Nhìn lại thị trường thuốc giả ở Việt Nam

Thứ Năm, 31/08/2017, 13:15
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc giả là "sản phẩm được gắn nhãn hiệu gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc xuất xứ. Thuốc giả có thể bao gồm các sản phẩm không đúng về thành phần hoạt chất, không có hoạt chất, hoặc có nhưng không đủ hàm lượng hoạt chất, hoặc giả bao bì nhãn hiệu của những nhà sản xuất khác đã được công nhận…".

Như vậy, thuốc không đủ hàm lượng hoạt chất như trong vụ Công ty VN Pharma vẫn bị xem là thuốc giả, chứ không phải là "thuốc kém chất lượng" bởi lẽ với những bệnh nhân ung thư  - nhất là ung thư giai đoạn đầu - thay vì có thể chữa lành nhưng lại được điều trị bằng thuốc giả, thuốc "kém chất lượng" thì chỉ có cái chết mới là "thật"  mà thôi…

1. Theo Tiến sĩ, dược sĩ Đào Đại Cường, nguyên giảng viên Khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM, có 3 chủng loại thuốc giả phổ biến nhất: Đó là thuốc kháng sinh, thuốc trị một số bệnh đường tiêu hóa và thuốc giảm đau, hạ sốt.

Các loại thuốc hạ sốt, giảm đau bị làm giả nhiều nhất vì nó không quá đắt tiền.

Tiến sĩ Cường nói: "Hoặc là họ làm giả hoàn toàn, nghĩa là trong viên thuốc không hề có hoạt chất kháng sinh hay hoạt chất ức chế sự tăng tiết dịch vị dạ dày, tiêu diệt vi khuẩn HP, hoạt chất làm giảm cơn nóng sốt, hoặc có nhưng không đủ liều lượng, chẳng hạn như trên bao bì ghi là 500mg nhưng khi kiểm nghiệm, nó chỉ là 400mg hoặc thấp hơn. Cũng không ít trường hợp thuốc đã hết hạn sử dụng nhưng được làm lại bao bì, in lùi thời gian thêm 2, 3 năm nữa. Hậu quả là trong các bệnh nhiễm khuẩn, chẳng những người bệnh đã không lành, mà còn sinh ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc, việc điều trị vừa khó khăn, lại vừa tốn kém".

Vẫn theo Tiến sĩ Cường, còn một dạng thuốc giả nữa, nhưng "giả mà thật - thật mà giả". Tiến sĩ Cường nói: "Khá nhiều chủng loại thuốc giả ở Việt Nam đều dựa trên những loại nhập từ nước ngoài, trong đó không loại trừ những loại "giả mà thật - thật mà giả".

Theo thỏa thuận giữa Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các hãng dược phẩm, một loại thuốc do hãng A. nghiên cứu, chế tạo chẳng hạn thì sau một thời gian đưa ra thị trường - có thể là 10 hoặc 17 năm - loại thuốc ấy sẽ hết quyền bảo hộ, và các công ty dược phẩm ở tất cả các quốc gia trên thế giới đều được phép sao chép công thức để làm ra mà không phải trả tiền bản quyền cho hãng A. (thuật ngữ ngành Dược gọi là thuốc generic). Vì là hoạt chất sao chép nên giá thành của nó rẻ hơn rất nhiều so với thuốc chính hãng. 

Lấy thí dụ như loại thuốc hạ huyết áp, tên thương mại là Amlor (thành phần hoạt chất chính là Amlodipin) chẳng hạn, nếu là thuốc của Pháp sản xuất thì giá của nó 6.000 đồng/viên trong lúc Amlodipin do những công ty dược phẩm trong nước sản xuất, giá 1 viên chỉ 800 đồng.

Vì vậy, bọn làm giả mua hoạt chất về dập viên, in ấn bao bì của những hãng dược phẩm nước ngoài uy tín rồi tung ra thị trường. Chỉ có điều nó không được chế tạo theo qui trình sản xuất nghiêm ngặt GMP, mà có thể là từ nơi ẩm thấp, thuốc có thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm mốc.

Nếu bị kiểm tra, mặt hàng đó vẫn có số đăng ký lưu hành, có phiếu kiểm nghiệm chất lượng vì số đăng ký lưu hành, phiếu kiểm nghiệm chất lượng đã được các cơ quan quản lý cấp cho nơi nhập khẩu. Người bệnh uống vào nếu không nhiễm khuẩn, nhiễm nấm thì ít nhiều vẫn có hiệu quả vì nó là… "thuốc thật", nhưng họ phải trả một số tiền đắt gấp 5, 10 lần so với thuốc sản xuất hợp pháp.

Từng có chuyện một công ty ở Gabon, châu Phi nhập về hơn 100 nghìn lọ kháng sinh trị nhiễm khuẩn đường hô hấp xuất xứ từ Anh quốc - do một trong những hãng dược phẩm uy tín nhất thế giới - sản xuất.

