Hàn Quốc vươn lên trên bản đồ xuất khẩu vũ khí

Thứ Năm, 04/01/2024, 09:19

Hàn Quốc đã và đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng để trở thành nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

1. Trong bài phát biểu khai mạc khi Tổng thống Hàn Quốc, ông Yoon Seok-yeol tham dự Triển lãm Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng Seoul (ADEX Seoul 2023) tại Sân bay Seoul vào ngày 17/10/2023, ông đã nhấn mạnh: "Chính phủ sẽ cố gắng hết sức để tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế của ngành công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ".

andex 2023 là co h%3fi d%3f hàn qu%3fc gi%3fi thi%3fu vu khí c%3fa mình.jpg -0
ANDEX 2023 là cơ hội để Hàn Quốc giới thiệu vũ khí của mình.

Tại ANDEX Seoul 2023, cuộc triển lãm quốc phòng vào loại lớn nhất châu Á, các phái đoàn chính phủ từ 57 quốc gia đã có mặt để cùng chiêm ngưỡng những loại vũ khí mới nhất mà người Hàn Quốc đang muốn “khoe” cho thế giới. Tổng thống Yoon không khỏi tự hào khi đề cập đến sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp quốc phòng khi ông nhấn mạnh: “Một quốc gia từng phụ thuộc vào viện trợ và nhập khẩu giờ đây đã có bước nhảy vọt trong việc sản xuất và xuất khẩu các máy bay chiến đấu tiên tiến”.

Đó là khi ông Yoon nhắc đến những chiếc máy bay chiến đấu KF-21 do Hàn Quốc tự nghiên cứu chế tạo. Đây được coi là thành quả tiên tiến nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc khi KF-21 được coi là máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 do nó có khung của thế hệ thứ tư nhưng được trang bị công nghệ tàng hình hiện đại tương đương các chiến đấu cơ thế hệ thứ năm như F-35 của Mỹ và J-20 của Trung Quốc.

t%3fng th%3fng yoo jae suk t%3f hào v%3fi vu khí hàn qu%3fc.jpg -1
Tổng thống Yoo Jae Suk tự hào với vũ khí Hàn Quốc.

Chỉ vừa mới được bay thử lần đầu tiên vào 19/7/2022, đến nay KF-21 đã đảm bảo các thông số kỹ thuật để giới thiệu chính thức như với một phiên bản xuất khẩu hoàn thiện. Nó ngay lập tức nhận được nhiều sự quan tâm nhờ tính ổn định, trang bị khí tài đa dạng và chi phí vận hành thấp. Chứng kiến tốc độ và khả năng nhào lộn ấn tượng của KF-21 trên bầu trời Seoul, những nhà lãnh đạo Ba Lan được cho là đã đưa ra đề nghị để có thể trở thành nước đầu tiên sở hữu phiên bản xuất khẩu này. Trong bối cảnh nhiều chương trình máy bay thế hệ thứ tư và thứ năm bị đình trệ, đây rõ ràng là một màn ra mắt đáng chú ý, khẳng định thành công vang dội của Hàn Quốc trong việc nuôi dưỡng ngành công nghiệp quốc phòng.

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Yoon đã xác định lại một lần nữa ngành công nghiệp quốc phòng là một ngành quan trọng cho sự phát triển trong tương lai của Hàn Quốc với cam kết đưa quốc gia này trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới và chiếm 5% thị phần vào năm 2027 chỉ sau Nga, Mỹ và Pháp.

Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Hàn Quốc hiện đứng thứ 9 về xuất khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2018-2022, chiếm 2,4% thị phần xuất khẩu vũ khí thế giới. Đáng chú ý, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc từ năm 2018-2022 đã tăng 74% so với tổng xuất khẩu của giai đoạn 5 năm trước đó là 2013-2017. Tốc độ tăng trưởng này cao nhất trong số 10 nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

2. Không phải ngẫu nhiên mà ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc phát triển nhanh như vậy. Sự quan tâm của chính phủ Hàn Quốc khi tăng cường đầu tư cho ngành này trong suốt 20 năm qua đã thu được trái ngọt. Theo quan điểm của giới lãnh đạo Hàn Quốc, xuất khẩu vũ khí vừa có thể mang lại những hợp đồng mua bán và hiệp định an ninh có lợi, vừa củng cố an ninh quốc gia, tăng cường hợp tác toàn cầu, củng cố vị thế của đất nước trong bản đồ quốc tế.

tàu ng%3fm hàn qu%3fc dang nh%3fn du%3fc nhi%3fu s%3f quan tâm.jpeg -3
Tàu ngầm Hàn Quốc đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Về mặt công nghệ, Hàn Quốc đã và đang nắm được những công nghệ hàng đầu để áp dụng vào những sản phẩm của mình. Vũ khí Hàn Quốc tìm được chỗ đứng nhờ chất lượng, mẫu mã và đặc biệt là giá thành rẻ hơn so với cùng loại của phương Tây. Nhờ có đầu tư chiến lược, ngành công nghiệp quốc phòng đã nổi lên như một lực lượng quan trọng ở Hàn Quốc, tạo ra cơ hội việc làm có chất lượng và thúc đẩy sự phát triển cân bằng khi các đơn vị sản xuất hàng quân sự chủ yếu nằm ngoài phạm vi đông đúc của khu vực đô thị Seoul.

Hợp tác công - tư trở thành điểm nổi bật khi các nhà sản xuất tư nhân có thể tham gia sâu vào quá trình thiết kế chế tạo vũ khí. Như trong lĩnh vực sản xuất tàu ngầm, Hyundai HD đã cùng doanh nghiệp nhà nước là Hanwha đấu thầu những dự án lớn với sự hỗ trợ của hơn 200 nhà thầu nhỏ trong nước khác. Sự lớn mạnh của nền công nghiệp sản xuất Hàn Quốc đã đem lại lợi thế cho họ khi có thể chủ động trong hầu hết các khâu. Sự hỗ trợ của chính phủ về vốn, chính sách cũng rất mạnh mẽ.

Công nghệ quốc phòng của Hàn Quốc đang phát triển nhanh chóng, với máy bay chiến đấu, tàu ngầm cùng các hệ thống vệ tinh giám sát tiên tiến. Những bước tiến công nghệ từ nghiên cứu vũ khí đồng thời tác động và mang lại lợi ích cho các lĩnh vực công nghệ cao khác như ngành công nghiệp ôtô, quang học, cơ điện tử,... một lần nữa nhấn mạnh những ưu thế to lớn của việc đầu tư vào công nghệ quốc phòng.

Quân đội thường trực lớn lên tới 62.0000 người vẫn đang trong “tình trạng chiến tranh” cũng đem lại một lợi thế cho Hàn Quốc. Ông An Sang-nam, Trưởng phòng Quan hệ công chúng của Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Hàn Quốc, gồm hơn 100 công ty thành viên nhấn mạnh: “Một gói vũ khí, cụ thể là phần cứng, bí quyết và phần mềm là những gì mà các nước Đông Âu và Nam Mỹ muốn. Về mặt này, ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc có  lợi thế”.

Những cuộc xung đột và chiến tranh bùng nổ trên khắp thế giới thời gian qua đã thúc đẩy sự tăng trưởng đáng kể của công nghiệp vũ khí toàn cầu. Hàn Quốc là quốc gia đứng bên ngoài những cuộc xung đột này được lợi. Khi nhiều nhà xuất khẩu lớn như Mỹ, Nga hay Trung Quốc đang phải bận rộn trang bị kho vũ khí của mình thì Hàn Quốc nhanh chóng lấp vào những chỗ trống. Hàn Quốc chiếm lĩnh thị phần đáng kể ở thị trường mà người ta gọi là “tiểu xuất khẩu”, nơi mà các nhà sản xuất lớn nhất thường không quan tâm hoặc gặp vướng mắc khi muốn tham gia vào. Cuộc chạy đua vũ trang trên biển ở châu Á Thái Bình Dương đang giúp cho Hàn Quốc trở thành cái tên được nhắc đến trong những hợp đồng tàu ngầm mới cho Indonesia, Philippin, Singapore và cả Canada.

