Nước mắt nữ học trò giết người yêu trong nhà nghỉ

Chủ Nhật, 12/05/2019, 11:54
Nhiều lần được người yêu hứa hẹn mua quà, Phùng Thị Thanh (sinh năm 1996) lại trốn học để vào nhà nghỉ "tâm sự". Nhưng lần nào cũng thế, thỏa mãn xong là chàng trai lại tìm cớ để thoái thác lời hứa. Lần cuối cùng Thanh không thể nín nhịn. Trong lúc đôi co, cô đã cầm dao trút giận để rồi người thiệt mạng, kẻ phải trả giá bằng bản án 25 năm tù.


Tội lỗi đầu đời

Tôi gặp Phùng Thị Thanh ở Trại giam Quyết Tiến. 5 năm trôi qua đã khiến Phùng Thị Thanh từ một nữ sinh nhỏ nhắn thành một người khác hẳn. Mái tóc dài buộc gọn phía sau giờ được thay thế bằng tóc ngắn ngang vai. Thanh béo tròn và nét mặt già dặn.

Theo hồ sơ phạm nhân, khoảng 12h ngày 4-10-2014, khi Thanh đang ở nhà thì nhận được điện thoại của anh Lê Hải Đ., bạn quen trên facebook rủ đi chơi. Thanh đồng ý và được Hải Đ. hẹn đón ở cổng chợ Giang, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường. Sau khi đón được Thanh, chàng trai này đã đưa cô gái vào nhà nghỉ để "tâm sự". Chuyện đau lòng đã xảy ra khi một bên nhắc lại lời hứa sẽ mua cho nhiều quà nếu được thỏa mãn tình dục, nhưng một bên lại đòi phải quan hệ thêm một thời gian nữa. 

Phạm nhân Phùng Thị Thanh.

Thanh kể rằng, lúc đó nghe bạn trai bảo: "Phải cho vài chục lần nữa mới nhận được quà", Thanh đã rất tức giận, vì cho rằng Hải Đ. có ý coi thường mình. Cô vùng vằng bỏ đi thì Hải Đ. giữ lại và việc đôi co giữa hai người đã xảy ra. Trong lúc tức giận, Thanh nhặt con dao trên bàn đâm nhưng bị bạn trai tóm được tay. Người này đã tát liên tiếp vào mặt Thanh rồi buông lời thóa mạ. Thanh buông dao rồi xông vào vật lộn với Hải Đ. Trong lúc vật lộn, Thanh nhặt được dao, đâm 2 nhát vào ngực Hải Đ., sau đó rời hiện trường khi thấy bạn trai lịm đi trên giường.

"Thực sự lúc nhìn thấy máu, cháu đã rất sợ hãi, nhưng nghĩ tới chuyện bị mọi người biết việc đi nhà nghỉ với bạn trai thì cháu còn sợ hơn", Thanh cúi mặt, lí nhí.

"Thế nên Thanh mới ngăn cản bạn trai chạy ra ngoài kêu cứu phải không?", chúng tôi hỏi. Thanh khẽ gật.

Sau khi gây án, Thanh nhặt dao mang vào nhà tắm rửa sạch và cất trong túi xách. Trước khi rời hiện trường, nữ sinh lục ví của nạn nhân lấy 4 triệu đồng, sau đó phi tang toàn bộ giấy tờ tùy thân, sim điện thoại của bị hại vào bồn cầu hòng xóa dấu vết.

Nhắc lại chuyện cũ, Thanh bảo đến giờ vẫn thấy sợ. Cô bảo, ngày mới bị bắt, cô đã rất sợ hãi tới nỗi, đêm không dám nằm ngủ cho dù hai mắt díp lại. Hình ảnh Hải Đ. nằm lịm đi cứ hiện lên trong đầu khiến Thanh chỉ dám ngồi dựa lưng vào tường, chập chờn ngủ.

"Các chị cùng buồng bảo cháu sợ thì cũng cố mà ngủ, không thì chẳng có sức ra hầu tòa đâu. Họ còn bảo cháu phải cố mà sống để bố mẹ yên tâm nhưng lúc đó cháu sợ lắm. Cứ nhắm mắt lại là trong đầu cháu lại hiện lên những hình ảnh hãi hùng. Cháu không hiểu tại sao mình lại hung dữ như thế", Thanh kể.

