Nguy hại từ những bài thuốc “truyền miệng”

Thứ Bảy, 21/12/2024, 09:10

Trong thời gian gần đây, nhiều bệnh nhân đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do sử dụng các bài thuốc dân gian truyền miệng để chữa bệnh. Tình trạng này đang gây ra lo ngại lớn khi không ít người vì tin tưởng những bài thuốc không được kiểm chứng, đã gặp phải hậu quả khôn lường.

Những bài thuốc chữa bách bệnh

Bài thuốc truyền miệng thường là các phương thuốc dân gian được truyền lại qua nhiều đời, được coi là cách chữa bệnh hiệu quả và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, phần lớn những bài thuốc này không được nghiên cứu khoa học kiểm chứng, tất cả là do kinh nghiệm sống của ông cha ta đúc kết lại. Thực tế, không phải bệnh nhân nào cũng hợp với bài thuốc dân gian mà phải tùy thể trạng, tùy loại bệnh của từng người.

ảnh 1.jpeg -0
Bệnh nhân bị ngộ độc hoa chuông phải thở máy.

Hiện nay y tế, khoa học kĩ thuật đã có nhiều bước tiến bộ vượt bậc, thế nhưng không ít người ngại tìm đến bệnh viện, cơ sở y tế, mà vẫn tin vào những bài thuốc dân gian này và coi đó mới là phương thức chữa bệnh hữu hiệu, bất chấp lời can ngăn của người thân hay cảnh báo của truyền thông, báo chí.

Bị ngã rạn xương cổ tay, bàn chân, dù đã đi bệnh viện tỉnh chụp chiếu, thế nhưng bà Đặng Thị Cúc (Nam Định) từ chối bó bột vì sợ bất tiện đi lại khó khăn, không làm được gì. Theo lời mách của người quen, bà sang tận Thái Bình để tìm gặp ông lang đắp thuốc nam. Thế nhưng cả 2 tháng sau, tay chân bà vẫn sưng phù và tím tái, mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức. Đi khám lại bác sĩ bảo không thể bó bột lại được nữa vì xương đã bị biến dạng.

Tương tự, chị Nguyễn Minh Nguyệt (Cầu Giấy, Hà Nội) bị gai hai đốt sống L5, L6 hai chục năm nay, gần đây lại thêm bệnh đau cổ vai gáy nặng khiến chị đau đớn, mất ngủ thường xuyên. Nghe người quen mách có một loại thuốc nam chữa bệnh khớp rất tốt ở Nam Định, chị gửi người nhà mua mấy lọ để uống. Nhưng chỉ sau một tháng, dù bệnh của chị đỡ nhiều nhưng khuôn mặt lại sưng phù, biến dạng vì giữ nước. Nghi ngờ trong thuốc có giảm đau nên chị dừng uống thì một tháng sau, mặt chị dần trở lại bình thường.

Thời đại công nghệ bùng nổ, chỉ cần lên mạng xã hội hay tra google là có đủ phương thuốc, cách thức chữa bách bệnh. Không chỉ tra cứu nhanh chóng, nhiều hội nhóm, nhiều bác sĩ online cũng mọc lên như “nấm sau mưa” khiến người dân chìm vào trong ma trận khám chữa bệnh “truyền miệng”. Thêm tâm lý có bệnh thì “vái tứ phương”, hoặc ngại đến bệnh viện khám chữa mất thời gian, hay tránh phải dao kéo, mổ xẻ nên rất nhiều người dân tìm đến các bác sĩ online hay những bài thuốc truyền miệng để chữa trị những bệnh hiểm nghèo. Không ít trường hợp phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc.

Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa cấp cứu hai cháu nhỏ vào nhập viện do ngộ độc vì ăn nhầm lá hoa thủy tiên. Theo các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Chống độc, gia đình hai cháu nhỏ đã nhầm lẫn lá hoa thủy tiên với lá hẹ và sử dụng để nấu cháo chữa ho cho các con. Sau khi ăn, cả hai cháu đều xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn liên tục. Phát hiện thấy sự nhầm lẫn, gia đình lập tức đưa con tới bệnh viện. May mắn do đến viện kịp thời, chỉ sau hơn 1 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của 2 bệnh nhi đã ổn định và được xuất viện.

Theo các bác sĩ, hoa thủy tiên có nguồn gốc từ châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, gần đây cây được du nhập vào Việt Nam. Tất cả các bộ phân của cây hoa thủy tiên đều có độc, nhất là củ. Trong thành phần của cây có chứa chất Lycorine gây ra các triệu chứng nôn, buồn nôn, đổ mồ hôi, nhịp tim chậm. Nếu vô tình ăn phải hoa thủy tiên với số lượng lớn có thể gây co giật, ức chế tuần hoàn, hô hấp và hôn mê. Ngoài hoa thủy tiên, một số loại cây khác như cây kim tiền, khoai nước cảnh cũng có thể gây bỏng, kích ứng miệng, họng khi trẻ nhỏ ăn nhầm.

