Không phải đứa trẻ nào cũng có thể “ươm” thành tài năng

Thứ Bảy, 19/12/2015, 10:10
Sau khi ăn điểm tâm, John Samper bắt đầu học - ngoại ngữ và toán học; đồng thời bé cũng học cách gọi tên các loài chim khác nhau - tới 30 loại qua những tấm hình làm từ bìa các tông. John chỉ mới vừa tròn 15 tháng tuổi!

Cha bé, kỹ sư điện tử Bill Samper đang làm việc tại thành phố Seatle (tiểu bang Washington, Mỹ), phải xin nghỉ phép không lương để kèm cậu con trai học trước khi đến tuổi đi nhà trẻ. John đã biết tới 700 từ vựng qua hình bìa các tông, em cũng có thể kể tên 33 đầu sách khác nhau và biết tính 7 x 7 +1 = 50! John quả là một đứa trẻ dạng “siêu nhân”, còn cha em là một trong những bậc cha mẹ ở Mỹ hằng mong muốn con mình sớm thông minh hơn các trẻ khác đồng trang lứa. Họ không chỉ dạy chúng học đọc và viết, mà còn lập chương trình cho máy điện toán, cũng như tập trò chuyện - trao đổi bằng ngoại ngữ nữa…

Giám đốc IDHC G. Doman bên các học viên nhỏ tuổi.

Sáng kiến độc đáo này là của Glenn Doman, Giám đốc Viện Phát triển các khả năng con người (IDHC) ở thành phố Philadelphia (tiểu bang Pennsylvania). Doman đã cho xuất bản cuốn sách “Chúng ta dạy con trẻ đọc như thế nào?”, trở thành sách bán chạy nhất và được dịch ra 16 thứ tiếng. Samper cũng đã đăng ký học một khóa do Doman mở, rồi bắt đầu dạy cho John khi bé mới được 6 tháng tuổi. Trong các bài giảng của mình, Giám đốc Doman cho rằng: “Mọi đứa trẻ đều tiềm ẩn những tài năng lỗi lạc không thua kém gì Leonardo da Vinci, Thomas Edison, hay Albert Einstein… Chứ không phải đơn thuần chỉ có trình độ như cha mẹ chúng. Nếu được học theo “Chương trình Doman”, mỗi nhà sẽ có một Lev Landau hay một Johann Goethe tương lai”(!).

Nhưng thực ra lúc nhỏ A. Einstein - “cha đẻ” của Thuyết Tương đối sau này đâu có học toán, và tới năm lên 4 tuổi mới biết… nói. Còn thậm chí một đứa trẻ đã biết đọc khi 3-4 tuổi, đó chưa phải là bằng chứng “hiển nhiên” thể hiện tài năng về sau, một độc giả nhí mới 4 tuổi không nhất thiết sẽ là một thiên tài của tương lai. Các nhà khoa học đều nhất trí rằng, con trẻ thực sự có khả năng tiếp nhận tri thức khi còn bé, nhưng không hẳn mọi kiến thức ấy sẽ nẩy nở thành những tài năng đặc biệt; ngoại trừ những trẻ “thần đồng” hạn hữu hiếm thấy.

Còn tiến sĩ Sư phạm học người Mỹ William Spock thì lên tiếng phê phán: “Phương pháp Doman” là dạng hệ thống giảng dạy mang đậm nét “nhồi sọ” con trẻ, bắt chúng học theo vũ lực - khi cha mẹ giơ ra những tấm tranh bìa và buộc chúng phải nhớ, phải thuộc - trong khi trí óc còn non nớt”. “Hãy để trẻ tự phát triển bình thường và “thăng bằng”. Phụ huynh nên bày cho con em mình tập làm các trò chơi, thay vì bắt chúng học quá sớm!” - tiến sĩ W. Spock khuyên.

Thu Hường (theo Discover)
.
.
.