Cơ hội lịch sử cho ngành bán dẫn Mỹ

Thứ Hai, 01/08/2022, 13:26

Thế giới đang có xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số sâu rộng với “chìa khóa” quyết định là chất bán dẫn, những chip điện tử có trong điện thoại thông minh, ô tô, thiết bị gia dụng, trung tâm dữ liệu và gần như tất cả các công nghệ quan trọng khác của hiện tại và tương lai. Các nhà lãnh đạo ở Washington đang có một cơ hội lịch sử để đảm bảo nước Mỹ nắm bắt được sự bùng nổ sắp tới về nhu cầu chất bán dẫn và thu về những lợi ích phục vụ cho các doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng.

Mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng lớn đến mức giới chức ở Washington đã thống nhất thúc đẩy các cuộc thảo luận về gói trợ cấp chưa từng có tiền lệ cho lĩnh vực bán dẫn của Mỹ. Hôm 19-7, Thượng viện Mỹ đã thông qua thủ tục mở đường cho các cuộc bỏ phiếu về dự luật mang tên Đạo luật CHIPS, theo đó đề xuất khoản trợ cấp 52 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ cũng như cơ chế giảm thuế đầu tư nhằm khuyến khích các công ty xây dựng nhà máy ở nước này. Dự luật được nhiều người ở Washington coi là rất quan trọng để tăng cường chuỗi cung ứng của Mỹ cũng như khả năng cạnh tranh với Trung Quốc trong cuộc chạy đua vũ trang công nghệ toàn cầu.

Đạo luật CHIPS là gì?

Cơ hội lịch sử cho ngành bán dẫn Mỹ -0
Các nhà sản xuất chip đang từ chối xây dựng nhà máy bán dẫn mới ở Mỹ trừ khi Quốc hội thông qua đạo luật cấp 52 tỷ USD tài trợ.

Đạo luật CHIPS - có tên gọi chính thức là Đạo luật Khuyến khích sản xuất chất bán dẫn - được đề xuất lần đầu hồi tháng 6-2020 trong bối cảnh nguồn cung chất bán dẫn toàn cầu giảm mạnh. Tháng 1-2021, đạo luật được ký ban hành như một phần của Đạo luật Bảo vệ quốc gia. Nhưng, các nhà lập pháp không thể thông qua các điều khoản về số tiền đầu tư, có nghĩa là các chương trình của nó về cơ bản đã chết từ trong trứng nước. Tháng 6 cùng năm, Thượng viện Mỹ đã thông qua phiên bản riêng của Đạo luật CHIPS như một phần của gói luật khác, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ trên phạm vi rộng hơn. Đầu năm nay, Hạ viện Mỹ đã công bố phiên bản riêng có tiêu đề Đạo luật Cạnh tranh, cũng bao gồm Đạo luật CHIPS trị giá 52 tỷ USD.

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, Đạo luật CHIPS gồm các khoản trợ cấp và tín dụng thuế đầu tư trị giá gần 80 tỷ USD trong vòng 10 năm để khuyến khích sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ, cũng như các khoản đầu tư nghiên cứu thúc đẩy đổi mới chip. Lợi tức từ những khoản đầu tư này sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nêu rõ dự luật cho phép hồi sinh ngành sản xuất bán dẫn, mang đến những năng lực đột phá mà người Mỹ đang cần. Những người ủng hộ Đạo luật CHIPS nói rằng khoản trợ cấp này sẽ khuyến khích các công ty chip của Mỹ sản xuất ở trong nước, giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp chip ở châu Á - một lỗ hổng nghiêm trọng mà Trung Quốc có thể khai thác - và khôi phục lĩnh vực sản xuất chip hùng mạnh một thời của Mỹ. Hiện, Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về thiết kế chip điện tử, nhưng hoạt động sản xuất từ lâu đã chuyển sang châu Á, nơi sản xuất hơn 70% số lượng chất bán dẫn toàn cầu. Do đó, mục đích của dự luật trên là nhằm chuyển dịch các quy trình sản xuất quay lại Mỹ.

Tuy nhiên, có một vướng mắc. Khoản trợ cấp hàng chục tỷ USD để xây dựng các nhà máy chip trên đất Mỹ khó có thể làm giảm sự phụ thuộc của nước này vào châu Á, đặc biệt là trong ngắn hạn, chứ chưa nói đến việc biến Mỹ thành cường quốc chất bán dẫn. Một số chuyên gia cho rằng Mỹ có thể cần thêm hàng trăm tỷ USD trợ cấp và nhiều thập kỷ để đảm bảo nguồn cung chip của họ và bằng mọi cách bắt kịp các nhà sản xuất chip ở châu Á, điều đó đặt ra câu hỏi liệu sản xuất chip có phải là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu hay không.

Cường quốc về chip?

Cơ hội lịch sử cho ngành bán dẫn Mỹ -0
Các kỹ thuật viên kiểm tra thiết bị tại nhà máy Micron Technology ở Manassas, bang Virginia.

