Hệ thống giao thông thông minh trong thành phố sẽ bị hacker tấn công

Thứ Ba, 20/09/2016, 16:00
Trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay, bọn tội phạm hay khủng bố dễ dàng kiểm soát mọi hệ thống tự động hóa - bãi đậu xe, đèn tín hiệu giao thông, bảng hiệu hướng dẫn, đèn chiếu sáng công cộng, trạm dừng xe buýt tự động và nhiều hệ thống được lập trình sẵn khác.

Các chuyên gia an ninh mạng lên tiếng cảnh báo việc bọn hacker hiểm ác "quan tâm" đến hoạt động giao thông vận tải trong thành phố thông minh được điều hành dựa trên công nghệ đám mây chỉ là vấn đề thời gian.

Trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay, bọn tội phạm hay khủng bố dễ dàng kiểm soát mọi hệ thống tự động hóa - bãi đậu xe, đèn tín hiệu giao thông, bảng hiệu hướng dẫn, đèn chiếu sáng công cộng, trạm dừng xe buýt tự động và nhiều hệ thống được lập trình sẵn khác.

Hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh dễ bị hacker tấn công kiểm soát.

Denis Legezo, nhà nghiên cứu ở Công ty bảo mật Nga Kaspersky Lab cho biết, hacker có thể thao tác hệ thống cảm biến giao thông và thu thập dữ liệu một cách dễ dàng thông qua tài liệu hướng dẫn sử dụng được nhà chế tạo cung cấp trực tuyến. Cesar Cerrudo, Trưởng ban công nghệ (CTO) Công ty an ninh mạng Mỹ IOActive Labs, cũng phát hiện thấy nhiều lỗ hổng an ninh trong các hệ thống điều khiển giao thông thông minh ở một số quốc gia như  Mỹ, Anh, Pháp, Australia và Trung Quốc.

Trong bộ phim ăn khách Die Hard 4 của Hollywood cũng có cảnh một nhóm hacker tạo ra tình trạng hỗn loạn sau khi thao tác hệ thống đèn tín hiệu giao thông chỉ với vài động tác trên bàn phím máy tính!

Cesar Cerrudo nhận định: "Tôi nhận thấy hiện nay chỉ có một vài cuộc tấn công đơn lẻ nhằm vào những hệ thống bình thường. Nhưng tình hình hiện nay cũng cho thấy trong tương lai không xa những cuộc tấn công xâm nhập hệ thống sẽ diễn ra thường xuyên hơn bởi vì những mối đe dọa trực tuyến luôn biến đổi không ngừng".

Sau phát hiện của Cesar Cerrudo, một làn sóng đầu tư vào công nghệ giao thông vận tải thông minh diễn ra trên khắp thế giới. Mới đây, thành phố Columbus thuộc bang Ohio miền bắc nước Mỹ giành được giải thưởng trị giá 50 triệu USD của Bộ Giao thông Mỹ (DOT) với dự án thành phố thông minh của mình.

Các thẻ trả tiền trước và ứng dụng smartphone cho phép người dân thành phố Columbus đi lại bằng xe buýt và phương tiện xe đạp chia sẻ trong cộng đồng nếu cần thiết. Jeff Ortega, người phát ngôn cho tòa thị chính Columbus, cho biết nền tảng giao thông thông minh đã khởi động: "Mới đây, thành phố đã hoàn tất việc xây dựng Trung tâm Điều hành Giao thông (TMC) công nghệ cao cho phép điều hành và giám sát toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu khắp thành phố cùng với khoản đầu tư 76 triệu USD để nâng cấp hàng loạt đèn tín hiệu".

Với mạng lưới giao thông thông minh, xe cứu thương có thể chạy với tốc độ cao qua mọi giao lộ mà không hề gặp trở ngại nào đồng thời những con đường dành riêng cho xe buýt cũng giúp cho những gia đình thu nhập thấp đi đến những cơ sở y tế một cách dễ dàng hơn. Thành phố Columbus sử dụng phần mềm quản lý giao thông từ Sidewalk Labs - công ty mới thành lập năm 2015 thuộc công ty mẹ Google hợp tác với các thành phố để giải quyết nhiều vấn đề đô thị như: giao thông, ô nhiễm, năng lượng và chất thải.

Ở thành phố Kansas thuộc bang Missouri miền bắc nước Mỹ, có đường xe điện sử dụng miễn phí gọi là RideKC Streetcar. Dự án Thành phố Thông minh của Kansas Cty cũng bao gồm hệ thống cảm biến trang bị tại những nơi đậu xe cho phép tài xế ôtô tìm thấy không gian đậu xe nằm gần đường xe điện, và camera đặt tại những cột đèn để giám sát tình trạng giao thông cũng như kích hoạt đèn sáng lên khi có người đi bộ bước vào khu vực.

Tuy nhiên, ý tưởng về thành phố thông minh được kiểm soát bằng các hệ thống dựa trên công nghệ đám mây cũng đặt ra một số vấn đề về an ninh và bảo mật dữ liệu. Von Welch, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh mạng thuộc Đại học Indiana (Mỹ), cho rằng thành phố thông minh cũng phải biết cách phản ứng tức thì trước những mối đe dọa an ninh cũng như thu thập thông tin về mã độc tấn công các hệ thống điều hành giao thông.

Liên quan đến tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Cơ quan Tình báo Hàn Quốc (NIS) cho biết, các hacker Triều Tiên đã cố xâm nhập các tài khoản email và hệ thống chung để chuẩn bị cho đợt tấn công lớn nhằm phá hoại hệ thống điều khiển đường sắt Hàn Quốc nhưng bất thành.

Trước đây, Hàn Quốc cũng từng cáo buộc Triều Tiên tấn công mạng hệ thống các nhà máy điện hạt nhân của Hàn Quốc. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã phủ nhận cáo buộc của Seoul. "Động thái này là một bước chuẩn bị để thực hiện hành động khủng bố phá hoại hệ thống điều khiển giao thông đường sắt", NIS cho biết trong thông báo của mình.

Theo thống kê của NIS, hacker Triều Tiên đã thực hiện hàng loạt các cuộc tấn công mạng từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 năm nay. Tin tặc Triều Tiên đã gửi tin nhắn đến hàng chục quan chức cấp cao Hàn Quốc để lừa họ bấm vào những đường dẫn liên kết với phần mềm chứa mã độc. Tuy nhiên, cơ quan này không tiết lộ cụ thể điện thoại của quan chức nào bị tấn công cũng như liệu các tin nhắn bị đánh cắp có chứa thông tin nhạy cảm hay không.

Đầu tuần này, Hàn Quốc tuyên bố sẽ xử phạt 40 cá nhân và 30 tổ chức nước ngoài, trong đó có 37 người và 24 công ty ở Triều Tiên. Đây được xem là một phần trong các biện pháp trừng phạt đơn phương của Seoul nhằm vào Bình Nhưỡng sau những vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa.

Theo đó, Hàn Quốc sẽ cấm giao dịch tài chính với các cá nhân và tổ chức bị liệt kê trong danh sách đen, và tài sản của họ ở nước này sẽ bị đóng băng. Hàn Quốc cũng sẽ cấm mọi con tàu đã từng neo đậu tại cảng Triều Tiên trong 180 ngày trước đó vào cảng Hàn Quốc. Hiện nay chỉ có các tàu của Triều Tiên bị cấm cửa. 

D.S.-Q.H.
.
.
.