Tái hiện sự kiện khủng long bị xóa sổ trên Trái Đất

Thứ Năm, 10/10/2019, 22:26
Các nhà khoa học đã đau đầu hàng chục năm về quá trình tuyệt chủng của khủng long – loài vật đã thống trị Trái Đất suốt 180 triệu năm. Trong những năm 1990, có giả thiết cho rằng một thiên thạch đã va vào Trái Đất và hủy diệt gần như mọi sự sống của động vật, thực vật. Giả thiết này được xác nhận khi con người phát hiện ra một hố sâu khổng lồ mà một phần bị vùi dưới bán đảo Yucatan ở Đông Mexico, một phần nằm dưới đáy biển.

Thứ giết chết loài khủng long tới từ các vì sao. Thiên thạch đã lao vào nơi có tên Chicxulub, có nghĩa là “đuôi của quỷ”. Hiện nay, nhờ khảo sát khoa học ở khu vực rìa hố sâu do ông Sean Gulick, nhà địa vật lý biển Đại học Texas thực hiện và công bố tháng trước trên kỷ yếu của Viện Khoa học Quốc gia Mỹ, chúng ta có cái nhìn sâu xa hơn về trình tự các sự kiện xảy ra khi thiên thạch lao vào Trái Đất năm đó.

Trái Đất ngay trước vụ va chạm thiên thạch

Cách đây 66 triệu năm, trên bầu trời đêm, một ánh sáng chói lòa bé nhỏ xuất hiện. Ánh sáng đó dường như không di chuyển nhưng ngày càng sáng hơn. Vật thể đó là một tiểu hành tinh khổng lồ, kích thước rộng 14,4km và đang di chuyển với tốc độ phi thường.

Hành tinh của chúng ta đang ở kỷ Phấn trắng, giai đoạn có khí hậu nhiệt đới. Nhờ mưa thường xuyên nên sự sống sinh sôi, phát triển. Khoảng 1/3 vùng đất hiện nay của Trái Đất nằm bên dưới các vùng biển nông.

Khủng long tuyệt chủng sau khi thiên thạch lao vào Trái Đất.

Mặc dù phần lớn châu Âu chìm trong nước nhưng các lục địa vẫn có hình dáng giống như ngày nay. Các lục địa tách rời nhau với tốc độ như tốc độ móng tay con người dài ra. Khi các lục địa tách ra, khủng long phát triển độc lập trên từng khu vực và ngày càng đa dạng hơn.

Ngày cuối cùng của kỷ Phấn trắng bắt đầu như mọi ngày. Mặt đất phủ đầy rừng và hoa cỏ. Biển nhung nhúc những loài cá ăn thịt như tylosaurus – bạo chúa đại dương dài 14m. Bầu trời đầy thằn lằn bay chân chim.

Khủng long trên mặt đất đã thống trị cả hành tinh với các sinh vật dữ tợn như khủng long bạo chúa T-rex và Giganotosaurus. Nếu chúng ngước nhìn lên, chúng có thể nhìn thấy dường như có hai Mặt Trời. Thiên thể lạ mới xuất hiện về phía đông nam Mexico ngày nay ngày càng lớn dần. Trọng lực của Trái Đất khiến nó tăng tốc nhanh hơn.

Hai phút trước khi lao xuống Trái Đất, tiểu hành tinh này bay vù vù trên Nam Đại Tây Dương ở góc hẹp, cháy rừng rực ở 20.000 độ C. Nó sáng hơn Mặt Trời rất nhiều lần, trông như một quả cầu lửa. Khi chỉ còn 5 giây nữa là va chạm, tiểu hành tinh di chuyển với tốc độ 72.420km/giờ.

Cú va chạm hủy diệt

Nó lao vào bầu khí quyển và tạo thành một hố, kích hoạt sóng va chạm siêu âm toàn cầu và tạo ra tia sáng chói lòa tới mức cây cối, khủng long đều in bóng trên mặt đất bị cày xới. 150 triệu năm tiến hóa chuẩn bị chấm dứt.

