AI: Từ máy bay không người lái đến vũ khí điều khiển từ xa

Chủ Nhật, 23/01/2022, 10:43

Kể từ khi chiếc máy bay không người lái đầu tiên trên thế giới ra đời, trí tuệ nhân tạo (AI) đã không ngừng phát triển, nhất là trong lĩnh vực quân sự với hàng loạt chủng loại vũ khí điều khiển từ xa.

Nó giúp người ta có thể tiến hành chiến tranh ở cách mục tiêu hàng nghìn km, giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng đến mức thấp nhất, trong đó vụ ám sát Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân Iran và Yuri Simonov, phó lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ vì cải cách ở Ukraine là những điển hình…

Kẻ hủy diệt từ xa

Ngay từ năm 2007, Cơ quan tình báo Mossad, Israel đã đặt nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh, cha đẻ của chương trình vũ khí hạt nhân Iran vào tầm ngắm. Vài lần Mossad lên kế hoạch ám sát ông này nhưng không thành công.

Một trong những kế hoạch ấy là khi xe của Fakhrizadeh đang di chuyển, Mossad sẽ tạo ra một vụ nổ để xe phải dừng lại. Tiếp theo, nhóm sát thủ Mossad đợi sẵn gần đó xông ra bắn chết Fakhrizadeh, nhưng sau nhiều bàn cãi, kế hoạch bị hủy bỏ vì nếu giết được ông Fakhrizadeh chăng nữa thì dù có mọc cánh, họ cũng chẳng thể nào thoát được sự truy lùng của lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iran, chưa kể Iran sẽ đưa vụ việc ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tố cáo Israel cố tình xâm nhập lãnh thổ quốc gia bất hợp pháp với mục đích giết người.

Cuối năm 2019, Mossad quyết định sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc tiêu diệt ông Fakhrizadeh. Các điệp viên nằm vùng của Mossad ở Tehran, Iran, được lệnh cập nhật thông tin về lộ trình và phương tiện di chuyển hàng ngày của ông Fakhrizadeh cũng như quy luật của đội bảo vệ. Các báo cáo cho thấy ông Fakhrizadeh đã bỏ qua những cảnh báo của đội bảo vệ về khả năng có thể xảy ra một vụ ám sát, nên thay vì sử dụng xe bọc thép chống đạn, ông Fakhrizadeh vẫn tự mình lái chiếc Nissan 4 chỗ loại thông thường.

AI: Từ máy bay không người lái đến vũ khí điều khiển từ xa -0
Chiếc Nissan của ông Fakhrizadeh sau khi bị tấn công bởi vũ khí điều khiển từ xa.

Vẫn theo các cơ quan truyền thông quốc tế, khi quyết định sử dụng trí tuệ nhân tạo để ám sát ông Fakhrizadeh rồi sau nhiều lần tiến hành thực nghiệm, Mossad chọn khẩu súng trường FN MAG do Bỉ sản xuất làm vũ khí. Bằng cách lắp thêm vào bộ càng súng những thiết bị tối tân do Công ty Smart Shooter, Israel, chế tạo, được gọi là “Trạm vũ khí nhẹ điều khiển từ xa (LRCWS)”, trong đó có ống ngắm hoạt động bằng máy tính gọi là SMASH 2000, đặt trên một chiếc xe bán tải.

Sát thủ điều khiển súng FN MAG ngồi ở một vị trí bí mật, có thể cách xa mục tiêu hàng trăm km, theo dõi hình ảnh chiếc xe chở ông Fakhrizadeh do vệ tinh truyền về. Đến đúng thời điểm, con mắt thần trong ống ngắm SMASH 2000 sẽ chiếu tia laser vào xe ông Fakhrizadeh nhằm xác định vị trí, khoảng cách, tốc độ xe để sát thủ “bấm cò súng”. Độ trễ thời gian từ khi sát thủ Mossad ở vị trí bí mật bấm cò súng đến khi viên đạn chạm mục tiêu là 1,6 giây; rồi khi nhiệm vụ hoàn thành, khối chất nổ cài sẵn trong chiếc bán tải sẽ tự động kích hoạt, xóa tan mọi dấu vết.

Từ đó cho đến tháng 9-2020, khẩu FN MAG cùng các thiết bị kèm theo được tháo rời từng mảnh và bằng nhiều con đường khác nhau, chuyển đến Iran. Sau đó các đặc vụ Mossad nằm vùng ở Tehran tiến hành lắp ráp hoàn chỉnh.

Khuya ngày 26-11-2020, họ đặt súng, thiết bị điều khiển từ xa và khối chất nổ lên chiếc bán tải màu xanh hiệu Nissan Zamyad đã thuê mướn từ trước. Tiến hành kiểm tra bằng cách khởi động cụm thiết bị nối với vệ tinh, các đặc vụ nhận được tin báo rằng nó hoạt động rất hoàn hảo.

