Tình báo Nhật Bản trong vụ tấn công Trân Châu Cảng

Thứ Hai, 11/07/2022, 09:10

Cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng vào ngày 7 tháng 12 năm 1941 đã khiến người Mỹ cùng dàn chỉ huy Lục và Hải quân của nước này đóng quân ở Hawaii hết sức bất ngờ. Người Nhật đã chuẩn bị kỹ lưỡng suốt một thời gian dài cho cuộc tấn công. Tình báo Nhật thật lợi hại, còn người Mỹ thì không.

Năm 1931, Nhật xâm lược Mãn Châu (khi đó là một khu vực giàu tài nguyên của Trung Quốc) và tạo ra nhà nước bù nhìn có tên Mãn Châu Quốc (từ năm 1934 trở đi có tên gọi là Đại Mãn Châu Đế Quốc với hệ thống chính trị lập ra bởi các cựu quan đại thần Thanh triều). Trước sự chỉ trích của phương Tây về những hành động tàn bạo của mình, quân phiệt Nhật đã rút lui khỏi Hội Quốc Liên (một tổ chức liên chính phủ tiền thân của Liên hợp quốc, được thành lập vào ngày 10 tháng 1 năm 1920 theo sau Hội nghị hòa bình Paris nhằm kết thúc Thế chiến I).

Mối bang giao với Hoa Kỳ mà Nhật Bản là đối tác thương mại lớn đã dần xấu đi trông thấy sau khi bắt đầu Chiến tranh Trung – Nhật lần hai vào năm 1937. Khoảng năm 1941, Mỹ đã cấm các công cụ máy móc và sắt vụn cũng như tịch thu các tài sản của Nhật, đóng cửa hải cảng Mỹ làm ngừng thông quan tàu bè Nhật, và đến tháng 7 năm đó là ngừng xuất khẩu xăng dầu sang Nhật. Trước đó Nhật nhập tới 85% xăng dầu từ Mỹ.

Từ thành công của mạng lưới gián điệp

Năm 1934, Nhật Bản đã thành lập một chiến dịch gián điệp tích cực chống lại Mỹ. Các vòng gián điệp Nhật thực sự hoạt động ở bờ biển phía Tây Hoa Kỳ và cả ở Hawaii. Năm 1935, những nhà phân tích mật mã của hải quân Mỹ đã phá vỡ một số mật mã của người Nhật bao gồm mã của tùy viên hải quân, “vạch mặt 2 điệp viên là Harry Thompson, thư ký của bộ Hải quân Mỹ, và John Semer Fransworth, cựu trung tá chỉ huy”.

Harry Thompson là một cựu sĩ quan Yeoman Hải quân (Yeoman hiểu nôm na là bộ phận lâu đời nhất trong hải quân Hoa Kỳ (ra đời năm 1794). Trong lịch sử thì các Yeoma chịu trách nhiệm trông nom nhà kho cho các pháo thủ, thợ mộc và người lái tàu. Khi các con tàu chuyển đổi từ buồm sang hơi nước, các yeomen trở thành đội ngũ kỹ sư của tàu. Trong hải quân hiện đại, Yeoman là một quân nhân nhập ngũ thực hiện đa dạng các mảng công việc từ quản trị hành chính cho đến các công việc văn thư). 

Được chiêu mộ vào năm 1934 bởi Trung tá chỉ huy Toshio Miyazaki (người từng có vỏ bọc của một sinh viên trao đổi ngôn ngữ Nhật) Thompson đã bị thuyết phục sử dụng đồng phục của mình để ghé coi nhiều con tàu neo đậu ở hải cảng San Diego vốn là cảng chính của hải quân Mỹ khi đó. Thompson âm thầm thu thập thông tin tình báo về khả năng của các con tàu cùng kỹ thuật, pháo binh, thông tin chiến thuật, và thủy thủ đoàn. Anh ta được người Nhật trả công 500 USD cùng khoản lương tháng 200 USD (thị giá năm 2019 là 9375 USD và 3750 USD).