Tiểu hành tinh lao vào vùng biển nông mà hiện nay là bán đảo Yucatan, tạo ra hố sâu 32km, rộng 160km. Ngay tức khắc, tiểu hành tinh này bốc hơi. 25.000 tỷ tấn đất đá bắn lên bầu trời, che phủ toàn bộ hành tinh. Vụ nổ tương đương 100.000 tỷ tấn TNT và mạnh hơn một tỷ lần quả bom hạt nhân thả xuống Hiroshima. Đất đá từ hố sâu mà tiểu hành tinh tạo ra bắn lên độ cao hơn cả đỉnh Everest rồi sụp xuống.

Cú va chạm của thiên thạch hủy diệt 75% sự sống trên Trái Đất.

Vụ nổ khiến mọi thứ tan chảy và bắn lên bầu khí quyển với tốc độ gần 161.000km/giờ. Một số thứ còn chạm tới Mặt Trăng. Vì lao vào Trái Đất với góc hẹp nên phần lớn sức nổ của tiểu hành tinh bị đẩy lên. Đất đá nóng chảy bắn lên từ hố Chicxulub nóng hơn cả bề mặt Mặt Trời và đốt cháy mọi thứ trong bán kính cả nghìn km.

Nhiệt độ tăng lên hơn 300 độ C. Nước trong da những con khủng long ở gần nơi thiên thạch lao xuống bắt đầu sôi sục, sau đó nổ tung, bắn thành hơi nước. Các sinh vật bị thiêu cháy ngay tức khắc: hàng nghìn con lambeosaurus (chi khủng long mỏ vịt) dài 15m; sarcosuchus – loài cá sấu khổng lồ, và argentinosaurus – loài khủng long lớn nhất, nặng tới 100.000kg. Tất cả bị thiêu sống.

Cơn sóng thần cao hàng trăm mét tỏa ra từ hố sâu. Hàng nghìn, hàng nghìn sinh vật biển bị cuốn vào cơn sóng khổng lồ. Một số còn sống nhưng nhiều con đã chết trước đó.

Hai phút sau vụ va chạm, một số tảng đá lớn bị bắn lên trời bắt đầu rơi ngược trở lại, tạo ra vô số hố lớn nữa và gây cháy rừng ở nhiều nơi. Sóng địa chấn lan tới tận lõi Trái Đất. Khi mặt đất nứt toác, khủng long lớn rơi xuống, còn những sinh vật nhỏ may mắn hơn. Loài zalambdalestes mõm dài, động vật có vú thời kỳ đầu, vùi mình tìm nơi an toàn. Những con cimolestes (trộm côn trùng) dài 20cm tìm nơi trú ẩn dưới đất đá. Chó và mèo ngày nay chính là hậu duệ của loài này.

Ba phút sau vụ va chạm, khoảng 3.200km về phía bắc vùng ảnh hưởng (ngày nay là Hell Creek ở Montana, Mỹ), một nhóm T-rex đang lao xuyên rừng về phía bờ sông. Loài sinh vật 6 tấn này cao gần 12m. Đột nhiên, mặt đất bắt đầu trồi sụt dữ dội.

Những sinh vật nhỏ hơn bị đập vào cây, những con T-rex hùng mạnh lê lết và ngã dúi dụi, vỡ sọ trên mặt đất. Xác hàng trăm sinh vật bị chôn vùi trong lớp trầm tích. 66 triệu năm sau, con người phát hiện ra những gì còn sót lại chính là bằng chứng quan trọng về vụ va chạm với thiên thạch.

Bay trên bầu trời Bắc Mỹ lúc đó là hàng đàn quetzalcoatlus, loài khủng long có sải cánh rộng gần 11m. Chúng lợi dụng dòng nhiệt và có thể ở trên trời hàng tiếng. Vì rất dễ bị ăn thịt nên loài này hiếm khi đậu dưới đất. Sự thống trị bầu trời của chúng sắp kết thúc.

