Biến đổi khí hậu và những thảm họa

Thứ Bảy, 10/11/2018, 10:34
Khi nhiệt độ các đại dương tăng lên do trái đất ấm dần, hàng loạt siêu bão nhiệt đới khủng khiếp trực tiếp đe dọa khu vực Đông Á và vùng ven Đại Tây Dương. Biến đổi khí hậu chính là thủ phạm gây ra ngày càng nhiều siêu bão như Mangkhut với tốc độ gió hơn 330km/giờ và Florence tàn phá Bờ Đông nước Mỹ.

Thiệt hại khổng lồ do cơn bão Mangkhut được đánh giá là mạnh nhất thế giới năm 2018 đến giờ chưa thể tính toán hết. Các nhà khoa học dự đoán nhiệt độ trái đất nóng dần lên có nghĩa là những cơn bão khủng khiếp như thế sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai.

Siêu bão xuất hiện ngày càng dày đặc

Xie Shang-ping, nhà khoa học môi trường Đại học California ở San Diego (Mỹ), cảnh báo: "Nhiệt độ mặt biển ấm lên tạo ra những trận bão nhiệt đới dữ dội hơn. Mùa hè 2018, nhiệt độ mặt biển ấm lên bất thường tại nhiều phần trên thế giới và đây là một phần của xu hướng tăng nhiệt toàn cầu nói chung". 

Đài Thiên văn Hồng Công cho biết những siêu bão ngày càng xuất hiện nhiều hơn kể từ sau năm 2010 - bao gồm Jelawat, Maria, Jebi và Mangkhut. Siêu bão là những trận bão có sức gió tối đa lên đến ít nhất 185km/giờ, tương đương với khoảng 5 trận bão bình thường.

Hồi tháng 5-2018, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ  (NOAA) phát đi cảnh báo khu vực Bắc Đại Tây Dương sẽ chứng kiến mùa bão tố khác mạnh trên mức bình thường trong năm nay, sau một chuỗi cơn bão hồi năm 2017 tàn phá vùng Caribe. Siêu bão Florence tấn công các bang Bờ Đông nước Mỹ được Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) đánh giá là "đe dọa sự sống con người". Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) cho biết, những cơn sóng dâng cao ẩn chứa sức mạnh tàn phá lớn và gây nguy hiểm hủy diệt nhiều nhất của siêu bão Florence. 

Siêu bão Florence đổ bộ vào bang North Carolina (Mỹ) hôm 14-9-2018.

Theo FEMA, sóng dâng cao trong bão Florence giống như một bức tường bằng nước lớn có thể "nuốt chửng" hoặc cuốn trôi đi mọi thứ nằm dọc bờ biển và đe dọa tính mạng của con người. Còn Ken Gramham, giám đốc NHC cho rằng bất cứ cơn bão nào có sóng dâng cao hơn 3,6 mét đều được cho là nguy hiểm chết người.

Xie Shang-ping bình luận: "Nhìn chung, cường độ một trận bão nhiệt đới làm tăng mạnh các yếu tố chết người bao gồm tốc độ gió và lượng mưa. Tuy nhiên, tình hình khu vực còn tùy thuộc vào nhiệt độ mặt biển tăng đến mức nào". 

Choy Chun-wing, chuyên gia thời tiết Đài Thiên văn Hồng Công, cho rằng những trận siêu bão sẽ dồn dập hơn nữa trong những năm sắp tới do "về mặt lý thuyết, khí hậu ấm lên cung cấp năng lượng nhiều hơn cho những trận bão tương lai. Cùng với mực nước biển dâng, những thành phố ven biển như Hồng Công sẽ bị siêu bão nhiệt đới đe dọa trực tiếp". Khi vùng Bán cầu Bắc bắt đầu bớt lạnh đi vào mùa hè năm 2017, nhiệt độ mặt biển tăng sẽ cung cấp nhiệt và hơi ẩm từ nước đến không khí bên trên và từ đó sinh ra bão dữ.

Tác động tiêu cực lên môi trường sống

Trong những năm gần đây, thiên tai đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người đồng thời gây thiệt hại tài sản khổng lồ. Thiên tai tác động bất lợi đến những lĩnh vực phát triển sống còn của con người như là nông nghiệp, thông tin, tưới tiêu, những dự án năng lượng cũng như sự định cư ở thành thị và nông thôn. Ngoài ra, thiệt hại kinh tế do thiên tai không thể tính toán được. Ấn Độ nằm trong số những khu vực dễ bị thiên tai tấn công nhất thế giới gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản.

Trong khi đó, thảm họa thiên nhiên thường ập đến Ấn Độ một cách bất ngờ mà không có bất cứ dấu hiệu cảnh báo sớm nào. Nhìn chung, trong 2 thập niên qua có đến vài triệu người thiệt mạng do các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, lở đất, bão tố… Những trận lũ lụt là một trong những thảm họa thiên nhiên phổ biến nhất xảy ra cho nhiều phần trên thế giới mỗi năm. Ở Ấn Độ, lũ lụt thường xảy ra từ khoảng tháng 7 đến tháng 9 trong năm và gây thiệt hại nặng nề cho nông nghiệp và vật nuôi. Ngoài ra, lũ lụt cũng gây ra nhiều bệnh liên quan đến nước sạch như tiêu chảy, viêm dạ dày - ruột, bệnh vàng da, sốt rét v.v…

Siêu bão Florence gây ngập lụt nghiêm trọng.