Không may cho Harry Thompson là khi đó giám đốc Văn phòng tình báo hải quân Mỹ (ONI) đã tỏ ra hết sức để tâm tới cái gọi là “những sinh viên ngôn ngữ” như Toshio Miyazaki. Sự hoài nghi của ông dần thành sự thật khi các thông điệp mã hóa vô tuyến của các tùy viên Nhật bị chặn và giải mật. 

Tình báo Nhật Bản trong vụ  tấn công Trân Châu Cảng -0
Điệp viên Harry Thompson bị người Nhật mua chuộc. Ảnh nguồn: Hyperleap.

Thompson bị tóm cổ vào tháng 3 năm 1936, bị kết án và tuyên 15 năm “bóc lịch” sau khi Toshio Miyazaki về lại Nhật Bản. Lại nói đến John Semer Farnsworth, người này làm gián điệp cho Nhật từ năm 1933 đến năm 1937. Do hoàn cảnh thiếu thốn, người này đã “tái liên lạc với những cộng sự cũ để thu thập tài liệu.” Farnsworth vớ được ấn phẩm “Dịch vụ thông tin và an ninh”, trong đó có đề cập đến “những kế hoạch về thông tin chiến đấu và chiến thuật được thu thập từ những cuộc diễn tập thực tế và được kiểm tra bởi các quan chức hải quân Mỹ cấp cao”.

Những hoài nghi nổi lên xoay quanh việc mờ ám mà Farnsworth làm đã khiến y bị sờ gáy vào tháng 2 năm 1937. Tòa ra phán quyết rằng Farnsworth và những người khác đã lén lút liên lạc và truyền tải cho một chính phủ nước ngoài (Nhật Bản) đối với các bài viết, sách mã, hình ảnh và những kế hoạch có liên quan đến phòng thủ quốc gia nhằm mục đích sử dụng chúng để gây thương tích cho Hoa Kỳ”.

Farnsworth đã làm tổn hại các khả năng pháo binh của mọi chiến hạm Mỹ. Sự công khai hoạt động gián điệp Nhật Bản vốn đã được xây dựng suốt hơn một thập niên. Năm 1922, tình báo Nhật đã chiêu mộ một điệp viên Anh, Hải đội trưởng Frederick Joseph Rutland, một chuyên gia về hàng không tàu sân bay.

Sau khi chuyển tới Nhật Bản vào năm 1924 và cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật (vốn rất quan trọng đối với tàu sân bay), Joseph Rutland bắt đầu làm việc cho tình báo hải quân Nhật Bản ngay từ năm 1932. Trở lại London trong năm 1933, Joseph Rutland được người Nhật giao nhiệm vụ nhắm vào bờ Tây Hoa Kỳ bằng cách sử dụng lớp vỏ bọc thương mại. Mãi tới tháng 9 năm 1939, FBI mới được người Anh chính thức thông báo về hoạt động gián điệp của Joseph Rutland, mặc dù có thể người Mỹ biết về ông ta từ năm 1935.

Joseph Rutland được mô tả là “đầu não của hệ thống gián điệp Nhật ở Bắc Mỹ” và đặt dưới sự giám sát chặt chẽ. Bị đe dọa truy tố ở Mỹ, tháng 10 năm 1941, Joseph Rutland quay lại Anh và bị người Anh bắt giam chỉ 1 ngày sau khi diễn ra vụ tấn công Trân Châu Cảng. Nên biết năm 1941, FBI và Oni đã nỗ lực thực hiện hoạt động điệp viên hai mang để chống lại người Nhật.

Từ giữa tháng 3 đến tháng 6 năm 1941, liên hoạt động tình báo Anh-Mỹ đã nhắm vào một vòng gián điệp Nhật và bắt giữ 13 điệp viên hoạt động ở Bờ Tây và Hawaii. Một mẹo quan trọng đã được đưa ra vào tháng 3 năm đó là khi Al Blake (công dân Mỹ) nói với ONI ở Los Angeles rằng một người quen cũ của anh ta là Torachi Kono từng đề nghị mình làm gián điệp cho Nhật… Theo đó người Nhật giao việc cho Blake là thu thập tình báo về Trân Châu Cảng.

