Gấu Bắc Cực có thể là chìa khóa giải mã căn bệnh béo phì

Thứ Năm, 30/07/2015, 20:05
Gấu Bắc Cực có thể đưa vào cơ thể một lượng chất béo cao, nếu một người tiêu thụ một lượng chất béo tương tự có thể gây nguy hiểm tới cơ thể. Vì vậy các nhà khoa học cho rằng, nghiên cứu ADN của gấu Bắc Cực có thể giúp con người tìm ra phương pháp chữa bệnh béo phì.

Một nghiên cứu tìm hiểu về ADN của động vật cho thấy, ADN của loài gấu Bắc Cực thích hợp với chế độ tiêu thụ chất béo - thức ăn của chúng thường là hải cẩu, hay bới những xác cá heo chứa đầy chất béo. Một nửa trọng lượng cơ thể của gấu Bắc Cực là chất béo và lượng cholesterol trong máu rất cao, nhưng điều đặc biệt là chúng không hề bị mắc các bệnh về tim mạch.

Hiện nay các nhà khoa học cho rằng, bí mật của loài gấu Bắc Cực nằm ở gene của chúng, một vài gene bị biến đổi liên quan tới sự chuyển hóa acid béo và chức năng của tim mạch. Những gene biến đổi này có vai trò rất quan trọng giúp gấu Bắc Cực có thể thích nghi được với những điều kiện khắc nghiệt ở Bắc Cực, và điều này cũng giải thích tại sao gấu Bắc Cực không bị nghẽn động mạch do chất béo và cholesterol.

Các nhà khoa học hy vọng, nghiên cứu tìm hiểu vai trò của những gene biến đổi này có thể tìm ra những phương pháp giúp con người chống lại bệnh béo phì. Giáo sư Rasmus Nielsen, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ Trường đại học California tại Berkeley, Mỹ cho hay: “Gấu Bắc Cực có hệ gene thích hợp với chế độ ăn uống có hàm lượng chất béo cao. Nếu chúng ta nghiên cứu cấu trúc gene của gấu Bắc Cực, có thể sẽ tìm ra được phương pháp điều chỉnh chức năng sinh học của con người một cách thích hợp".

Loài gấu Bắc Cực.

Tiến sĩ Eline Lorenzen, đồng nghiệp của giáo sư Rasmus Nielsen cho biết: "Đối với gấu Bắc Cực, béo phì không hề có hại cho cơ thể. Chúng ta cần nghiên cứu tìm ra nguyên nhân vì sao cơ thể gấu Bắc Cực lại có thể chịu đựng được lượng chất béo nhiều như vậy".

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell, gấu Bắc Cực xuất hiện từ gần 500.000 năm trước, có tổ tiên là loài gấu nâu. Trước kia, có nghiên cứu cho rằng gấu Bắc Cực xuất hiện từ 5 triệu năm trước. Sau khi tách ra, gấu Bắc Cực tiến hóa theo hướng riêng và nhanh chóng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt của Bắc Cực.

Không chỉ bộ lông chuyển từ màu nâu sang màu trắng, gene cũng biến đổi khiến cơ chế biến nhưỡng và chức năng tim cũng thay đổi. Một loại gene có tên khoa học là APOB có chức năng chuyển hóa cholesterol từ trong máu sang các tế bào trong cơ thể, do đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Theo tiến sĩ người Đan Mạch Eske Willerslev: "Phản ứng di truyền mạnh mẽ của cơ thể tới hàm lượng  chất béo cao và cho lesterol trong khẩu phần ăn trước đây chưa từng được công bố. Phát hiện này sẽ tạo ra một bước tiến lớn trong nghiên cứu mô hình sinh vật, tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch do di truyền".

Các nhà khoa học chủ yếu nghiên cứu về trình tự sắp xếp và phân tích bản đồ gene hoàn chỉnh, giải mã gene của 79 con gấu Bắc Cực từ Greenland và 10 con gấu nâu trên toàn thế giới. Nghiên cứu được tiến hành khi các nhà khoa học ước tính chỉ còn khoảng 20.000 tới 25.000 gấu Bắc Cực, và số lượng này đang giảm dần khi môi trường sống của chúng - vùng Bắc Cực đang bị thu hẹp.

Trái đất đang dần nóng lên, gấu nâu dần di chuyển tới gần hơn vùng phía bắc, và ngẫu nhiên giao phối với họ hàng xa xôi của chúng ở Bắc Cực. Giáo sư Nielsen cho biết: "Quá trình thích nghi của gấu Bắc Cực đối với môi trường khắc nghiệt tại vùng Bắc Cực chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Không chỉ bộ lông chuyển từ màu nâu sang màu xám và thay đổi hình dáng bên ngoài, mà còn thay đổi lớn về sinh lý và sự trao đổi chất.

Văn Nguyễn - T.P. (theo Telegraph)
.
.
.