Mới đây nhất vào ngày 23-9-2018, một phần bãi biển rộng tới 300 mét tại Inskip Point thuộc bang Queensland (Australia) bất ngờ sạt lở xuống biển do hiện tượng xói mòn. Đây là vụ sạt lở thứ 3 như thế được ghi nhận tại khu vực trong những năm gần đây. Giới chức địa phương cho biết may mắn không có thiệt hại về người hay tài sản. Sở Khoa học và Môi trường Queensland thông báo "nhiều khả năng vụ sạt lở này gây ra bởi những dòng chảy làm xói mòn một số khu vực tại bờ biển".

Năm 2015, khoảng 140 người đã phải sơ tán sau khi một vụ sạt lở xảy ra tại một điểm cắm trại gần Inskip Point, khiến một khu vực rộng 200 mét sụp xuống biển. Sau khi vụ việc xảy ra, giới chức bang Queensland đã tiến hành đánh giá lại mức ổn định về địa chất tại đây và thiết lập một khu vực hạn chế tiếp cận do có nguy cơ sạt lở, xói mòn đất. Một vụ sạt lở khác với quy mô nhỏ hơn tiếp tục xảy ra vào năm 2016. Peter Davies, nhà địa lý học Đại học Sunshine Coast, cảnh báo những vụ sạt lở như vậy nhiều khả năng sẽ còn xảy ra trong tương lai.

Theo NOAA, thiên tai liên tiếp tấn công nước Mỹ năm 2017 - từ cháy rừng, băng giá, lũ lụt và bão - gây thiệt hại tài sản lên đến 306 tỷ USD đồng thời làm chết ít nhất 362 người. Thiệt hại mà các siêu bão gây ra cho nước Mỹ năm 2017 vượt xa năm 2005 (với tổn thất 215 tỷ USD chủ yếu do bão Katrina, Wilma và Rita). Tập đoàn Bảo hiểm Munich Re của Đức cho biết năm 2017 chứng kiến mùa mưa bão tồi tệ nhất, với các trận lũ lụt kỷ lục. Munich Re ra cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng càng khiến cho các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong tương lai.

Theo Munich Re, thiệt hại tài chính do các trận thiên tai trên thế giới trong năm 2017 lên đến 330 tỷ USD, so với mức tương ứng 175 tỷ USD năm 2016 - con số cao thứ 2 trong lịch sử, xếp sau mức thiệt hại do thiên tai toàn cầu năm 2011 và gần gấp đôi mức trung bình 10 năm qua là 170 tỷ USD. 

Siêu bão Florence thực sự là thảm họa: đường dây điện sụp đổ, người dân phải sử dụng máy phát điện, nguy cơ ngộ độc carbon monoxide (CO) tăng cao, rắn nước có mặt khắp nơi, nguy cơ nhiễm trùng và bùng phát dịch bệnh cũng là yếu tố rất đáng lo ngại. Trong nước chứa nhiều hóa chất độc hại như chất tẩy rửa, sơn, hóa chất trong garage, hay thậm chí là các chất do... xác người phân hủy.

Trong cơn bão Harvey năm 2017, rất nhiều người kẹt trong lũ đã bị nhiễm trùng đường ruột, thêm vào đó là da bị mẩn ngứa nghiêm trọng. Ngoài ra, một dịch bệnh lạ do vi khuẩn hiếm gặp cũng bùng phát, khiến hàng trăm người phải nhập viện khẩn cấp. Theo các chuyên gia, các loài vật - như chuột, chồn và một số loại gia súc - có thể là vật chủ lan truyền vi khuẩn. Thông qua nước, mọi người dễ dàng bị nhiễm khuẩn nếu có vết thương hở, hoặc thậm chí đơn giản chỉ là bị nước lọt vào mắt và miệng.

Theo báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA), một đoàn tàu chở đầy butanol bị gió bão quật ngã ngay vùng biên giới giữa Bắc và Nam Carolina. Mặc dù hóa chất không bị rò rỉ, nhưng dầu diesel đã lan ra gây ô nhiễm cả một khu vực. Về sau này, các vùng đất tại đây sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể phục hồi cho các hoạt động nông nghiệp và chăn nuôi. Cuối cùng là những tổn hại về tinh thần. 

Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Jean Rhodes, nhiều nạn nhân phải chứng kiến sự tàn phá dữ dội của cơn bão, sự ra đi của người thân, nhà cửa bị bão lũ cuốn trôi... Những mất mát gây căng thẳng quá nhiều có nguy cơ dẫn đến trầm cảm và rối loạn lo âu sau này.

Hiểm họa băng tan do trái đất ấm dần

Thời gian qua, các chuyên gia khí hậu ghi nhận hiện tượng các thềm băng tại Greenland liên tục vỡ - dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến đại dương khiến mực nước biển dâng cao nhanh chóng. 

