Tình báo phương Tây trong Cách mạng Malaysia

Thứ Hai, 26/12/2022, 08:48

Một thế kỷ qua đã chứng kiến những ví dụ sự lặp đi lặp lại và đáng chú ý về việc các cường quốc phương Tây đã thất bại trong việc chống lại các phong trào kháng chiến. Sự hiểu biết phổ biến về chống nổi dậy được cho là không theo kịp các cuộc chiến. Xem xét các sự kiện như thế dưới một lăng kính là điều hết sức cần thiết cho tương lai. Khi làm như vậy thì các nhân tố quan trọng sẽ nổi lên nhằm giúp giải thích tại sao những chiến dịch này lại thành công trong khi những thứ khác lại thất bại.

Khởi nguồn cuộc chiến

Đó là cuộc chiến kéo dài 12 năm, từ năm 1948 đến năm 1960. Đảng cộng sản Malaysia (MCP) đã thực hiện cuộc cách mạng, trong khi Quân giải phóng quốc gia Mã Lai (MRLA) – nhân tố vũ trang – đã chiến đấu chống lại thực dân.

Tình báo phương Tây trong Cách mạng Malaysia -0
Một liên lạc viên người Malaysia cung cấp tin cho viên trung sĩ Anh của đội tuần tra bộ binh. Ảnh nguồn: IWM.

Bên cạnh đó, quân đội kháng Nhật của nhân dân Malaysia (MPAJA) được hình thành từ cội nguồn MCP. MCP đã hợp pháp hóa cuộc chiến đấu của họ bằng cách mô tả cuộc khởi nghĩa thành chiến tranh giải phóng, giống như cách mà MPAJA mô tả chính họ. Trong suốt Đại chiến thế giới 2 (Thế chiến II), quân đồng minh cung cấp cho MPAJA hàng tấn vật tư để quấy rối quân Nhật vốn đã chiếm bán đảo Malaysia từ năm 1942. Sau khi Malaysia bị tái thiết lập quyền cai trị thuộc địa vào năm 1945, MPAJA tự cải tổ thành MCP.

Ngay khi cải tổ xong, MCP lập tức phát động chiến dịch gây bất ổn cho chính quyền thực dân mới được thành lập. Các hoạt động này bao gồm kích động lao động (kích động công nhân bãi công, biểu tình), xâm nhập vào các công đoàn (nhằm lôi kéo các cảm tình viên) và tiến hành các cuộc tấn công địch quy mô nhỏ. Những cuộc tấn công leo thang và chính quyền thuộc địa buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 3/8/1948 dưới áp lực của giới tinh hoa chính trị.

Tình trạng khẩn cấp đã hình thành trong hoàn cảnh đó. MPC và MRLA hầu như không nhận được sự hậu thuẫn của người dân. Sự ủng hộ của họ dựa chủ yếu vào cộng đồng người gốc Hoa vốn chiếm xấp xỉ 38% dân số Malaysia. Phần lớn các thành phần Hoa kiều này là những di dân, họ đã rời bỏ các thành phố đông đúc dân cư để vào rừng rậm trong suốt thời kỳ Nhật chiếm đóng. Nhờ sự hỗ trợ này mà MRLA đã có thể tiến hành các hoạt động chiến tranh du kích của họ suốt một thời gian dài, cách xa các trung tâm kiểm soát của chính phủ thực dân.

Tuy vậy, sự ủng hộ của giới Hoa kiều cho MCP hầu như không mấy phổ biến. Tầng lớp tinh hoa người Hoa thống trị nền kinh tế Malaysia lúc đó. Thêm nữa, nhiều người Hoa ra mặt ủng hộ những người theo chủ nghĩa dân tộc. Khoảng cuối năm 1955, MCP nhận thức rằng hoạt động kháng chiến là vô vọng khi mà các lực lượng Thịnh vượng chung đã ngăn không cho MRLA thành lập các đơn vị thông thường để có thể thắng được chiến cuộc. Các ấp chiến lược đã cô lập quân kháng chiến tại những khu đô thị đông đúc.

Thông tin bị làm giả và những chương trình phúc lợi xã hội bị dàn dựng tinh vi đã khiến người dân Malaysia chống lại MCP. Tất cả những điều này là nhờ vào hoạt động thu thập, phân tích và sử dụng tình báo. Đến năm 1960, mối đe dọa từ MRLA đã giảm đi rõ rệt khiến kết thúc Tình trạng khẩn cấp. Không có chiến trường, không có kết thúc. MCP và MRLA dần khô héo và chết. Trong suốt 12 năm, có 6.710 quân du kích hy sinh.

