Ô nhiễm rác thải nhựa hủy hoại sinh vật biển

Thứ Ba, 13/11/2018, 13:28
Cuộc phỏng vấn gần đây trong bộ phim tài liệu về thế giới tự nhiên Blue Planet II, nhà tự nhiên học David Attenborough mô tả một con chim hải âu bay về tổ và cho chim non ăn: "Thứ gì được nhả ra từ mỏ chúng? Không phải cá, cũng không phải con mực - vốn là loại thức ăn quen thuộc của hải âu, Mà là nhựa".

Các nhà khoa học phát hiện hải âu không phải loài duy nhất bị rác thải nhựa đánh lừa như thế mà ít nhất 180 loài động vật biển - từ sinh vật phù du tí hon đến cá voi khổng lồ - từng được ghi nhận tiêu thụ đồ nhựa. Người ta tìm thấy nhựa trong một phần ba số lượng cá đánh bắt được ở Anh - cả gồm cả những loại cá mà con người dùng làm thực phẩm.

Người ta cũng tìm thấy nhựa trong các loại hải sản như hến hay tôm hùm. Nói tóm lại, với 12,7 triệu tấn nhựa bị trút xuống các đại dương mỗi năm, động vật đủ kích cỡ và hình dáng đều tiêu thụ nhựa.

Một con hải âu chết do tưởng nhầm rác thải nhựa là thức ăn.

Sự thực đó diễn ra phổ biến một phần là bởi rác thải nhựa hiện diện khắp nơi. Ví dụ với động vật phù du, chúng ăn các phân tử nhựa siêu nhỏ trong nước vì bộ phận tiêu hóa của chúng được tạo ra để tiêu hóa phân tử ở kích cỡ nhất định. Moira Galbraith, nhà sinh thái học phù du Viện Khoa học Đại dương Canada (IOS), cho biết: "Nếu phân tử có đúng kích cỡ đó, thì hẳn đấy phải là thức ăn đối với sinh vật biển".

Một phân tích cho thấy những loài sống dưới đáy biển có thể tiêu thụ số lượng nhựa nhiều gấp 183 lần so với người ta nghĩ, vì nhựa có trong phần bùn chúng hấp thu vào cơ thể. Với hải sâm, phân tử nhựa đơn giản là lớn hơn và dễ lọc hơn bằng xúc tu so với thức ăn thông thường. Nhưng với các loài khác, có những dấu hiệu cho thấy việc chúng ăn nhựa không phải chỉ là quá trình tiêu hóa thụ động. Rất nhiều loài có vẻ như đã chủ động chọn loại "thức ăn" này.

Để hiểu vì sao động vật thấy nhựa quá hấp dẫn, chúng ta cần phải tìm hiểu cách chúng nhìn nhận thế giới. Matthew Savoca, chuyên gia sinh thái học Trung tâm Hải dương Học Southwest (SWFSC) trực thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại Dương Mỹ ở Monterey (California, Mỹ), đánh giá: "Động vật có khả năng nhận thức và cảm giác rất khác con người. Trong một số trường hợp, khả năng của chúng tốt hơn và trong một số trường hợp khác lại tệ hơn, nhưng nói chung là chúng rất khác biệt".

Ngoài ra, có giải thích cho rằng động vật sẽ nhầm nhựa với các loại thức ăn quen thuộc - như hạt nhựa thường bị nhầm với trứng cá ngon lành. Để hiểu rõ sự say mê của động vật với nhựa, các nhà khoa học phải học cách nhìn thế giới giống như chúng. Con người là sinh vật tư duy hình ảnh, nhưng rất nhiều loài động vật biển - như chim hải âu - khi tìm mồi thường dựa vào khứu giác là chính. Savoca và đồng nghiệp của ông đã tiến hành nhiều thí nghiệm cho thấy một số loài chim biển hoặc cá bị nhựa quyến rũ vì mùi hương. Đặc biệt là mùi có liên quan đến hợp chất dimethy sulfide (DMS) tỏa ra từ nhựa.

Bị hấp dẫn bởi DMS do rong biển mọc trên những đám nhựa nổi thải ra, chim và cá lao tới ăn nhựa thay vì ăn những sinh vật nhuyễn thể vốn là nguồn thức ăn chính của chúng. Giống con người, rùa biển thường dựa vào thị giác để tìm thức ăn. Tuy nhiên, người ta cho rằng rùa biển có khả năng nhìn thấy ánh sáng tia cực tím (UV) khiến cho những gì chúng thấy hoàn toàn khác so với con người.

Qamar Schuyler, nữ giáo sư Đại học Queensland (Australia), quan sát não bộ rùa bằng cách mô hình hóa khả năng thị giác của nó và sau đó điều chỉnh các vật thể nhựa để cho ra hình ảnh đúng như rùa nhìn thấy. Schuyler cũng xem xét những gì tìm thấy trong bao tử của nhiều xác rùa chết để hiểu loại nhựa nào chúng thích ăn. Kết luận là trong khi các con rùa non không phân biệt được rõ đâu là nhựa, thì rùa già lại có xu hướng thích các loại nhựa mềm và trong suốt hơn.

Sinh vật biển đi săn bằng sóng siêu âm, tiêu biểu như cá voi hay cá heo. Sóng siêu âm nổi tiếng vì cực kỳ nhạy cảm, nhưng thực tế cho thấy hàng chục con cá nhà táng và các loại cá voi đã chết với bụng đầy túi nhựa, mảnh vụn xe hơi và các loại chất thải khác mà con người trút xuống biển. Savoca cho rằng có vẻ như hệ thống sóng siêu âm của chúng xác định nhầm vật thể nhựa và cho rằng đó là thức ăn.

Savoca cho biết: "Có một hiểu lầm cho rằng những con vật này ngu ngốc và ăn phải nhựa chỉ vì nhựa trôi nổi xung quanh, nhưng điều đó không đúng". Bi kịch là tất cả những con vật đó đều là các loài săn mồi lão luyện, sở hữu giác quan ưu việt qua nhiều triệu năm tiến hóa để xác định rất ít các nhóm con mồi.

Nhựa không chỉ giống đồ ăn mà còn có mùi vị, cảm quan và thậm chí âm thanh tựa như thức ăn. Rác thải mà con người thải ra với đủ kích cỡ, hình dạng và màu sắc đến mức chúng hóa thành cả một mảng tương tự như đồ ăn trong cách đánh giá của động vật, và đây chính là vấn đề. Schuyler nhớ lại rằng đã có người từng đặt câu hỏi: "Tại sao ta không làm tất cả nhựa thành màu xanh hết?", và dẫn chứng thí nghiệm cho thấy màu xanh này không được rùa ưa thích lắm.

Nhưng các nghiên cứu khác lại chỉ ra điều này hoàn toàn ngược lại đối với các loài động vật khác. Vì thế thực ra không tồn tại giải pháp duy nhất nào đúng cho tất cả. Chúng ta không thể nào dễ dàng thay đổi hình dáng của nhựa để động vật không ăn phải chúng. Savoca hy vọng rằng câu chuyện bi thương như con hải âu mà David Attenborough kể sẽ giúp làn sóng người tiêu dùng phản đối việc sử dụng túi nhựa tăng lên nhiều hơn nữa đồng thời giúp khuyến khích con người cảm thông với các loài động vật biển hơn. Cuối cùng, điều này cũng giúp cắt giảm số lượng rác thải nhựa đang đổ xuống đại dương mỗi ngày một cách vô tội vạ.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.
.