Sáng 27-11, đặc vụ Mossad lái chiếc bán tải đến tuyến đường nơi các điệp viên ngầm cho biết ông Fakhrizadeh sẽ cùng vợ đi nghỉ cuối tuần ở Absard, quê vợ ông, rồi đỗ lại bên lề. Sau khi kích hoạt thiết bị điều khiển từ xa, họ rời xe, biến mất.

Đến 9 giờ, chiếc Nissan 4 chỗ màu đen do ông Fakhrizadeh cầm lái cùng vợ và một bảo vệ giảm tốc độ để vào một khúc cua. Đúng lúc ấy, khẩu FN MAG đặt trong xe bán tải bắt đầu khai hỏa. Khi viên đạn đầu tiên xuyên qua kính lái, ông Fakhrizadeh có lẽ không ngờ mình đang bị tấn công bởi loại vũ khí điều khiển từ xa nên lập tức phanh lại rồi mở cửa thoát ra ngoài. Sau này, kết quả điều tra của Iran cho thấy các camera giám sát đặt trên đoạn đường nơi xảy ra vụ ám sát đều đã bị ngắt.

Ở vị trí bí mật, sát thủ điều khiển khẩu FN MAG nhìn thấy hình ảnh thật truyền về từ vệ tinh nên tiếp tục nã đạn. Tổng cộng FN MAG bắn ra 15 viên. Ngoài vài viên găm vào sườn và lưng, 1 viên khác làm đứt lìa xương sống của ông Fakhrizadeh. Theo một cận vệ ngồi cùng xe, khi thấy ông Fakhrizadeh thoát ra ngoài, anh ta cũng lao theo, cố lấy thân mình che chắn cho nhà khoa học và cũng dính đạn.

Chiếc bán tải sau đó phát nổ nhưng có lẽ liều lượng chất nổ không đủ mạnh để phá hủy tất cả nên những gì còn lại của khẩu FN MAG mà Iran thu được, đủ để họ kết luận đó là loại vũ khí điều khiển từ xa. Trong đám tang nhà khoa học hạt nhân Fakhrizadeh, tướng Ali Shamkhani thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo tuyên bố: “Kẻ thù đã sử dụng một phương pháp hoàn toàn mới và chuyên nghiệp để thành công trong việc đạt được mục tiêu”.

Và mặc dù ông Ali Shamkhani không nói rõ “kẻ thù” là ai nhưng dư luận đều ngầm hiểu Israel đã tổ chức vụ ám sát. Tuy nhiên đến nay, Israel không chính thức phủ nhận cũng như không xác nhận về lời tuyên bố này, nên câu hỏi “ai giết nhà khoa học hạt nhân Iran” vẫn còn bỏ ngỏ.

AI: Từ máy bay không người lái đến vũ khí điều khiển từ xa -0
Khẩu FN MAG với cụm thiết bị điều khiển từ xa được cho là tương tự với loại đã giết ông Fakhrizadeh.

Cũng tương tự như vụ ám sát ông Fakhrizadeh, một vụ ám sát khác cũng sử dụng vũ khí thông minh điều khiển từ xa, nhắm vào chính trị gia người Ukraine là ông Yuri Simonov, phó lãnh đạo của đảng Liên minh Dân chủ vì cải cách (UDAR), xảy ra vào ngày 8-12-2021, ngay trước văn phòng của ông trên đại lộ Yavornytsky ở Dnipro. Từ lâu, UDAR đã có lập trường mạnh mẽ trong việc chống tham nhũng, nhất là những tổ chức tội phạm ma túy, buôn bán súng đạn, buôn người…, sẵn sàng hối lộ một số quan chức để họ làm ngơ cho những hoạt động phi pháp.

Một số tổ chức tội phạm còn có quan hệ mật thiết với các tầng lớp chính trị ở Ukraine nên ông Yuri Simonov được chúng chọn làm mục tiêu. Vụ ám sát xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Ukraine và Nga vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bằng cách giết ông Yuri Simonov, băng nhóm tội phạm chủ mưu tin rằng có thể dễ dàng hướng sự chú ý của dư luận vào nước Nga. Như thế, chúng bắn một mũi tên nhưng trúng hai đích.

Vũ khí sử dụng trong việc ám sát ông Yuri Simonov là một khẩu AK-47 có gắn thiết bị điều khiển từ xa nhưng khá thô sơ nếu so với khẩu FN MAG trong vụ giết nhà khoa học hạt nhân Iran Fakhrizadeh. Theo các nhân chứng, họ nghe thấy nhiều tiếng nổ phát ra từ chiếc xe hơi hiệu Opel Astra đậu gần đó rồi vài giây sau, khoang xe của chiếc Opel bốc cháy. Do bộ thiết bị điều khiển từ xa được kích hoạt bằng một phần mềm máy tính thông qua điện thoại di động nhưng không có hình ảnh hướng dẫn từ vệ tinh nên kẻ ám sát ông Yuri Simonov phải ở gần hiện trường và phải quan sát bằng mắt thường để điều chỉnh hướng bắn nên ông Yuri Simonov thoát chết.

