Chỉnh sửa hình ảnh, video để lừa đảo - thủ đoạn mới của tội phạm mạng

Thứ Bảy, 16/10/2021, 13:22

Thời gian qua, việc mua bán, giao dịch qua mạng xã hội ngày càng được người dân ưa chuộng. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng thường chỉnh sửa các “bill” chuyển tiền để gửi cho bị hại làm tin, nhằm chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều ổ nhóm dùng “ảo thuật” cắt ghép nội dung video để lừa đảo. Có nhiều người dân trở thành nạn nhân của bọn chúng...

Từ nạn làm giả hóa đơn chuyển khoản...

Chị Nguyễn Thị H. (SN 1990, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) vốn là nhân viên kế toán một doanh nghiệp về du lịch. Phải nghỉ việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chị xoay sang buôn bán mỹ phẩm trực tuyến.

Một buổi trưa tháng 9-2021, chị H. đang lơ mơ ngủ thì có một cô gái nhắn qua messenger, đề nghị mua một set mỹ phẩm với tổng giá trị gần 5 triệu đồng. Vị khách tỏ ra hào phóng khi không hề cò kè trả giá mà sẽ thanh toán bằng hình thức chuyển khoản và yêu cầu chị H. gói hàng để họ cho shipper đến lấy. Lát sau chị H. nhận được hóa đơn chuyển khoản từ vị khách, trong đó ghi rõ ràng số tiền đã chuyển vào số tài khoản của chị. Tiếp đó, một người đàn ông xưng là shipper đến nhận hàng. Nghĩ rằng đã kiếm được món hời, chị H. vui vẻ đưa cho anh ta mang đi.

Tuy nhiên, sau nhiều giờ vẫn không thấy tài khoản có tiền, chị H. chat hỏi vị khách thì họ cho biết do vội vàng, quên không chọn chế độ gửi nhanh nên phải mất chừng một ngày thì chị mới nhận được tiền. Cô ta còn nói muốn mua thêm 2 set mỹ phẩm nữa, tuy nhiên chị H. cảnh giác không bán. Và, sau nhiều ngày chờ đợi vẫn không thấy tiền đâu, chị H. mang hóa đơn ra ngân hàng hỏi thì nhân viên cho biết không hề có giao dịch như trong bill. Gần như chắc chắn chị H. đã bị đối tượng gửi bill fake (hóa đơn đã bị chỉnh sửa) để lừa đảo.

Chỉnh sửa hình ảnh, video để lừa đảo - thủ đoạn mới của tội phạm mạng -0
Các đối tượng chỉnh sửa video của đài truyền hình nhằm trục lợi.

Có thể nói, thủ đoạn trên không phải là quá mới, song vẫn thường xuyên có những chủ shop mắc bẫy. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc chỉnh sửa ảnh như này có giá rất rẻ, chỉ từ 50.000-100.000 đồng/hóa đơn. Và theo một admin của một trang chuyên về dịch vụ này thì đa phần các khách hàng đều khẳng định họ muốn làm giả hóa đơn chuyển tiền để đăng lên trang cá nhân, nhằm tạo uy tín, thể hiện buôn may bán đắt, tăng tương tác... Song, trên thực tế đã có không ít nạn nhân sập bẫy.

Mới đây, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã bắt Nguyễn Thị Ngọc Bích (SN 1989, thường trú tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội) về hành vi lừa đảo.

Trước đó, chị Nguyễn Thu Hồng (trú tại tỉnh Thái Nguyên) có đơn tố cáo nickname “Binsu” chiếm đoạt số tiền lớn của chị qua việc mua thiết bị gia dụng như máy sấy tóc, máy lọc không khí, dầu gội đầu cao cấp... trên mạng xã hội. Tài khoản “Binsu” kết bạn với chị và nhiều lần đặt hàng mua các sản phẩm của chị với tổng giá trị đơn hàng lên tới hàng trăm triệu đồng. Sau mỗi lần đặt hàng, tài khoản “Binsu” đều gửi hình ảnh báo chuyển tiền thành công cho chị.

Nghĩ rằng đã nhận đủ tiền, chị Hồng chuyển các đơn hàng trên về địa chỉ chung cư Athena (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm) theo như tài khoản “Binsu” cung cấp. Tuy nhiên, sau đó nhiều ngày, chị Hồng kiểm tra tài khoản ngân hàng thì tá hỏa khi phát hiện “Binsu” không hề chuyển tiền cho chị.