Trong nỗ lực đối phó tình trạng nước biển dâng, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã khởi động dự án Oceans Melting Greenland (OMG) với ngân sách 30 triệu USD nhằm nghiên cứu tác động của hiện tượng tăng nhiệt trong lòng nước biển đối với các thềm băng, núi băng ở Bắc Cực và Nam Cực. Thông tin, dữ liệu thu được có thể được áp dụng để nghiên cứu tình trạng tan băng tại các khu vực khác.

Hiện nay, tình trạng tan băng tại Greenland được đánh giá là nghiêm trọng nhất.

Hiện nay, tình trạng tan băng tại Greenland được đánh giá là nghiêm trọng nhất bởi vì lượng băng tan tại riêng khu vực này khiến nước biển tăng gần 1cm mỗi năm - nhiều nhất trên toàn thế giới. Năm 2017, một tảng băng khổng lồ có kích thước tương đương bang Delaware của Mỹ đã tách ra khỏi kệ băng Larsen C của Nam Cực. Và, chỉ vài tháng sau đó, một khối băng khổng lồ khác cũng tiếp tục bị tách khỏi sông băng Pine Island ở Nam Cực. 

Nằm ở phía Bắc Thái Bình Dương, Greenland là nước có tới 10% sông băng của thế giới và đóng một vai trò quan trọng trong biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, do trái đất ấm lên, các con sông băng tại Greenland đang tan nhanh kỷ lục. Hồi tháng 6-2018, một núi băng rộng hơn 6,5km đã tách rời khỏi sông băng Helheim, vỡ thành từng mảng nhỏ, hiện tượng được nhận định là do nhiệt độ nước biển quá cao. Vụ nứt vỡ sông băng Helheim ở Greenland là bằng chứng mới nhất cho thấy biến đổi khí hậu đang ngày một nghiêm trọng hơn.

Một trong những hiệu ứng nổi bật nhất khi trái đất nóng lên đang xảy ra dưới mặt đất ở Hoa Kỳ - tác động này sẽ buộc hàng ngàn người phải tái định cư, đi kèm với những hệ quả toàn cầu không lường được. Khi Trái Đất ấm dần lên và nhiệt độ vào mùa hè lên cao, hiện tượng tan băng càng sâu hơn và lan rộng hơn, khiến nền băng vĩnh cửu bên dưới càng bất ổn định hơn. 

Nếu hiện tượng băng tan tiếp diễn, hệ quả sẽ rất lớn với Alaska và cả thế giới. Gần 90% diện tích bang này nằm trên nền băng vĩnh cửu, điều này có nghĩa tất cả làng mạc sẽ phải tái định cư, cũng như các cấu trúc nhà cửa và đường sá sẽ bị phá hủy. Và nếu trữ lượng băng này tan chảy và giải phóng trữ lượng carbon từ hàng thiên niên kỷ qua, nó sẽ đẩy nhanh hiện tượng nóng lên toàn cầu, vượt quá khả năng kiểm soát của con người.

Khi băng vĩnh cửu tan, nhà cửa, đường sá, sân bay và cơ sở hạ tầng xây dựng trên nền đất đóng băng sẽ bị nứt và thậm chí sụp đổ. Tương tự, cơ sở vật chất dưới mặt đất - như các cơ sở hạ tầng ngầm - cũng phải chịu hệ quả vì nhiệt độ tăng. 

Theo Vladimir Romanovsky, một nửa diện tích bang Alaska và 90% băng vĩnh cửu nơi đây sẽ tan nếu nhiệt độ không khí trung bình toàn cầu tăng 2 độ C. Romanovsky - lãnh đạo Phòng thí nghiệm Băng vĩnh cửu thuộc Viện Địa chất Đại học Alaska ở Fairbanks - đánh giá hiện tượng đặc biệt đáng lo ngại vì một lượng khổng lồ khí carbon hữu cơ bị cô lập trong băng vĩnh cửu và lớp hoạt động trên bề mặt. Một số ước tính cho biết lượng carbon trong băng vĩnh cửu nhiều gấp 2 lần lượng carbon trong khí carbon dioxide trong khí quyển.

Tại Khu Bảo tồn và Công viên Quốc gia Denali ở Alaska, nữ nhân viên kiểm lâm Anna Moore chứng kiến hiệu ứng nóng lên toàn cầu tác động đến động vật hoang dã trong vài năm gần đây. Anna Moore nhận thấy loài thỏ Bắc cực, thường chuyển màu lông từ nâu sang trắng theo mùa có vẻ như không thích nghi kịp vì những biến đổi do nhiệt độ tăng lên, và điều này đặc biệt khiến chúng gặp nguy cơ. 

Moore giải thích: "Vào mùa đông, chúng có màu lông trắng ở đầu sợi lông. Khi thời tiết ấm hơn, tuyết tan nhanh hơn, nhưng cơ thể chúng chưa thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ đủ nhanh và vì thế dù tuyết đã tan, chúng vẫn có màu trắng và dễ gặp nguy hiểm trước những con thú săn mồi hơn".

Diên San (tổng hợp)
.
.
.