Quyền lực mềm từ “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”
Sáng kiến Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR) của Trung Quốc nhằm mở rộng công nghệ kỹ thuật số ở các nước đang phát triển. Sáng kiến này không chỉ đặt ra thách thức vị trí thống trị công nghệ của Mỹ mà còn khiến phương Tây lo ngại về an ninh do tiềm ẩn khả năng giám sát và thu thập dữ liệu.
Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei vẫn tiếp tục phát triển và thâm nhập thị trường nước ngoài, đặc biệt là ở châu Phi và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điều này càng thúc giục các công ty phương Tây tìm ra các giải pháp thay thế hợp lý và “chìa tay” với các nước đang phát triển để điều hướng các nước này ra khỏi “cám dỗ” công nghệ nhạy cảm với hoạt động giám sát.
Trước DSR, Trung Quốc cũng đã đưa ra sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) trị giá hàng nghìn tỷ USD, đánh cược vào các khoản vay đầy rủi ro nhưng toàn diện dành cho các nước đang phát triển để xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng, qua đó tạo ảnh hưởng nhất định về kinh tế, chính trị với quốc gia đi vay. Cũng với tư duy này, những năm gần đây khi cả thế giới chuyển mình theo công cuộc đổi mới kỹ thuật số, Trung Quốc đã nhanh chóng đón đầu xu hướng và chuyển trọng tâm sang mở rộng nhanh chóng DSR.
DSR được hình thành lần đầu vào năm 2015 trong khuôn khổ BRI, nhắm tới thị trường các công nghệ kỹ thuật số ở các nước đang phát triển, đưa ra các lựa chọn rẻ tiền hơn để thay thế hệ thống dữ liệu và bảo mật của phương Tây. DSR ban đầu nhắm tới lĩnh vực công nghệ, với các khoản đầu tư vào các dự án cáp quang 5G, trung tâm dữ liệu, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo (AI). Mục tiêu của Trung Quốc trong DSR là chiếm lĩnh thị trường quốc gia của các nước kém phát triển.
Ban đầu, DSR không nhận được sự chú ý đặc biệt từ phương Tây bởi sáng kiến này được thúc đẩy nhờ các khoản đầu tư tư nhân từ các công ty công nghệ Trung Quốc. Điều này khác với BRI, sáng kiến dựa vào các khoản vay của chính phủ trung ương và do chính phủ quyết định. Cho tới gần đây, các mục tiêu chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã trở nên gắn liền với DSR. Có thể kể đến như các sáng kiến của các tập đoàn nhằm thúc đẩy các lựa chọn thay thế cho tiền kỹ thuật số, như hệ thống SWIFT do phương Tây hậu thuẫn, đều phải “qua tay” Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
DSR hiện là mối quan tâm hàng đầu của Mỹ bởi với Washington, chiến lược này gây ra các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn và thách thức quyền bá chủ của nền kinh tế số 1 thế giới. Phương Tây đánh giá sự phụ thuộc ngày càng tăng của các nước đang phát triển vào công nghệ Trung Quốc là đáng báo động, có thể dẫn đến nguy cơ các nước này sẽ bị giám sát và thu thập dữ liệu.
Trong khi các nước châu Âu chủ yếu lựa chọn các hệ thống đắt tiền hơn nhưng có tính bảo mật cao hơn của Mỹ thì các quốc gia nghèo hơn, chủ yếu ở châu Phi và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, lại bị các sáng kiến DSR với mức giá thấp hấp dẫn. Các sản phẩm và dịch vụ của Trung Quốc đã thâm nhập sâu vào không gian kỹ thuật số của các nước châu Phi. Bắc Kinh cũng đã ký biên bản ghi nhớ DSR với 16 quốc gia. Ví dụ, công ty Cloudwalk của Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Zimbabwe để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hàng loạt phần mềm nhận dạng giám sát trong nước. Đổi lại, Zimbabwe đồng ý gửi dữ liệu sinh trắc học của hàng triệu công dân nước này cho Trung Quốc.
Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng là một mục tiêu trong chiến lược DSR. Năm 2018 tại Papua New Guinea, gã khổng lồ công nghệ Huawei đã xây dựng một trung tâm dữ liệu cho toàn bộ kho lưu trữ dữ liệu của chính phủ, sử dụng khoản vay phát triển trị giá 53 triệu USD từ Ngân hàng Exim của Trung Quốc. Một mục tiêu khác trong DSR là Myanmar, nước đã ký thỏa thuận năm 2018 để nhanh chóng mở rộng dịch vụ băng thông rộng 5G. Trung Quốc coi Myanmar là cầu nối DSR quan trọng giữa Nam Á và Đông Nam Á.
Trước sự gia tăng ảnh hưởng với quy mô ngày càng lớn của Trung Quốc, Mỹ đã có những phản ứng để phòng ngừa và ngăn chặn. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc đẩy hoạt động sản xuất chất bán dẫn nội địa với việc ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS vào năm 2022, trong đó phân bổ 52,7 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và sản xuất trong nước bao gồm 39 tỷ USD trợ cấp cho các công ty tư nhân. Tuy nhiên, Washington cũng nhận ra một thực tế đáng lo ngại là các biện pháp trừng phạt kéo dài nhiều năm đối với Huawei và các công ty Trung Quốc khác dường như không mang lại tác động như mong muốn, thậm chí còn thôi thúc các công ty Trung Quốc trở nên tự cường hơn.
Sau khi buộc phải thay thế 13.000 linh kiện và thiết kế lại hơn 4.000 bảng mạch, Huawei đã gây ngỡ ngàng khi sản xuất thành công các sản phẩm thay thế trong nước, tạo ra điện thoại thông minh 5G đầu tiên sử dụng chip Trung Quốc vào năm 2023. Điều này gây sốc cho các chuyên gia trong ngành, những người tin rằng Trung Quốc đang đi sau trong lĩnh vực phát triển này.
Không những thế, chính Mỹ cũng phải chật vật nghĩ cách ứng phó với những tác động an ninh từ DSR. Lúc này, các công ty phương Tây buộc phải nghiên cứu và tung ra những sản phẩm/dịch vụ rẻ hơn mới mong có thể thay thế các chương trình của Trung Quốc. Các doanh nghiệp này cũng phải đầu tư hợp tác với các nước đang phát triển để đưa những nước này ra khỏi “lưới công nghệ” có thể đã bị Trung Quốc giám sát.
Nếu như BRI giúp Trung Quốc mạnh lên về vật chất kinh tế thì DSR lại mang đến khả năng giám sát kỹ thuật số ở quy mô lớn cho nước này. Vấn đề đặt ra cho Mỹ giờ đây không còn là bài toán cạnh tranh đơn thuần mà là phải tìm ra cách giải mã nguy cơ người dân trên toàn cầu bị giám sát từ cấp độ vi mô.