Qua kiểm nghiệm, tất cả đều đạt chỉ tiêu yêu cầu. Tới hồi nghi ngờ là thuốc giả vì ngày, tháng, năm ghi hạn sử dụng trên thuốc thật cách nhau bằng một dấu chấm, còn thuốc kia là dấu gạch chéo, họ gửi mẫu sang nước Anh, đề nghị đối chiếu. Gần 3 tháng sau đó họ mới nhận được phản hồi, rằng thành phần hoạt chất chính trong loại thuốc nói trên đã hết thời gian bảo hộ quyền sở hữu, và các nhà sản xuất thuốc trên thế giới đều có quyền sao chép lại.

Thế nên, nơi làm giả đã cho ra lò những hộp thuốc với mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu Anh quốc rồi bán với giá thuốc "thật" - nghĩa là đắt hơn gấp 9 lần so với thuốc sao chép. Lúc này, việc thu hồi trở nên vô phương vì 2/3 số thuốc đã  tiêu thụ hết".

2. Theo một thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện có khoảng 25.000 mặt hàng thuốc tây với gần 1.000 hoạt chất đang lưu hành trên thị trường. Mỗi mặt hàng lại có nhiều tên gọi, hàm lượng, quy cách đóng gói, nhà sản xuất khác nhau.

Một lô thuốc tây giả trị giá 5 tỉ đồng bị Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu -  Bộ Công an, bắt giữ.

Lấy thí dụ như loại thuốc giảm đau, hạ sốt thông dụng nhất hiện nay mà công thức hóa dược của nó là Acetaminophen chẳng hạn, người bệnh có thể tìm thấy nó dưới tên gọi Panadol, Paracetamol, Tylenol, Acetamol, Hapadol, Trapadol… chưa kể có những hãng sản xuất còn thêm vào một số hoạt chất khác như Ibufrofen, Codein, Chlopheniramin nhằm tăng thêm tác dụng của thuốc rồi đưa ra thị trường dưới những cái tên Decolgen, Bavafen, Alaxan, Panadol Extra… nên nó rất dễ bị làm giả, và dễ tiêu thụ vì nó là loại thuốc không cần phải bác sĩ kê toa.

Dược sĩ Nguyễn Văn Gia, chủ một nhà thuốc tây trên đường Hai Bà Trưng, quận Bình Thạnh TP HCM cho biết công nghệ làm thuốc giả hiện nay đã lên đến mức siêu đẳng, giả mà như thật! 

Ông nói: "Chẳng cần phải đi đâu xa, nếu có đầu mối thì chỉ việc ngồi nhà rồi điện thoại sang Quảng Châu, Trung Quốc, đặt hàng. Muốn máy dập viên nén, viên "con nhộng", máy đóng gói thuốc bột, thuốc nước, máy dập hạn sử dụng lên vỉ thuốc, đều sẽ được đáp ứng  đầy đủ. Thậm chí họ còn nhận in luôn bao bì của những hãng dược phẩm nổi tiếng trên thế giới mà ngay cả những người thâm niên trong nghề như tôi, khó mà biết đó là hàng giả…".

Cũng tại Việt Nam, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thuốc giả, thuốc "kém chất lượng" là thói quen mua thuốc trị bệnh mà không cần phải gặp bác sĩ để thăm khám. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có đến 90% các nhà thuốc trên địa bàn TP HCM bán thuốc cho người bệnh chỉ dựa vào lời khai của họ, trong đó bán cả những loại kháng sinh đặc trị. Dược sĩ Đạt cho biết khá nhiều nhà thuốc không có dược sĩ thường trực mà chỉ có nhân viên trung cấp hoặc dược tá sơ cấp.

Kháng sinh Augmentin bị làm giả (bên phải).

Ông nói: "Nghề dạy nghề, nếu người bệnh khai các triệu chứng về đường hô hấp như ho, có đờm, sốt thì họ bán theo công thức: Kháng sinh, kháng viêm, hạ sốt, giảm ho hoặc long đờm. Còn nếu người bệnh bị đau xương, sưng khớp thì thuốc bán ra sẽ là: Giảm đau, kháng viêm, giãn cơ, kèm theo vài loại thuốc bổ mà không cần hỏi về tiền sử của người ấy là có bệnh lý dạ dày, có bị tiểu đường, cao huyết áp hoặc dị ứng với một trong những loại thuốc đó hay không…".

Tại các tỉnh, thành miền Bắc, một khảo sát do Bộ Y tế tiến hành cho thấy có đến 88% nhà thuốc ở khu vực đô thị và 91% nhà thuốc ở nông thôn bán thuốc kháng sinh không cần bác sĩ kê đơn. Bên cạnh đó, việc đình chỉ lưu hành và thu hồi các loại thuốc "kém chất lượng" cũng chưa được thực hiện đến nơi đến chốn.