Đại dịch COVID-19 đã đặt ra nhu cầu đối với các quốc gia phải đảm bảo chuỗi cung ứng của họ. Đại dịch ảnh hưởng đến ngành sản xuất chip lâu hơn dự kiến: các chuyến hàng bị đình trệ, giá cả tăng và gây thiệt hại hàng tỷ USD chỉ tính riêng cho các công ty như Apple và hơn 200 tỷ USD cho ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Sự thiếu hụt chip do COVID-19 đã làm lộ rõ những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Bà Raimondo giải thích: “Lý do chúng tôi thực sự rơi vào tình trạng hỗn loạn này là vì trong một thời gian dài chúng tôi đã không đầu tư. Chúng tôi đã rời mắt khỏi trái bóng trong chốc lát và kết quả là chúng tôi bị thủng lưới!”.

Đạo luật CHIPS phân bổ 39 tỷ USD cho các nhà sản xuất chip để xây dựng các nhà máy, được gọi là fab, trên đất Mỹ, tài trợ 11,2 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hàng chục tỷ USD là không đủ để thay đổi động lực sản xuất toàn cầu. Shay Luo, Giám đốc công ty tư vấn Kearney, cho biết Mỹ “không phải là nơi hấp dẫn nhất đối với các nhà sản xuất chip - nếu không, các công ty đã chuyển hoạt động sản xuất của họ từ lâu rồi”, thay vì chờ đợi các khoản trợ cấp. Theo chuyên gia này, chi phí lao động và sản xuất cao đã hạn chế hoạt động sản xuất của Mỹ. Đài Loan (Trung Quốc) hay các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về sản lượng chip vì giá thành sản xuất chip ở đó rẻ hơn từ 25% đến 40%. Trong 3 thập kỷ qua, thị phần sản xuất chất bán dẫn của Mỹ đã giảm từ 40% xuống còn 12%.

Theo Rakesh Kumar, giáo sư kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign, gói trợ cấp một lần của Đạo luật CHIPS được chia nhỏ thành các khoản phân bổ từng phần - theo đó các công ty tư nhân và công có thể xin tài trợ liên bang lên tới 3 tỷ USD để xây dựng hoặc mở rộng nhà máy - không đủ để khuyến khích các nhà sản xuất chip di chuyển chuỗi cung ứng của họ một cách đáng kể.

Ông cho rằng, các khoản trợ cấp liên tục của nhà nước lên tới hàng trăm tỷ USD mới có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất chip trong nước với quy mô hàng loạt. Ông lấy ví dụ TSMC của Đài Loan (Trung Quốc), nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, có kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD trong 3 năm tới để duy trì vị thế thống trị toàn cầu. Trong khi đó, Mỹ đã tụt hậu so với các nhà sản xuất chip châu Á như TSMC và Samsung về công nghệ chip tiên tiến. Intel và các nhà sản xuất chip khác phụ thuộc rất nhiều vào TSMC cho chip 5 nanomet - được đánh giá là hiệu quả nhất và tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay - vì công ty này chiếm tới 92% nguồn cung trên toàn cầu, theo Capital Economics. Intel cho biết họ đang xây dựng các fab mới trên khắp châu Âu, Israel và Mỹ với chi phí 44 tỷ USD để cố gắng bắt kịp đối thủ.

Cơ hội lịch sử cho ngành bán dẫn Mỹ -0
Pat Gelsinger - Giám đốc điều hành của Intel, điều trần trước Quốc hội Mỹ, tuyên bố khoản đầu tư vào Ohio có thể tăng lên 8 nhà máy với Đạo luật CHIPS.

Các nhà sản xuất chip như Intel, Micron và GlobalWafers đã cảnh báo các nhà lập pháp Mỹ rằng họ sẽ chuyển nhà máy sang các quốc gia khác nếu Đạo luật CHIPS không được thông qua. Intel gần đây đã trì hoãn khởi công nhà máy mới trị giá 20 tỷ USD ở bang Ohio. Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger cho biết, nếu không có tài trợ, công ty sẽ “đầu tư nhiều hơn vào châu Âu”. Tháng 2 năm nay, Liên minh châu Âu đã thông qua Đạo luật chip châu Âu trị giá 46 tỷ USD, trong đó 7,3 tỷ USD được dành để tài trợ cho Intel xây nhà máy mới ở Đức.

Tuy nhiên, theo Ling Chen, giáo sư kinh tế chính trị trợ giảng tại Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp thuộc Đại học John Hopkins (SAIS), ngay cả sự gia tăng sản xuất trên đất Mỹ cũng sẽ không làm cho quốc gia này bớt phụ thuộc vào châu Á. Việc Mỹ thiếu năng lực sản xuất đang gây áp lực buộc các nhà sản xuất chip châu Á phải xây dựng nhà máy ở Mỹ. Hàng chục nghìn việc làm có thể được tạo ra trong thập kỷ tới nhờ Đạo luật CHIPS cũng sẽ phụ thuộc vào các quốc gia nước ngoài vì Mỹ không có lao động tay nghề cao để đáp ứng các vị trí này. Theo ước tính của Eightfold.AI, nếu Mỹ xây 20 nhà máy mới và tạo ra 70.000 đến 90.000 việc làm mới, họ sẽ cần phải tăng lực lượng lao động hiện tại lên 50%. Giáo sư Kumar cho rằng, cách tiếp cận tốt hơn là Mỹ tăng cường sản xuất cho các đồng minh của họ, đồng thời đầu tư vào công nghệ chip tiên tiến ở trong nước để đảm bảo sự thống trị thị trường trong tương lai.