Tình báo phương Tây trong Cách mạng Malaysia -0
Nhóm binh sĩ từ Trung đoàn dịch vụ hàng không đặc biệt số 22 được hướng dẫn cách đưa trực thăng vào một cánh rừng thưa ở Ulu Langat gần Kuala Lumpur.  Ảnh nguồn: IWM.

Hoạt động tình báo đan xen

Dù cuối cùng cũng thành công nhưng lực lượng tình báo èo uột đã cản trở những hoạt động buổi đầu của chế độ thực dân ở Malaysia, mà Anh đóng vai trò chỉ huy. 3 năm chiến đấu đầu tiên đã khiến người Anh đại bại nặng nề. Đáng sợ nhất là thông tin tình báo đã không lường trước được sẽ có cuộc cách mạng, kết quả là không hề có biện pháp phòng ngừa nào được triển khai.

Các dự báo ban đầu sau khi hoạt động du kích còn mang tính lạc quan, chểnh mảng và vì lẽ đó người Anh đã không chuẩn bị đủ nguồn lực cần thiết. Tổn thất của quân cách mạng trên chiến trường đã nhanh chóng được thay thế. Những vụ tấn công mục tiêu có chủ đích của quân du kích nhắm vào các viên chức cảnh sát đã làm tê liệt những hoạt động thực thi chấp pháp trên toàn bán đảo. Tình hình chỉ sáng sủa với lực lượng thực dân cầm quyền khi Trung tướng Harold Briggs (một sĩ quan cấp cao của quân đội Ấn Độ thuộc Anh) đến Malaysia trong năm 1950.

Rất nhanh chóng, Tướng Briggs nhận ra rằng tình báo trong sân khấu Đông Nam Á rất kém và ngay lập tức hoàn thiện nó. Buổi ban đầu có 2 khối được cải tổ là Tình báo của thực dân Anh và Nhánh đặc biệt (SB, một đơn vị chuyên biệt trực thuộc cảnh sát đô thành London) và những đơn vị tình báo quân sự khác. Tới tháng 5 năm 1950, một ủy ban cố vấn có chức năng chia sẻ thông tin tình báo đã được thành lập.

Đến tháng 8 trong cùng năm này, vị trí Giám đốc tình báo đã được thành lập với công việc chuyên trách là điều phối các hoạt động thu thập tình báo. Người đứng đầu SB sẽ ngồi vào chiếc ghế này. Tới năm 1952 khi lên cầm quyền thay thế cho tướng Harold Briggs, Thống chế Gerald Templer (ông này từng tham gia vào việc dập tắt cuộc kháng chiến của người Arab ở Palestine) cũng tiếp tục nỗ lực này. Dưới góc nhìn hết sức thận trọng của ông Templer, tình báo đã trở thành “ưu tiên hàng đầu và tuyệt đối”.

Thống chế Templer ngay lập tức tách vị trí giám đốc tình báo ra khỏi SB, đồng thời cấp thêm nhiều quyền hạn khác cho chức năng này. Sự thay đổi này có 2 tác động đáng chú ý: Thứ nhất, nó cho phép SB tập trung sâu hơn vào các hoạt động tình báo chống lại MCP. Thứ hai, nó cho phép giám đốc tình báo nhận được sự hậu thuẫn tốt hơn từ các lực lượng thực dân Anh trong các vai trò cụ thể của họ, đồng thời cho phép phân tích kỹ hơn về thông tin được thu thập.

Cũng cần nói qua về Nhánh đặc biệt (SB). Vai trò của SB đã được mở rộng bởi Briggs và Templer. Là một nhánh tình báo trực thuộc lực lượng cảnh sát đô thành London, SB có vai trò hết sức quan trọng. SB đã đi đầu trong việc thu thập thông tin tình báo về cả MCP lẫn MRLA. Trung tướng Briggs đã bố trí nhân viên thường trực cho các thành viên SB trực thuộc Hội đồng khẩn cấp chiến tranh của quận và bang (SDWEC), là các cơ quan chỉ huy của những thành viên thuộc cỗ máy chiến tranh của thực dân Anh.