Dược sĩ Gia nói: "Hầu như mỗi nhà thuốc đều có một nhân viên chuyên theo dõi các văn bản thu hồi thuốc của Cục quản lý Dược, của Sở Y tế nhưng trên thực tế, nhiều mặt hàng bị cấm bán nhưng vẫn thấy xuất hiện ở một số nhà thuốc, còn người bệnh thì có mấy ai đọc những dòng tin trên báo để biết rằng thuốc này, thuốc kia là thuốc "kém chất lượng", không được phép kinh doanh".

Bên cạnh đó, lợi dụng thông lệ quốc tế về việc lấy mẫu kiểm tra trước khi lưu hành chỉ áp dụng với các loại thuốc có nguy cơ cao, cần kiểm soát chặt về chất lượng như vắc xin, huyết thanh chứa kháng thể, thuốc mới phát minh hoặc thuốc của các hãng sản xuất từng có những vi phạm về chất lượng, thì những loại thuốc thông thường được bọn làm giả tận dụng khai thác, đặc biệt là những loại không quá đắt tiền.

Nơi tiêu thụ của thuốc giả phần lớn là ở các chợ bán sỉ dược phẩm và một số hiệu thuốc. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của mạng Internet cũng là môi trường béo bở để bọn làm thuốc giả đưa sản phẩm "đến tận tay người bệnh".

3. Có thể nói, vấn nạn thuốc giả không chỉ xảy ra ở riêng Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới. Chỉ cần nguyên liệu, máy tạo hình viên thuốc, lò sấy, dụng cụ pha trộn, thiết bị đóng gói, máy in bao bì, các "hãng" sản xuất rất dễ dàng lắp ráp các thiết bị và nhanh chóng cho ra sản phẩm.

Với thuốc kháng sinh, loại bị làm giả nhiều nhất là Amoxylin, kế tiếp là Cefalexin, với thuốc kháng axit dạ dày, Kremil-S, Phosphalugel cũng nằm trong danh sách thuốc bị làm giả.còn những loại thuốc hạ sốt, giảm đau thì khỏi nói! Khi loại thuốc trị rối loạn cường dương Viagra ra đời thì gần như ngay lập thức, thuốc giả cũng xuất hiện với các nhãn hiệu Super Strong, Black Ant, Vi huynh (ông anh tên Vi - tức Viagra). Theo tổ chức Y tế thế giới, ở những nước mà bệnh sốt rét vẫn còn là một vấn nạn, thì 60% thuốc điều trị bệnh này là… thuốc giả!

Để bài trừ nạn thuốc giả, theo ý kiến của những dược sĩ, bác sĩ mà chúng tôi đã tiếp xúc, thì không riêng gì ngành y tế, công an, quản lý thị trường, mà còn cần phải có sự chung tay góp sức của những đại lý ở những chợ bán sỉ thuốc tây, những cửa hàng dược phẩm và ngay cả những nhà thuốc trong các bệnh viện bởi lẽ nếu không có những nơi này tiêu thụ thì bọn làm thuốc giả sẽ không còn đất sống.

Dược sĩ Đạt nói: "Theo tôi, mỗi khi phát hiện những chủng loại thuốc giả, ngành y tế nên phổ biến đến những cơ sở kinh doanh thuốc tây cách thức phân biệt, chẳng hạn như mẫu mã, bao bì, hình thức thuốc, số đăng ký… để những nơi này hoặc từ chối không mua, đồng thời báo ngay cho cơ quan chức năng, hoặc nếu đã lỡ mua rồi thì tuyệt đối không bán cho người bệnh…".

Bác sĩ Nguyễn Văn Vinh, nguyên Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP HCM nói tiếp: "Làm thuốc giả - nhất là những loại thuốc trị bệnh nan y thì coi như trực tiếp giết người. Còn người bán, nếu biết đó là thuốc giả mà vẫn mua, vẫn bán thì phải xem họ là đồng lõa. Luật đã có những điều khoản rõ ràng về chuyện này và xử đúng theo luật thì bọn làm thuốc giả mới chùn tay…".

Luật Dược Việt Nam định nghĩa về thuốc giả như sau:

Thuốc giả là thuốc không có dược chất, dược liệu.

Có dược chất nhưng không đúng với dược chất ghi trên nhãn, hoặc không đúng với tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành, không đúng với thông tin trong giấy phép nhập khẩu.

Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành, không đúng với thông tin trong giấy phép nhập khẩu (ngoại trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng xảy ra trong quá trình bảo quản, lưu thông, phân phối).

Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, quốc gia sản xuất hoặc quốc gia xuất xứ.

Vũ Cao
.
.
.