Tình báo Nhật Bản trong vụ  tấn công Trân Châu Cảng -0
Trung úy Takeo Yoshikawa của Hải quân đế quốc Nhật Bản nhận lệnh bổ nhiệm đến lãnh sự quán Nhật ở Honolulu để hoạt động gián điệp. Ảnh nguồn: HistoryNet.

Ban đầu, Al Blake được trả thù lao 2.500 USD và sau đó tăng lên 5.000 USD khi giao các thông tin tình báo có giá trị (tương đương thị giá USD năm 2019 là 45.000 USD và 90.000 USD). Thông qua một cú điện thoại, các điệp viên ONI biết được rằng người Nhật có ý đồ muốn hạ thủ Blake và báo trước cho anh ta. Torachi Kono bị tóm vào tháng 6 năm 1940 cùng với chỉ huy Itaru Tachibana, người điều hành một toán điệp viên.

Theo sau vụ bắt giữ này và việc Tokyo dọa sẽ bắt giữ các viên chức quân sự Mỹ ở Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị luật sư ở Los Angeles không truy tố vụ án, thay vào đó toàn bộ các bị cáo được cho phép rời Mỹ trở về Nhật. Các nỗ lực gián điệp của người Nhật đã được lên kế hoạch tỉ mỉ và đã hoạt động nhịp nhàng ở Mỹ vài năm trước khi chuyển một lượng lớn nội dung tình báo cho chính quyền Tokyo, trong đó là việc biên soạn 200 trang tài liệu về hải quân Mỹ và những khả năng của lực lượng này.

Mặc dù FBI và ONI đã triển khai vài hoạt động gián điệp Nhật, nhưng một cơ hội trời cho đã bị bỏ lỡ. Số là điệp viên hai mang người Anh, Dusko Popov, đã được Abwehr (Cơ quan tình báo quân sự Đức Quốc xã tồn tại trong giai đoạn 1920 tới 1945) biệt phái tới Mỹ vào tháng 8 năm 1941 để nhằm thiết lập một mạng lưới gián điệp.

Các yêu cầu thu thập tình báo của Popov có thể bao gồm Trân Châu Cảng. Không may là J. Edgar Hoover (người thường tỏ ra mâu thuẫn với tình báo Anh) đã loại bỏ Popov như một “điệp viên hai mang không đáng tin cậy, vô đạo đức, tuyệt đối chớ đề cao hắn ta”. Đáng lý người Mỹ phải thông minh hơn một chút để đặt câu hỏi vì sao người Đức lại quan tâm nhiều đến Trâu Châu Cảng?

Tình báo Nhật Bản trong vụ  tấn công Trân Châu Cảng -0
Trung úy Frederick Joseph Rutland bị tình báo Nhật mua chuộc làm nội gián. Ảnh nguồn: BattleofJutlandcrwlists. miraheze.org.

Honolulu sôi động

Khi chiến tranh đang lan rộng ở Châu Âu, vào đêm ngày 11 tháng 11 năm  1940, Hải quân hoàng gia Anh đã phát động một tàu sân bay tấn công ngư lôi vào hạm đội Ý trên vịnh Taranto (Đông Nam Ý). Vịnh này nước khá nông vì thế quân Anh đã tinh chỉnh ngư lôi của họ không lặn quá sâu để đụng đáy. Cuộc tấn công đã gây ra thiệt hại nặng nề cho hạm đội Ý.

Sau đó một phái đoàn Nhật đã bỏ công nghiên cứu về cuộc tấn công vịnh Taranto và nó là minh chứng cho tác động của hàng không hải quân cũng như việc dùng một loại ngư lôi cải tiến. Lại nói đến hoạt động gián điệp đầy gay cấn. Tháng 3 năm 1941, Trung úy Takeo Yoshikawa của Hải quân đế quốc Nhật Bản nhận lệnh bổ nhiệm đến lãnh sự quán Nhật ở Honolulu. Takeo Yoshikawa (thường có bí danh là “Tadashi Morimura”) kỳ thực là một điệp viên.

