Những hiểm họa từ máy bay không người lái

Thứ Tư, 25/09/2019, 06:24
Máy bay không người lái khiến người ta lo ngại vì nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, an toàn.


Mặc dù không thể phủ nhận máy bay không người lái mang lại một số lợi ích trong việc cứu hộ tại các thảm họa như cháy rừng, thiên tai, bảo vệ động vật hoang dã (ở một vài khu bảo tồn tại Mỹ và Sumatra, Indonesia), sử dụng trong nông nghiệp (rải phân bón, thuốc trừ sâu...), song hiện nay, máy bay không người lái cũng khiến người ta lo ngại vì nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, an toàn.

Drone là gì?

Gần đây, người ta nghe nói khá nhiều về cụm từ "drone" hay "UAV" (unmanned aerial vehicle) - tức máy bay không người lái. Theo Cục Quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA), máy bay không người lái có thể có nhiều hình dạng, kích thước và phục vụ nhiều mục đích khác nhau.

Một mẫu drone. Ảnh: global-aero.

Nó có thể có sải cánh rộng như một máy bay phản lực hay chỉ nhỏ như một chiếc máy bay mô hình điều khiển bằng sóng radio. Ngoài sử dụng cho mục đích quân sự, UAV còn được dùng cho mục đích dân sự như giao hàng, quay phim, chụp không ảnh...

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) chia drone thành 2 loại chính: Máy bay tự hành (hiện ít xuất hiện trong thực tế vì các lý do an toàn) và máy bay điều khiển từ xa (xuất hiện phổ biến hơn).

Còn FAA định nghĩa, máy bay mô hình cũng là UAV nhưng có một quy định bắt buộc đó là máy bay mô hình chỉ được phép bay trong tầm nhìn của người điều khiển.

Trong khi đó, những chiếc UAV đúng nghĩa, tầm xa có thể bay được rất xa, vượt cả chục, cả trăm kilomet hay thậm chí là hơn thế nữa. Vì vậy, các phi công quân sự có thể ngồi tại Mỹ và điều khiển một chiếc UAV Predator tận Afganistan hay Iraq.

Điểm qua các "thảm họa" từ drone

Tấn công quân sự bằng thiết bị bay không người lái đang ngày càng trở nên phổ biến tại khu vực Trung Đông. Hàng loạt vụ tấn công xảy ra ở Syria, Iraq, Saudi Arabia, Yemen và mới đây nhất là Libanon đang đặt ra nguy cơ làm leo thang xung đột quân sự trên diện rộng, có thể toàn khu vực.

Khói bốc lên từ nhà máy dầu của hãng Saudi Aramco (Arab Saudi) hôm 14-9, sau khi bị tấn công. Ảnh: Reuters.

Mới đây nhất, ngày 14-9, hai nhà máy dầu ở Abqaiq và Khurais bị tấn công bằng drone khiến Arab Saudi tổn thất 5,7 triệu thùng dầu/ngày, tức một nửa tổng sản lượng của nước này và chiếm gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới. Một trong hai nơi bị tấn công là cơ sở lọc dầu lớn nhất thế giới. Phiến quân Houthi tại Yemen thừa nhận đã sử dụng 10 drone để thực hiện vụ tấn công trên.

Trước đó, Techrepublic cũng thống kê ra 17 vụ điển hình được gọi là thảm họa từ drone. Trong đó, có một số vụ như sau: Ngày 26-1-2015, một drone bỗng dưng hạ cánh xuống bãi cỏ của Nhà Trắng. Shawn Usman - người điều khiển chiếc drone này - sau đó cho biết, nó đã không trong tầm kiểm soát của anh ta tại thời điểm xảy ra tai nạn.

Vào tháng 9-2014, drone "tấn công" Thủ tướng Đức Angela Merkel. Chiếc drone là của một người biểu tình thuộc Đảng German Pirate Party (đảng Hải tặc Đức) điều khiển để quay cuộc biểu tình của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo. Mặc dù không ai bị tổn hại, song tình hình làm dấy lên mối lo ngại về những trải nghiệm tương tự với drone.

Hay một chiếc drone bỗng đâm sầm vào mặt khiến nhiếp ảnh gia Georgine Benvenuto của tờ Brooklyn Daily bị rách mũi và cằm. Hồi mùa thu năm 2013, một chiếc drone được dùng để quay phim đã rơi xuống khán đài ở Công viên Virginia (Mỹ) khiến nhiều người tham gia lễ hội Motorsports bị thương.

Tháng 7-2014, một drone suýt va chạm với chiếc Airbus A320 khi máy bay này đang cất cánh từ sân bay Heathrow của London (Anh). Lúc máy bay ở độ cao khoảng 700m thì xảy ra sự cố. Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh đánh giá vụ việc là "nguy cơ va chạm nghiêm trọng", xếp loại nguy cơ này thuộc hàng đầu trong cảnh báo đưa ra với drone.

Thậm chí, ngày 20-1-2015, drone còn được sử dụng để vận chuyển ma túy ở Mexico, nơi gần biên giới với Mỹ. Chiếc drone này mang hơn 6 pound (gần 3kg) tinh chất methamphetamine thì bị rơi trong bãi đậu xe của siêu thị ở thành phố Tijuana của Mexico.

Theo Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ (DEA), drone đang trở thành một phương tiện phổ biến để vận chuyển ma túy qua biên giới. Sơ qua những thống kê trên cho thấy vì sao FAA ghét chúng đến vậy!

Những mối nguy liên quan đến an toàn

Với khoảng 1 triệu drone được bay trên toàn thế giới mỗi tháng, Iotworldtoday đánh giá rằng nguy cơ mất an toàn từ drone ngày càng trở nên đáng sợ hơn. Iotworldtoday liệt kê ra 8 rủi ro hay xảy ra liên quan đến drone. Một, đe dọa không phận. Hãy tưởng tượng mức độ thiệt hại mà một drone có thể gây ra nếu chúng bị hút vào động cơ phản lực.