Đá nóng chảy bắn lên trời bắn đầu nguội và rơi xuống, tạo lên cơn mưa đá tektite. Những hòn đá này làm rách cánh quetzalcoatlus. Chúng bắt đầu rớt xuống mặt đất từng con một. Ở Hell Creek, những viên tektite nóng bỏng lao vào xác những con T-rex, tạo lỗ trên da chúng.

30 phút sau vụ va chạm, sóng thần di chuyển với tốc độ hơn 160km/giờ ập vào bờ biển, xé toạc hàng tấn đá và ném chúng lên đất liền, sóng trào lên dập tắt các đám cháy rừng. Những thân cây khổng lồ cùng xác cá, xác khủng long biển bị cuốn theo sóng và khi nước cuốn chậm dần, xác chúng bị đẩy sâu vào trong đất liền.

Trong khi đó, ở rìa đông bắc hố Chicxulub, nước biển bắt đầu từ trên trút xuống như thác từ trên các bức vách dốc đứng. Trận mưa đá tektite cuối cùng cũng chấm dứt. Ba giờ sau đó, khắp Bắc Mỹ, các đám cháy rừng vẫn âm ỉ nhưng không khí đã mát ổn định khi đá tektite và đá nóng chảy đã nguội.

Ở Montana, đột nhiên có một tiếng nổ điếc tai. Đó là tiếng thiên thạch lao vào Trái Đất cách đó 3.218km và bây giờ mới nghe thấy ở Montana. Âm thanh đó làm thủng tai những con khủng long vẫn còn sống sót. Khi thế giới quay cuồng, mây lửa lan khắp nơi. Đám mây này được tích hàng triệu vôn tĩnh điện, tạo ra những cơn bão điện vần vũ trên trời. Khắp hành tinh, lở đất và động đất sau vụ nổ khiến nhiều cơn sóng thần hình thành tiếp.

Đã 4 tiếng trôi qua, tác động của vụ va chạm với thiên thạch đã lan tới các đảo và vùng biển ngày nay là Tây Âu. Tại đây, mặt đất rung chuyển, cháy rừng xảy ra khắp nơi. Cây cối bị lửa nuốt chửng.

Khủng long giãy chết

Những động vật lớn nhất trên đất liền như sauropod (khủng long chân thằn lằn) đang giành giật sự sống. Loài iguanodon (khủng long ăn cỏ), một trong những loài khủng long phát triển tốt nhất thời đó, cũng tuyệt vọng như các loài khác trong thảm họa. Tại Vịnh Mexico, cơn siêu sóng thần đầu tiên bật ra khỏi bờ biển bắt đầu tàn phá vùng rìa hố Chicxulub. Hàng nghìn tấn nước đổ xuống từ các phía.

Vụ va chạm gây ra nhiều thảm họa trên Trái Đất.

Toàn bộ rừng ở tiểu lục địa Ấn Độ cách hố Chicxulub gần 14.500km bốc cháy. Ở sa mạc Nam Mông Cổ, những con khủng long citipati đang ngồi trên ổ trứng, cánh tay có lông vũ trải rộng cả tổ để bảo vệ trứng khỏi ánh Mặt Trời. Ở đây, không có cháy nhưng trong vài giờ qua, nhiệt độ tăng lên đáng báo động. Loài citipati đang bị nấu sống từ từ.

Ở Bắc Mỹ, 10 giờ trôi qua, trời đã mát hơn nhưng không khí vẫn dày đặc khói từ cháy rừng. Vô số đàn khủng long ba sừng triceratop to như voi từng vùng vẫy sung sướng trong các đầm lầy nay đang hấp hối hoặc đã chết. Tổ của những con cái chứa từ 15 đến 20 trứng giấu dưới cây bị bỏ mặc.

Một ngày sau vụ va chạm, Mặt Trời vẫn chưa xuất hiện trở lại. Bồ hóng và bụi đã ngăn hết ánh nắng. Đây là ngày đầu tiên mà các nhà cổ sinh vật gọi là Đại Tân sinh. Đất đá từ hố Chicxulub vẫn bắn vào vũ trụ với tốc độ cao. Trong vòng vài tuần, một số sẽ quay quanh quỹ đạo Mặt Trời. Các mảnh vỡ rơi lên Sao Hỏa hoặc các mặt trăng của Sao Thổ và Sao Mộc. Mảnh vỡ này có thể chứa vi khuẩn sống và đưa sự sống từ Trái Đất vào vũ trụ.

