Thành tựu kỹ thuật nổi tiếng của người Trung Hoa cổ
Trong khi giới thiên văn Trung Quốc đang miệt mài với chuyển động của các thiên thể thuộc hệ mặt trời nhờ những dụng cụ nghiên cứu chuyên dụng chính xác, giúp họ thường xuyên theo dõi được các hành tinh thì đây cũng là thời kỳ mà các nhà khoa học Âu châu cho rằng trái đất là một điểm trung tâm bất động, thuộc hệ thống chuyển động phức tạp của "vòm trời" - bao gồm các tinh thể hình cầu.
Trong khi ở châu Âu người ta làm hoàn toàn bằng tay mọi trang phục và khí giới của những người tham gia cuộc Thập tự chinh lẫy lừng, thì các công xưởng tại Trung Quốc đã sản xuất đại trà các công cụ nhà nông cũng như vũ khí. Thậm chí ngay cả những phương cách địa vật lý hiện đại nhằm chống nạn lụt lội và bảo vệ đất canh tác - cũng có xuất xứ sơ khởi từ thời Trung Hoa cổ.
Việc tổ chức quan sát các hiện tượng trong tự nhiên một cách có hệ thống không chỉ giới hạn trong bầu khí quyển và các hành tinh. Những dụng cụ quang học thuộc các "đài thiên văn", cũng như việc xây "tháp đồng hồ" trong năm 1088 là những bằng chứng lớn nhất về nghệ thuật tính thời gian của người Trung Hoa cổ.
La bàn cổ thời nhà Hán (thế kỷ II Tr.CN). |
Được chuyển động bởi bánh xe chạy sức nước, mỗi ngọn "tháp đồng hồ" đều thể hiện sự đa dạng cùng tính chính xác cao về các quá trình thiên văn. Những dụng cụ tinh xảo này làm việc trước hết nhờ các phương tiện cơ học hoạt động một cách liên hoàn, một điều xuất hiện với các dân tộc khác trong giai đoạn rất muộn mằn về sau. Chính người Trung Hoa cổ đại cũng tạo ra các chân kính trong máy đồng hồ, giúp cho việc tính thời gian theo lối cơ học được chính xác hơn.
Vào năm 1100, ngành luyện kim Trung Quốc đã sản xuất được 150.000 tấn sắt thép mỗi năm, mãi 7 thế kỷ sau người châu Âu mới đạt được con số tương tự. Xuất phát điểm của công nghiệp nặng ở Trung Quốc (cũng như với nhiều dân tộc khác) chính là từ đồng thau - vào khoảng năm 1500 cùng sự xuất hiện các chuông đồng.
Tuy kỷ nguyên đồ sắt tại Âu châu phát triển sớm hơn ở Trung Quốc, nhưng các lò luyện châu Âu trong thời Trung cổ chỉ đạt tới 950 độ C, trong khi người Trung Hoa đã đạt được nhiệt lượng 1.400 độ C tại các lò luyện gốm của mình; và đương nhiên các sản phẩm thép luyện của họ mang tính ưu việt hơn nhiều. Thực ra kỹ thuật luyện thép đã có ở Trung Quốc từ thế kỷ V Tr.CN, mở đường cho công cuộc kỹ nghệ tại đây. Việc tạo ra các đồng tiền xu vào thời kỳ này là bằng chứng nữa cho sự thành đạt trong việc nấu chảy và đúc kim loại. Ngay từ thế kỷ III Tr.CN, nghề đúc đã phát triển rất mạnh ở vùng Thiểm Tây, thu hút hàng nghìn lao động lành nghề!
Nhưng chúng ta cũng phải đề cập tới mặt trái của sự kỹ nghệ hóa quá sớm ở "Vương quốc Trung tâm thế giới" - như cách người Trung Hoa tự nhận. Những nguồn gỗ củi khổng lồ cần thiết cho nghề luyện kim, cũng như hằng hà sa số các lò nung gạch là nguyên nhân chính dẫn đến sự chặt phá hầu như toàn bộ các cánh rừng phía bắc Trung Quốc trong vòng vài thế kỷ. Để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng thời tiền sử ấy, người Trung Hoa đã tìm ra than đá và chính điều này lại tạo tiền đề cho cuộc Cách mạng Kỹ nghệ mới của cả thế giới.
Từ sắt thép, lịch sử kỹ nghệ của người Trung Hoa cổ tiến thẳng tới các dụng cụ kỹ nghệ phức tạp khác. Ví như trong thế kỷ XVII, những người Âu có dịp đến Trung Quốc đều vô cùng kinh ngạc trước những thành tựu kỹ thuật nơi đây - những điều mà tới thế kỷ XIX tại châu Âu người ta mới dự định làm.
Tỉ như cầu treo ở Tây Tạng chẳng hạn. Cầu treo là giải pháp duy nhất mà các kỹ sư Trung Hoa cổ áp dụng cho những vùng hiểm trở khó đi lại. Còn tại những vùng châu thổ đông dân cư, nơi có nhiều con sông chảy qua, người ta thiết kế những cây cầu tiện lợi cùng hình dáng đẹp mắt. Loại cầu quay mở lối cho tàu bè thông thương cũng được sử dụng. Họ cũng quan niệm là chỉ có những cây cầu hoàn hảo mới giúp cho việc đi lại và thông tin được nhanh chóng hơn. Triều đình nhà Sở cách đây hàng nghìn năm đã từng huy động mọi nguồn nguyên vật lực cho việc tạo dựng những cây cầu hữu ích ở khắp nơi.
Tiền giấy Trung Hoa cổ. |
Thật là sơ suất khi đề cập tới những kỳ tích dạng "khó tin mà thật" của người Trung Hoa cổ, lại quên đề cập đến một ngành công nghiệp thiết yếu là nghề làm giấy. "Giấy phải được sản xuất nhiều, nhanh và rẻ, bởi đó là phương tiện để tô vẽ tương lai", người Trung Hoa cổ thường quan niệm như vậy. Thậm chí ngay cả những cỗ máy sản xuất giấy tân kỳ nhất bây giờ cũng làm việc theo nguyên lý Trung Hoa cổ.
Trong khi người Trung Quốc bắt đầu biết chế ra giấy ngay từ khoảng 200 năm Tr.CN, thì ở châu Âu công việc này mãi tới thế kỷ XII mới được thực hiện. Riêng tại các vùng Bắc Âu và Trung Âu, mối lưu tâm về giấy chỉ "phát sinh" mãi tận thế kỷ XV. Còn ngay từ năm 1024 tại Trung Hoa đã xuất hiện những đồng tiền giấy đầu tiên.