Thịt nhân tạo – Những thách thức cần vượt qua

Thứ Sáu, 22/03/2019, 09:22
Hiếm có công ty nào lại vui mừng khi cơ quan chức năng tìm ra cách quản lý sản phẩm của mình. Tuy nhiên, điều đó lại xảy ra với các công ty sản xuất thịt nhân tạo (hay còn gọi là thịt nuôi cấy, thịt trong ống nghiệm…). Khi đưa sản phẩm này ra thị trường, các công ty sẽ cần đáp ứng tiêu chuẩn khung quản lý.

Quản lý thịt nhân tạo

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cục Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) thông báo họ đã thiết lập khung quản lý thịt nhân tạo và gia cầm nhân tạo. Thông tin này khiến các công ty sản xuất thịt nhân tạo vui mừng.

Lý do là các công ty sản xuất thịt nhân tạo nhiều năm nay tuyên bố rằng sản phẩm của họ là thịt và cần được quản lý như thịt tại các lò giết mổ. Khi họ chỉ ra điều đó, họ cần đảm bảo rằng sản phẩm của mình sẽ được USDA và FDA quản lý có trách nhiệm, từ đó ngành thịt sạch của Mỹ có thể cạnh tranh với ngành thịt sạch của các nước như Israel, Trung Quốc, Singapore, Hà Lan, Nhật Bản…

Những người ủng hộ cho rằng thịt nhân tạo có tiềm năng giải quyết một loạt vấn đề lớn nhất của thế giới cùng lúc. Họ hy vọng thịt nhân tạo có thể chấm dứt tình trạng động vật bị giết mổ dã man trong các nông trại, chấm dứt tình trạng biến đổi khí hậu, giảm tình trạng dùng kháng sinh cho động vật để chúng có thể sống trong các điều kiện chật chội, cung cấp đủ thực phẩm để nuôi sống dân số toàn cầu ngày càng tăng và giàu có.

Thịt nhân tạo đã có khung quản lý ở Mỹ.

Đó là lý do tại sao ngành thịt nhân tạo tích cực hoạt động để thuyết phục Chính phủ Mỹ vào cuộc và áp dụng quyền quản lý với ngành. Khi tham gia quản lý thịt nhân tạo, Chính phủ Mỹ đang coi loại thịt này là thực phẩm tương tự với các loại thực phẩm khác. Nếu thịt nhân tạo có thể làm được một nửa những gì mà những người ủng hộ mong đợi, thì đó là một thành công lớn thực sự.

Thông báo quản lý thịt nhân tạo của chính phủ là thỏa thuận chính thức giữa USDA và FDA về cách xử lý sản phẩm thịt nhân tạo. Về cơ bản, quản lý thịt đòi hỏi cả hai cơ quan tham gia, trong đó USDA giám sát quy trình chế biến, dán nhãn và phân phối thực phẩm, còn FDA thanh tra và kiểm tra an toàn. Quá trình quản lý thịt nhân tạo cũng sẽ như vậy. Thỏa thuận này nói rõ vấn đề nào thuộc quyền xử lý của cơ quan nào để cơ quan đó có thể xây dựng thêm hướng dẫn mà không chồng chéo.

USDA lo ngại nếu không có khung quản lý, đầu tư vào nghiên cứu thịt nhân tạo sẽ chậm. Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue từng nói: "Chúng ta không muốn công nghệ mới này phải ra nước ngoài mới có quy chế quản lý công bằng".

Khung quản lý hiện nay vẫn sơ bộ và có một số vấn đề chưa được giải quyết, ví dụ như dán nhãn sản phẩm. Người ủng hộ thịt nhân tạo cho rằng sản phẩm này cần được dán nhãn là thịt. Trong khi đó, ở một số bang, đã có luật cấm coi thịt nhân tạo là thịt.

Thẩm quyền về vấn đề dán nhãn của USDA lớn hơn các bang, do đó các bang không được phép áp đặt quy định dán nhãn không phù hợp với tiêu chuẩn mà USDA đưa ra. Nếu USDA quy định sản phẩm thịt nhân tạo được dán nhãn là "thịt nhân tạo", "thịt không giết mổ", "thịt sạch" hoặc bất kỳ thuật ngữ nào thì vấn đề trên sẽ được giải quyết.

