Xem người Ấn “độ” xe tăng Nga

Thứ Hai, 15/07/2024, 10:22

Xe tăng T-90 và T-72 do Nga/Liên Xô sản xuất trong biên chế quân đội Ấn Độ liên tục được nâng cấp bằng các thiết bị do nước này tự chế tạo. Thậm chí người Ấn còn “phối trộn” hai dòng tăng nói trên để cho ra đời một xe tăng mới.

Tập đoàn Xe bọc thép Nigam Limited (AVNL) của Ấn Độ vừa bàn giao lô 10 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S Bhishma Mk-III đầu tiên cho Quân đội Ấn Độ. Lễ bàn giao những chiếc T-90 mới, được tổ chức hồi tháng 5 tại Nhà máy xe hạng nặng (HVF) ở thành phố Avadi, đánh dấu bước đột phá trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm hiện đại hóa quân đội.

Ngày 12/6, một quan chức cấp cao của AVNL nói với tạp chí quân sự Janes rằng những chiếc xe tăng này được sản xuất với sự cho phép của Nga, nước chế tạo dòng tăng chủ lực T-90. Ấn Độ hiện có hơn 1.200 xe tăng T-90S Bhishma, là dòng tăng chủ lực của lục quân nước này. Ngoài T-90S Bhishma, lục quân Ấn Độ còn vận hành xe tăng T-72 do Liên Xô chế tạo và một số ít xe tăng Arjun Mk-1 do Ấn Độ tự thiết kế, sản xuất.

Xem người Ấn “độ” xe tăng Nga -0
Xe tăng T-90S Bhishma.

Năm 2001, Nga và Ấn Độ ký hợp đồng về việc Nga cung cấp lô T-90S đầu tiên, số lượng 310 chiếc, trị giá 1 tỷ USD. Năm 2006 Ấn Độ ký hợp đồng thứ hai trị giá 2,5 tỷ USD về việc sản xuất 1.000 xe tăng T-90 tại Ấn Độ theo hợp đồng chuyển giao công nghệ. Phiên bản T-90S dành riêng cho Ấn Độ là T-90S Bhishma (tên chiến binh huyền thoại từ sử thi Mahabharata của Ấn Độ). Xe tăng có động cơ, đèn hồng ngoại gây nhiễu mới, trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực sản xuất ở nước thứ ba và một số cải tiến khác.

Những cải tiến trên biến thể T-90 mới

Việc sản xuất xe tăng T-90S Bhishma Mk-III là một phần trong hợp đồng chế tạo 464 xe tăng T-90 mới, được quân đội Ấn Độ ký với HVF vào tháng 11/ 2019. Việc giao hàng này là bước đi đầu tiên thực hiện hợp đồng đó. Theo EA Times, đây là lần đầu tiên cái tên T-90S Bhishma Mk-III (gọi tắt là T-90 Mk III) được nói đến và rất có thể tên gọi đó gợi ý đây là biến thể được nâng cấp từ phiên bản T-90S Bhishma ra đời trước đó.

Cho dù bề ngoài của T-90 Mk-III không có gì khác với T-90S Bhishma, một số chuyên gia quốc phòng khi trao đổi với báo chí Ấn Độ tin rằng T-90 Mk-III có thể sẽ được tích hợp một số tính năng tiên tiến, có nhiều hợp phần, linh kiện nội địa hơn. EA Times dẫn lời một nhà quan sát quốc phòng cho rằng những nâng cấp này dự kiến sẽ giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế tác chiến mà T-90S Bhishma gặp phải, đặc biệt là địa hình khó khăn của Ladakh, vùng đất hoang sơ nằm dưới chân dãy núi Himalaya, thuộc bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ.

Việc nâng cấp cũng có thể bao gồm các biện pháp hạn chế hiệu ứng “jack-in-the-box”, một dạng vụ nổ khiến tháp pháo của xe tăng bật tung khỏi khung xe. Hiệu ứng này được đặt tên theo món đồ chơi của trẻ em có tên jack-in-the-box: một con rối bung lên khi nắp hộp bật ra. Khi xe tăng dính một quả đạn của đối phương và hiệu ứng jack-in-the-box xảy ra, kíp lái bên trong xe thường không thể sống sót. Đây được coi là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với kíp lái xe tăng.

Xem người Ấn “độ” xe tăng Nga -0
T-90S Bhishma trong một đợt tập trận.

Quan chức AVNL trong cuộc trò chuyện với Janes nói T-90 Mk-III được trang bị hệ thống theo dõi mục tiêu tự động cập nhật, máy tính đường đạn kỹ thuật số và các hệ thống quan sát mới. Ngoài ra, xe tăng còn có kính ngắm chỉ huy hồng ngoại sóng trung (MWIR), thiết bị quan sát đặc biệt được sử dụng trên xe tăng và các phương tiện quân sự khác, hoạt động dựa trên công nghệ ảnh nhiệt hồng ngoại bước sóng trung. Thiết bị này do hai công ty DRDO và BEL của Ấn Độ cùng phát triển.

Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, kính ngắm này tích hợp thiết bị ảnh nhiệt có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên tới 8 km kể cả ngày lẫn đêm, đi kèm máy đo khoảng cách laser (LRF) xác định chính xác trong phạm vi 5 km. Cải tiến này được cho là giúp xe tăng tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa hơn với độ chính xác cao hơn.

“Với những chỉnh sửa từ phần mềm đường đạn và LRF, chỉ huy xe tăng T-90 có thể phát hiện, giao chiến và vô hiệu hóa mục tiêu với độ chính xác rất cao. Thiết bị ngắm bắn được phát triển trong nước đã vượt qua các bài kiểm tra sâu trong điều kiện thực địa”, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết thêm.

Một số người cho rằng T-90 Mk III được trang bị bộ nạp đạn tự động nâng cấp tương tự như trên xe T-90M trong quân đội Nga, áo giáp được cải tiến, sửa đổi để xe có thể sử dụng các loại đạn xuyên giáp cỡ lớn. Quan chức AVNL tiết lộ 454 chiếc T-90 Mk-III còn lại sẽ được giao cho Quân đội Ấn Độ theo từng giai đoạn trong 5 năm tới. Ngoài ra, HVF đang nâng cấp các xe tăng T-90S hiện có của Quân đội Ấn Độ lên chuẩn T-90MS.

Xe tăng “lai”

Không chỉ cải tiến xe tăng T-90 Bhishma, Ấn Độ còn tìm cách nâng cấp các xe tăng T-72 trong biên chế và ý tưởng là “phối trộn” xe tăng T-72 (phiên bản Liên Xô bán cho Ấn Độ mang tên Ajeya) với xe tăng T-90S Bhishma. Chiếc xe mẫu thật đã được trưng bày tại triển lãm quốc phòng Ấn Độ hồi đầu năm nay.

Xe tăng Nga là trụ cột của lực lượng thiết giáp Ấn Độ. Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine đang diễn ra, Nga đang phải tập trung vào việc duy trì lực lượng xe tăng của chính mình do bị thiệt hại trong chiến tranh, ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ nâng cấp cho nước khác.

Và New Delhi đã đi đến một giải pháp khác, không trông chờ vào Moscow: Quân đoàn Kỹ sư Cơ khí và Điện tử của quân đội Ấn Độ đã kết hợp thân xe T-72 với tháp pháo của T-90, tạo ra một chiếc xe tăng mới được gọi là Atharva. Theo các thông số kỹ thuật được công bố, Atharva nặng 45,8 tấn, nhẹ hơn T-90 (khoảng 46,5 tấn, dao động tùy phiên bản) nhưng nặng hơn T-72. Chiếc xe tăng hybrid này được trang bị động cơ đa nhiên liệu V92S2, công suất 1.000 mã lực. Đây là loại động cơ được thiết kế riêng cho xe tăng T-90.

Xem người Ấn “độ” xe tăng Nga -0
Xe tăng “lai” Atharva.

Xe tăng lai có hỏa lực mạnh hơn T-72 nguyên bản, được tăng cường các giải pháp phòng vệ mới mà cụ thể là áo giáp phản ứng nổ (ERA) do công ty DRDO phát triển, ban đầu dành cho dòng tăng chủ lực Arjun mà Ấn Độ tự thiết kế, chế tạo. Xe tăng Atharva, vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, được trang bị tên lửa chống tăng bắn qua nòng pháo (ATGM). ATGM có tầm bắn lớn hơn so với các loại vũ khí chống tăng truyền thống như súng không giật hoặc súng phóng lựu. Nhờ sử dụng nòng pháo chính, ATGM có độ chính xác cao hơn so với các loại tên lửa chống tăng được phóng từ bệ phóng di động.

Ấn Độ đã mua hơn 1.800 xe tăng T-72M1 từ Liên Xô trong giai đoạn 1982 - 1986. Thiết kế của T-72 có một số thiếu sót cơ bản. Trước hết, tháp pháo là nơi chứa đạn. Nếu xe bị trúng đạn xuyên giáp, tháp pháo thường bật ra và giết chết kíp lái. Quân đội Ấn Độ đã bắt tay vào kế hoạch nâng cấp xe tăng T-72, tuy nhiên hạn chế của tháp pháo khiến kế hoạch này trở nên khó khăn.