Không hoàn hảo nhưng cần thiết

Tuy nhiên, những ý kiến khác cho rằng Quốc hội phải thông qua Đạo luật CHIPS - nếu không sẽ có nguy cơ nới rộng khoảng cách vốn đã quá lớn giữa năng lực sản xuất chip của Mỹ và các nền kinh tế châu Á, khiến nước này càng dễ bị phụ thuộc vào nước ngoài và sự chèn ép của Trung Quốc. Dan Katz, đồng sáng lập công ty quản lý đầu tư Amberwave Partners và là cựu cố vấn cấp cao tại Bộ Tài chính Mỹ nói: “Nếu chúng ta không định hướng lại chuỗi cung ứng của mình, nó sẽ tiếp tục gây rủi ro nghiêm trọng đối với an ninh của Mỹ”. Ngoài ra, việc xây dựng các cơ sở sản xuất ở Mỹ không hợp lý về mặt chi phí. Khoản tài trợ này “thiên về cuộc chơi ở cấp độ dịch vụ hơn là về chi phí”, có nghĩa là các nhà máy như của Intel sẽ có thể rút ngắn chuỗi cung ứng của họ và đưa các linh kiện và chip quan trọng về gần Mỹ hơn, từ đó giảm nguy cơ bị gián đoạn của Mỹ.

Paul Hong, giáo sư quản lý hoạt động và nghiên cứu châu Á tại Đại học Toledo, nhận xét Mỹ có nhiều lý do để thông qua Đạo luật CHIPS. Ông nói: Nếu không có sự tài trợ của đạo luật này, các nhà sản xuất chip châu Á có thể hoãn hoặc hủy kế hoạch xây dựng nhà máy ở Mỹ, trong khi Mỹ sẽ tiếp tục vật lộn với tình trạng thiếu chất bán dẫn cùng với phần còn lại của thế giới, khiến giá thành tăng cao. Ngay cả khi phần lớn trợ cấp CHIPS được chuyển cho các công ty Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, thực tế là các nhà máy của họ sẽ được xây dựng và vận hành tại Mỹ và thuê phần lớn công nhân Mỹ có nghĩa là họ đang tạo ra một động mạch chuỗi cung ứng quan trọng giúp các nhà cung cấp Mỹ phát triển và mở rộng.

Cuối cùng, theo giáo sư Reich, nếu Mỹ trợ cấp cho các nhà sản xuất chip, chính phủ nên yêu cầu các công ty ưu tiên những khách hàng có trụ sở tại Mỹ “sử dụng chip trong các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ, bởi công nhân Mỹ”. Quốc hội phải yêu cầu các công ty “tạo ra sản xuất chip có giá trị gia tăng cao nhất cho nước Mỹ - từ thiết kế, đến kỹ thuật thiết kế và độ chính xác cao, để người Mỹ cũng đạt được chuyên môn công nghệ đó”.

Đạo luật CHIPS “không hoàn hảo, cũng không phải là lý tưởng”. Tuy nhiên, tiếp tục với các quyết định nhằm giúp Mỹ đảm bảo chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực chiến lược và giảm thiểu tình trạng thiếu chip là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Đạo luật CHIPS được cho là sẽ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho người Mỹ và thúc đẩy hàng trăm tỷ USD đầu tư vào các công ty sản xuất chip ở Mỹ. Đạo luật sẽ củng cố chuỗi cung ứng chip của Mỹ và giúp bảo vệ nước này khỏi sự thiếu hụt chip trong các ngành công nghiệp quan trọng như ô tô, hàng không vũ trụ, thiết bị y tế và thiết bị điện tử. Nó cũng sẽ củng cố an ninh quốc gia của Mỹ, đảm bảo quân đội có quyền truy cập vào các chip làm nền tảng cho các hệ thống phòng thủ quan trọng. Và, nó sẽ hỗ trợ lực lượng lao động công nghệ và giúp Mỹ giữ vị trí dẫn đầu trong các công nghệ đột phá của tương lai.

Khi thế giới ngày càng trở nên thông minh hơn, xanh hơn và kết nối tốt hơn, chắc chắn sẽ có nhiều cải tiến và sản xuất chất bán dẫn trên toàn cầu hơn. Để đáp ứng nhu cầu này, ngành công nghiệp bán dẫn đang trong chu kỳ xây dựng quy mô lớn. Các quyết định về điểm đổ bộ của các fab tiếp theo đang được đưa ra ngay từ bây giờ. Câu hỏi đặt ra không phải là liệu các công ty chip có đầu tư hay không, mà là sẽ đầu tư vào đâu?

Trần Anh
.
.
.