử dụng súng ngắn, súng trường cũ có nguồn gốc từ Mỹ, một số đơn vị tinh nhuệ như tiểu đoàn chống khủng bố Yekineyen Anti Teror (của nước Cộng hòa Người Kurd) được trang bị sản phẩm mới nhất do hai công ty Thổ Nhĩ Kỳ Sarsilmaz và Mkek sản xuất.

Chuyên trang nghiên cứu vũ khí Silah Report đã điều tra được một khía cạnh đáng chú ý của việc sản xuất và xuất khẩu vũ khí bộ binh tại Thổ Nhĩ Kỳ: “Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất súng ống nhưng không dập tên mình vào sản phẩm. Thay vì thế số súng này được dập tên Delta Defence Group. Delta Defence Group cũng là công ty đảm nhận việc xuất khẩu vũ khí đến nhiều đối tác nước ngoài. Rất có thể đây là cách để các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ né trách nhiệm đối với sản phẩm mình xuất khẩu”.

Thổ Nhĩ Kỳ - cường quốc xuất khẩu vũ khí mới -0
Mẫu máy bay trinh thám không người lái Bayraktar Akinci được nhiều khách hàng ưa chuộng

Trong lĩnh vực vũ khí hạng nặng, đối tượng khách hàng chính của Thổ Nhĩ Kỳ là các quốc gia muốn hiện đại hóa số khí tài của mình mà không phải chi nhiều tiền. Ví dụ như trong bốn năm liên tiếp, Pakistan, Brazil, Qatar, Iraq và Morocco đều có đơn hàng đặt mua trực thăng chiến đấu T129 ATAK do Turkish Aerospace sản xuất. Họ mua số trực thăng này nhằm thay thế Bell AH-1 (Mỹ) đã lỗi thời từ lâu.

Tập đoàn Aselsan đã đạt được một bước đột phá mới khi họ bắt đầu tự sản xuất giáp phản ứng nổ cho xe tăng vào năm 2016. Aselsan sau đó tiếp tục nghiên cứu thành công hệ thống điều khiển tháp pháo tự động. Hai sản phẩm này được Aselsan đưa vào một gói nâng cấp cho xe tăng Leopard 2. Nếu so với việc nâng cấp tăng Leopard lên chuẩn 2A7 của nhà sản xuất KMV (Đức), gói nâng cấp của Aselsan rẻ hơn nhiều. Hiện họ đã nâng cấp được cho khoảng 30 xe tăng của Leopard 2 của Chile và đang trong quá trình đàm phán với Ba Lan.

Niềm tự hào lớn nhất của ngành công nghiệp vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ là các mẫu máy bay không người lái, còn gọi là drone. Mẫu drone tiêm kích Bayraktar TB2 và drone trinh thám Akinci xuất hiện ngày càng nhiều ở Đông Âu, Trung Á và Trung Đông. Selcuk Bayraktar, Giám đốc kỹ thuật Công ty quốc phòng Baykar và là con rể Tổng thống Erdogan, tuyên bố trong phiên ký kết bán 40 chiếc Bayraktar TB2 cho Ba Lan: “Giá thành một chiếc TB2 chỉ có 2 triệu USD mà khả năng tương đương với mẫu Predator có giá 5 triệu USD do Mỹ sản xuất”.

Ông Bayraktar cũng là kỹ sư trưởng dự án phát triển chiếc TB2 và nhiều mẫu máy bay quân sự không người lái khác. Theo lời vị chuyên gia này: “Sau giá thành, rào cản lớn nhất đối với các quân đội quốc gia và tổ chức vũ trang trong việc sử dụng drone là không quen thuộc vơi việc điều khiển và bảo quản thiết bị. Baykar hiểu rất rõ điều này và thiết kế những sản phẩm của mình sao cho phù hợp với điều kiện thực chiến. Chúng tôi cũng sẵn sàng cung cấp đến mọi nơi một đội ngũ chuyên gia huấn luyện và phụ tùng thay thế với giá cả phải chăng… Baykar và Thổ Nhĩ Kỳ nói chung đang nắm lấy cơ hội trở thành “thế lực” mới trên thị trường xuất khẩu máy bay quân sự không người lái”.

Bàn tay đen

Trong thời gian gần đây giới phân tích phương Tây nói nhiều về Công ty Tư vấn Quốc phòng quốc tế SADAT đặt tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay trong mục “Nhiệm vụ” trên trang web của mình, SADAT tuyên bố: “Chúng tôi muốn đưa thế giới Hồi giáo lên ngang tầm với các cường quốc trên thế giới”. Doanh nghiệp được thành lập vào năm 2012 bởi Adnan Tanriverdi. Ông này bị cách chức chuẩn tướng vào năm 1996 sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện “thanh trừng” những phần tử mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan khỏi nội bộ.

Thổ Nhĩ Kỳ - cường quốc xuất khẩu vũ khí mới -0
Bên trong nhà máy sản xuất súng của Sarsilmaz

Con trai của Adnan và CEO hiện tại của SADAT là Melih Tanriverdi nói với phóng viên hãng tin AFP rằng: “SADAT không kinh doanh lính đánh thuê”. Tuy nhiên công ty này thường xuyên xuất hiện tại các điểm nóng ở Trung Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết SADAT đã cho người sang Libya huấn luyện quân đội thuộc Chính phủ Đoàn kết Quốc gia, đồng minh của Ankara.

Vận chuyển vũ khí là một thế mạnh khác của SADAT. Theo giáo sư, chuyên gia về khủng bố Suat Cubukcu thuộc Viện Chính sách Orion (Mỹ): “Nhờ có SADAT mà nhiều loại vũ khí, trang thiết bị quân sự mới có thể đến được miền Bắc Phi và Trung Á trong sự bí mật. Họ sử dụng đội quân riêng của mình và mối quan hệ với các thế lực cát cứ ở những quốc gia co xung đột để đảm bảo vũ khí đến được nơi cần đến”.

Quan trọng hơn, SADAT nhận lệnh từ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Một báo cáo của quân đội Mỹ viết: “SADAT là cầu nối giữa Ankara và các nhóm vũ trang đồng minh. Một mặt SADAT huấn luyện, trang bị vũ khí cho những tay súng Hồi giáo.  Mặt khác họ gây ảnh hưởng lên họ để đạt được điều Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn…Do SADAT là công ty tư nhân nên Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ dàng phủ nhận trách nhiệm của mình đối với tình hình bất ổn trong khu vực”.

Thổ Nhĩ Kỳ - cường quốc xuất khẩu vũ khí mới -0
Một chiếc Bay raktar TB2 được đem ra trưng bày

Mối lo của Mỹ đối với SADAT khiến họ gạt bỏ lời đề nghị của Tổng thống Erdogan cho các công ty Thổ Nhĩ Kỳ bán vũ khí và huấn luyện Quân đội Quốc gia Afghanistan. Đấy là trước khi chính quyền Kabul sụp đổ. Ankara đến nay đã tỏ ra mềm mỏng và sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Taliban. Khả năng SADAT và các công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tạo lập được chỗ đứng tại Afghanistan hiện vẫn còn bỏ ngỏ.

SADAT chỉ là một trong các ví dụ cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang quen dần với vai trò của một cường quốc xuất khẩu vũ khí. Trong những năm tới đây, chắc chắn vũ khí sẽ còn là công cụ hữu hiệu của ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nâng cao vị thế của nước này trên trường quốc tế.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.
.