Một tuần sau sự kiện, bầu trời vẫn tối. Quá trình quang hợp bị đình trệ, cây cối chết dần. Loài ăn cỏ nào còn sống như khủng long chân thằn lằn, khủng long ba sừng hay khủng long mỏ vịt đều đang chết đói. Trong đại dương, các sinh vật phù du từng rất phong phú cũng chết. Cá không còn gì để ăn và cũng chết theo. Các loài bò sát khổng lồ như mosasaurus răng cá sấu (thằn lằn của sông Meuse) chẳng bao lâu cũng không còn cả cá chết mà ăn.

Sau hai tuần, các con khủng long ăn thịt còn lại đang chết đói vì hết con mồi. Tuy nhiên, có một loại khủng long chim có dấu hiệu cho thấy chúng có thể tồn tại qua thảm họa. Chúng biết bay nên một số có thể thoát thảm họa và tìm tới nơi có điều kiện sống bớt khắc nghiệt hơn.

Loài này nhỏ hơn nên chúng sinh sản nhanh hơn và do đó thích nghi nhanh hơn với môi trường mới. Chim không ăn nhiều như động vật lớn và có thể sống nhờ ăn côn trùng, hạt còn lại trên đất. Những con sống sót này sẽ tiến hóa trong hàng triệu năm thành các loài chim mà chúng ta biết ngày nay, như cánh cụt, cú, vịt. Dưới biển, rùa và cá sấu có thể ăn thực vật phân hủy nên cũng sống sót.

Các đám cháy đã tàn dần sau hai tháng. Trái Đất lạnh và tối. Bụi vẫn ngăn ánh nắng chạm tới bề mặt Trái Đất. Bóng tối bao trùm thêm hai tháng nữa. 75% rừng trên Trái Đất đã bị hủy diệt và 75% các loài sinh vật đã không còn tồn tại. Loài vật nào to hơn cá sấu đều bị quét sạch. Trời đổ mưa axit và bầu khí quyển có hàng tỷ tấn CO2, mê tan và CO. Những khí gây hiệu ứng nhà kính này bốc lên sau khi các lớp đá vôi bị nung chảy và bốc hơi trong hố Chicxulub.

Thế giới trở nên yên lặng hơn khi vắng bóng khủng long. Không còn cảnh khủng long velociraptor xé mồi hay carnotaurus đập con mồi tới chết.

Sự thống trị của loài thằn lằn khổng lồ đã chấm hết. Các nhà khoa học cho rằng nếu thiên thạch lao vài Trái Đất chậm hơn vài phút, số phận của hành tinh chúng ta đã rất khác. Nếu lao xuống nước sâu, ảnh hưởng của thiên thạch sẽ bị giảm nhẹ rất nhiều, gây ra bão lửa ít kinh hoàng hơn và khiến đất đá bắn lên không trung ít hơn.

Khi thế giới này kết thúc, thế giới khác bắt đầu. Bụi đã tan dần, ánh nắng bắt đầu sưởi ấm Trái Đất. Sự sống thực vật bắt đầu phục hồi. Trong vài trăm nghìn năm, thế giới lại đầy rừng rậm và đầm lầy.

Sự tuyệt chủng của khủng long đã trao cho động vật có vú cơ hội sinh sôi phát triển cả về số lượng và loài. Động vật có vú từ lâu đã sống dưới bóng loài khủng long nhưng giờ là cơ hội cho chúng. Tổ tiên của voi, chuột, dơi và cá voi bắt đầu xuất hiện. Loài linh trưởng đầu tiên - tổ tiên xa của chúng ta - cũng xuất hiện. Nếu không có vụ va chạm thiên thạch, sẽ không có ai trong chúng ta có mặt ở đây.

Nhật Minh
.
.
.