Thanh là con gái lớn trong một gia đình buôn bán nên cô chỉ thích ở nhà bán hàng như mẹ. Cô không hứng thú với chuyện học hành nhưng mẹ lại nhất định không cho cô nghỉ học.

Theo lời Thanh thì Hải Đ. không phải người yêu đầu tiên của cô nhưng lại là người đã khiến cô trở thành đàn bà trước tuổi. Người yêu trước, hơn Thanh 5 tuổi, là một thanh niên cùng xã nhưng công tác ở tỉnh ngoài nên rất ít khi gặp nhau.

Thanh rất yêu người này và cả hai đã bàn nhau nếu Thanh đồng ý nghỉ học thì sẽ làm lễ cưới. Tuy nhiên ý định này của Thanh đã bị bố mẹ cô phản ứng dữ dội. Họ không muốn Thanh nghỉ học lấy chồng, mà muốn cô kiếm được một cái nghề để cuộc sống thoát ra khỏi lũy tre làng dù biết học lực của con mình chỉ trung bình.

"Nhiều lần cháu xin nghỉ học, cháu tâm sự với mẹ rằng muốn lấy chồng rồi mở một cửa hàng tạp hóa như mẹ nhưng mẹ không đồng ý. Mẹ bảo muốn cháu được ra ngoài mở mang đầu óc, muốn cháu đi làm nhà nước, sống một cuộc sống nhàn nhã", Thanh kể.

Chia tay mối tình đầu trong sự nuối tiếc và cấm đoán của cha mẹ, sức học của Thanh giảm sút hẳn. Cô bảo rằng khi đó chẳng tha thiết gì học, cắp cặp đến trường để khỏi bị bố mẹ la mắng. Thanh giết thời gian bằng những trò chơi trên mạng và chat chit với những người cô kết bạn trên mạng.

Đó là lý do Thanh quen Hải Đ.. Theo lời Thanh thì Hải Đ. là người từng trải, khéo nói và biết cách bù đắp những thiếu hụt, trống vắng trong Thanh.

Thanh cũng đã dự định, đã mơ ước rất nhiều nhất là khi biết anh này hứa sẽ giúp đỡ cô có việc làm sau khi học xong. Vậy nhưng lời hứa mua quà rồi không thực hiện của Hải Đ. đã làm cô gái trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường như Thanh hẫng hụt để rồi cả hai nhận được kết cục đau lòng.

"Nhắc lại chuyện cũ đau lòng lắm cô ạ. Hôm đó, anh ấy gọi điện rủ cháu đi chơi, hứa mua cho cháu cái thẻ điện thoại. Có 20.000 đồng thôi mà anh ấy không mua lại còn bảo cháu phải đi như thế nhiều lần nữa mới được quà. Câu nói ấy làm cháu tổn thương, thấy mình bị coi thường, rẻ rúng…", giọng Thanh như nghẹn lại. Cô cúi đầu im lặng không nói tiếp nữa.

 Người thiệt mạng vì những lời hứa suông, còn Thanh vĩnh viễn vứt bỏ tuổi học trò hồn nhiên để khoác lên người tấm áo phạm nhân, đánh đổi 25 năm tù về tội giết người và cướp tài sản.

Nhắc đến gia đình chỉ là nước mắt

Thanh kể rằng ngày đầu mới về trại giam Quyết Tiến, cái gì cũng khiến cô lạ lẫm. Từ việc phải thức dậy từ lúc 5 giờ sáng, ăn cơm sáng lúc tinh mơ hay bữa cơm tối diễn ra ngay sau khi đi lao động buổi chiều về, đều quá sớm đối với cô. Thanh bảo, ở trong này, môi trường tập thể nên làm gì cũng phải khẩn trương, nhanh gọn để còn dành chỗ cho người khác. 

"Ở nhà cháu bữa tối bao giờ cũng rất muộn, thường là 21giờ  vì đợi mẹ bán hàng xong, về nhà rồi cả nhà mới ăn cơm. Nhiều hôm vào ngày lễ, tết, khách đông thì mâm cơm được di chuyển ra cửa hàng để cả nhà vừa ăn vừa bán hàng cho khách.

Đội đính cườm trại giam Quyết Tiến nơi Thanh cải tạo lao động.