Công an quận Nam Từ Liêm đã xác định chủ tài khoản “Binsu” chính là Nguyễn Thị Ngọc Bích. Đối tượng Bích thừa nhận do đang cần tiền để trả nợ nên đã nảy sinh ý định mua hàng của chị Hồng, làm giả các hóa đơn chuyển khoản ngân hàng rồi lấy hàng về bán lấy tiền trả nợ.

Bích đã lên mạng tìm kiếm người chỉnh sửa ảnh có nickname là H.H, - chuyên làm fake các hóa đơn chuyển khoản ngân hàng. Sau đó, Bích dùng tài khoản Zalo “Nguyễn Ngọc Bảo Linh” để nhắn tin với tài khoản Zalo “H.H” thuê tạo các hóa đơn chuyển tiền giả của ngân hàng Agribank và Vietcombank theo thông tin và số tài khoản do Bích cung cấp. Người này đồng ý, yêu cầu Bích chuyển khoản trước số tiền 50.000 đồng vào tài khoản. Sau khi nhận được tiền, “H.H” sẽ gửi hình ảnh hóa đơn chuyển tiền giả cho Bích.

Chỉnh sửa hình ảnh, video để lừa đảo - thủ đoạn mới của tội phạm mạng -0
Đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Bích.

Ngày 11-9-2021 Bích đặt đơn hàng đầu tiên của chị Hồng mua 1 máy sấy tóc và 1 tuýp dầu gội khô Kerastase trị giá hơn 13 triệu đồng. Sau đó, Bích nhắn tin cho “H.H” yêu cầu làm giả biên lai chuyển tiền tương ứng với số tiền hàng và số tài khoản ngân hàng chị Hồng đã cung cấp. Bích dùng tài khoản Facebook “Binsu” chuyển ảnh hóa đơn chuyển tiền giả trên đến tài khoản Facebook của chị Hồng. Tin tưởng hóa đơn chuyển tiền là thật nên chị Hồng chuyển hàng đến địa chỉ mà Bích cung cấp.

Quen mui thấy mùi ăn mãi, chiều cùng ngày Bích tiếp tục đặt hàng với tổng giá trị đơn là 15,5 triệu đồng. Bằng thủ đoạn tương tự, Bích tiếp tục đặt mua thêm các đơn hàng với giá trị tăng dần. Tổng giá trị 4 đơn hàng lên tới hơn 110 triệu đồng. Sau khi nhận được hàng của chị Hồng, Bích nhanh chóng bán thanh lý lấy gần 70 triệu đồng.

Hiện, Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bích về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đến nạn cắt ghép video

Nếu như việc chỉnh sửa hóa đơn chuyển khoản ngân hàng là một chiêu lừa đảo đơn giản thì hiện đã có nhiều đối tượng tỏ ra tinh vi hơn khi bỏ thời gian, công sức để chỉnh sửa các video. Từ những video này, một số ổ nhóm đã đăng lên mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo... và khiến không ít người mắc bẫy.

Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, thủ đoạn của các đối tượng là lên mạng xã hội tải về những clip quảng cáo sản phẩm (hoặc phỏng vấn người nổi tiếng) sẵn có. Sau đó, bằng các phần mềm chuyên dụng, đối tượng sẽ tiến hành sửa các số điện thoại liên hệ, thậm chí cắt ghép hình ảnh các diễn viên, bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng... và nhét vào miệng họ quảng cáo về các loại thuốc Đông y, thực phẩm chức năng... mà các đối tượng đang phân phối. Việc chỉnh sửa này không phải là quá khó khi các đối tượng có trong tay đủ phần mềm. Ở nhiều clip quảng cáo, người xem còn phát hiện logo giả là kênh truyền hình “ảo” được gắn mác DDTV, VCTC, SHTV..., nếu không tinh ý rất dễ bị lừa.

Chỉnh sửa hình ảnh, video để lừa đảo - thủ đoạn mới của tội phạm mạng -0
Một địa chỉ chuyên chỉnh sửa hóa đơn chuyển khoản trên mạng xã hội.

Cuối năm 2020 Công an huyện Như Xuân (Thanh Hóa) bắt giữ một thanh niên chuyên lừa đảo trên mạng xã hội với chiêu thức bán xe máy đắt tiền chiếm đoạt của nhiều người với số tiền gần 3 tỷ đồng.

Điển hình là anh N.V.D (trú tại thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân) bị đối tượng rao bán xe máy SH trên trang YouTube lừa chuyển khoản 25 triệu tiền đặt cọc sau đó đối tượng chặn liên lạc với anh D.