3. Bước ngoặt cho xuất khẩu vũ khí Hàn Quốc đến vào năm 2017 khi công ty Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) đấu thấu thành công hợp đồng thay thế 350 chiếc máy bay huấn luyện cho không quân Mỹ trị giá lên tới 13 tỷ USD. Đó là một phi vụ biểu tượng khi bản thân ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc có được phần lớn nhờ chuyển giao công nghệ của Mỹ và các hợp đồng sản xuất được cấp phép có liên quan đến việc mua  vũ khí của Mỹ. Vài năm trước đó, Hàn Quốc sản xuất vũ khí chủ yếu chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước nhưng họ đã vươn lên nhanh chóng.

th%3fng kê xu%3ft kh%3fu vu khí toàn c%3fu nam 2022.jpg -2
Thống kê xuất khẩu vũ khí toàn cầu năm 2022.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cho biết, doanh thu xuất khẩu vũ khí của quốc gia Đông Bắc Á giai đoạn 2017-2021 tăng 177% so với giai đoạn 2012-2016. Báo cáo do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố doanh số bán vũ khí của quốc gia này trong năm 2022 là hơn 17 tỷ USD, so với 7,25 tỷ USD của năm trước đó, mức tăng đột biến khoảng 240% trong một năm đã đưa quốc gia này trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tám thế giới. Đó là lần đầu tiên doanh số bán vũ khí của Hàn Quốc vượt qua 10 tỷ USD/năm. Tháng 6/2023, hợp đồng khổng lồ tới 13,7 tỷ USD giữa Hàn Quốc và Ba Lan đã được ký liên quan đến pháo và xe tăng. Hai bên cũng nhất trí thành lập liên doanh gồm các doanh nghiệp quốc phòng của cả hai nước để từ đó, vũ khí của Hàn Quốc sẽ được cấp phép sản xuất tại Ba Lan, mở đường vào châu Âu. Dự kiến, 500/820 xe tăng và 300/672 khẩu pháo tự hành trong thỏa thuận sẽ được sản xuất tại các nhà máy ở Ba Lan, bắt đầu từ năm 2026.

Trước “nguy cơ” vũ khí Hàn Quốc có thể xâm nhập thị trường châu Âu vốn là ưu thế của Đức, tờ DW buộc phải thừa nhận: “Tuy không phải là tối tân nhất thế giới nhưng trang thiết bị quân sự của Hàn Quốc có mức giá cạnh tranh và chất lượng cao. Các cường quốc tầm trung, vốn luôn tìm kiếm sự cân đối giữa lợi ích và chi phí, xem trang thiết bị quân sự của Hàn Quốc là một lựa chọn tốt”.

Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng không phải quốc gia duy nhất đang làm ăn tốt trên thị trường vũ khí toàn cầu. Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và một số quốc gia khác cũng đang dồn sức phát triển công nghiệp quốc phòng nhằm đối phó với môi trường an ninh thay đổi. Mới đây Nga, Đức và Pháp đã đưa ra những chương trình mới để tái khởi động lại tổ hợp công nghiệp quốc phòng của mình. Những loại vũ khí đang được thử nghiệm trực tiếp trên chiến trường của Nga, Mỹ, Đức hay Ukraine cũng gây được tiếng vang hơn vũ khí Hàn Quốc. Uy tín của vũ khí Hàn Quốc chứ được xây dựng từ thực tế sử dụng. Hàn Quốc từng bị chỉ trích vì những đơn hàng thiếu kiểm soát dành cho các lực lượng quân sự tư nhân. Sự cạnh tranh sẽ rất quyết liệt trong thời gian tới.

Tử Uyên
.
.
.