Chưa khi nào gia đình cháu ăn cơm trước 9 giờ tối cả ", Thanh nhớ lại. Tuy lịch sinh hoạt khác nhiều so với ở nhà nhưng Thanh lại béo hơn mặc dù theo lời cô bé thì cuộc sống trong này cái gì cũng chỉ vừa đủ.

Nhắc đến bố mẹ, Thanh nước mắt lã chã. Nét mặt đau khổ, hối lỗi. Giữa những thổn thức vì ân hận, Thanh cho biết bố mẹ đã chia tay ngay sau khi cô có án. Áp lực dư luận và những chỉ trích về việc nuôi dạy con cái đã khiến bố mẹ Thanh không thể tiếp tục chung sống. Mẹ cùng em gái về nhà ngoại rồi thuê ki-ốt, sống hẳn ngoài chợ. Còn bố Thanh đã lấy vợ khác.

Cô bảo bố giờ lái xe thuê cho một công ty thức ăn gia súc nên những khi chở hàng cho đại lý trên Tuyên Quang lại ghé thăm Thanh. Bố con gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Thanh biết được nhiều thông tin về gia đình, người thân để rồi nhận ra rằng chỉ có một con đường ngắn nhất để chuộc lỗi với mọi người là cải tạo thật tốt để sớm ra trại.

"Bố mẹ cháu chia tay, em gái ở với mẹ, còn em trai ở với bố. Bố lấy vợ, sinh thêm em nữa nên bố càng vất vả. Lần trước bố vào thăm, cháu thấy bố gầy đi nhiều quá, tóc bạc hết cả", Thanh kể.

Cô thú nhận đã khóc rất nhiều khi biết tin bố mẹ bỏ nhau. Thanh thương bố giờ phải nuôi con nhỏ; thương mẹ giờ phải một mình bươn chải và ân hận khi biết tin em gái vì chuyện của Thanh đã nghỉ học giữa chừng.

"Bố vất vả nhưng cũng còn có dì để chia sẻ và tâm sự chứ mẹ thì lặn lội sớm tối một mình, đau ốm cũng chẳng có người nâng giấc. Cháu thương bố nhiều lắm nhưng cứ nghĩ đến mẹ là trong lòng cháu thấy xót xa. Em gái cháu cũng vì không chịu được áp lực dư luận nên nghỉ học ở nhà. Mẹ càng khổ hơn vì vừa lo cho em, vừa lo cho cháu", Thanh kể, nước mắt cứ thế rơi lã chã.

Nhìn Thanh lúc này, chẳng ai bảo đó là cô nữ sinh giết người ngày nào chỉ vì không nhận được cái thẻ điện thoại 20 ngàn đồng. Thanh bảo, ngày ra đứng trước vành móng ngựa, cô không khóc được vì quá sợ và đến giờ vẫn nhớ cái buổi hầu tòa năm ấy.

"Bố mẹ anh ấy không đến mà nhờ luật sư đại diện. Ngoài ra còn có anh em họ hàng của anh ấy tới dự. Họ không chửi bới, không khóc lóc hay hò hét, nhưng ánh mắt họ khiến cháu cảm giác như muôn vàn lưỡi dao cứa vào da thịt mình. Nhớ lại, cháu vẫn rùng mình vì sợ", Thanh tâm sự.

Những lời tâm sự của Thanh khiến chúng tôi có cảm giác đó là lời nói của một người đàn bà từng trải, sau nhiều vấp váp, đau khổ đang sám hối, dằn vặt về tội lỗi của mình. Không còn bóng dáng cô học trò thường trốn học đi chơi, Thanh giờ đây đã biết nghĩ cho cha mẹ, nghĩ cho các em và nhất là gia đình nạn nhân khi bày tỏ mong muốn được "một lần thắp nén nhang xin anh ấy tha tội".

Hẳn là sau giây phút nóng giận bồng bột năm xưa, giờ đây Thanh đã nhận ra cái giá phải trả của mình thật quá sức tưởng tượng. Không chỉ mình cô phải sống cảnh tù tội, tâm tưởng lúc nào cũng dằn vặt, hối hận, mà người thân của cô cũng bị liên lụy.

Hỏi về dự định tương lai, Thanh lại khóc và bảo rằng: "Cháu sẽ cố gắng lao động tốt để năm nào cũng được giảm án, sớm trở về chuộc lỗi với mọi người. Cháu nợ nhiều quá".

Vĩnh Hà
.
.
.