Điều này giúp tăng cường đáng kể sự điều phối ăn ý giữa cảnh sát và quân đội. Thêm vào đó, các sĩ quan liên lạc quân sự của thực dân sẽ trực thuộc vào các văn phòng SB để cung cấp các lực lượng thực địa về thông tin tình báo chính xác và thời gian thực của đối phương, cho phép hành động chiến thuật nhanh chóng nhất. Ngoài ra các đội thẩm vấn SB đã sử dụng lính kháng chiến bị bắt làm tù binh để khai thác.

Thêm nữa SB đã mua chuộc những người bị bắt giữ để họ quay sang cung cấp tin về những đồng đội của mình. Khi đó niềm tin của người dân vào các lực lượng thực dân tăng lên, cùng lúc SB tạo ra một mạng lưới chỉ điểm. Chính những thay đổi rốt ráo này đã làm nên sự thành công của thực dân trong chiến cục ở Malaysia. Những cuộc tuần tra của cảnh sát đã thu thập thông tin tình báo trên mặt đất và xua đuổi quân kháng chiến ở các vùng nông thôn.

Những phân tích kết hợp với những thông tin tình báo cấp cao hơn do SB lấy được từ các hoạt động của MCP và MRLA, những nỗ lực này đã cho phép nhắm mục tiêu chính xác vào các hoạt động của lực lượng nổi dậy để từ đó tiêu diệt hoặc bắt sống một lượng lớn quân kháng chiến. Ngoài ra còn có các hoạt động linh hoạt như di chuyển dân ra khỏi các vùng dân cư bị nghi có MCP đóng căn cứ hoạt động.

Tình báo phương Tây trong Cách mạng Malaysia -0
Pháo dã chiến 25 pounder thuộc lực lượng Pháo binh hoàng gia Anh đóng bên ngoài một ngôi làng Malaysia.  Ảnh nguồn: IWM.

Chiến tranh du kích ở Malaysia đã thất bại ra sao?

Rõ ràng thì tình báo không phải là lý do duy nhất làm nên sự thành công của các lực lượng thực dân ở Malaysia, mà đó là thao tác làm việc ăn khớp của các nhóm với nhau. Bằng cách ngăn chặn phạm vi tiếp cận và khả năng gây hại của quân kháng chiến, tình báo đã trao cho giới chức thực dân nhiều thông tin đắt giá về khoảng thời gian để thực hiện những cải cách chính trị cần thiết.

Để dập tắt hoạt động kháng chiến của du kích Malaysia, trung tướng Harold Briggs đã đưa ra 4 sáng kiến đáng lưu ý: 1) Tách quân cách mạng ra khỏi nhân dân. Theo đó các lực lượng chính phủ Malaysia đã di dời 500.000 dân đến những thôn làng mới được canh phòng nghiêm ngặt hơn; 2) Chính thức hóa việc quản lý quân kháng chiến thông qua việc phân rõ quyền hạn người đứng đầu các địa phương; 3) Củng cố và kiện toàn SB (như đã để cập ở trên); 4) Triển khai lực lượng an ninh trên cơ sở lãnh thổ.

Trái ngược với những trận càn của lính lực lượng thực dân tại những vùng nông thôn, trung tướng Briggs nhấn mạnh việc đồn trú của các lực lượng nhỏ hơn ở các khu vực hành chính. Ông cũng tăng cường lực lượng dân quân và an ninh tại các địa phương.

Thống chế Templer cũng tiếp tục thực hiện thêm những sáng kiến này, nhờ vậy mà đã thay đổi cục diện chỉ trong vòng 4 năm. Tuy vậy cũng phải khẳng định một điều rằng, chỉ mình biện pháp quân sự thì không thể chiến thắng được quân du kích Malaysia.

Năm 1955, quay trở lại chế độ dân sự. Đến năm 1957 chính thức trở thành một nhà nước Malaysia độc lập. Chính phủ mới ban lệnh ân xá cho những người kháng chiến đã tự quy hàng. Sự kết thúc của chế độ thuộc địa đã tước đoạt MCP một trong những công cụ hùng biện mạnh mẽ nhất chiêu nạp thành viên. Nền độc lập non trẻ mới giành được đã tiếp thêm sinh lực cho người Malaysia và người Hoa.

Văn Chương (Tổng hợp)
.
.
.