Từng là một phi công tập sự, Yoshikawa đã mất 4 năm để nghiên cứu chi tiết về hải quân Hoa Kỳ và học tiếng Anh trôi chảy trước khi đặt chân tới Hawaii. Yoshikawa đã trinh sát hầu hết các căn cứ quân sự Mỹ trên đảo O’ahu nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là Trân Châu Cảng. Yoshikawa ngụ trong một căn hộ hướng mặt ra Trân Châu Cảng, thuê vài máy bay nhỏ, đi tàu kéo ở bến cảng của hải quân, bơi nhiều vòng và lái quanh đảo.

Youshikawa chủ yếu dựa vào trí nhớ của mình, tuyệt nhiên không viết gì ra giấy để có thể bị phát giác, cố gắng mô tả cách bố trí của các cơ sở, mô hình các hoạt động quân sự, và điểm neo đậu của các tàu bè trong cảng. Anh ta cũng báo cáo chi tiết về độ sâu của cảng. Yoshikawa hợp tác với các điệp viên Abwehr (Đức Quốc xã) tại Honolulu là Otto và Friedel Kuehn, những người giúp cung cấp tin tình báo về Trân Châu Cảng từ năm 1936 đến năm 1941.

Tình báo Nhật Bản trong vụ  tấn công Trân Châu Cảng -0
Các quả ngư lôi Koku Gyrori Lớp 91 của hải quân Nhật dùng để tấn công Trân Châu Cảng. Ảnh nguồn: Quora.

Mặc dù Takeo Yoshikawa bị tình nghi làm gián điệp và bị mật vụ Mỹ theo đuôi, nhưng họ không sao tìm ra bất kỳ bằng chứng nào tố cáo người này hoạt động gián điệp để trục xuất anh ta. Mặt khác, tình báo tín hiệu (Sigint) của Nhật Bản cũng là chuyện đáng lưu tâm. Theo đó, người Nhật vận hành một trạm phát hiện hướng vô tuyến (RDF) đặt trên đảo Kwajalein (đây từng là một trong các đảo cũ của Đức Quốc xã ở Thái Bình Dương và trao cho Nhật ngay sau Thế chiến I) có thể theo dõi máy bay Mỹ hoạt động ở Hawaii.

Bằng cách nắm bắt các tuyến đường tuần tra, người Nhật có thể nhận ra những lỗ hổng trong phạm vi bao quát và chúng giúp ích trong việc lập kế hoạch: tiếp cận Trân Châu Cảng. Thêm nữa, người Nhật cũng đã đạt được một số thành công trong việc đọc được các mã ngoại giao Mỹ. Đến tháng 11 năm 1940, từ Mexico, quân phiệt Nhật cũng phái một đội đánh chặn tín hiệu nhắm mục tiêu vào hải quân Mỹ.

Nói tóm lại, tình báo Nhật Bản đã đóng góp đáng kể vào thành công của cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Từ hướng Tây Bắc Thái Bình Dương, các hạm đội máy bay Nhật đã tiếp cận mà không bị phát hiện, một khu vực tìm kiếm hướng vô tuyến vốn hiếm khi được máy bay Mỹ tuần tra. Các mục tiêu đã được xác định rõ ràng thông qua công tác do thám của trung úy Takeo Yoshikawa cho đến ngày 6 tháng 12 năm 1941.

Các quả ngư lôi Koku Gyrori Lớp 91 đã được người Nhật sửa đổi đã phát huy hiệu quả cao trong việc đánh bại các chiến hạm đang neo đậu trong những vùng biển nông gần hòn đảo Ford (Oahu, Hawaii). Hai mươi năm sau luận chứng gây tranh cãi của Tướng Billy Mitchell (1879-1936, cha đẻ của lực lượng không quân Hoa Kỳ), các oanh tạc cơ bổ nhào của hải quân Nhật đã cho thấy tính hiệu quả của các quả bom xuyên phá trên thiết giáp hạm. Tình báo Nhật Bản đã gây nên thất bại hải quân lớn nhất mà Hoa Kỳ từng phải hứng chịu.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.
.