Tương tự, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng vừa tiếp nhận một trường hợp nam bệnh nhân trong tình trạng tê bì chân tay, ngất, mất kiểm soát đại tiểu tiện sau khi uống rượu ngâm củ ấu tàu. Theo lời kể của bệnh nhân, đây không phải lần đầu tiên ông sử dụng củ ấu tàu để tăng cường sức khỏe, chữa bệnh xương khớp. Từ ngày còn trẻ, ông đã thường xuyên ăn và uống nước củ ấu tàu để tăng sức khỏe và coi đây là bài thuốc truyền tai cho nhiều người.

ThS.BS Nguyễn Văn Chiến, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, củ ấu tàu là loài thực vật chứa độc tính rất mạnh, độc tính aconitin thuốc độc bảng A, chỉ với một hàm lượng nhỏ có thể gây tử vong, liều chỉ 1mg có thể gây ngộ độc nặng, 2 - 3mg đủ để gây tử vong một người trưởng thành. Aconitin gây độc trên tim, thần kinh và tiêu hóa. Ngộ độc aconitin xuất hiện rất nhanh, các triệu chứng có thể xuất hiện ngay hoặc sau vài phút, hoặc vài giờ sau khi uống dịch chiết hoặc ăn củ, rễ, lá cây ấu tàu.

Cách đó không lâu, hai người đàn ông ở Lạng Sơn cùng ăn hoa chuông, sau đó nôn nhiều và phải vào nhập viện Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn cấp cứu. Trong đó, nam bệnh nhân 39 tuổi nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, da lạnh, tím tái toàn thân, vùng bẹn chảy máu, tràn khí màng phổi. Còn người đàn ông 29 tuổi nôn nhiều, yếu tứ chi, gọi hỏi không trả lời. Sau khi thăm khám, làm xét nghiệm, bác sĩ kết luận cả hai bị ngộ độc hoa chuông. Do bị ngộ độc nặng, nam bệnh nhân 39 tuổi phải thở máy, điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc.

Cây hoa chuông có tên gọi khoa học là Scopolamine, là loại cây thân thảo, có hoa trông giống như hoa loa kèn, có màu trắng và vàng. Loại cây này thường được nhiều người trồng làm cảnh. Ngoài ra, hoa chuông cũng mọc dại tại nhiều nơi ở vùng núi phía Bắc và Đà Lạt. Tuy nhiên, tất cả các bộ phận của loài hoa này đều chứa độc tố, có thể gây ngộ độc cho người tiếp xúc. Nhưng một số người truyền miệng cho rằng ăn hoa chuông chữa được viêm loét dạ dày, tiêu chảy, nước tiểu có máu, ho dai dẳng, viêm phổi, viêm phế quản, thậm chí cả ung thư… nên nhiều người tưởng thật mua về ăn.

Nhưng theo các bác sĩ, độc tính của cây hoa chuông là do một số loại alkaloid trong lá, hoa và hạt. Các hợp chất này có thể ức chế hệ thần kinh và ảnh hưởng đến tim, hệ tiêu hóa. Khi bị ngộ độc thường có biểu hiện nhẹ thì đau đầu, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, nôn… Trường hợp ngộ độc nặng, nạn nhân có thể bị rối loạn tri giác, có ảo giác, kích thích, vật vã, hôn mê, môi và tứ chi tím tái, suy hô hấp… và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Chữa ung thư cũng bằng “truyền miệng”

Không chỉ chữa bách bệnh, nguy hiểm hơn, các bài thuốc dân gian còn được truyền miệng và truyền nhau trên mạng xã hội và các hội nhóm tự chữa bệnh, rằng có thể chữa được những bệnh nan y, khiến không ít bệnh nhân nặng bỏ qua giai đoạn vàng để khám chữa bệnh, khiến bệnh tình đã nặng lại càng trở nên nguy cấp hơn. Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cũng vừa tiếp nhận một trường hợp bị kích ứng sau khi uống nước củ ráy.

Nguy hại từ những bài thuốc “truyền miệng” -0
Các bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân có khối u lớn bất thường vì chữa bệnh theo dân gian mà chưa được kiểm chứng.

Bệnh nhân T.L 61 tuổi, trú tại Phú Thọ có tiền sử bị ung thư tuyến giáp, đã phẫu thuật và đang uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Gần đây, bà được mách uống nước củ ráy tốt cho người ung thư, nên làm thử (thái mỏng củ ráy, đun sôi lấy nước uống). Khoảng một tiếng sau khi uống nước củ ráy, bà bắt đầu có biểu hiện khó thở, đau miệng và cuống họng, tức ngực, mệt mỏi… Sau đó, bà được đưa đi viện cấp cứu trong tình trạng đau vùng miệng, họng, khó nuốt, khó phát âm, cảm giác khó thở, niêm mạc miệng, họng phù nề đỏ, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường.