Trong thực tế, vấn đề sẽ phức tạp hơn. Khi luật được thực thi, có người sẽ có cơ sở để kiện nhằm thay đổi luật. Vì thế, nếu USDA khẳng định có thể coi thịt nhân tạo là thịt, sẽ có nhiều cuộc chiến pháp lý dai dẳng tại tòa trước khi các công ty có thể dán nhãn đại trà sản phẩm.

Đáp ứng kỳ vọng?

Trong thỏa thuận pháp lý nói trên, ngành thịt nhân tạo đã loại bỏ được một chướng ngại vật lớn khi nhà quản lý Mỹ quan tâm tới việc đảm bảo những công nghệ này có tương lai ở Mỹ.

Bộ trưởng Purdue tuyên bố: "Chúng ta có công nghệ mới về phát triển protein tế bào gốc. Chẳng lẽ chúng ta, những người ở Mỹ, không quan tâm tới cách chúng ta có thể phát triển và cung cấp thức ăn cho con người hiệu quả hơn hay sao? Những kỹ thuật này cần được đón nhận, không nên bị cấm cửa".

Rõ ràng thịt nhân tạo sẽ có cơ hội nhưng liệu ngành này có đáp ứng được kỳ vọng? Vẫn còn một số vấn đề cần phải vượt qua trước khi thịt nhân tạo được bày bán trong các cửa hàng. Thứ nhất là thách thức về kết nối các tế bào được trồng trong phòng thí nghiệm thành mô.

Hiện nay, kỹ thuật sản xuất thịt nhân tạo có thể sản xuất ra thứ thay thế cho thịt bò nghiền. Tuy nhiên, để thịt nhân tạo thay thế được một miếng bò bít tết, người ta cần phải làm thế nào để các tế bào được kết nối thành mô như ở con vật sống. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm cách thực hiện điều này.

Khi đã làm ra sản phẩm thịt nhân tạo, các công ty sẽ muốn nhân rộng quy mô. Họ hy vọng loại thịt này cuối cùng có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu thịt trên thế giới vốn đang gia tăng và ngày càng giàu hơn. Để làm điều đó, làm bít tết thôi là không đủ, cần có thịt để làm bít tết với quy mô lớn như các nông trại có thể sản xuất.

Tiếp đó là câu hỏi bao nhiêu thịt nhân tạo sẽ đủ để giúp chống biến đổi khí hậu. Sản xuất thịt nhân tạo không tạo ra khí mê tan như nền nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, ngành này vẫn tiêu thụ nhiều năng lượng và do đó phụ thuộc nhiều vào năng lượng tái tạo để tránh sản sinh nhiều carbon.

Với giả định các phương pháp sản xuất năng lượng không phát triển hơn trong 1.000 năm tới, một nghiên cứu cho rằng trong kịch bản tồi tệ nhất, sản xuất thịt nhân tạo cũng gây hậu quả cho môi trường tương tự như nông nghiệp truyền thống.

Với khung pháp lý hiện nay, những người ủng hộ cho rằng thịt nhân tạo có thể phát triển tiềm năng. Nhà đầu tư có thể bỏ tiền một cách tự tin hơn khi biết bằng Mỹ đang làm việc để đảm bảo những sản phẩm này được tiêu thụ an toàn trên thị trường. Với nhiều nghiên cứu và tiền bạc bỏ ra hơn, những thách thức kỹ thuật còn lại có thể dễ xử lý.

Dù vậy, có khả năng thịt nhân tạo sẽ ra thị trường chậm hơn kỳ vọng và điều xấu nhất là sẽ không giải quyết được mọi vấn đề như mong đợi. Ngay cả khi mọi chuyện diễn ra suôn sẻ thì khả năng đáng lo ngại là người tiêu dùng sẽ không quan tâm.

Việc của nhà chức trách là đảm bảo sản phẩm thịt nhân tạo an toàn, dán nhãn chính xác và tiêu thụ hợp pháp. Còn việc của nhà sản xuất là làm sao người tiêu dùng quan tâm tới sản phẩm này.

Dương Thùy
.
.
.