Sau một thời gian điều tra xác minh, cuối tháng 12-2020, Cơ quan công an tiến hành bắt giữ đối tượng Võ Ngọc Trung (SN 1997, trú tại Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), thu giữ nhiều tang vật gây án.

Trung khai nhận, do ham mê cờ bạc nên nghĩ ra “chiêu trò” copy các video quảng cáo bán xe máy SH trên mạng xã hội về chỉnh sửa rồi tải lên mạng. Sau khi người mua có nhu cầu đăng ký, Trung yêu cầu người mua gửi tiền đặt cọc từ 25 đến 30 triệu vào tài khoản ngân hàng và chặn liên lạc ngay sau khi các bị hại gửi tiền vào tài khoản.

Để tạo lòng tin, Trung đã lồng tiếng và gắn số điện thoại của mình vào các video, trên kênh YouTube. Với thủ đoạn trên, chỉ từ tháng 9-2020 đến khi bị bắt, Trung đã lừa đảo chiếm đoạt của hàng trăm bị hại trên toàn quốc với số tiền gần 3 tỷ đồng.

Chỉnh sửa hình ảnh, video để lừa đảo - thủ đoạn mới của tội phạm mạng -0
Một á hậu bị ghép hình để quảng cáo cho sản phẩm mà cô không hề biết.

Không chỉ xuyên tạc, cắt ghép, đưa thông tin sai sự thật, nhiều đối tượng còn sẵn sàng đầu tư sản xuất phóng sự để quảng cáo mỹ phẩm, bán thực phẩm chức năng, bán thuốc Đông y lừa đảo. Sau đó thuê người giả người dẫn chương trình của VTV, gắn logo VTV để mạo danh, nhằm trục lợi bất chính.

Một nạn nhân của trò lừa đảo trên là bà Phạm Thị H. (trú tại huyện Đông Hưng, Thái Bình). Mấy tháng trước bà H nghe những lời quảng cáo choang choang trên YouTube của đứa cháu gái về nhà thuốc Đông y gia truyền chuyên chữa xương khớp. Theo đó chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng, điều trị theo 3 liệu trình là có thể đánh tan được bệnh. Thấy hình ảnh một số nghệ sĩ nổi tiếng như G.C, X.B... xuất hiện trong clip nên bà H. tin tưởng, chuyển khoản số tiền gần 7 triệu đồng để đặt mua. Tuy nhiên, sau đó bà chỉ nhận được mấy gói lá lẩu. Cất công mang đi hỏi bà H. phát hiện ra đó chỉ là những thứ lá vô thưởng vô phạt, giá trị không quá vài trăm ngàn...

Nghệ sĩ Xuân Bắc cảnh báo tình trạng cắt ghép hình ảnh nhằm quảng cáo lừa đảo

Tháng 3-2021 trên trang Facebook cá nhân, Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc đã lên tiếng cảnh báo chiêu trò lừa đảo, cắt ghép, sử dụng hình ảnh nghệ sĩ không xin phép để quảng cáo trên mạng.

Nghệ sĩ Xuân Bắc cho biết: “Thông tin hay mấy bức ảnh tôi chơi hoa lan (nhất là mấy cái loại đột phá hay đột dập gì đấy) mà một số người đăng, cắt ghép đều là lừa đảo hết nhé. Tôi bận lắm, không có thời gian nhìn mấy thứ “lung linh” từ mồm ấy đâu”.

Trước Xuân Bắc, có rất nhiều nghệ sĩ bày tỏ sự bức xúc khi hình ảnh của mình bị cắt ghép nhằm mục đích quảng cáo trên mạng xã hội. Nhiều đơn vị, cá nhân kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng để thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Có nhiều hình thức khác nhau, ngoài việc dùng hình ảnh có sẵn của nghệ sĩ gắn với những nội dung sai lệch, một số người thậm chí còn dựng cả clip giả, chèn thêm logo của các đơn vị báo chí, truyền hình uy tín... Trong đó có không ít nội dung mang tính dẫn dắt dư luận một cách sai lệch, nhiều sản phẩm được quảng cáo nhưng không có sự kiểm định về chất lượng, thậm chí là lừa đảo trắng trợn... nhưng lại khiến người dùng mạng xã hội cảm thấy tin tưởng vì có gắn với hình ảnh của những người nổi tiếng, dẫn đến tiền mất tật mang.

M. Tiến
.
.
.