UAV có thể có nhiều loại và kích thước khác nhau.

Hai, chở vũ khí. Vũ khí hạng nhẹ có thể được gắn vào drone. Hiện có những video bằng chứng cho thấy drone chở cưa máy, súng máy và súng phóng hỏa. Những kẻ khủng bố hoặc đơn giản là chơi khăm có thể gây ra hậu họa như thế nào đối với đám đông, các sự kiện thể thao...

Chưa kể, những kẻ khủng bố bắt đầu sử dụng drone cho hoạt động trinh sát và chiến đấu. Drone có thể còn được sử dụng để triển khai vũ khí hóa học, ném bom, thậm chí tấn công hạt nhân.

Ba, hoạt động gián điệp mức độ thấp. Drone có thể là công cụ tối ưu cho hoạt động gián điệp ở tầm công nghệ thấp, ví dụ để lấy thông tin về tài chính, chiến lược, sơ đồ công nghệ... của các công ty đối thủ qua các hình ảnh nó chụp được.

Bốn, hoạt động gián điệp tầm công nghệ cao. Một số vụ tấn công máy tính gây thiệt hại nặng nề nhất lại liên quan đến drone. Ví dụ, có nhiều báo cáo về việc drone đã mang Raspberry Pi (một loại máy tính rất nhỏ gọn, kích thước hai cạnh bằng khoảng một cái thẻ ATM và chạy hệ điều hành Linux-PV) hạ cánh xuống một trung tâm dữ liệu và đánh cắp thông tin nhạy cảm.

Kunal Jain - giám đốc bán hàng của Dedrone - cho biết, một trong những đối tác của họ đã phát hiện một drone như vậy trên nóc một tòa nhà. Drone đã hỏng, gỉ sét, nhưng các thiết bị gắn kèm vẫn hoạt động.

Năm, buôn lậu. Nhiều nhà tù trên khắp nước Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn drone buôn lậu mọi thứ từ ma túy, sách báo phim ảnh khiêu dâm và điện thoại thông minh đến cho các tù nhân. Năm ngoái, một cuộc hỗn chiến đã xảy ra khi drone thả heroin vào sân tập thể dục. Hay như ví dụ ở trên, các băng đảng ma túy sử dụng drone để vận chuyển hàng hóa của chúng qua biên giới Mexico.

Sáu, va chạm. Đã có rất nhiều báo cáo về các thương tích nghiêm trọng từ drone. Nhưng khi ai đó va chạm với drone trọng lượng tầm 50 pound (22kg) có thể thiệt mạng, theo một bài báo trên Bloomberg nói về một kết quả nghiên cứu liên quan đến các thử nghiệm với drone. Còn va chạm với máy bay của hàng không thì không còn gì phải bàn cãi về hậu quả.

Bảy, khó khăn trong việc thực thi các quy định. Các nhà chức trách đang cố gắng kiềm chế drone ở các khu vực nhạy cảm như gần sân bay hay các sự kiện thể thao đông người. Nhưng vấn đề là những vùng cấm bay như vậy rất khó thực thi.

UAV Predator nổi tiếng của Mỹ khi được trang bị vũ khí hạng nặng.

Radar khó phát hiện ra drone khi ngẫu nhiên một ai đó đứng ở sân sau hay trước chiếc xe tải bỗng vận hành chiếc drone bay vào vùng cấm. Nếu kẻ điều khiển drone là trẻ em, vậy thì truy tố đứa trẻ hay cha mẹ chúng?

Tám, công cụ của hacker. Drone cũng mở ra một con đường mới cho tin tặc. Drone có thể tấn công máy bay khiến chúng bị rơi, hoặc được sử dụng để đánh cắp thông tin. Chẳng hạn, một chiếc drone bay lơ lửng ở tầm cao 45m, phát tín hiệu wifi miễn phí và sau đó thu thập thông tin nhạy cảm từ bất kỳ người nào sử dụng mạng. Năm 2014, Công ty bảo mật SensePost đã chỉ ra tính khả thi của các cuộc tấn công như vậy và gọi bằng cái tên Snoopy Drone.

Hiện còn rất nhiều tranh cãi về UAV hay drone. Những dự luật về drone vẫn đang được nhiều nước trên thế giới tiến hành nghiên cứu để cân bằng giữa những lợi ích mà chúng có thể mang lại song vẫn đảm bảo an ninh quốc gia cũng như an toàn cho dân chúng.

Cách vận hành drone an toàn

- Bay khi không gây nguy hiểm cho máy bay, tài sản và con người.

- Chỉ bay vào ban ngày.

- Bay trong tầm quan sát của người điều khiển (ví dụ có thể quan sát qua ống nhòm, màn hình điều khiển hay điện thoại thông minh).

- Bay không cao quá 120m.

- Tránh bay qua đầu ai mà không được đồng ý.

- Phải được sự đồng ý của chủ khu vực mà bạn điều khiển drone bay qua.

- Hiểu biết về không phận, đặc biệt là những khu vực cấm bay. Không bay gần bất cứ sân bay nào trong phạm vi dưới 4km.

- Drone của bạn phải ra khỏi không phận được kiểm soát. Không phận được kiểm soát thường trong vòng bán kính 4km tính từ sân bay, cả trên không và dưới mặt đất.

- Tránh đường cho tất cả các máy bay có người lái.

- Xin phép cơ quan quản lý (như quân đội) khi bay trong không phận đặc biệt (như cơ sở quân sự).

- Drone không quá 25kg.

(Cục hàng không dân dụng New Zealand)

Huyền Anh
.
.
.