Tạo chuột sống từ trứng nhân tạo trong phòng thí nghiệm
- Lạc đà sinh sản vô tính
- Chú mèo sinh sản vô tính nhỏ nhất thế giới
- Kinh doanh vật nuôi sinh sản vô tính
Các nhà khoa học Nhật Bản cũng chứng minh rằng có thể sử dụng tế bào mô từ đuôi chuột để tái lập trình thành tế bào gốc và sau đó biến chúng thành trứng trong phòng thí nghiệm.
Các nhà khoa học tạo ra một dung dịch hóa chất trong phòng thí nghiệm mô phỏng điều kiện của buồng trứng nhằm kích thích tế bào gốc trở thành nang. Từ số nang này, họ có thể thu được những trứng khỏe mạnh. Cuối cùng, nhóm nhà khoa học sử dụng tinh dịch chuột để thụ tinh cho số trứng và từ đó cho ra đời 11 chuột con khỏe mạnh.
Giáo sư Martin Johnson thuộc Đại học Cambridge (Anh) đánh giá thí nghiệm thành công, hứa hẹn giúp nhiều phụ nữ trở thành những bà mẹ trong tương lai, ngoài ra, phụ nữ lớn tuổi cũng có thể đặt niềm hy vọng vào kỹ thuật mới này bởi lẽ trứng của họ cũng sẽ "lão hóa" theo thời gian.
Kỹ thuật mới cũng giúp những phụ nữ có số lượng trứng ít hơn bình thường hay trong trường hợp 2 buồng trứng của họ ngưng sản xuất trứng. Không chỉ có thế, các nhà khoa học còn tin tưởng bước đột phá mới cho phép "hồi sinh" những loài động vật đã tuyệt chủng.
Richard Anderson, Giáo sư khoa Sinh sản lâm sàng thuộc Đại học Edinburgh (Scotland) bình luận: "Vào một ngày nào đó, công trình sẽ trở nên có ích cho những phụ nữ mất khả năng sinh nở khi tuổi đời vẫn còn trẻ, đồng thời góp phần cải thiện cho những phương pháp điều trị vô sinh". Tuy nhiên, một số nhà khoa học lưu ý rằng trứng của phụ nữ phải mất hơn 10 năm mới trưởng thành hay nói cách khác là trứng không thể chín muồi trước tuổi dậy thì của một bé gái.
Giới chuyên gia y khoa Anh cũng cảnh báo về vấn đề đạo đức nếu kỹ thuật được áp dụng nơi con người. Giáo sư James Adjaye, Giám đốc Viện Nghiên cứu tế bào gốc và y học tái sinh thuộc Đại học Dusseldorf (Đức), lập luận: "Chúng ta đang nói đến vấn đề đạo đức. Điều cần quan tâm là chỉ nên cho phép tạo ra những trứng nhân tạo từ con người mà không được cho chúng thụ tinh".