Nguyên nhân do trong củ ráy có chứa tinh thể canxi oxalat, chất này gây ra tình trạng kích ứng, bỏng da, sưng khi tiếp xúc, đặc biệt là phần lưỡi, miệng, môi… Rất may bệnh nhân bị kích ứng nhẹ nên sau 3 ngày điều trị đã khỏi bệnh ra viện.

Ở một số nước châu Á, củ ráy được sử dụng để chữa một số bệnh như trĩ, viêm khớp dạng thấp, đau răng… Tuy nhiên, ở nước ta củ ráy ít khi được các bác sĩ y học cổ truyền dùng làm thuốc vì trong tự nhiên có nhiều vị thuốc thay thế an toàn và hiệu quả cao hơn.

Tương tự, một nạn nhân ở Hà Nội đã phải chịu hậu quả nặng nề khi không nghe lời khuyên của bác sĩ, sớm can thiệp khi bệnh mới ở giai đoạn đầu. Theo đó, phát hiện khối u buồng trứng từ cách đây hơn một năm, kèm theo polyp lớn buồng tử cung gây chảy máu nhiều, nhưng khi được bác sĩ khuyên phẫu thuật sớm thì bệnh nhân T. (63 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) lại từ chối và về nhà tự uống thuốc theo những lời mách bảo truyền miệng. Chỉ đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, cân nặng sa sút nhanh chóng chỉ trong vòng một tháng, thỉnh thoảng ngất xỉu đột ngột thì bệnh nhân mới quay lại bệnh viện.

Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, các kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân T. mắc ung thư buồng trứng trái, ung thư nội mạc tử cung - polyp buồng tử cung. Khi nhập viện, thể trạng bệnh nhân rất kém, thiếu máu mức độ nặng, đe dọa đến tính mạng. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt tử cung toàn bộ và 2 phần phụ. Kết quả sinh thiết tức thì trong mổ cho thấy bệnh nhân mắc u ác tính buồng trứng trái.

Những trường hợp nói trên không phải là hiếm, bởi trên thực tế, rất nhiều người mắc bệnh nan y vẫn đang bấu víu, sử dụng các bài thuốc truyền miệng để chữa bệnh. Dù đã được cảnh báo về nguy cơ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc nam, thuốc đông y… không rõ nguồn gốc, thế nhưng rất nhiều người vẫn sẵn sàng từ bỏ phác đồ điều trị của các bác sĩ tại những cơ sở y tế lớn, có uy tín để chọn cách tin vào bài thuốc của các “ông lang”, các “bác sĩ google” hay những phương thức chữa bệnh truyền miệng.

Việt Nam có nguồn dược liệu dồi dào, nhiều bài thuốc gia truyền, do vậy, nhiều người lựa chọn sử dụng thuốc Nam, thuốc Đông y vì lành tính. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý này, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, không được kiểm nghiệm chất lượng, không được cấp phép nhưng bán tràn lan.

Thậm chí, có những người không hề có chuyên môn đã “trộm cắp” những bài thuốc rồi mua các loại dược thảo về tự chế, đóng mác nhãn hiệu, quảng cáo trên mạng Internet và bán cho người dùng. Còn có một số “thầy lang” đã kết hợp Đông - Tây y một cách rất nguy hiểm khi làm thuốc Nam hoàn tán nhưng lại bỏ những loại thuốc Tây thế hệ cũ (tác dụng rất mạnh, có nhiều tác dụng phụ)…

Người dân cần tỉnh táo khi lựa chọn phương pháp điều trị, cảnh giác và tránh xa những lời truyền miệng hay hình ảnh quảng cáo về các thầy lang, thần y trên mạng xã hội, mạng Internet. Ngoài ra, mọi người cũng cần phải ý thức rõ, thuốc Nam, Đông y hay tân dược đều không thể sử dụng tùy tiện, không theo kê đơn của bác sĩ và không phải thuốc Nam, Đông y là lành tính, ít tác dụng phụ hơn tân dược.

Việc sử dụng những bài thuốc này không chỉ gây trì hoãn điều trị chính thức, mà còn mang đến nguy cơ ngộ độc, biến chứng, thậm chí là tử vong. Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh mắc bệnh mãn tính nên đi khám, uống thuốc theo toa của bác sĩ, không nên nghe những lời “rỉ tai, truyền miệng” uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc, có thể có những độc chất trộn trong đó để “tiền mất, tật mang”.

Khi dùng bất cứ loại thuốc nào lâu dài để điều trị bệnh, cần đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn cách sử dụng thuốc an toàn, đồng thời phòng tránh tình trạng nhiễm độc thuốc gây ra. Tuyệt đối không tin vào những bài thuốc truyền miệng, không có kiểm nghiệm khoa học, có thể gây nguy hiểm lớn. Đồng thời cần tuyên truyền rộng rãi về tác hại của việc sử dụng thuốc không đúng cách để tránh những hậu quả đáng tiếc cho bản thân và gia đình.

Ngọc Mai
.
.
.