Trên xe tăng Atharva, các khiếm khuyết đã được khắc phục bằng cách kết hợp tháp pháo hiện đại của T-90 với khung thân chắc chắn của T-72. Tháp pháo của T-90 cũng có áo giáp composite do Ấn Độ tự phát triển, là hỗn hợp gốm và các tấm chắn mỏng, mang lại cho xe khả năng phòng thủ tốt hơn so với xe tăng T-90S nguyên bản, mẫu xuất khẩu của Nga.

Ngoài T-72M1, quân đội Ấn Độ còn vận hành hai biến thể T-90 là T-90S Bhishma và T-90SM. T-90 được lựa chọn thay vì xe tăng Arjun là vì quân đội Pakistan, đối thủ “không đội trời chung” có trong tay xe tăng T-80 do Ukraine sản xuất.

Một lý do khác khiến xe tăng T-90 được quân đội Ấn Độ lựa chọn vì nó là sản phẩm kế thừa trực tiếp các thiết kế xe tăng T-72. Trên thực tế, những chiếc T-72 được sử dụng ở Ấn Độ có hầu hết các bộ phận được sản xuất trong nước. Ít nhất 60% các bộ phận của T-72 tương đồng với T-90. Điều này giúp việc bảo trì, sửa chữa, vận hành và đào tạo các kíp lái mới thuận lợi, dễ dàng hơn.

New Delhi đã theo dõi chặt chẽ màn thể hiện của xe tăng T-90 ở Chechnya trong những năm 1990. Vào thời điểm đó, Ấn Độ cần một chiếc xe tăng tốt. Pakistan khiến Ấn Độ bất ngờ khi mua 320 xe tăng T-80UD từ Ukraine.Và thực tế này đã dẫn đến các hợp đồng mua T-90 với điều kiện Nga cần cải tiến theo các yêu cầu cụ thể của phía Ấn Độ.

Các điều chỉnh này liên quan đến thực tế tác chiến của quân đội Ấn Độ. Họ đã có một số trận chiến xe tăng ở mặt trận phía tây với Pakistan. Tại Ladakh, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc, các xe tăng hạng nặng T-72 đã được đưa vào trực chiến.

Xem người Ấn “độ” xe tăng Nga -0
Xe tăng Ấn Độ huấn luyện trên cao nguyên Ladakh.

Tích hợp thiết bị mới

Năm 2016, Ấn Độ triển khai hơn 100 xe tăng tới tiền tuyến ở Ladakh, nằm dọc theo đường kiểm soát thực tế (LAC), ranh giới ngăn cách lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát với lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát. Khu vực Ladakh có điều kiện địa hình, thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ có thể giảm xuống - 45 độ C. Độ cao lớn cũng khiến vận hành xe tăng khó khăn. Quân đội Ấn Độ sử dụng chất bôi trơn và nhiên liệu đặc biệt để đảm bảo xe tăng hoạt động và ít nhất hai lần mỗi đêm, động cơ được khởi động để các hệ thống vận hành ổn định.

Các xe tăng T-90, T-72 và xe thiết giáp chở quân BMP-2 đã được triển khai trên biên giới từ năm 2020 sau cuộc đụng độ giữa lính Trung Quốc và lính Ấn Độ, theo EA Times. Không giống xe tăng Arjun vốn lý tưởng cho điều kiện nóng bức ở vùng đồng bằng Ấn Độ, xe tăng T-90MS được thiết kế để phù hợp với điều kiện lạnh giá, khắc nghiệt trên biên giới Ấn - Trung. Để nâng cao khả năng hoạt động của T-90 trong điều kiện khắc nghiệt, quân đội Ấn Độ đã cho tích hợp thiết bị theo dõi mục tiêu tự động (ATT) và máy tính đường đạn kỹ thuật số (DBC) lên xe tăng T-90 từ tháng 11/2023.

ATT nâng cao độ chính xác bằng cách tự động theo dõi các mục tiêu đang di chuyển, giảm sự phụ thuộc vào dự đoán của xạ thủ và tăng độ chính xác, đặc biệt là trong các tình huống chiến trường gấp gáp. DBC tự động hóa việc tính toán quỹ đạo bay, giảm bớt khối lượng công việc của xạ thủ và nâng cao độ chính xác khi bắn.

Để nâng cao khả năng kết nối mạng, quân đội Ấn Độ đã lắp đặt 400 đài vô tuyến điều khiển bằng phần mềm (SDR) do công ty trong nước có tên Alpha Design Technologies chế tạo lên xe tăng T-90 từ tháng 7/2023. SDR tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu giữa các xe tăng, nâng cao nhận thức về tình huống của người chỉ huy. Xe tăng T-90 Mk-III cũng có thể được tích hợp những thiết bị điện tử này.

Nguyễn Xuân Thủy
.
.
.