Hai ngày sau khi xảy ra vụ ám sát, một người đàn ông đã bị bắt. Khi ập vào căn hộ của ông ta, Cơ quan an ninh Ukraine thu được một số vật liệu chế tạo bom, một khẩu súng ngắn, đạn AK-74 và nhiều linh kiện điện tử. Theo sĩ quan phụ trách điều tra, có vẻ như vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran đã truyền cảm hứng cho người này. Kẻ sát nhân bị cáo buộc về hành vi “giết người có tính toán trước”.

Hai vụ ám sát bằng vũ khí điều khiển từ xa nêu trên không phải mới xuất hiện lần đầu mà ngay từ năm 2016, một tổ chức nổi dậy chống chính phủ Syria là “Quân đội Syria tự do” đã sử dụng những khẩu súng bắn tỉa đặt trên bàn xoay, cò súng được nối với một sợi dây cáp rồi đi qua hệ thống ròng rọc phức tạp, dẫn đến người bắn. Khi trinh sát nhận diện được mục tiêu bằng ống nhòm, họ sẽ báo cho người bắn biết về vị trí, khoảng cách, hướng gió, các vật cản…, để người bắn điều chỉnh súng rồi “bóp cò” thông qua sợi dây cáp.

Rất nhanh chóng, từ thành phố Aleppo, Syria, loại súng ấy được lực lượng dân quân người Shia, các chiến binh người Kurd và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq “sao y bản chính” rồi sau đó cải tiến thêm. Tom Morrison, chuyên gia về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nói: “Dù người sử dụng là ai chăng nữa, họ vẫn cần một số chuyên môn kỹ thuật để chế tạo và triển khai vũ khí điều khiển từ xa; nhưng chắc chắn việc này ngày càng trở nên dễ dàng hơn, chính xác hơn, dựa vào những tiến bộ công nghệ. Một sát thủ hoàn toàn có thể đặt một khẩu súng ở một vị trí kín đáo nào đó rồi bỏ đi. Khi ấy, thuật toán nhận diện khuôn mặt, hình dạng mục tiêu sẽ làm tất cả những việc còn lại rồi tự hủy”.

AI: Từ máy bay không người lái đến vũ khí điều khiển từ xa -0
Vũ khí điều khiển từ xa ám sát ông Yuri Simonov được đặt trong chiếc Opel Astra.

Công nghệ làm vũ khí thông minh hơn

Kallenborn, người được quân đội Mỹ mệnh danh là “nhà khoa học điên” nói: “Vũ khí điều khiển từ xa không thể phân biệt được người mà nó bắn là thường dân hay lính. Nó giết người ấy mà người đi bên cạnh không hề hấn gì. Yếu tố này đã ủng hộ lập luận của các cường quốc quân sự, rằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể giúp giảm thương vong cho dân thường hoặc giết nhầm, đồng thời sẽ định hình lại chiến thuật tấn công hoặc phòng thủ của các cơ quan an ninh, quân đội trên thế giới…”.

Cho đến nay, đã có một số quốc gia phát triển thành công vũ khí điều khiển từ xa, không chỉ riêng tên lửa gắn trên máy bay không người lái hoặc những khẩu súng bắn tỉa mà là những loại súng hạng nặng như đại liên, súng cối và thậm chí là cả xe tăng, đại pháo. Ngay từ năm 2010, bộ phận vũ khí của người khổng lồ công nghệ Samsung, Hàn Quốc, đã chế tạo súng lính canh tự động, sử dụng thuật toán nhận dạng hình ảnh để phát hiện con người ở khu vực biên giới với Triều Tiên.

Các loại súng lính canh tương tự cũng đã được Israel triển khai ở biên giới với Dải Gaza; nhưng cả hai chính phủ đều nói rằng những vũ khí ấy vẫn do con người điều khiển mặc dù nó có khả năng tự vận hành. Ngay như Amazon gần đây đã phát hành phần mềm Rekognition, là công cụ phân tích hình ảnh và video mà bất kỳ ai cũng có thể mua rồi tải về điện thoại hoặc máy tính. Nó hoàn toàn có thể ứng dụng vào việc nhận dạng mục tiêu nếu nó được cài đặt vào vũ khí.

Tom Morrison, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, trong tương lai gần, việc phòng thủ một tiền đồn, một thị trấn và ngay cả một thành phố cũng không cần phải huy động nhiều quân lính, mà là vũ khí điều khiển từ xa sẽ đảm nhận.

“Các loại vũ khí sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ được bố trí ở những nơi trọng yếu và những người điều khiển hoàn toàn có thể ở cách xa mặt trận cả trăm km. Tất cả hình ảnh về tình hình địch quân sẽ được truyền về từ vệ tinh. Người điều khiển khi ấy chỉ cần một động tác duy nhất là “bóp cò”, Tom Morrison  nói…

Vũ Cao(Theo War Zone - Artificial Intelligence War)
.
.
.